Trang chủ

Quan hệ Australia-Trung Quốc trong nhiệm kỳ của tân Thủ tướng Anthony Albanese: Những bước khởi đầu và dự báo

Đăng ngày: 12-01-2024, 09:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

 

Phạm Quốc Thành1, Phùng Chí Kiên2

Tóm tắt: Cuối tháng 5/2022, nhà lãnh đạo Công đảng (ALP) Anthony Albanese đã trở thành tân Thủ tướng Australia. Trước và sau sự kiện này, ông Albanese đã có một số phát ngôn và hoạt động đối ngoại đáng chú ý liên quan đến mối quan hệ Australia - Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ giữa hai quốc gia này bất ổn do bất đồng về nhiều mặt. Trên cơ sở nhận xét quan hệ Australia - Trung Quốc những năm gần đây, bài viết* phân tích xu hướng đối ngoại của Australia và nhận định về mối quan hệ của nước này với Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Albanese, từ đó nhóm tác giả đưa ra một số dự báo về mối quan hệ này trong thời gian tới.

Từ khóa: Anthony Albanese, quan hệ, Australia, Trung Quốc


1. Tình hình quan hệ Australia - Trung Quốc những năm gần đây[1] [2]

Trong nhiều năm, Australia và Trung Quốc đã là các đối tác thương mại lớn của nhau. Từ năm 2014, Trung Quốc và Australia dưới thời cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã hình thành mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ song phương chặt chẽ như vậy đã được củng cố về mặt pháp lý bởi Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Australia (ChAFTA) vào năm 2015. Trên cơ sở ChAFTA, đến đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Scott Morison, Trung Quốc cơ bản vẫn là đối tác thương mại không thể thiếu của Australia. Ông Morison từng công nhận Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước mình[3]. Các con số khảo sát cũng nói lên điều đó: 94% giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Australia sang Trung Quốc vào năm 2019 có liên quan tới ChAFTA và trong điều kiện bình thường, con số ấy được sự báo sẽ tăng lên 96% vào năm 2029. Không chỉ vậy, những lĩnh vực như du lịch, giáo dục và chống biến đổi khí hậu cũng là trọng tâm hợp tác đáng được ghi nhận của Trung Quốc và Australia vào đầu nhiệm kỳ của chính quyền Morison. Trong khoảng thời gian này, du khách Trung Quốc tới Australia chiếm số lượng rất lớn[4]; tương tự, rất nhiều du học sinh đại học tại Australia là người Trung Quốc[5]. Hai bên cũng chia sẻ nhiều quan điểm và quyết tâm phòng chống biến đổi khí hậu và chủ nghĩa bảo hộ sau khi Mỹ (lúc đó đang trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald J. Trump) rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan hệ Australia - Trung Quốc trở nên xấu đi nghiêm trọng, nhất là từ sau vụ việc liên quan đến tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực 5G nói chung và tập đoàn Huawei nói riêng cùng các sản phẩm di động của tập đoàn này bị cấm bởi chính phủ và Bộ Quốc phòng Australia từ năm 2018[6]. Lệnh cấm này xuất phát từ sự đe dọa về an ninh thông tin từ các sản phẩm di động và 5G của Trung Quốc cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhiều chính trị gia và người dân Australia ngày càng cảm thấy bất ổn về an ninh sau khi tập đoàn Landbridge (Trung Quốc) được phép thuê cảng Darwin trong 99 năm và nhiều tập đoàn Trung Quốc khác cũng trúng thầu các công trình trọng yếu của đất nước[7]. Mâu thuẫn giữa Australia và Trung Quốc cũng gia tăng bởi những bất đồng trong nội bộ Australia về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Nhìn chung, phe ủng hộ cho rằng Australia sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và gia tăng ảnh hưởng nếu tham gia vào định chế này. Phía phản đối lại cho rằng tham gia BRI đem lại nhiều rủi ro cho Australia trong khi điều đó sẽ mang đến nhiều lợi ích cho Trung Quốc, giúp Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng tại khu vực và gây ảnh hưởng xấu tới môi trường tự nhiên. Thêm vào đó, quan hệ giữa hai bên trở nên căng thẳng hơn khi Australia cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào chính trị nội bộ của nước này. Trong giai đoạn 2016-2017, Cơ quan An ninh Tình báo Australia đưa ra những chứng cứ về việc các nhà hoạt động chính trị, báo chí, internet, các dân tộc, tôn giáo và một bộ phận lớn người dân của Australia bị tác động xấu bởi nỗ lực can thiệp của một số cường quốc, trong đó có nhiều nội dung nhắm tới Trung Quốc. Sau đó, Quốc hội và Chính phủ Australia đã liên tục thông qua các đạo luật nhằm giảm thiểu sự hiện diện của Trung Quốc trên lãnh thổ Australia, chống lại các doanh nghiệp đấu thầu từ Trung Quốc và BRI.

Bất đồng giữa Australia và Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19. Ngay khi đại dịch này bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), chính quyền Canberra đã ra lệnh cấm người Trung Quốc đến du dịch và du học. Không dừng lại ở đó, giới cầm quyền Australia còn kiên quyết yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra độc lập về nguyên nhân và xuất xứ của COVID-19. Những động thái này khiến cho Bắc Kinh không bằng lòng và sau đó ra lệnh cắt đứt kênh ngoại giao cấp bộ trưởng với Australia, lên án Australia kỳ thị người châu Á và khuyến cáo người dân không đến nước này. Australia bác bỏ cáo buộc phân biệt chủng tộc từ Trung Quốc, tuyên bố tự chủ quốc gia là tối thượng nhưng không vì thế mà làm phương hại quan hệ với các quốc gia khác.

Mặt khác, xung đột giữa Trung Quốc và Australia còn thể hiện qua cách tiếp cận khác nhau đối với các định chế quốc tế mới do Mỹ và đồng minh thiết lập. Bộ Tứ kim cương (QUAD, gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) và AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ) là các định chế quốc tế mà Mỹ và các đồng minh thiết lập để củng cố mối quan hệ liên minh, nâng cao vị thế, mở rộng quy mô ảnh hưởng và không loại trừ mục đích đối đầu với Trung Quốc. Trong khi Australia là thành viên tham gia tích cực các định chế quốc tế này thì Trung Quốc phản đối kịch liệt, cho rằng Mỹ và đồng minh đang tạo ra bất ổn về chính trị - an ninh trong khu vực và trên toàn cầu. Mâu thuẫn giữa hai nước còn được minh chứng qua một số điểm nóng khác. Vấn đề Biển Đông là một ví dụ. Sách trắng Đối ngoại năm 2017 của Australia đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm pháp luật quốc tế bởi quốc gia này ngày càng có nhiều hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Australia cũng nhiều lần thể hiện lập trường ủng hộ Ấn Độ trong xung đột biên giới Trung - Ấn. Cả Trung Quốc và Australia đều nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Nam Thái Bình Dương. Đối với xung đột Nga - Ucraina, Australia tỏ rõ thái độ phê phán chiến dịch quân sự của Nga, đồng thời chê trách lập trường trung lập của Trung Quốc và cho rằng đó là sự im lặng có tính toán của quốc gia đông dân nhất thế giới.

2. Tân Thủ tướng Anthony Albanese và xu hướng đối ngoại đầu nhiệm kỳ

Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng (ALP), sinh ngày 02/03/1963 tại Sydney, Australia. Ông từng là cử nhân kinh tế của Đại học Sydney, nhưng sau này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chính trị. Ông trở thành nghị sĩ Quốc hội đại diện cho khu vực bầu cử Grayndler từ năm 1996. Từ tháng 12/2007 đến tháng 8/2010, Anthony Albanese được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Phát triển khu vực và chính quyền địa phương. Cũng trong thời gian này, ông kiêm chức Bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng đến tháng 8/2013. Từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2013, ông giữ chức Phó Thủ tướng trong Chính phủ Kevin Rudd. Năm 2019, do liên tục thất bại trong các cuộc bầu cử từ sau năm 2013, ALP quyết định thay đổi về tổ chức, đưa Anthony Albanese trở thành lãnh đạo của đảng này cũng như lãnh đạo phe đối lập trong chính trường. Tháng 5/2022, ông Albanese đã đánh bại Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison để trở thành thủ tướng tiếp theo của Australia.

Sau khi tiếp quản nhiệm sở, tân Thủ tướng Albanese đã dẫn dắt chính quyền mới thực hiện một số hoạt động đối ngoại đáng chú ý. Củng cố mối quan hệ đồng minh với Mỹ tiếp tục là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Canberra. Ở cấp độ cá nhân, ông Albanese có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông từng khẳng định Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Australia[8]. Australia cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động trong các định chế  QUAD và AUKUS, thể hiện qua việc ông Abanese tham dự Hội nghị cấp cao của nhóm QUAD tại Nhật Bản ngay sau lễ nhậm chức Thủ tướng Australia. Cùng với đó, Văn phòng Thủ tướng Anh xác nhận, trong một cuộc điện đàm vào ngày 24/5/2022, Thủ tướng Anh Boris Johnson (đã tuyên bố từ chức vào đầu tháng 7/2022) và tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thảo luận về việc bổ sung những lĩnh vực hợp tác trong AUKUS. Chính quyền mới còn cho thấy sự chú trọng lớn hơn đối với các quốc gia lân cận trong khu vực. Ông Albanese và ALP thẳng thắn phê phán các chính quyền tiền nhiệm vì đã để xảy ra hai trường hợp có thể gây bất ổn đối với an ninh quốc gia. Đó là sự kiện Trung Quốc ký thỏa thuận về an ninh với Solomon, một quốc đảo cùng khu vực với Australia tại Thái Bình Dương và sự kiện cho một công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin 99 năm. Lập trường của tân Thủ tướng là Australia nên dẫn dắt khu vực Thái Bình Dương thay vì để cho Trung Quốc hoặc Nga xuất hiện tại nơi đây[9].

Hoạt động đối ngoại tại Đông Nam Á đầu nhiệm kỳ cũng cho thấy sự quan tâm lớn của Thủ tướng Albanese tới khu vực này. Đóng góp của Cộng đồng ASEAN và một số định chế khác về Đông Nam Á đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được ông đánh giá rất cao. Bên cạnh thông điệp về mối quan hệ sâu sắc với Đông Nam Á, Thủ tướng Albanese còn thể hiện mối quan hệ đặc biệt với Indonesia. Ông đánh giá Indonesia là một siêu cường tiềm năng và thể hiện sự thân thiết với quốc gia này bằng việc vừa đạp xe vừa hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Đồng thời, tân Thủ tướng Australia cũng cam kết hỗ trợ các nước Đông Nam Á khác và Indonesia lần lượt là 470 triệu AUD và 200 triệu AUD, thông báo sẽ lập ra Vụ Đông Nam Á hoạt động trong Bộ Ngoại giao và Thương mại, đồng thời cử ra đặc phái viên cao cấp về Cộng đồng ASEAN. Cuối tháng 6/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Penny Wong đã thăm Việt Nam và bày tỏ sự trân trọng và kỳ vọng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Sự tham gia của tân Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles tại hội nghị an ninh cấp cao Đối thoại Shangri-La gần đây cũng mang đến những dấu hiệu nhất quán về lập trường của Australia với khu vực Đông Nam Á.

3. Quan hệ Australia - Trung Quốc thời gian tới: thách thức và triển vọng

3.1. Một số thách thức và nguy cơ

Có thể nhận định, “mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và mối quan hệ đồng minh với Mỹ khiến Australia rơi vào thế lưỡng nan”[10]. Việc chính quyền mới tiếp tục chú trọng quan hệ đồng minh với Mỹ và những định chế quốc tế do Mỹ dẫn dắt nhiều khả năng sẽ gây trở ngại lớn nếu Canberra muốn cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Trước hết, xung đột về thương mại dai dẳng giữa Trung Quốc và Australia cản trở việc bình thường hóa quan hệ đối tác song phương của hai quốc gia này. Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Australia được cho là chưa có hồi kết khi mà hai nước này vẫn duy trì các chính sách trừng phạt kinh tế lẫn nhau. Không chỉ giữ vững những quyết sách đã đưa ra, từ khoảng tháng 6/2021 đến tháng 01/2022, hai nước còn liên tục kiện lẫn nhau lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với cáo buộc đối phương thực hiện các biện pháp bán phá giá và trợ cấp đối với một số sản phẩm như thịt bò, lúa mạch, bông sợi, rượu vang, than đá, gỗ. Kết quả là từ đầu năm 2020, tác động của xung đột thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã khiến giá trị thương mại của Australia đối với Trung Quốc và ngược lại giảm đáng kể. Đây là những thách thức lớn đối với cả hai chính quyền đương nhiệm trong việc cải thiện quan hệ. Về phía chính phủ Albanese, tuy bày tỏ quan điểm khá tích cực về quan hệ Australia - Trung Quốc, nhưng Phó Thủ tướng Richard Marles ngày 08/7/2022 cũng thừa nhận những vướng mắc giữa hai quốc gia vẫn cần thời gian để giải quyết. Sau Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 08/7/2022 tại Bali, Indonesia, Trung Quốc cũng chủ động nêu ra 4 yêu cầu để cải thiện mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia gồm: Australia cần coi Trung Quốc là đối tác thay vì đối thủ; hai bên phải tuân thủ một lộ trình tìm kiếm điểm chung trong khi vẫn có những quan điểm khác biệt; không nhắm mục tiêu đến bất kỳ bên thứ ba nào hoặc bị bất kỳ bên thứ ba nào kiểm soát; hai bên cùng xây dựng các nền tảng xã hội tích cực, thực dụng và sự ủng hộ của công chúng. Tuy nhiên, Thủ tướng Albanese đã phản bác các yêu cầu này vào ngày 11/7/2022[11].

Trung Quốc và Australia cũng gặp nhiều khó khăn để cải thiện niềm tin chính trị lẫn nhau. Hình ảnh Australia đã xấu đi trong mắt nhiều người dân Trung Quốc khi chính quyền Bắc Kinh cho rằng Australia đã cấm du khách và du học sinh Trung Quốc vì sự kỳ thị đối với người châu Á. Ấn tượng về Trung Quốc cũng xấu đi trong lòng nhiều người dân Australia, điều này có thể được minh chứng bằng những con số thống kê trong nhiều cuộc khảo sát gần đây. Đơn cử, kết quả khảo sát cuối tháng 6/2022 của Viện Lowy cho thấy, 75% (cao hơn năm 2018 là 30%) người dân được hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa quân sự đối với Australia trong 20 năm tới[12], 63% câu trả lời coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh và chỉ có 33% câu trả lời coi Trung Quốc là đối tác kinh tế[13].

Cách tiếp cận các định chế quốc tế trong khu vực cũng làm giãn cách mối quan hệ giữa hai nước. Australia vẫn duy sự chủ động, tích cực trong quá trình tham gia các định chế có sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh dù Trung Quốc không ngừng chỉ trích điều này. Ngoài QUAD và AUKUS, gần đây nước này cũng cùng Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và Anh khởi động cơ chế hợp tác bao trùm Các đối tác ở Thái Bình Dương Xanh (PBP) vào 25/6/2022 nhằm kết nối các đảo quốc tại Nam Thái Bình Dương và không ngoại trừ mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc tại khu vực này. Ngược lại, trong khi Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện BRI thì Australia ngày càng thể hiện rõ lập trường không ủng hộ định chế này với động thái gần nhất là sự phản đối chính thức của bang Victoria[14].

Bởi những thách thức kể trên, nguy cơ xung đột mới giữa Trung Quốc và Australia rất có khả năng xảy ra. Nam Thái Bình Dương đang trở thành điểm nóng của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Australia. Từ cuối tháng 4/2022, Trung Quốc và Solomon đã định hình mối quan hệ hợp tác về an ninh. Việc này tạo ra lợi thế để Trung Quốc đến gần hơn với các quốc đảo tại Nam Thái Bình Dương và có thêm sự ủng  hộ quốc tế về vấn đề Đài Loan. Ngày 26/5/2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thăm và làm việc với 8 quốc đảo Nam Thái Bình Dương, trong khi người đồng cấp Australia là Penny Wong cũng tiến hành chuyến thăm đảo quốc Fiji. Chính quyền Albanese cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các quốc đảo này bằng những lời hứa về sự đoàn kết, tương trợ trong bối cảnh dịch COVID-19. Australia rất gấp rút trong việc trở lại Nam Thái Bình Dương với những kế hoạch thăm hỏi ngoại giao cấp Thủ tướng đối với Papua New Guinea và tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (ngày 13/7/2022). Cũng vào đầu tháng 7/2022, Australia thông báo Trung Quốc và Papua New Guinea đã hợp tác xây dựng căn cứ quân sự trong Đặc khu kinh tế Ihu, tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ thông tin này. Việc đảo quốc Solomon rút khỏi Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương là động thái mới cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực này ngày một mạnh mẽ và điều này chắc chắn sẽ thôi thúc những hành động quyết liệt hơn từ phía Canberra.

Ngoài ra, hai nước cũng tiếp tục có những hành động công kích lẫn nhau khác trên trường quốc tế. Đầu tháng 6/2022, Trung Quốc đã chặn một máy bay của Australia khi chiếc máy bay này bay qua Biển Đông với lý do xâm phạm trái phép “không phận” của Trung Quốc. Phía Australia khẳng định đó là không phận quốc tế, Thủ tướng Albanese trả lời phỏng vấn về sự kiện này một cách ngắn gọn rằng đó là việc làm cực kỳ nguy hiểm trong vùng trời quốc tế. Trước đó, Australia cũng đã nhiều lần lên án các hành vi đơn phương và trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và những động thái thắt chặt quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á của tân Thủ Tướng Anthony Albanese cho thấy lập trường cứng rắn của Australia đối với Trung Quốc về vùng biển này. Mặt khác, tại Hội nghị cấp cao của nhóm QUAD cuối tháng 5/2022, Australia đã thể hiện rất rõ sự tương đồng với các đồng minh về các lập trường chống Nga và những động thái mà họ coi là ủng hộ Nga. Kể từ khi xung đột quân sự Nga - Ukraine bùng nổ, Australia đã không ít lần phê phán Trung Quốc vì thái độ ngầm ủng hộ Nga của quốc gia này, tuyên bố sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc nếu nước này viện trợ cho Nga. Ngày 22/6/2022, trong chuyến thăm Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Richard Marles cũng yêu cầu Trung Quốc minh bạch các động thái quân sự và Australia ủng hộ Ấn Độ trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề biên giới.

3.2. Một số triển vọng cải thiện quan hệ

Tuy còn gặp nhiều thách thức nhưng quan hệ Trung Quốc – Australia vẫn có một số triển vọng cải thiện quan hệ nhờ vào thiện chí ngoại giao từ cả đôi bên.

Về phía Australia, ngày 12/6/2022, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Australia Richard Marles và người đồng cấp Trung Quốc là Ngụy Phượng Hòa đã có cuộc hội đàm lần đầu tiên sau ba năm. Cuộc hội đàm hơn một giờ đồng hồ này được phía Australia đánh giá là “bước đầu tiên quan trọng” giúp cải thiện quan hệ giữa hai nước sau một thời gian căng thẳng. Cũng trong dịp này, “phần phát biểu và thảo luận của ông Marles được đánh giá là ít đối đầu Trung Quốc hơn so với lập trường của chính phủ tiền nhiệm. Quan chức Australia cũng trấn an Trung Quốc và các nước khu vực về liên minh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ được công bố cuối năm ngoái. Ông nhấn mạnh mô hình này không phải “NATO thu nhỏ”, không mang tính phòng thủ tập thể mà chỉ nhằm chia sẻ và phối hợp phát triển năng lực quốc phòng ba bên”[15]. Ngày 06/7/2022, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia Don Farrell cũng nêu thiện chí thỏa hiệp của Australia với Trung Quốc về những vụ kiện thương mại của hai nước tại WTO. Ngày 08/7/2022, Phó Thủ tướng Australia Richard Marles ngỏ ý tiếp cận ngoại giao một cách chuyên nghiệp với Trung Quốc và nhắc lại Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Cùng ngày, bên lề Hội nghị G20 tại Bali (Indonesia), cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Australia Penny Wong và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã diễn ra sau ba năm gián đoạn với một số thông điệp tích cực về mối quan hệ giữa hai nước.

Từ phía Trung Quốc, thiện chí về việc cải thiện quan hệ Trung Quốc – Australia cũng được thể hiện một cách khá rõ nét. Trong lời chúc mừng tân Thủ tướng Albanese, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lồng vào đó những hàm ý đối ngoại cầu thị về mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia. Gần đây, Bắc Kinh đã cử đại sứ mới, ông Tiêu Thiên, tới Australia với những thông điệp ngoại giao mới mẻ. Ông này được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm và phong cách ngoại giao thông thái, linh hoạt và có thể hỗ trợ nhiều trong việc gắn kết quan hệ hai nước. Cuối tháng 6/2022, Đại sứ Tiêu Thiên đã kêu gọi Australia nối lại quan hệ tốt hơn với Trung Quốc bằng cách tôn trọng các khác biệt chính trị, hợp tác kinh tế, an ninh, các vấn đề khu vực và giải quyết hợp lý các bất đồng.

Tuy trong tình trạng xung đột về an ninh và thương mại nhưng Trung Quốc và Australia vẫn có thể cải thiện quan hệ trong một số phương diện hợp tác chức năng khác. Việc hợp tác trong phòng chống, khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu được ghi nhận là có nhiều kết quả tốt đẹp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Australia. Trong những phát ngôn gần đây, Đảng ALP của ông Albanese cũng đã gợi ý những chính sách mang tính hợp tác với Trung Quốc về môi trường, tài nguyên và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, du lịch và du học cũng có thể là các kênh ngoại giao nhân dân kết nối hai quốc gia. Với tình hình dịch bệnh có nhiều cải thiện, việc từng bước mở cửa cho các du khách và du học sinh từ cả hai nước là một việc làm rất có ý nghĩa cả về kinh tế cũng như chính trị - ngoại giao.

4. Kết luận và liên hệ

Nhìn chung, những năm gần đây mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên phức tạp và đi theo hướng tiêu cực. Từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, hai nước trở thành những đối thủ của nhau trong tranh chấp thương mại và cạnh tranh chính trị - an ninh. Với tình hình như hiện nay, mối quan hệ này vẫn phải đương đầu với nhiều thử thách, nguy cơ trong thời gian tới, buộc hai bên đều phải có những bước đi cẩn trọng nếu không muốn đẩy mức độ căng thẳng khỏi phạm vi kiểm soát.

Liên hệ với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, thực trạng quan hệ Australia - Trung Quốc mang đến cả thách thức và cơ hội. Dù đang là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai cường quốc, Đông Nam Á với đại diện là ASEAN hoàn toàn có thể thể hiện rõ hơn vai trò trung gian kết nối giúp cải thiện quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh. Những diễn biến tại Đối thoại Shangri-la gần đây càng cho thấy tính khả thi của kịch bản này. Đối với Việt Nam, xét cho cùng, lợi ích tổng thể sẽ trở nên lớn hơn nhiều nếu quan hệ giữa Trung Quốc và Australia được cải thiện. Với đường lối đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[16], dù là Trung Quốc hay Australia, Việt Nam đều cần duy trì mối quan hệ hợp tác thay vì đối đầu. Kiên định với đường lối này sẽ giúp Việt Nam chủ động vượt qua những áp lực chọn phe từ cả hai phía, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine và nhiều vấn đề phức tạp khác đang tiếp tục gây ra những biến đổi khó lường trong cục diện chính trị khu vực và thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. Bùi Hải Đăng, Nguyễn Tuấn Khanh (2022), “Quan hệ Ấn Độ - Australia trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 2 (111), tr. 1-9.

3. Colin Mackerras (2021), “Australia–China Relations in Decline: Analternative viewpoint”, Social Alternatives, vol. 40, no. 1, pp. 37-44.

4. Elena Collinson (2018), “The Morrison Government and China”, https://www.australia chinarelations.org/content/morrison-govern ment-and-china.

5. Elena Collinson (2019), “Anthony Albanese and the People’s Republic of China: an overview”, https://www.australiachinare lations.org/content/anthony-albanese-and-people%E2%80%99s-republic-china-overview.

6. Indu Saxena (2021), “The China – Australia Cold War”, Journal of Indo – Pacific Affairs, pp. 86-95.

7. Melissa Conley Tyler (2020), “Australia-China relations are more than just government”, https://www.thechinastory. org/australia-china-relations-are-more-than-just-government/.

8. Natasha Kassam (2022), “China as a military threat”, https://poll.lowyinstitute.org/ charts/china-as-a-military-threat/.

9. Natasha Kassam (2022), “China: economic partner or security threat”, https:// poll.lowyinstitute.org/charts/china-economic-partner-or-security-threat/.

10. Tyrone Clarke (2022), “China again urges Australia to meet four demands to 'recalibrate' soured ties following Anthony Albanese's rebuke”, https://www.skynews.com. au/australia-news/politics/china-again-urges-australia-to-meet-four-demands-to-recalibrate-soured-ties-following-anthony-albaneses-rebuke /news-story/d8f77ffd4826670fe11af358dae574 83.

 

 



[1] PGS. TS., Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] TS., Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp Nhà nước mã số KX.04.34/21-25.

[3] Elena Collinson (2018), “The Morrison Government and China”, https://www.australiachinarelations.org/content/ morrison-government-and-china, truy cập ngày 08/6/2022.

[4] Colin Mackerras (2021), “Australia - China Relations in Decline: Analternative viewpoint”, Social Alternatives, Vol. 40, No. 1, p. 41.

[5] Melissa Conley Tyler (2020), “Australia-China relations are more than just government”, The China Story, https://www.thechinastory.org/australia-china-relations-are-more-than-just-government/, truy cập ngày 08/6/2022.

[6] Elena Collinson (2018), “The Morrison Government and China”, Tlđd.

[7] Indu Saxena (2021), “The China – Australia Cold War”, Journal of Indo – Pacific Affairs, p. 88.

[8] Elena Collinson (2019), “Anthony Albanese and the People’s Republic of China: an overview”, https://www. Australiachinarelations.org/content/anthony-albanese-and-people%E2%80%99s-republic-china-overview, truy cập ngày 08/6/2022.

[9] Elena Collinson (2019), “Anthony Albanese and the People’s Republic of China: an overview”, Tlđd.

[10] Bùi Hải Đăng, Nguyễn Tuấn Khanh (2022), “Quan hệ Ấn Độ - Australia trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 2 (111), tr. 3.

[11] Tyrone Clarke (2022), “China again urges Australia to meet four demands to 'recalibrate' soured ties following Anthony Albanese's rebuke”, Skynews, https://www. skynews.com.au/australia-news/politics/china-again-urges-australia-to-meet-four-demands-to-recalibrate-soured-ties-following-anthony-albaneses-rebuke/news-story/d8f77ffd4826670fe11af358dae57483, truy cập ngày 17/7/2022.

[12] Natasha Kassam (2022), “China as a military threat”, https://poll.lowyinstitute.org/charts/china-as-a-military-threat/, truy cập ngày 10/7/2022.

[13] Natasha Kassam (2022), “China: economic partner or security threat”, Lowy Institute: https://poll.Lowyins titute.org/charts/china-economic-partner-or-security-threat/, truy cập ngày 10/7/2022.

[14] Indu Saxena (2021), “The China – Australia Cold War”, Journal of Indo – Pacific Affairs, pp. 86-95, pp. 87.

[15] Vũ Anh (2022), “Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Trung Quốc lần đầu gặp sau ba năm”, https://vnexpress. net/bo-truong-quoc-phong-australia-trung-quoc-lan-dau-gap-sau-ba-nam-4475193.html, truy cập ngày 13/6/2022.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 161-162.

 

0thảo luận