Trang chủ

WORKSHOP “TRI THỨC ĐIỀN DÃ VÀ KHOA HỌC NHÂN VĂN”

Đăng ngày: 5-09-2011, 23:19 | Danh mục: Hoạt động khoa học » Hội nghị - Hội thảo

Được sự đồng ý của Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và sự tài trợ của Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã tổ chức Workshop quốc tế “Tri thức điền dã và khoa học nhân văn” kéo dài 1 tuần, từ ngày 24 đến 30-8-2011. Giảng viên chính được mời đến Việt Nam giảng dạy lần này là giáo sư Ito Tetsuji, Khoa nhân văn, trường Đại học Ibaraki Nhật Bản. Với kiến thức uyên thâm về nghiên cứu nhân học, kinh nghiệm phong phú trong điều tra điền dã và phương pháp giảng dạy kết hợp với “đối thoại” độc đáo, giáo sư Ito Tetsuji đã đem đến những giờ học bổ ích và lý thú cho cán bộ Viện Khoa học xã hội Việt Nam và một số trường đại học tại Hà Nội.

Ảnh 1: Phiên khai mạc Workshop với sự tham gia của đại diện Quỹ GLQT Nhật Bản và lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

 

Workshop đã thu hút sự tham gia của hơn 80 cán bộ từ các viện nghiên cứu trực thuộc Viện KHXH Việt Nam như: Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu con người, Viện tâm lý học, Viện xã hội học, Viện dân tộc học, Viện nghiên cứu phát triển bền vững vùng Bắc bộ, Viện NC PTBV vùng Trung bộ…, giảng viên các trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức workshop liên hoàn trong một tuần, hướng đến đối tượng học viên là cán bộ nghiên cứu trẻ và học viên cao học, NCS tiến sĩ... Nội dung workshop xoay quanh chủ đề về các phương pháp mang tính “kỹ thuật” trong điều tra điền dã như: phương pháp quan sát tham gia, nghe, tìm hiểu, viết, suy ngẫm… Kết hợp với phần giảng dạy lý thuyết của giáo sư Ito, còn có thêm phần thực hành khiến cho các giờ học đặc biệt trở nên sôi nổi.

 

Ảnh 2: Giờ thực hành chụp ảnh trong Bài giảng đầu tiên với chủ đề “Quan sát - lý luận và thực tiễn”.

 

Mười bài giảng của giáo sư Ito lần này xoay quanh các nội dung chính như sau:

Ngày thứ nhất: kết hợp hai nội dung: “Giới thiệu chung: Khoa học tự nhiên và Khoa học con người”; “Quan sát - lý luận và thực tiễn”.

Ngày thứ hai: “Nghe - lý luận và thực tiễn”; “Tìm hiểu - lý luận và thực tiễn”. Bài giảng được minh họa sinh động bằng một số tác phẩm điện ảnh, đã tạo sự hứng thú cho các học viên. Phần hỏi đáp cũng diễn ra hết sức sôi nổi.

 

Ảnh 3: Hỏi đáp trong giờ học.

 

Ngày thứ ba: “Viết - lý luận và thực tiễn”. Phần lý luận về thao tác viết - một công đoạn quan trọng của quy trình nghiên cứu đã được giáo sư Ito trình bày và minh họa bằng chính tác phẩm ethnography của mình thực hiện tại ngõ phố Hà Nội.

Ngày thứ tư: “Bàn tròn điện ảnh - Lý luận và thực tiễn”. Chủ đề bài giảng thứ tư có sự thay đổi sang hoạt động xem phim và đối thoại liên văn hóa, tạo không khí thoải mái và cởi mở trong lớp học. Bộ phim được chọn làm chủ đề thảo luận và trình chiếu tại lớp học là “To-to-o”, một bộ phim ngắn về cuộc sống thường nhật của một gia đình Nhật Bản vào những năm 1970, nhưng đã làm dấy lên những ý kiến tranh luận sôi nổi và thú vị. Đặc biệt, buổi học này còn có sự tham gia của một số lưu học sinh Nhật Bản đang học tập tại Hà Nội và một số học giả người Trung Quốc, Hàn Quốc nghiên cứu về văn hóa. Những ý kiến trái ngược, những lý giải và cảm nhận hoàn toàn khác nhau về các tình tiết trong bộ phim được đối thoại trực tiếp giữa các học viên Việt Nam và các vị khách mời Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã làm cho những người tham gia hiểu rõ hơn về văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục, tập quán của nhau.

 

 

Ảnh 4, 5, 6: Thảo luận sôi nổi.

 

Ngày cuối cùng, với hai nội dung “Lý luận và thực tiễn về suy ngẫm”; “Nhìn nhận lại về khoa học con người”, bài giảng của GS. Ito Tetsuji đã kết thúc với phần bài tập thực hành tổng kết lại nội dung khóa học.

Có thể nói, khóa Workshop quốc tế “Tri thức điền dã và khoa học nhân văn” kéo dài một tuần do giáo sư Ito Tetsuji giảng bài đã kết thúc thành công tốt đẹp, nhận được sự đánh giá cao của tất cả các học viên. Khóa học còn là cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật giữa các nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam và giáo sư Nhật Bản./.

Thực hiện: Ngô Hương Lan

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

0thảo luận