Trang chủ

QUYỀN TÀI PHÁN CỦA QUỐC GIA TRÊN BIỂN: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Đăng ngày: 14-12-2018, 04:46 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Hồng Yến

Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2018, 375 trang

Kí hiệu: Vv2897

Trong những năm gần đây, tranh chấp biển giữa các quốc gia liên quan đến việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền đối với các vùng biển ngày càng trở nên căng thẳng tại nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Những tranh chấp, xung đột và hành vi vi phạm trên các vùng biển xuất hiện ngày càng nhiều, đe dọa đến sự ổn định, hòa bình và quan hệ hợp tác giữa các quốc gia. Một trong những nguyên nhân làm cho các tranh chấp này dậy sóng, ngoại mục đích chính trị còn có những ảnh hưởng rất lớn từ phương diện pháp lý, đó có thể là sự chồng chéo về chủ quyền, quyền chủ quyền hay quyền tài phán trong những khu vực biển chồng lấn cần phân định; hay là sự chưa rõ ràng trong các quy định nhằm phân định quyền tài phán giữa các quốc gia… Do vậy, việc nghiên cứu một cách tổng thể, chuyên sâu về quyền tài phán và việc thực thi quyền tài phán của quốc gia trên biển nói chung và Việt Nam nói riêng là rất cần thiết. Trước yêu cầu đó, TS. Nguyễn Thị Hồng Yến đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quyền tài phán của quốc gia trên biển: một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Nội dung của cuốn sách gồm 4 phần như sau:

Phần 1: Một số vấn đề lý luận chung về quyền tài phán của quốc gia trên biển. Trong phần này, tác giả đưa ra khái niệm, phân tích sự hình thành và phát triển nội dung quyền tài phán của quốc gia trong Luật Biển quốc tế; phân tích các nguyên tắc xác định quyền tài phán của quốc gia trên biển; các xung đột và giải quyết xung đột quyền tài phán của quốc gia trên biển.

Phần 2: Pháp luật quốc tế về quyền tài phán của quốc gia trên biển, thực tiễn thi hành tại một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam. Ở đây, tác giả đi sâu phân tích pháp luật quốc tế về quyền tài phán của quốc gia trên biển trong một số lĩnh vực, đồng thời cũng nêu ra thực tiễn thi hành quyền tài phán trên biển của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm đối với Việt Nam.

Phần 3: Pháp luật và thực tiễn thi hành quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, tác giả trình bày khái quát sự hình thành và phát triển các quy định về thực thi quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển; quyền tài phán đối với hoạt động đi lại của tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển của Việt Nam; quyền tài phán đối với hoạt động thăm dò, khai thác và quản lý tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển Việt Nam; quyền tài phán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học biển do tàu thuyền nước ngoài tiến hành trong các vùng biển của Việt Nam.

Phần 4: Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi quyền tài phán trên các vùng biển của Việt Nam trong thời gian tới. Phần này được dành để phân tích quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển trong giai đoạn hiện nay; phân tích yêu cầu, mục đích của việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam trên các cùng biển; đưa ra một số giải pháp cụ thể.

Cuốn sách là một công trình nghiên cứu công phu, đề cập những khía cạnh pháp lý khác nhau về quyền tài phán trên biển. Đây thực sự là một nhật ký sống động ghi lại những quy phạm pháp luật quốc tế, quốc gia và những sự kiện thăng trầm, đầy kịch tính trong hành trình thực thi quyền tài phán. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận