Trang chủ

GIẢM NHẬP SIÊU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG CÓ CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ

Đăng ngày: 28-09-2012, 13:07 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 6

Năm đầu tiên gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 48,9 tỷ USD tăng 21,8% so với năm 2006. Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 568 USD, cao nhất từ trước tới nay, cũng thuộc loại cao nhất ở châu Á và thế giới. Xuất khẩu tăng ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có những mặt hàng đạt kim ngạch khá cao như dệt may, điện tử máy tính, dây điện, cáp điện, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, cao su… Đã có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, sản phẩm gỗ, điện tử máy tính,  gạo, cà phê, cao su, với kim ngạch đạt 38 tỷ USD chiếm 68,2% tỷ kim ngạch xuất khẩu của cả nước.(1)

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui mừng đó thì vẫn còn một nỗi lo canh cánh nổi cộm lên là nhập siêu cũng tăng nhảy vọt. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm nay ước tính lên tới 60,89 tỷ USD tăng tới 35,5% so với năm trước, cũng là mức tăng kỷ lục từ trước tới nay. Đã có 13 mặt hàng vượt kim ngạch nhập khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Máy móc, dụng cụ, thiết bị, phụ tùng đạt trên 10 tỷ USD, xăng dầu đạt trên 7 tỷ USD. Sắt thép đạt gần 5 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt gần 3 tỷ USD. Do tốc độ nhập khẩu tăng gấp rưỡi tốc độ tăng xuất khẩu nên nhập siêu đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước về kim ngạch tuyệt đối (12,45 tỷ USD so với 5,1 tỷ USD) và cả về tỷ lệ so với xuất khẩu (25% so với 12,7%).Năm 2008 này, sự kiến xuất khẩu sẽ đạt khoảng 60,3 tỷ USD nhưng nhập khẩu cũng sẽ phải chi ra 74 tỷ USD,nghĩa là tỷ lệ nhập siêu cũng xấp xỉ như  năm 2007.(2)

Tình hình trên đã làm phá sản hoàn toàn tham vọng của Bộ thương mại (nay là Bộ công thương) muốn chấm dứt nhập siêu vào năm 2010, dựa trên thành tích giảm được tỷ lệ nhập siêu trong 3 năm liên tiếp, từ năm 2003. Nhưng từ năm ngoái, tình hình đã quay ngoắt lại 180 độ và đến nay, những người lạc quan nhất cũng đã lo ngại là nhập siêu không những không dễ gì loại trừ được vào cuối thập kỷ này mà còn có khả năng tăng cao hơn. Tuy vậy, vẫn còn một số người cho rằng nhập siêu ở Việt Nam trong những năm đầu gia nhập WTO là điều tất yếu vì đang cần phải nhập nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, bắt đầu mở mang sâu rộng theo đà phát triển của nền kinh tế. Nhập khẩu tăng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá các doanh nghiệp sẽ có khoa học công nghệ hiện đại hơn, phát huy thực lực, phù hợp với tăng trưởng nền kinh tế. Trên cơ sở đó sẽ tạo ra đà cho sản xuất nói chung và sản xuất cho xuất khẩu nói riêng phát triển mạnh hơn. Tình hình đó sẽ tạo khả năng cho xuất khẩu mạnh hơn, dần dần xoá bỏ chênh lệch giữa xuất nhập khẩu, tiến đến xuất siêu vào cuối những năm 2020. Nhận định này không phải chờ nhiều năm mới có câu trả lời chính xác mà ngay năm 2008 này, như trên đã nêu, chủ trương tăng xuất khẩu để nhập trong điều kiện của Việt Nam như hiện nay lại càng dẫn đến nhập siêu cao hơn.

Nhập siêu của nước ta hiện nay là một căn bệnh nội tại của nền kinh tế không phải là  bùng phát tức thời và ngắn hạn trong vài năm đầu gia nhập WTO. Có thể dự đoán rằng nếu không có cái nhìn biện chứng, không có nhận thức đầy đủ, phát hiện rõ nguyên nhân và định ra những biện pháp tích cực, đúng đắn thì càng gia nhập WTO sâu rộng hơn, càng chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn; cùng với những lực đẩy và lực kéo từ bên ngoài, nhập siêu sẽ cũng có đất phát triển.

Từ thực trạng của nền kinh tế nước ta và những biến động của thị trường thế giới, có thể thấy các nguyên nhân tác động đến nhập siêu của nước ta như sau:

1. Nền kinh tế nước ta hiện tại còn chưa thoát khỏi hoàn toàn là nền kinh tế phụ thuộc. Công nghiệp phát triển còn trông chờ vào nhập khẩu nguyên liệu, phụ tùng rất nhiều. Hàng xuất khẩu của nhiều ngành hầu như chỉ là làm gia công, lắp ráp, cạnh tranh hầu như chỉ dựa vào nhân công giá rẻ. Ngành sản xuất ô tô chẳng hạn, khi chỉ có 11 liên doanh thì có tới 160 doanh nghiệp là lắp ráp, sửa chữa mà đầu vào các nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu linh kiện. Công đoạn lắp ráp trong nước chỉ chiếm 3-5% giá thành sản phẩm nên có thể thấy rõ các doanh nghiệp tiếng là sản xuất ô tô, nhưng thực sự là trông chờ vào lắp ráp.

Ngành thép cũng rất đau đầu với bài toán nhập phôi. Toàn ngành có 21 doanh nghiệp tự sản suất được mà chỉ có 8 doanh nghiệp tự sản xuất được 40% phôi đáp ứng nhu cầu chế tạo thép. Vì vậy, năm 2007, toàn ngành đã phải chi ra 4,9 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho ngành thép.(3)

Ngành dệt may kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD năm 2007, vượt cả kim ngạch xuất khẩu dầu thô nhưng lại có tới 80% nguyên liệu, phụ kiện phải nhập bao gồm: vải, da, chỉ khâu cao cấp, khoá kim loại nên lợi nhuận đạt rất thấp, có doanh nghiệp còn bị lợi nhuận âm. Sản phẩm gỗ cũng phải nộp 80% nguyên liệu. Nhiều ngành khai thác như giày, dép, dây điện, cáp điện cũng ở tình trạng tương tự.(4)

Trong nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng một số vật tư khác cũng còn đang phải nhập một số lượng đáng kể.

2. Nhập siêu cũng tăng lên do giá nguyên liệu thế giới bị khuyếch đại lên rất lớn. Chỉ tính riêng về xăng dầu; tuy ta xuất được 15,4 triệu tấn dầu thô nhưng lại phải nhập khẩu 12 triệu tấn dầu tinh (tương đương với 18-20 triệu tấn dầu thô). Theo Viện Kinh tế Thương mại (Bộ Tài chính) thì nhà nước phải bù lỗ giá dầu khoảng 12.300 tỷ đồng và bù lỗ giá xăng khoảng 1100 tỷ đồng. Nếu xét tổng kim ngạch nhập khẩu 12 mặt hàng nguyên liệu chủ yếu thì giá trị đã đạt gần 12 tỷ USD trong năm 2007 so với xấp xỉ 9 tỷ USD trong năm 2006, tức tăng nhảy vọt lên 3 tỷ USD. Nhưng nếu quy về giá cùng kỳ thì chỉ đạt khoảng 9,6 tỷ và chỉ tăng khoảng 1,6 tỷ USD so với năm 2006. Còn lại là do sốt nóng giá nguyên liệu thế giới khuyếch đại lên.(5)

Cơn sốt nóng giá nguyên liệu, phụ tùng thế giới còn tác động đến thuế suất nhập khẩu phải tăng nên càng khuyếch đại giá trên thị trường trong nước. Theo số liệu thống kê của IMF thì giá nguyên liệu thế giới đã liên tục tăng bùng nổ. Năm 2004 là 26,57%; năm 2005 là 29,1%; năm 2006 là 21,9% và năm 2007 lên đến 29%. Đối với nền kinh tế nước ta, giá các nguyên liệu nhập khẩu vào thị trường trong nước tăng như vậy nên rõ ràng sẽ cộng thêm thuế suất nhập khẩu khuyếch đại lên một cách tương ứng. (6)(6)

3. Trong khi bị tác động rất lớn bởi ở đầu vào nhập khẩu, do giá thuế tăng vọt thì giá những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta xét bình quân lại không tăng. Cụ thể, tuy trên thực tế có mặt hàng tăng được giá nhưng lại có những mặt hàng bị giảm giá, tính chung lại thì với những mặt hàng hiện nay, chúng ta vẫn bị thiệt về giá trong xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ công thương trong 8 tháng năm 2007 thì tổng kim ngạch xuất khẩu thực tế 8 mặt hàng đạt được 9,757 tỷ USD; chỉ tăng vỏn vẹn 310 triệu USD và tăng 3,28% so với 9,447 tỷ USD của cùng kỳ năm 2006. Nhưng nếu quy về giá cùng kỳ này thì thực giá chỉ còn 9,282 tỷ USD; tức là giảm 165 triệu USD và giảm 1,75%. Đó là chưa kể đến trên thực tế, chúng ta đã phải tăng thêm khối lượng xuất khẩu 475 triệu USD; tức tăng 5,12% để đạt được mức khiêm tốn 9,757 tỷ USD nói trên do các mặt hàng xuất bị giảm giá. (7)

4. Do một phần thông tin không cung cấp đầy đủ, một phần do tâm lý sính hàng ngoại nên nhiều mặt hàng trong nước sản xuất ra như sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, sành sứ, gạch ốp lát… Có những mặt hàng đạt chất lượng tốt, có những mặt hàng xuất khẩu được nhưng vẫn thiếu khách mua. Các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam muốn tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên vật liệu nội địa để giảm chi phí nhưng tìm kiếm đối tác rất khó khăn vì thiếu thông tin. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng phàn nàn là thiếu thông tin, các thông tin từ các danh bạ Việt Nam còn quá đơn giản, quá bao quát, chưa đủ để rút ngắn được thời gian tìm kiếm đối tác cung cấp linh kiện tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt Nam thì lại thiếu tìm hiểu, thiếu tin tưởng hàng nội và cho là khó đáp ứng yêu cầu nên thiếu mặt hàng gì là hướng ra ngoài xin nhập. Hàng công nghiệp đã như vậy, đến mặt hàng lương thực, thực phẩm, thậm chí có mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng có nhiều người thích tiêu dùng hàng nhập. Gạo ngoại tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội gần như chen vai với gạo nội.

Vựa thóc giàu có miền Tây vốn không thiếu những loại gạo nội địa cao cấp, nhưng gạo ngoại vẫn xâm lấn thị trường. Rất nhiều vựa gạo lớn ở miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng… đều bày bán gạo dẻo Thái Lan, gạo thơm Đài Loan, Hàn Quốc… Về hoa quả thì nhãn, sầu riêng Thái Lan, nho Mỹ cũng thấy bày bán ở các siêu thị và hầu như khắp các chợ lớn trên toàn quốc. Rau, thịt thì các cửa hàng siêu thị, các khách sạn phần lớn còn nhập bên ngoài về. Tình hình đó không chỉ góp phần tăng nhập siêu mà còn lấn lướt thị phần, làm các doanh nghiệp nội địa bị thua ngay trên sân nhà, làm kìm hãm sự phát triển nền kinh tế của nhà nước.

5. Bên cạnh các tác nhân rất đáng quan ngại nói trên còn phải kể đến một tác nhân có thể nói là đáng mừng cho kinh tế phát triển nhưng cũng lại là một mối lo góp phần không nhỏ cho nhập siêu. Đó là việc tăng tốc độ đầu tư, nhất là tăng FDI, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến. Đáp ứng yêu cầu cho tăng đầu tư phục vụ công nghiệp hoá-hiện đại hoá, tất yếu phải tăng nhập khẩu các máy móc, thiết bị tiên tiến của khoa học công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, trong 8 tháng đầu năm 2007, kim ngạch nhập khẩu các loại hàng hoá này đã tăng đột biến 2.109 tỷ USD và tăng tỷ lệ lên 51,4% so với cùng kỳ năm 2006; chiếm tới 24,35% tổng số kim ngạch nhập siêu.(8)

6. Một điều cần lưu ý là trong khi chúng ta xuất siêu với Mỹ và EU thì lại nhập siêu lớn đối với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan và đặc biệt là đối với Trung Quốc. Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2007, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã trên 8,4 tỷ USD trong khi kim ngạch xuất qua thị trường đó chỉ đạt 2,4 tỷ USD dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc lên đến 6 tỷ USD, chiếm 79% tổng kim ngạch nhập siêu của cả nước.(9)

Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là do cơ cấu của hai nền kinh tế tương tự nhau, nhưng Trung Quốc đã tiến xa hơn trong quá trình công nghiệp hoá và có năng lực cạnh tranh cao hơn. Bên cạnh đó, những nét tương đồng về văn hoá, về tiêu dùng cũng dẫn đến nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc tăng mạnh. Hơn nữa, giá nguyên liệu, vật liệu của Trung Quốc, do có lợi thế về vị trí địa lý so với một số nước trong khu vực nên giá thành thường rẻ hơn và do đó doanh nghiệp Việt Nam vẫn lựa chọn Trung Quốc là đối tác lớn trong giao dịch thương mại.

Từ những nhận xét trên, ta thấy rõ để có thể giải quyết được nhập siêu cũng cần phải có thời gian nhưng phải kiên quyết thực hiện và trước hết, nhà nước phải có một chính sách vĩ mô đúng đắn, đồng thời phải có sự chỉ đạo quản lý chặt chẽ.

1. Vấn đề cốt tử để giải quyết bài toán nhập siêu là phát triển công nghiệp nguyên liệu và công nghiệp phục vụ khi chúng ta chưa đủ sức “ khép kín” tất cả các quy trình sản xuất. Xác định là khâu đột phá và lâu dài để phát triển nhanh và bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam. Bộ công nghiệp đã có quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành cần đáp ứng phục vụ là dệt may, da giày, điện tử-tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Đối với ngành dệt may, công nghiệp phụ trợ đến năm 2010 phải cung ứng 10-70% và đến năm 2020 cung ứng 40-200%. Phụ tùng, cơ khí dệt may, năm 2015 đáp ứng 50% sản phẩm xe, sợi tổng hợp; và năm 2020 đáp ứng 80% tiến tới xuất khẩu sau năm 2020.(10) Đối với ngành giày dép, công nghiệp phụ trợ cần đẩy nhanh cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép; đặc biệt là nguyên liệu cho mũ, giày với mục tiêu sử dụng nguyên phụ liệu trong nước đạt 40% vào năm 2010; 70-80% vào năm 2020. (11)

Đối với ngành ô tô, công nghiệp phụ trợ cần phát triển theo cụm công nghệ gồm ca bin, khung, vỏ, động cơ, hộp số, hệ thống lều cho các loại xe tải, xe khách và xe chuyên dụng; phát triển một số loại động cơ, hộp số, bộ truyền động và phụ tùng với số lượng lớn phục vụ lắp ráp ô tô trong nước và tham gia xuất khẩu. (12)

Công nghiệp phụ trợ cơ khí chế tạo cần tăng cường đầu tư chiều sâu để nâng cao năng lực đúc rèn, tạo phôi lớn… cung cấp nguyên vật liệu, bán thành phẩm tiêu chuẩn để chế tạo chi tiết phụ tùng cho sản xuất ba nhóm sản phẩm cơ khí chính là thiết bị đồng bộ, công cụ, máy móc xây dựng.

Công nghiệp phụ trợ điện tử-tin học sau năm 2010 phải phát triển sản xuất linh kiện lắp ráp đồng bộ, linh kiện dạng nguyên vật liệu và các loại linh kiện khác (đĩa CD, CD-ROM, DVD, pin mặt trời), xây dựng một số nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử, y tế kỹ thuật cao, thiết bị cảnh báo điện tử. (13)

2. Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh là yêu cầu cần thiết để giảm bớt chênh lệch cán cân nhập siêu càng cần đặt ra trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Với tư cách là thành viên của WTO, hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chủ yếu là phải hạn chế sử dụng những hỗ trợ trực tiếp có tính chất trợ cấp của Chính phủ. Vì vậy, cơ cấu hàng và dịch vụ xuất phải chuyển dịch trên so sánh lợi thế cạnh tranh và đúng nhu cầu thị trường thế giới và xu hướng dịch chuyển sản xuất giữa các khu vực trên thế giới. Do đó, trong giai đoạn từ nay đến 2010 và tầm nhìn 2020, là cần tập trung nâng cao kim ngạch sản phẩm sau:

- Sản phẩm dệt may, giày dép cần tập trung vào khâu thiết kế, cải tiến thường xuyên mẫu mã, tăng tạo dáng đẹp “ mốt hiện đại”. Cần phát triển đồ nội thất, dụng cụ nhà bếp, cặp túi xách và các đồ gia dụng khác thuộc nhóm ngành này.

- Nhóm sản phẩm phần mềm là sản phẩm rất đa dạng từ thiết kế các siêu vi mạch, gói phần mềm ứng dụng chuẩn hoá đến phần mềm kinh doanh theo yêu cầu của khách hàng và phần mềm công nghiệp sử dụng trong các nhà máy

- Đối với hàng thủ công mỹ nghệ đang được nhiều nước yêu chuộng, cần chú ý đến khâu thiết kế và kiểu dáng bắt nhịp được nhu cầu của thị trường. Cần hỗ trợ tích cực cho các làng nghề Việt Nam tăng được sức cạnh tranh và phát triển làng nghề, tạo được công ăn việc làm ổn định cho dân, lại dựa vào nguyên liệu sẵn có trong nước, thậm chí tận dụng được phế thải như vỏ dừa, bẹ ngô, lục bình… để sản xuất ra những sản phẩm đưa lại kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho đất nước.

- Đối với hàng nông-lâm-thuỷ sản thì về cơ bản, cơ cấu hàng xuất theo định hướng của Chính phủ đến năm 2020 đã khá hợp lý. Đối với nhóm hàng này, chủ yếu là tập trung nâng cao chất lượng. Gạo sẽ tăng loại gạo thơm, gạo Jasmine; tăng cà phê hoà tan sữa 3 trong 1 và cà phê sâm 4 trong 1. Đáp ứng nhu cầu cho các thị trường về các loại quả thương phẩm có uy tín…

- Về dịch vụ, cần tập trung đẩy mạng xuất khẩu các dịch vụ vận tải hàng không, đạt trên 17% kim ngạch xuất trong giai đoạn 2006-2010 và vận tải biển đảm bảo có một hệ thống kết cấu hạ tầng đủ mạnh với năng lực mục tiêu tăng trưởng 15%/năm, phải phát triển được thương hiệu, tăng được sức lôi cuốn khách vào ngày càng đông đảo.(14)(

3. Trong khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam thì cần phải cân đối đầu tư theo định hướng một cách có hiệu quả, không để chấp nhận đầu tư ồ ạt và tự do vào bất cứ vùng nào, lĩnh vực nào. Cần hướng FDI vào các lĩnh vực có quy trình công nghiệp cao, vào những khâu cơ bản của công nghiệp phụ trợ cơ khí mà Việt Nam còn yếu. Dựa vào vốn FDI, có thể thực hiện theo định hướng vào đầu tư máy móc lớn cho sản xuất các sản phẩm tinh vi, có hàm lượng giá trị gia tăng xuất khẩu cao như điện tử, máy tính, màn hình tinh thể lỏng, ti vi Flasma. Cần khuyến khích mạng FDI vào nông nghiệp, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực phát triển công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, trồng và chế biến các loại rau quả xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao.

Có thể khuyến khích các doanh nghiệp nội địa kết nối với các doanh nghiệp FDI thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng các sản phẩm phụ trợ và hợp đồng kinh tế giữa 2 bên, xây dựng các chương trình dài hạn với các công ty và tập đoàn đa quốc gia và phát triển  công nghiệp và công nghiệp phụ trợ trong giai đoạn 2006-2010, tầm nhìn đến năm 2020.

4. Thông tin về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cần được xúc tiến mạnh mẽ, rộng rãi, rõ ràng và minh bạch hơn. Có như vậy mới thúc đẩy được làn sóng nội địa hoá giảm được chi phí tìm kiếm, mua sắm nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất.

Theo ông Funichi Mori- chuyên gia Nhật Bản, thì một cơ sở dữ liệu về công nghiệp phụ trợ phải tương thích với những tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp linh kiện của các công ty nước ngoài. Ngoài các thông tin về các sản phẩm chính, các nhà sản xuất thường chọn nhà cung cấp linh kiện theo các tiêu chí chất lượng, giá thành, khả năng giao hàng đúng hạn, quy mô sản xuất, tổng vốn và số lao động, doanh số bán hàng hàng năm và cả năng lực, thái độ của tổng giám đốc.(15) Như vậy, bên cạnh những thông tin cơ bản như tên công ty, địa chỉ liên hệ và các sản phẩm chính, cơ sở dữ liệu về công nghiệp phụ trợ phải cung cấp đầy đủ thông tin về các nội dung nói trên.

Việc tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng có ý thức tiêu thụ hàng nội địa, xoá bỏ tâm lý sính hàng ngoại. Phải xây dựng cho họ ý thức từ chỗ là người tiêu dùng thụ động, trở thành người mua hàng chủ động, có ý thức là người công dân Việt Nam cùng tham gia góp phần đẩy mạnh sản xuất hàng hoá nội địa và sự phồn vinh, phát triển của nền kinh tế và thị trường Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải ra sức cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước cũng cần bán hàng với các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm công nghiệp, tránh tình trạng để sản xuất tự do, tuỳ tiện không theo một khuôn mẫu nào, cũng là xây dựng các hàng rào kỹ thuật cho từng ngành, cho từng loại sản phẩm nhằm ngăn chặn bớt hàng nhập, bảo vệ hàng nội địa. Kiểm tra hải quan cũng được xem là giải pháp quan trọng để giảm thiểu hàng nhập, nhất là với mặt hàng không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đã công bố.

5. Đối với Trung Quốc, để giảm cán cân chênh lệch, cần đẩy mạnh xuất theo quan điểm lựa chọn những mặt hàng phù hợp và có tiềm năng, xây dựng những mặt hàng xuất chủ lực nhưng vẫn tăng trưởng xuất khẩu mới, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển mạnh hàng xuất khẩu, cần có chính sách để thu hút các công ty lớn của Trung Quốc vào Việt Nam sản xuất hàng xuất khẩu có tiềm năng để xuất trở lại Trung Quốc, tận dụng thị trường trung chuyển Hồng Kông vốn có mỗi quan hệ thương mại

mật thiết với Trung Quốc để đưa hàng hoá Việt Nam vào sâu trong nội địa nước này. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có cơ cấu kinh tế hợp lý trong việc sử dụng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch theo hướng tận dụng những thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng buôn bán qua đường tiểu ngạch có lợi hơn; kiên quyết chuyển sang phương thức chính ngạch những mặt hàng có kim ngạch lớn cùng với thiết bị bán hàng nhập khẩu ổn định, bền vững tại thị trường Trung Quốc.

Phấn đấu giảm nhập siêu là vấn đề cấp thiết và gian khổ nhưng với sức sáng tạo và tính năng động của doanh nghiệp và sự nỗ lực của nhà nước chỉ đạo chính sách vĩ mô, tin chắc sẽ đạt được kết quả mong muốn.

 

NGUYỄN QUỐC LUẬT

(TS, Trường Đại học Thủy lợi)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Dương Ngọc, Xuất nhập khẩu và nhập siêu, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày25-11-2007.

2) Minh Quốc, Giải bài toán nhập siêu để không lệch vai nền kinh tế, báo Tiền phong, ngày 31-12-2007

3) Vũ Bá Phúc, Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 13-9-2007.

4) Hà Thu, Làm gì để giảm nhập siêu, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 7-12-2007.

5) Nguyễn Đình Bích, Nhập siêu cần cái nhìn biện chứng, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 7-9-2007.

6) Đức Long, Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 8-8-2007

7) Đỗ Huy, Thiếu thông tin về công nghiệp phụ trợ, Báo Bưu điện, ngày 19-11-2007.

8) Hồng Thoan, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung quốc, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 2-8-2007.

9) Bản tin TTX Việt Nam các ngày 17-20/12/2007.

10) Thanh Lương, Xuất khẩu năm 2008 mục tiêu 58,6 tỷ đôla, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 20-12-2007.

 



(1), (2) Dương Ngọc, “Xuất nhập khẩu và nhập siêu” Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 25-11-2007.

 

(3) ,(4) Minh Quốc “Giải bài toán nhập siêu để không lệch vai nền kinh tế”, báo Tiền phong, ngày 31-12-2007.

 

(5) Vũ Bá Phúc “Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 13-9-2007.

 

(6) ,(7) Nguyễn Đình Bích  “Nhập siêu cần cái nhìn biện chứng”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 7-9-2007.

(8)Nguyễn Đình Bích “Nhập siêu cần cái nhìn biện chứng”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 7-9-2007.

 

(9) Hà Thu  “Làm gì để giảm nhập siêu”, Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 7-12-2007.

(10), (11), (12), (13) Đức Long “Hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 8-8-2007.

 

(14) Vũ Bá Phúc “Gia tăng xuất khẩu sản phẩm có lợi thế cạnh tranh”, Thời báo Kinh tế Việt Nam, ngày 13-9-2007.

 

(15) Đỗ Huy – “Thiếu thông tin về công nghiệp phụ trợ”, Báo Bưu điện, ngày 19-11-2007.

0thảo luận