Trang chủ

Yếu tố song phương, chi phối và thách thức trong chính sách của Trung Quốc với ASEAN

Đăng ngày: 13-03-2024, 09:58 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 9

Nguyễn Anh Cường1, Hoàng Đức Hải2

 

Tóm tắt: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những chủ thể quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Tổ chức này đang từng bước thể hiện vị trí và vai trò quan trọng của mình trong đời sống kinh tế - chính trị quốc tế. Là khu vực gần với Trung Quốc ở phía Nam nên Đông Nam Á luôn được Trung Quốc coi trọng và phát triển mối quan hệ song phương, có đi có lại. Tuy nhiên việc tăng cường thúc đẩy hợp tác với ASEAN không phải là mục đích duy nhất Trung Quốc hướng đến, mục tiêu lớn hơn là tạo dựng ảnh hưởng và tạo lập quỹ đạo riêng trong tác động chi phối khu vực Đông Nam Á. Điều đó đặt ra những thách thức buộc các quốc gia ASEAN tìm cách thích ứng. Bằng việc phân tích nội dung văn bản và các hành động của Trung Quốc, bài viết chỉ ra một cách hệ thống bản chất các giá trị trong chính sách đối ngoại của họ.

Từ khóa: Trung Quốc, ASEAN, Chính sách đối ngoại, Trung Quốc với Đông Nam Á

 

Khu vực Đông Nam Á hiện là điểm nóng về cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc trên thế giới như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp... Phát triển quan hệ với các nước ASEAN giúp Trung[1]Quốc[2]tìm kiếm được nguồn nguyên liệu, khoáng sản để đáp ứng nhu cầu trong nước trước sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Vì thế ASEAN là thị trường vô cùng tiềm năng đối với Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc thông qua hợp tác kinh tế để gia tăng ảnh hưởng, cạnh tranh với Mỹ, củng cố an ninh ở phía Nam[3]. Ngoài ra, Trung Quốc đang muốn sử dụng “sức mạnh mềm” để chi phối tầm ảnh hưởng của mình đến khu vực Đông Nam Á, khu vực quan trọng hàng đầu trong vấn đề phá thế bao vây của Mỹ đối với Trung Quốc, mở đường phát triển, thực hiện tham vọng là siêu cường số một thế giới. Việc đẩy mạnh hợp tác với ASEAN đã được Trung Quốc thực hiện hơn 30 năm qua, hợp tác như một người bạn láng giềng thân thiết. Tôn chỉ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại khu vực này là “thân thiện với láng giềng”, “làm bạn với láng giềng” và “mục lân” (chan hòa với láng giềng), “an lân” (giữ an ninh với láng giềng), “phú lân” (làm cho láng giềng giàu có)[4]. Tuy nhiên, chính sách thúc đẩy hợp tác với ASEAN, xây dựng tình cảm hữu nghị với khu vực ASEAN của Trung Quốc có phải là mục tiêu chính? Hay chính sách đó nhằm giúp Trung Quốc định hình được uy tín có khả năng ảnh hưởng, chi phối của họ tại ASEAN? Cũng như có phải chính sách đó là giải pháp kiềm chế hay cạnh tranh ảnh hưởng trước Nhật Bản và Mỹ đối với khu vực này? Bài viết tập trung phân tích những chính sách của Trung Quốc đối với khu vực ASEAN nhằm phần nào trả lời cho những câu hỏi nêu trên, cũng như góp phần gợi mở một số lưu ý trong nhận thức của ASEAN với Trung Quốc.

1. Tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với Trung Quốc

Đông Nam Á là khu vực có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng do vị trí địa lý tiếp nối, án ngữ, giao điểm của các trục đường hành lang giao thông vận chuyển quân sự, hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu từ Đông sang Tây, từ Bắc châu Á xuống châu Đại Dương tấp nập vào bậc nhất thế giới. Tại đây có rất nhiều tài nguyên khoáng sản quý, trong đó phải kể đến trữ lượng dầu khí và dầu mỏ chỉ đứng sau khu vực Trung Đông trên thế giới. Vùng Biển Đông trong Đông Nam Á được xem là đường giao thông huyết mạch giữa Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, châu Á với châu Âu, với khoảng 50% khối lượng hàng hóa luân chuyển của thế giới đi qua vùng biển này. Biển Đông luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều quốc gia tại châu Á xét về vị trí địa chiến lược, an ninh, hàng hải và kinh tế[5]. Biển Đông là tuyến đường giao thông hàng hải huyết mạch của thế giới, tạo ra những điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc giao thương, hợp tác và phát triển hiện nay, do đó nhiều cường quốc muốn có được khả năng kiểm soát vùng biển này và coi đó là “lợi ích cốt lõi” của mình[6].

Tất nhiên Trung Quốc không đứng ngoài những lợi ích đó và luôn muốn mở rộng ảnh hưởng của mình đến khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc nhận thấy ba lợi ích từ việc tạo dựng ảnh hưởng của mình đến khu vực này. Đầu tiên, khu vực Đông Nam Á chính là cửa ngõ đi ra thế giới của Trung Quốc, là nơi có tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản phong phú, nguồn dự trữ và cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho sự phát triển chung của kinh tế Trung Quốc. Đông Nam Á chính là khu vực tiềm năng để cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, thu lợi và vươn ra thị trường thế giới. Các chính sách của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á được xem là sự thể hiện ý đồ trong tổng thể chính sách ngoại giao của quốc gia này[7].

Thứ hai, khu vực Đông Nam Á được xem là một lợi thế để Trung Quốc kiềm chế Nhật Bản và Hoa Kỳ[8]. Đặc biệt, với vị trí tiếp giáp, liền kề và là cửa ngõ đi vào Trung Quốc, khu vực này trở thành mắt xích quan trọng, tấm lá chắn then chốt bảo vệ Trung Quốc trước ý đồ của Mỹ nhằm xây dựng vành đai trực tiếp kiềm chế, bao vây và ngăn chặn Trung Quốc. Nếu xét từ các quốc gia bên cạnh Trung Quốc thì tại khu vực Trung Á, ảnh hưởng của Trung Quốc không thể bằng Nga; tại Nam Á, Trung Quốc không thể bằng được Ấn Độ; còn tại khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản được xem là đối thủ tranh giành ảnh hưởng và cạnh tranh lớn của Trung Quốc. Chính vì vậy, chỉ có khu vực Đông Nam Á là nơi Trung Quốc có thể thực hiện ý đồ và chiến lược ngoại giao bảo vệ lợi ích và an toàn của mình. Tuy nhiên, Đông Nam Á không chỉ là nơi hoạt động của riêng Trung Quốc, ở đó còn có Hoa Kỳ và Nhật Bản, cho nên khu vực này đã và đang trở thành nơi cạnh tranh chiến lược trọng điểm giữa các nước lớn.

Cuối cùng, chỉ khi có một chỗ đứng vững chắc tại khu vực Đông Nam Á thì Trung Quốc mới có thể mở rộng ảnh hưởng ra khu vực cũng như toàn thế giới. ASEAN được xem là thị trường tiềm năng, vì thế đẩy mạnh hợp tác và phát triển quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ giúp Trung Quốc tìm kiếm và phát triển mạnh mẽ thị trường của mình. Hơn nữa, Trung Quốc còn muốn sử dụng sức mạnh mềm để chi phối Đông Nam Á, mở đường tiến lên vị thế siêu cường trong tương lai[9].

Vì một số nguyên nhân cơ bản như vậy, Trung Quốc luôn muốn có được những ảnh hưởng lớn đối với khu vực này. Tất nhiên, trong quan hệ với ASEAN, không chỉ là tăng cường hợp tác, Trung Quốc còn có cả những toan tính khác.

2. Tăng cường quan hệ song phương

Trung Quốc đã từng bước thúc đẩy quan hệ với ASEAN, phát triển từ quan hệ đối thoại thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện một cách có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi[10].

Về lĩnh vực chính trị, an ninh, Trung Quốc coi trọng mối quan hệ hữu nghị với khu vực Đông Nam Á. Rất nhiều lãnh đạo của Trung Quốc đã đến thăm và làm việc tại 10 nước thành viên ASEAN, khẳng định sự quan tâm và coi trọng của Trung Quốc đến khu vực này. Trung Quốc trở thành lực lượng chính trong việc thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ hợp tác song phương Trung Quốc - ASEAN. Mọi đề nghị và ý kiến của Trung Quốc đều được tổ chức ASEAN chấp nhận. Ngoài ra, ASEAN và Trung Quốc còn chú ý tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống như: phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, an ninh biển. Tuy nhiên, về lĩnh vực an ninh chính trị, các quốc gia ASEAN vẫn luôn giữ thái độ cẩn trọng.

Về vấn đề Biển Đông, tháng 11/2002, Trung Quốc và ASEAN ký “Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai hợp tác giữa các bên ở Biển Đông; cam kết không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng con đường hòa bình. Hai bên đã thông qua Tuyên bố chung giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và các nước ASEAN để triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC vào tháng 7/2016. Mặc dù tính chất ràng buộc của DOC không nhiều và phụ thuộc chủ yếu vào thiện chí của các bên ký kết, nhưng có thể khẳng định DOC ít nhất đã góp phần làm ổn định tình hình an ninh khu vực, hạn chế các nước ngang nhiên hành động mà không chú ý đến những điều đã ký kết[11]. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 24 ASEAN - Trung Quốc diễn ra vào cuối tháng 10/2021, các nhà lãnh đạo đã khẳng định môi trường hòa bình và ổn định khu vực, trong đó có Biển Đông, là sự quan tâm và lợi ích chung của tất cả các nước.

Về hợp tác kinh tế - thương mại, quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trên lĩnh vực kinh tế không ngừng được đẩy mạnh. Là một quốc gia thương mại lớn của thế giới, ngoại giao về kinh tế, thương mại luôn là nội dung và công cụ quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Trung Quốc. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc đạt hơn 680 tỷ USD, tăng gần 80 lần so với thời điểm năm 1991. Đây cũng là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực Đông Nam Á trong hơn 10 năm liên tiếp (2009-2020). Năm 2020, ASEAN lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Với tổng GDP hơn 14.000 tỷ USD và dân số 1,44 tỷ người[12], Trung Quốc được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các nước, và tất nhiên thu hút các nước Đông Nam Á. Quan hệ ngày càng chặt chẽ trên lĩnh vực kinh tế của ASEAN đối với Trung Quốc thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực hợp tác và đầu tư.

Ngoài hai lĩnh vực chủ đạo là chính trị, an ninh và hợp tác kinh tế thì Trung Quốc đã triển khai hợp tác song phương với các quốc gia Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực đặc trưng khác: (i) hợp tác xung quanh vấn đề quản lý các nguồn nước và vùng biển trong khu vực; (ii) hợp tác phát triển bền vững và khai thác tài nguyên hiệu quả; (iii) kiến tạo và quản lý xung đột; (iv) hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng và kết nối ở các vị trí chiến lược quan trọng; cuối cùng là hợp tác hỗ trợ về tài chính qua các khoản cho vay[13].

Những hoạt động của Trung Quốc cho thấy quan hệ song phương Trung Quốc và ASEAN khá toàn diện. ASEAN đã thành công trong việc tránh xung đột nhưng lại không thành công trong công tác giải quyết tranh chấp xung đột. Điều đó phản ánh một đặc điểm hiện hữu: “trụ cột của ASEAN là ý chí luận chứ không phải pháp quyền luận”[14].

3. Gia tăng ảnh hưởng

Trung Quốc luôn tuyên bố tăng cường hợp tác và phát triển quan hệ với tổ chức ASEAN, nhưng liệu chỉ là mong muốn hợp tác và phát triển hay Trung Quốc còn muốn tạo dựng ảnh hưởng và thiết lập một quỹ đạo ảnh hưởng của riêng họ?

Biểu hiện của “chính trị cường quốc" là nhằm tạo dựng sự ảnh hưởng và thực hiện những mưu tính riêng mà chỉ có họ mới biết. Chính quyền Trung Quốc luôn coi trọng sức mạnh quốc gia, ông Đặng Tiểu Bình từng nhấn mạnh "sức mạnh quốc gia quyết định sức mạnh và tiền đồ của quốc gia"[15]. Chỉ khi sức mạnh quốc gia lớn thì mới có thể trở thành cường quốc, nhưng nếu muốn trở thành cường quốc thì Trung Quốc phải gia tăng ảnh hưởng để làm tiền đề cho sự phát triển và tạo dựng uy thế.

Theo đó, các chính sách mà Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng hướng tới chi phối khu vực ASEAN là: Thứ nhất, tăng cường hợp tác với tổ chức ASEAN nhằm xoa dịu lo lắng của các quốc gia đối với “chủ nghĩa bá quyền”. Các chính sách của Trung Quốc hướng tới mọi lĩnh vực, đặc biệt là chính trị và kinh tế, đã cho thấy sự mong muốn tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Tuy nhiên, các nước khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung vẫn đang lo lắng và nghi ngại với “chủ nghĩa bá quyền” đang tăng cường ảnh hưởng và thiết lập trật tự theo cách của riêng Trung Quốc. Còn Trung Quốc rất lo ngại về việc các nước ASEAN sẽ dè chừng và cẩn trọng với mình, từ đó những mưu tính và tham vọng của Trung Quốc sẽ khó thực hiện được. Chính vì vậy, chính quyền Trung Quốc phải luôn tỏ rõ thiện chí hợp tác, xoa dịu lo lắng, xóa nhòa khoảng cách với các quốc gia Đông Nam Á[16]. Hành động của Trung Quốc cho thấy họ đang là cường quốc đang phát triển. Để tạo được nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và tăng cường ảnh hưởng của mình trên toàn cầu thì Trung Quốc cần có chỗ đứng và tác động tại một khu vực nhất định. Đông Nam Á được xem là khu vực duy nhất và tiềm năng nhất để họ có thể hiện thực hóa toan tính. Điều quan trọng hàng đầu để thực hiện được mưu tính đó là phải có được sự ủng hộ và đồng thuận của các quốc gia Đông Nam Á. Ngoài ra, Trung Quốc nhận thấy vấn đề an ninh khu vực là mối lo ngại chung của cả ASEAN, cho nên biện pháp chiến lược lâu dài của nước này là gia tăng ảnh hưởng, xoa dịu các quốc gia Đông Nam Á[17].

Thứ hai, gia tăng sự ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á. Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn coi việc vận dụng tư tưởng văn hóa như một “sức mạnh mềm” nhằm gia tăng sự ảnh hưởng của mình. Thông thường sức mạnh mềm của mỗi quốc gia được dựa trên ba nguồn lực cơ bản là sức thu hút quốc tế của nguồn lực văn hóa, khả năng ảnh hưởng của chính sách ngoại giao và sự lan tỏa các giá trị chính trị văn hóa của quốc gia đó trên thế giới. Trung Quốc là quốc gia có nền văn minh lâu đời, lại có thế mạnh về văn hóa, cho nên đây được xem là cơ sở quan trọng để tiếp cận các nguồn lực khác. Sau khi đã gia tăng được "sức mạnh cứng" trên cả hai bình diện chính là kinh tế và quân sự, Trung Quốc tiếp tục thường xuyên coi trọng "sức mạnh mềm". Tại văn kiện Đại hội Đảng của Trung Quốc năm 2007 có đề cập “trong thời đại hiện nay, vai trò của văn hóa trong cạnh tranh sức mạnh tổng hợp của đất nước ngày càng tăng, ai chiếm cứ và phát triển được văn hóa, người đó làm chủ và gia tăng được vị thế của mình”[18]. Chính vì thế Trung Quốc đang tỏ ra thực tế và linh hoạt hơn khi gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa thông qua các hoạt động giao lưu, hợp tác mang tính phi cưỡng chế tại khu vực này. Như một phần của “thế công mê hoặc”, Trung Quốc đang tìm cách triển khai hiệu quả để biến văn hóa thành một thứ quyền lực mềm, gắn chặt nó với lợi ích kinh tế góp phần hình thành một nước Trung Quốc thân thiện và đầy trách nhiệm tại khu vực ASEAN.

Thứ ba, tăng cường viện trợ và hợp tác kinh tế. Dựa vào sức mạnh riêng của mình, Trung Quốc tăng cường viện trợ và ủng hộ các nước tại Đông Nam Á. Việc nhận hàng loạt viện trợ kinh tế đã tạo ra sự ràng buộc và phụ thuộc nhất định của ASEAN vào Trung Quốc, đồng thời làm giảm sự phụ thuộc quá sâu của các nước này vào hai cường quốc khác đang muốn tạo dựng ảnh hưởng là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Tăng cường viện trợ và hợp tác thông qua các hình thức như: xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, viện trợ về tài chính, phát triển kinh doanh, du lịch... từ đó Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng về văn hóa một cách tinh tế và toàn mĩ trên nhiều cấp độ. Sự gia tăng ảnh hưởng này sẽ góp phần nâng cao sức hấp dẫn về văn hóa, truyền bá sức mạnh mềm, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ và gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước thành viên ASEAN[19].

Trung Quốc hiện đang trở thành nhà cung cấp viện trợ hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tổng số viện trợ của Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ và Nhật Bản cho khu vực này. Năm 2006, viện trợ của Trung Quốc cho Philippines đã cao gấp 4 lần của Mỹ, Trung Quốc cũng viện trợ cho Lào gấp 3 lần của Mỹ. Trung Quốc đang được xem là “nhà tài trợ kinh tế chính” của Lào, Campuchia và Myanmar. Trung Quốc cũng được coi là nhà cung cấp viện trợ lớn cho Việt Nam, viện trợ cho Việt Nam của Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Nhật Bản[20]. Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các quốc gia Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn và khan hiếm về sản xuất và cung ứng vắc xin, Trung Quốc đã cung ứng vắc xin cho các nước Đông Nam Á với số lượng 120 triệu liều, gấp gần 5 lần con số mà Mỹ và các nước EU phân bổ[21]. Bằng những hành động này, Trung Quốc đang cố gắng tạo dựng hình ảnh là đối tác đáng tin cậy, để từ đó gia tăng sức ảnh hưởng riêng, sự phụ thuộc vào chính quyền Trung Quốc của ASEAN.

4. Thách thức và giải pháp

Việc Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ với khu vực Đông Nam Á theo những toan tính kiểu “nước đôi” – lúc thì hợp tác bình đẳng, lúc thì gia tăng chi phối, đã cơ bản gây ra nhiều thách thức và đòi hỏi ASEAN có những giải pháp thiết thực.

Về thách thức, thứ nhất, vấn đề chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia có nguy cơ bị xâm phạm. Biển Đông luôn được đánh giá là “Địa Trung Hải” của châu Á. Trung Quốc luôn cho rằng, Biển Đông là “trục hai đại dương, là hòn đá tảng về sức mạnh biển, là đồng tiền sinh mệnh của Trung Quốc”[22]. Chính quyền Trung Quốc có tham vọng và mưu tính độc chiếm Biển Đông hòng khống chế và kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch của toàn cầu, mở rộng tuyến đường biển xuống phía Nam, từ đó mở rộng ra các đại dương, cạnh tranh vị thế siêu cường với Hoa Kỳ. Hành động của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều đó. Trung Quốc liên tục có những hành động xâm lấn, tăng cường hiện diện quân sự và các lực lượng kinh tế ở vùng biển này. Năm 2009, chính quyền Trung Quốc gửi công hàm tới Liên Hợp Quốc và tấm bản đồ thể hiện chủ quyền tại Biển Đông. Đặc biệt tháng 5 năm 2014, Trung Quốc đặt dàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... Trung Quốc hiện chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ở khu vực đất liền, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở Lào và Campuchia. Việc Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở đây là những thách thức không nhỏ cho các nước khu vực Đông Nam Á trong các vấn đề liên quan đến gìn giữ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, các nước ASEAN có  nguy cơ lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của các nước ASEAN. Trung Quốc là thị trường lớn, là cường quốc kinh tế phát triển, hàng hóa của ASEAN chủ yếu xuất khẩu sang thị trường nước này, tạo ra sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong nhiều năm liền. Năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nhưng tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn đạt hơn 500 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào cộng đồng ASEAN đạt gần 8 tỷ USD[23]. Khi Trung Quốc là đối tác lớn hàng đầu của ASEAN, là nhà tài trợ và viện trợ về kinh tế, tài chính cho các nước ASEAN, thì cũng là lúc nguy cơ gia tăng sự lệ thuộc sâu hơn, ngày càng rõ ràng hơn của các nước ASEAN vào Trung Quốc.

Về giải pháp của ASEAN, một là, nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về “đối tác - đối tượng” trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Những quốc gia, tổ chức nào hợp tác tôn trọng độc lập, chủ quyền, và phát triển hợp tác thì được xem là đối tác hợp tác tốt. Những nước nào, tổ chức nào xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia đều là đối tượng mà ASEAN cần đấu tranh. Đây chính là giải pháp hữu hiệu phân biệt giữa đối tác và đối tượng để từ đó có thái độ hợp tác một cách đúng đắn, nâng cao tinh thần cảnh giác[24]. Vì vậy trong mối quan hệ với Trung Quốc, ASEAN cần thấy rõ hai mặt đối tượng và đối tác, trong đó mặt đối tác vẫn được xem là cơ bản. Trong xử lý quan hệ với Trung Quốc, các nước ASEAN cần theo phương châm tôn trọng nước lớn, mong muốn hợp tác và phát triển với Trung Quốc để duy trì môi trường hòa bình, ổn định và củng cố quan hệ hữu nghị, đồng thời phải giữ vững nguyên tắc không đánh đổi chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ để lấy những lợi ích trước mắt.

Hai là, tăng cường đa phương hóa quan hệ đối ngoại, tích cực hội nhập quốc tế. Khi chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc là nhằm tác động và gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến khu vực này thì các quốc gia ASEAN cần tiến hành đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Đó sẽ là giải pháp tốt để tránh bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài ra ASEAN còn dựa vào mối quan hệ với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để gây sức ép, tạo làn sóng dư luận đấu tranh để xóa bỏ những tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân. Tuy nhiên, việc mở rộng quan hệ đối tác cần đảm bảo nguyên tắc độc lập, tự chủ và tôn trọng lợi ích quốc gia dân tộc trong các nước ASEAN. Nhưng đó không phải là biện pháp hàng đầu để giải quyết vấn đề mà các nước trong khu vực phải kết hợp tăng cường sức mạnh nội khối với nâng cao nội lực mỗi quốc gia, biết tranh thủ sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế để từ đó tạo ra sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia.

Là một trong số các quốc gia thành viên ASEAN, được xem là gần với Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia mà chính quyền Trung Quốc muốn có được sự ảnh hưởng. Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng; chiêng có to, tiếng mới lớn”[25]. Muốn đất nước không bị phụ thuộc hay ảnh hưởng bởi Trung Quốc thì điều đầu tiên là gia tăng sức mạnh bên trong quốc gia. Những khoản đầu tư lớn đến từ Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam phải có đủ năng lực để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả. Khi nội lực được tăng cường, hội nhập quốc tế sẽ hiệu quả, các mối quan hệ đa phương cũng phát triển hơn, thế đan xen về lợi ích của ASEAN với các nước, trong đó có Trung Quốc cũng rõ ràng và sâu sắc hơn. Qua đó các nước ASEAN sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, kết hợp sức mạnh bên trong ASEAN với sức mạnh quốc tế để độc lập, tự do, tránh rơi vào phụ thuộc và bị chi phối[26].

5. Kết luận

Việc Trung Quốc tăng cường hợp tác với ASEAN là sự thể hiện rõ nét nhất chính sách của nước này hướng đến tạo dựng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Chính sách song phương có đi có lại và chi phối của chính quyền Trung Quốc thể hiện bằng cách một mặt tăng cường hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị song phương với ASEAN, mặt khác muốn hình thành sự ảnh hưởng làm cho các nước trong khu vực ASEAN phải phụ thuộc, để họ có thể thiết lập một quỹ đạo theo mưu tính của riêng mình. Chính sách đó đặt ra nhiều thách thức lớn khiến các nước trong khu vực Đông Nam Á phải có những giải pháp cụ thể để tự bảo vệ. Để làm được điều đó, các quốc gia ASEAN cần tăng cường liên kết nội khối, chủ động phát triển nội lực, kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ý thức rõ ràng về mắt xích quan trọng của quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong môi trường địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương, ý thức về những toan tính và hành xử của Trung Quốc và quyết tâm tăng cường liên kết nội khối mạnh mẽ sẽ giúp ASEAN không chỉ có tính tổ chức ngày càng vững mạnh, có tiếng nói ngày càng được nể trọng mà còn làm cho vị thế của mỗi nước trong tổ chức này ngày càng được khẳng định.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Văn Âu (2002), Địa lý tự nhiên Biển Đông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. Nguyễn Anh Cường - Phạm Quốc Thành (2017), Chính sách đối ngoại của Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Dân (2011), Địa chính trị trong chiến lược và chính sách phát triển quốc gia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Bùi Hải Đăng (2019), “Những toan tính trong “chính sách nước đôi” của Trung Quốc với ASEAN”, https://congan.com.vn/tin-chinh/ nhung-toan-tinh-trong-chinh-sach-nuoc-doi-cua-trung-quoc-voi-asean_78015.html.

5. Nguyễn Thị Thúy Hồng (2008), Kinh tế các nước ASEAN, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6. Nguyễn Thu Hương (2022), “Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hoá ở khu vực Đông Nam Á”, http://vnics.org.vn/Default.aspx? ctl=Article&aID=178.

7. Trần Khánh (2014), Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Nam Á-Ba thập niên đầu sau Chiến tranh lạnh, Nxb Thế giới, Hà Nội.

8. Sở Thụ Long – Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Đinh Thị Hiền Lương (2019), Nhận thức của sức mạnh Trung Quốc về sức mạnh quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, T. 4.

11. Phạm Quang Minh (2014), Giáo trình Quan hệ Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

12. Hoàng Thị Tuấn Oanh – Nguyễn Quỳnh Trang (2021), “Quan hệ ASEAN - Trung Quốc: Ba mươi năm nhìn lại và hướng tới”, http://hvct cand.edu.vn/nghien-cuu-quoc-te/quan-he-asean-trung-quoc-ba-muoi-nam-nhin-lai-va-huong-toi-3533.

13. Hồ Quốc Phú (2017), “Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam”, http://lyluanchinhtri.vn/ home/index.php/quoc-te/item/1897-chinh-sach-doi-voi-dong-nam-a-cua-trung-quoc-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html.

14. Đào Trang (2021), “Quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong 30 năm  phát triển”, https://www.vietnamplus.vn/quan-he-hop-tac-trung-quocasean-trong-30-nam-phat-trien/7551 83.vnp.

 

 

 

 



[1] PGS.TS., Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[3] Hồ Quốc Phú (2017), “Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam”, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/ 1897-chinh-sach-doi-voi-dong-nam-a-cua-trung-quoc-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html, truy cập ngày 8/6/2022.

[4] Sở Thụ Long và Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 309.

[5] Nguyễn Văn Âu ( 2002), Địa lý tự nhiên biển Đông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 21.

[6] Bắc Hà (2015), “Vị trí địa chính trị của Việt Nam với đường lối quốc phòng”, Báo Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/phong-chong-dien-bien-hoa-binh/vi-tri-dia-chinh-tri-cua-viet-nam-voi-duong-loi-quoc-phong-258331, truy cập ngày 12/6/2022.

[7] Lưu Việt Hà (2016), “Về quan hệ Trung Quốc - ASEAN từ sau chiến tranh lạnh đến nay”, Lý luận chính trị, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1409-ve-quan-he-trung-quoc-asean-tu-sau-chien-tranh-lanh-den-nay.html, truy cập ngày 10/6/2022.

[8] Sở Thụ Long và Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 319.

[9] Hồ Quốc Phú (2017), “Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam”, Tlđd.

[10] Vietnamplus (2021), “ASEAN - Trung Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện”, https://www. vietnamplus.vn/aseantrung-quoc-nang-cap-quan-he-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien/749614.vnp, truy cập ngày 25/6/2022.

[11] Phạm Quang Minh (2014), Giáo trình Quan hệ Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 136.

[12] Hoàng Thị Tuấn Oanh – Nguyễn Quỳnh Trang (2021), “Quan hệ ASEAN - Trung Quốc: Ba mươi năm nhìn lại và hướng tới”, http://hvctcand.edu.vn/nghien-cuu-quoc-te/quan-he-asean-trung-quoc-ba-muoi-nam-nhin-lai-va-huong-toi-3533, truy cập ngày 10/6/2022.

[13] Bùi Hải Đăng (2019), “Những toan tính trong “chính sách nước đôi” của Trung Quốc với ASEAN”, https://congan.com.vn/tin-chinh/nhung-toan-tinh-trong-chinh-sach-nuoc-doi-cua-trung-quoc-voi-asean_78015. html, truy cập ngày 9/6/2022.

[14] Phạm Quang Minh ( 2014), Giáo trình Quan hệ Quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tlđd, tr. 139-140.

[15] Đinh Thị Hiền Lương (2019), Nhận thức của sức mạnh Trung Quốc về sức mạnh quốc gia, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, tr. 71.

[16] Sở Thụ Long và Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Tlđd, Hà Nội, tr. 312.

[17] Sở Thụ Long và Kim Uy (2013), Chiến lược và chính sách ngoại giao của Trung Quốc, Tlđd, tr. 309.

[18] Nguyễn Thu Hương (2022), “Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa ở khu vực Đông Nam Á”, Viện nghiên cứu Trung Quốc, http://vnics.org.vn/Default. aspx?ctl=Article&aID=178, truy cập ngày 10/6/2022.

[19] Nguyễn Thu Hương (2022), “Trung Quốc gia tăng sức mạnh mềm văn hóa ở khu vực Đông Nam Á”, Tlđd.

[20] Bùi Hải Đăng (2019), “Những toan tính trong “chính sách nước đôi” của Trung Quốc với ASEAN”, Tlđd.

[21] Thanh Phương (2021), “Các nước Đông Nam Á tăng tốc trong nỗ lực bao phủ vaccine COVID-19”, https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-dong-nam-a-tang-toc-trong-no-luc-bao-phu-vaccine-covid19/732080.vnp, truy cập ngày 23/6/2022.

[22] Trần Khánh (2014), Hợp tác và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ở Đông Nam Á - Ba thập niên đầu sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 142.

[23] Đào Trang (2021), “Quan hệ hợp tác Trung Quốc-ASEAN trong 30 năm phát triển”, https://www. vietnamplus.vn/quan-he-hop-tac-trung-quocasean-trong-30-nam-phat-trien/755183.vnp, truy cập ngày 9/6/2022.

[24] Hồ Quốc Phú (2017), “Chính sách đối với Đông Nam Á của Trung Quốc và thách thức đối với Việt Nam”, Tlđd.

[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, T. 4, tr.126.

[26] Nguyễn Anh Cường - Phạm Quốc Thành (2017), Chính sách đối ngoại của Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr. 336.

 

0thảo luận