Trang chủ

Đặc điểm nghệ thuật truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi

Đăng ngày: 8-01-2024, 09:11 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Nguyễn Thị Mai Liên1, Trần Diệu Trang2

 

Tóm tắt: Bài viết tập trung tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi, góp phần vào việc dạy học tác phẩm trong nhà trường theo định hướng phát triển năng lực. Cốt truyện đơn tuyến xuôi theo dòng chảy của những sự kiện diễn ra trong cuộc sống, học tập của một cô bé học sinh tiểu học. Những sự kiện trong truyện diễn ra trong không gian mang tính tương phản giữa hai ngôi trường. Không gian lớp học cũng được mở rộng ra rất nhiều so với không gian lớp học bình thường. Nhân vật chính của truyện là một người thầy có phương châm, phương pháp giáo dục nhân văn và một cô bé học sinh đặc biệt. Nghệ thuật đặc sắc đã góp phần tạo nên một tác phẩm văn học làm rung động hàng triệu trái tim tuổi thơ đồng thời mang đến nhiều bài học sâu sắc cho những người làm công tác giáo dục.

Từ khóa: Nghệ thuật, truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ, cốt truyện đơn tuyến, không gian trường học, nhân vật

 

Tetsuko Kuroyanagi là một diễn viên truyền hình nổi tiếng Nhật Bản. Bà học opera ở trường nhạc[1]Tokyo[2]nhưng lại trở thành diễn viên. Từ năm 1975, bà phụ trách chương trình Tetsuko – Câu chuyện phỏng vấn truyền hình hàng ngày đầu tiên của Nhật Bản. Sau đó, chương trình này đã được giải thưởng truyền hình cao nhất. Cuốn sách Totto-chan cô bé bên cửa sổ là tự truyện của Tetsuko Kuroyanagi, khắc họa lại thời bắt đầu đi học với bước ngoặt bất ngờ của chính bà. Được xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây tiếng vang lớn ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Ngay trong năm được xuất bản (1979), 4.500.000 bản đã được phát hành. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra tại Nhật Bản đã lên tới 9.300.000 bản, đưa tác phẩm trở thành một trong những cuốn bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách được dịch ra 33 tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… Khi bản tiếng Anh của Totto-chan xuất bản tại Mỹ, tờ Thời báo New York (The New York Times) đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được và khẳng định: “Totto-chan là bản cáo trạng thầm lặng về một nền giáo dục không có kết quả”[3]. Diễn đàn tin tức quốc tế (International Herald Tribune) nhấn mạnh: “Totto-chan đã nhắc nhở hàng triệu người Nhật Bản về một nền giáo dục mà trẻ em hằng mong muốn”[4]. M. Tarique Farooqui, cựu đại diện UNICEF tại Việt Nam ca ngợi: “Totto-chan lớn lên ở một đất nước bị chiến tranh tàn phá, phải chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ. Với lối viết kể chuyện làm rung động trái tim người đọc, cuốn sách là một đóng góp cho hòa bình”[5]. Ở Nhật Bản, một số chương trong cuốn sách còn được đưa vào nội dung của sách giáo khoa. Sách học sinh Ngữ văn lớp 7, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Việt Nam do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2022 sử dụng một đoạn trích từ cuốn sách và đặt tên là Ngôi nhà trên cây làm ngữ liệu cho phần Thực hành đọc của Bài 1: Bầu trời tuổi thơ[6]. Cuốn sách xinh xắn đã mở ra thế giới tuổi thơ thú vị của Totto-chan, giúp những ai đã và đang đi qua tuổi thơ trở về với một thời tươi đẹp của tuổi hoa niên; đồng thời cung cấp cho các bậc phụ huynh, các nhà sư phạm những bài học quý báu trong việc giáo dục trẻ thơ. Câu chuyện về cô bé Totto-chan được kể lại bằng một nghệ thuật kể chuyện độc đáo, phù hợp với độc giả nhỏ tuổi, với cốt truyện là dòng chảy của những sự việc hàng ngày, một ngôi trường toa tàu độc đáo với nhân vật chính là một người thầy khác thường và một cô học trò đặc biệt. Qua đó, tác giả gửi đến người đọc nhiều thông điệp về cuộc sống và giáo dục.

Totto-chan cô bé bên cửa sổ là một tác phẩm thuộc loại hình tự sự. Vì vậy, tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật thực chất là tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của loại hình tự sự trong tác phẩm. Tự sự là một từ Hán Việt có nghĩa là kể chuyện. Đó là một phương thức tái hiện đời sống, bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch… “Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ quan về nó, thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó”. “Phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi con người làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó. Cho nên tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là một hệ thống nhân vật được khắc họa đầy đủ”[7] trong một bối cảnh không gian – thời gian nghệ thuật. Những yếu tố này tạo nên câu chuyện được kể. Tuy nhiên, trong tự sự hiện đại, nhà văn rất coi trọng vai trò của cách kể tức nghệ thuật tự sự. Để kể lại câu chuyện, nhà văn phải sáng tạo ra một người kể chuyện. Người kể chuyện là “hình tượng ước lệ về người trần thuật trong tác phẩm văn học”. “Đó có thể là hình tượng của chính tác giả… dĩ nhiên không nên đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời; có thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra”[8]. “Có thể chia ra thành người trần thuật lộ diện và người trần thuật ẩn tàng. Theo thuật ngữ thông dụng thì người trần thuật lộ diện là người trần thuật theo ngôi thứ nhất (xưng tôi), còn người trần thuật ẩn tàng là người trần thuật theo ngôi thứ ba”[9]. “Người kể chuyện ngôi thứ nhất (xưng tôi) là nhân vật trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, kể về những gì mình chứng kiến hoặc tham gia nên không chỉ kể mà còn có thể bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Người kể chuyện ngôi thứ ba (người kể chuyện toàn tri - biết hết mọi chuyện) giấu mình khiến người đọc có cảm giác câu chuyện như đang tự nó diễn ra”[10]. Vị trí mà người kể chuyện nhìn ra và miêu tả sự vật được gọi là điểm nhìn nghệ thuật. Nghệ thuật tự sự cũng bao gồm cả ngôn ngữ, giọng điệu người kể. Do nghệ thuật tự sự phong phú và đa dạng như vậy nên trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến ba phương diện nổi bật đặc sắc nhất trong truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ là cốt truyện, hình tượng nhân vật và không gian – thời gian nghệ thuật.

1. Cốt truyện đơn tuyến - dòng chảy của những sự việc hàng ngày

Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch”[11]. Đó là chuỗi các biến cố chính được kể lại theo trình tự mở đầu – diễn biến – kết thúc. Trong quá trình phát triển của loại hình tự sự, cốt truyện cũng có sự vận động, thay đổi do những sáng tạo của nhà văn, hình thành nên những kiểu cốt truyện khác nhau. Có cốt truyện đơn tuyến trong đó “hệ thống sự kiện được kể đơn giản, tập trung thể hiện quá trình phát triển tính cách của một vài nhân vật chính”; cũng có cốt truyện đa tuyến trong đó “trình bày một hệ thống sự kiện phức tạp, tái hiện nhiều bình diện đời sống ở một thời kì lịch sử, tái hiện những con đường diễn biến phức tạp của nhiều nhân vật. Hệ thống sự kiện được chia thành nhiều dòng gắn với số phận của các nhân vật chính”[12]. Cốt truyện tuyến tính/cốt truyện biên niên (G.N Pospelov)/cốt truyện li tâm (V.V Koginov) là kiểu cốt truyện trong đó các sự kiện được kết nối theo trình tự thời gian. Cốt truyện đồng tâm (G.N Pospelov)[13]/ cốt truyện hướng tâm (V.V Koginov) xâu chuỗi các sự kiện theo quan hệ nhân quả. Cốt truyện dòng ý thức phát triển các sự việc theo dòng suy tư của người kể, nên trật tự thời gian của các sự kiện diễn ra có thể đảo lộn. Mỗi loại cốt truyện có giá trị riêng trong việc biểu đạt phạm vi đời sống.

Cốt truyện của Totto-chan cô bé bên cửa sổ gồm 61 phần tương ứng với 61 sự việc và một lời kết thuộc kiểu cốt truyện đơn tuyến, tuyến tính khá tương đồng với các truyện tranh Nhật Bản như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng... Các sự việc đều giản dị diễn ra trong cuộc sống học tập, vui chơi và sinh hoạt của cô bé Totto-chan ở những không gian khác nhau nhưng chủ yếu là ở ngôi trường đặc biệt có tên Tomoe. Phần 1 có tên Nhà ga kể lại sự việc xảy ra ở nhà ga nơi hai mẹ con Totto-chan xuống tàu để đến xin học ở ngôi trường mới. Sự việc này được kể trước tiên đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cuộc sống của Totto-chan. Em sẽ đến học ở một ngôi trường mới, với rất nhiều điều có ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc đời em sẽ xảy ra và sẽ được kể trong cuốn sách này. Phần 2 có tên Cô bé bên cửa sổ đưa người đọc trở về với sự kiện diễn ra trước đó một tuần ở ngôi trường cũ. Cô giáo mời mẹ của Totto-chan đến trường và nói rằng em đã làm loạn lớp học, buộc em phải chuyển sang trường khác. Phần 2 như là một sự lí giải cho sự việc diễn ra ở phần 1, rằng tại sao Totto-chan lại bị đuổi học, hé lộ phần nào tính cách tinh nghịch, hiếu động của Totto-chan. Phần 3 có tên Trường mới kể về việc hai mẹ con Totto-chan đến ngôi trường Tomoe và ấn tượng đầu tiên của cô bé về ngôi trường độc đáo này. Những phần tiếp theo, cốt truyện tiếp tục phát triển theo dòng chảy thời gian với những sự kiện diễn ra trong quá trình học tập của Totto-chan ở ngôi trường mới, giúp độc giả hiểu về tính cách cô bé Totto-chan, về phương pháp dạy học khác biệt ở trường Tomoe của thầy hiệu trưởng Kobayashi… Phần 61 của cuốn truyện có tên Sayonara, Sayonara (tạm biệt) kể lại sự kiện đau buồn xảy ra với trường Tomoe: ngôi trường bị bom Mỹ thiêu cháy rụi trong nỗi đau xót của thầy giáo hiệu trưởng. Câu hỏi của ông với con trai: “Ta sẽ xây lại trường kiểu nào hở con?” cho thấy tinh thần kiên cường, tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề của ông. Dù ngôi trường được xây dựng với bao công sức đã không còn nhưng người thầy giáo tận tụy không hề khuất phục. Ông vẫn sẽ tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của mình cho dù thực tế có vô vàn khó khăn. Cô bé Totto-chan cùng với những người bạn của mình lên tàu đi sơ tán, tiếp tục hành trình ước mơ của mình.

Cốt truyện giản dị, bao gồm những mẩu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc sống hàng ngày của một cô bé học sinh tinh nghịch nhưng cũng rất mộng mơ, dễ thương - gợi nhớ đến những tác phẩm mạn họa (manga/ truyện tranh) của Nhật Bản - rất phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi. Qua những sự việc diễn ra trong cuộc sống học tập, sinh hoạt của Totto-chan, độc giả thuộc những lứa tuổi khác nhau sẽ đọc được những ý nghĩa, bài học khác nhau. Truyện khép lại bằng sự kiện buồn đối với ngôi trường Tomoe nhưng lại không hề gợi cảm giác bi lụy. Trái lại, qua câu hỏi của thầy hiệu trưởng cũng như hình ảnh đoàn tàu chạy trong đêm đưa học sinh đi sơ tán, người đọc hi vọng vào sự hồi sinh và phát triển của những ngôi trường mang triết lí giáo dục nhân văn của Tomoe.

2. Không gian đối lập giữa hai ngôi trường

Không gian nghệ thuật là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”. “Không gian nghệ thuật chẳng những cho thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm văn học mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học”[14]. Không gian nghệ thuật trong Totto-chan cô bé bên cửa sổ gắn với tuổi thơ và thể hiện quan điểm của tác giả về giáo dục.

Để nhấn mạnh sự khác biệt của phương pháp giáo dục ở trường Tomoe, người kể chuyện đã xây dựng hai không gian tương phản nhau. Thứ nhất là không gian của một ngôi trường theo mô hình truyền thống mà Totto-chan nhập học khi đến tuổi đi học. Ngôi trường này chỉ xuất hiện trong chương 2 có tên Cô bé bên cửa sổ nhưng cũng thể hiện những đặc trưng của các trường học theo mô hình truyền thống, theo đó học sinh phải tuân thủ tuyệt đối những nội quy nghiêm ngặt của trường. Trong giờ học, học sinh phải ngồi yên một chỗ, giữ trật tự, lắng nghe thầy cô giảng bài. Bởi Totto-chan không ngồi yên học tập mà luôn gây ồn ào nên em đã bị đuổi học. Cô giáo đã mời mẹ em đến và đề nghị gia đình cho em chuyển trường.

Ngôi trường mà mẹ Totto-chan xin cho em học là một ngôi trường có tên Tomoe. Ngôi trường rất nhỏ nhưng lại có rất nhiều điều đặc biệt thú vị đối với cô bé Totto-chan. Ngay khi đứng trước cổng trường, Totto-chan đã bị thu hút và ấn tượng sâu sắc với hình dáng đặc biệt của ngôi trường đến mức em không tin vào mắt mình. Đó là một con tàu có sáu toa cũ mà nhà trường đã tận dụng làm các phòng học. Ý tưởng độc đáo của thầy hiệu trưởng Kobayashi đã mang đến cho Totto-chan (và chắc chắn là tất cả các học sinh khác của trường) một giấc mơ, cũng như mang đến cho độc giả một thông điệp: ngôi trường chính là con tàu chở các em học sinh đi đến những ước mơ đó. Tuy nhiên, không gian học của các học sinh trường Tomoe không chỉ giới hạn trong phạm vi các toa tàu mà được mở rộng ra rất nhiều. Ở mỗi loại không gian, các em học sinh lại được học một môn học phù hợp.

Không gian phòng ăn và tiết học về dinh dưỡng

Giờ ăn trưa trong phòng ăn của học sinh trường Tomoe thực sự là những tiết học thú vị về dinh dưỡng cho cơ thể. Học sinh của trường mang đồ ăn do gia đình chuẩn bị đến lớp để dùng bữa trưa. Thầy hiệu trưởng sẽ đến kiểm tra và hỏi các em có đem theo “những thứ lấy từ biển lên và những thứ có trên đất liền” hay không. Thầy hiệu trưởng nói câu đó để diễn tả một bữa ăn đủ thành phần dinh dưỡng thay cho cách nói thông thường: “Phải luyện cho con em chúng ta ăn được mọi thức ăn” hoặc “yêu cầu các bậc phụ huynh cho con em mình ăn trưa đủ chất dinh dưỡng”. Cách nói đó khiến các em cảm thấy rất thú vị đồng thời dễ dàng nhận biết và ghi nhớ một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ bao gồm những món gì. Chẳng hạn, “thức ăn của biển là hải sản như cá, cua, tôm, tép, hàu, sò… Còn “những thức ăn của đất” là nông sản – ví dụ như cơm, rau, quả, thịt lợn, thịt bò, thịt gà”[15]. Các em học sinh đều cảm thấy rất thú vị khi hiểu được “hải sản” và “nông sản” là gì và ăn rất ngon miệng.

Thầy Kobayashi còn sáng tác bài hát theo điệu “khoan, khoan, dô khoan” nhắc nhở các em nhai kĩ mỗi khi ăn để cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng và không bị đau dạ dày. Sau đó nhiều năm, vẫn có nhiều học sinh coi đó là bài hát để hát trước khi ăn.

Không gian cánh đồng và tiết học về sinh vật và nông nghiệp

Ngoài giờ lên lớp, học sinh trường Tomoe còn được đi dạo ngoài trời. Nếu buổi sáng, các em chịu khó hoàn thành tất cả các công việc thì buổi chiều, các em sẽ được đi dạo. Thời gian đó đã trở thành những tiết học về các sinh vật ở thế giới xung quanh các em. Các em sẽ được cô giáo giới thiệu về những con rắn, con bướm, các loài cây mọc bên đường như cây anh đào, cây hoa mù tạc; được cô giải thích tại sao hoa mù tạc lại nở rộ. Cô giải thích về phấn hoa đực và nhụy hoa cái, ong bướm đã giúp cho hoa thụ phấn như thế nào…

Học sinh trường Tomoe còn được học làm ruộng với thầy giáo là một bác nông dân thực thụ. Ở các trường tiểu học bình thường, ai dạy học cũng phải có một số tiêu chuẩn và trình độ giảng dạy. Nhưng thầy hiệu trưởng Kobayashi không bận tâm đến những tiêu chuẩn đó. Với ông, điều quan trọng là học sinh được quan sát học hỏi những việc làm cụ thể từ những người có kinh nghiệm thực tế. Các em học sinh được thầy giáo nông nghiệp hướng dẫn dùng các dụng cụ nông nghiệp, cách làm cỏ, về tác hại của cỏ, cách đánh luống, vãi phân và những công việc cần làm để đồng ruộng được tốt, và nhiều điều lí thú về sâu bọ, chim, bướm, về thời tiết… Dần dần, các em hiểu được những điều thú vị của nghề nông và tận hưởng niềm vui sướng được trông thấy những hạt giống các em trồng đã mọc mầm.

Không gian bể bơi và tiết học về cơ thể và giới

Mặc dù cơ sở vật chất của trường Tomoe còn thiếu thốn nhưng nhà trường cũng xây dựng một bể bơi cho các em học sinh. Tại chiếc bể này, các em học sinh được vui chơi, học khởi động trước khi bơi, học bơi do huấn luyện viên hướng dẫn. Điều đặc biệt là nếu các em không mang theo bộ đồ bơi vẫn có thể mình trần xuống hồ bơi. Quy định này không phải ngẫu nhiên mà được đặt ra bởi thầy hiệu trưởng. Thầy cho rằng thật không tốt nếu để các em nam nữ tò mò một cách không lành mạnh về sự khác nhau trên cơ thể của các em. Đồng thời, thầy cũng muốn dạy cho các em biết rằng tất cả mọi cơ thể đều đẹp. Ngay cả những học sinh tật nguyền nếu trút bỏ quần áo khi xuống bể bơi cũng dần mất đi cảm giác xấu hổ, các em sẽ không mặc cảm hoặc tự ti. Ban đầu, các em có cơ thể khiếm khuyết còn cảm thấy xấu hổ nhưng chả mấy chốc các em hoàn toàn vượt qua mặc cảm và vui chơi thoải mái cùng các bạn. Như vậy, không gian bể bơi chính là lớp học dạy các em những kiến thức về cấu tạo cơ thể, sự khác biệt về giới cũng như sự bình đẳng, tôn trọng sự khác biệt.

Rừng núi, đền thờ, suối nước nóng cùng những bài học về sinh tồn và lòng dũng cảm

Học sinh trường Tomoe có những buổi dã ngoại thú vị ngay trong trường và những địa điểm xung quanh. Buổi tối, các em được tham dự vào trò chơi “Thử thách lòng dũng cảm”. Một số bạn làm ma sẽ mang theo các loại quần áo tự làm lấy đi trốn ở khu đền Kuhonbutsu. Các bạn học sinh còn lại chia thành tốp nhỏ năm người, lần lượt kéo nhau đến đền Kuhonbutsu, đi vòng quanh khu vực đền và nghĩa địa rồi quay về trường. Đến trước cổng đền, các em đều thấy sợ hãi nên quyết định không đến nghĩa địa mà quay về. Các em đóng giả ma đến nấp ở nghĩa địa không thấy bạn đến thì sợ hãi, khóc lóc và được thầy giáo tuần tra đưa về trường. Sau hôm đó, học sinh Tomoe không còn sợ ma nữa vì chính ma cũng sợ.

Kết thúc năm học đầu tiên, các em được đi dã ngoại ở nhiều nơi, trải nghiệm cảm giác tắm nước suối nóng trên biển, tiếp xúc với thực tế cuộc sống những ngày ở làng Toi, đi chợ mua rau, cá, có thể gặp những bất trắc như bơi quá xa không về được, suýt bị lạc trong rừng, giẫm phải mảnh thủy tinh vỡ trên bãi biển làm chảy máu chân... Khi bạn gặp phải những trường hợp như vậy, ai nấy đều làm hết sức mình để giúp bạn vượt qua. Từ những trải nghiệm đáng nhớ này, các em có thêm những kĩ năng sinh tồn, tự lập trong cuộc sống.

Không gian trường học trong truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ có nhiều điểm khác biệt so với các trường học được xây dựng theo mô hình truyền thống khác, thậm chí có nhiều điểm đối lập. Không gian lớp học được mở rộng gắn bó chặt chẽ với thực tế đời sống trong đó các em học sinh được tự do làm những điều mình thích và nhận được những bài học mà các em yêu thích từ các thầy cô và bạn bè.

3. Người thầy khác thường và cô học trò đặc biệt

Trong Chân tủy của tiểu thuyết, Tsubochi Shoyo cho rằng: “Mối quan tâm chính của tiểu thuyết là bản chất con người (nhân tình)”[16]. “Tiểu thuyết gia giống như một nhà tâm lí học. Nhân vật của anh ta phải thuyết phục về tâm lí”[17]. Qua ý kiến của Tsubochi Shoyo, ta có thể thấy tầm quan trọng của nhân vật tiểu thuyết cũng như nhiệm vụ của nhà văn trong việc miêu tả tâm lí của nhân vật. Nhân vật văn học là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học”. “Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong cuộc sống”[18].

Thế giới nhân vật trong truyện Totto-chan cô bé bên cửa sổ được thu gọn vào thế giới những người thân yêu nhất của Totto-chan ở nhà và trường học, bao gồm bố mẹ em, thầy Kobayashi và một số người bạn đặc biệt của em ở trường Tomoe. Đó là những bức chân dung phản ánh chân thực những tính cách ngoài đời thực. Các nhân vật được khắc họa qua lời nói; cử chỉ hành động; tâm tư, tình cảm; cách ứng xử của họ với các nhân vật khác. Trong thế giới đó, nổi bật hình ảnh thầy hiệu trưởng Kobayashi, một người thầy khác thường và Totto-chan, một cô học trò đặc biệt.

Người thầy khác thường

Không chỉ có ngôi trường kì lạ, trưởng tàu (theo như cách gọi thầy hiệu trưởng Kobayashi của Totto-chan) cũng rất khác thường. Sự khác thường của thầy thể hiện trực tiếp qua hành động, cử chỉ; lời nói và cả gián tiếp qua những hoạt động của trường Tomoe cũng như tình cảm, thái độ của Totto-chan. Sự kì lạ đó thực chất bắt nguồn từ quan niệm giáo dục của thầy Kobayashi là: hãy để các em phát triển tự nhiên, đừng cản trở khát vọng của các em.

Trong buổi đầu Totto-chan nhập học, thầy đã khuyến khích Totto-chan kể bất cứ chuyện gì mà em thích. Và thầy đã ngồi kiên nhẫn lắng nghe em nói suốt bốn tiếng đồng hồ từ lúc em tới đến lúc ăn trưa. Totto-chan cảm thấy rất phấn khởi vì với em, đây là một dịp may tuyệt vời để em nói bởi ban đầu, em cứ tưởng rằng bác ấy sẽ hỏi và em sẽ trả lời như em vẫn thường thấy. Suốt buổi nói chuyện dài bốn tiếng đồng hồ, Totto-chan kể lại rất lộn xộn những chuyện xảy ra với em… Toàn những chuyện mà rất có thể những người khác cho là trẻ con vớ vẩn và không muốn mất thời gian để nghe. Nhưng thầy Kobayashi, sau khi nghe xong tất cả chuyện mà Totto-chan có thể kể, đã nói: “Rất tốt, từ giờ, cháu là học sinh của trường này”[19]. Câu nói đó Totto-chan nhớ mãi. Em cảm thấy lần đầu tiên trong đời em đã được gặp một người mà em thực sự quý mến vì từ trước đến giờ chưa có ai bỏ một thời gian dài đến như vậy để nghe em kể chuyện. Trong suốt thời gian nghe em kể, thầy không hề ngáp một lần nào, cũng không tỏ ra buồn chán mà ngược lại rất thích thú, say sưa nghe em kể. Rõ ràng, đây là một người thầy rất yêu mến, tôn trọng trẻ thơ, luôn để học sinh tự do phát huy cá tính và khả năng bẩm sinh.

Thầy Kobayashi cũng là một người tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Thầy đã đến nhiều nước trên thế giới học hỏi phương pháp giáo dục, sáng lập trường riêng để thực hiện triết lí giáo dục của mình. Phương pháp giáo dục mà thầy áp dụng ở trường Tomoe một phần do thầy học hỏi từ các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nhưng quan trọng hơn xuất phát từ tấm lòng yêu trẻ của thầy. Vì yêu trẻ nên thầy có một quan niệm đúng đắn về trẻ em: tất cả trẻ em sinh ra đều có bản chất tốt nhưng dễ bị hủy hoại bởi môi trường. Từ đó, ông nêu mục đích giáo dục là khơi dậy bản chất tốt ấy và phát triển nó để trẻ em lớn lên thành con người tốt. Thầy am hiểu tâm lí học sinh, luôn nhìn mọi việc bằng đôi mắt trẻ thơ nên những lời nói, việc làm, cách tổ chức dạy học của thầy ở trường Tomoe được các em yêu thích. Các em hạnh phúc khi đến trường chứ không cảm thấy áp lực nặng nề. Nếu ở trường học cũ, Totto-chan bị coi là học sinh cá biệt thì ở trường học mới, em luôn được thầy hiệu trường khen ngợi. Điều đó giúp em tự tin và luôn cố gắng để xứng đáng với lời khen của thầy.

Trường Tomoe không có thời khóa biểu nhất định. Em nào thích học môn gì nhất thì cứ tự học môn đó trước, môn nào không thích có thể học sau. Các thầy cô chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn các em khi cần và giao bài tập. Các thầy cô không quá chú trọng việc dạy chữ nghĩa giáo điều sách vở áp đặt mà cố gắng bồi dưỡng cho các em khả năng tự nhận thức thế giới xung quanh bằng chính trực giác của mình. Bản thân thầy Kobayashi cũng đặc biệt coi trọng tự nhiên và muốn để tính cách các em phát triển càng tự nhiên càng tốt. Ông yêu quý thiên nhiên, luôn tạo điều kiện để các em để các em tiếp xúc, tự cảm nhận thiên nhiên. Việc tiếp xúc trực tiếp và tự cảm nhận thiên nhiên giúp sự phát triển mọi mặt của trẻ thơ. Thầy nói: “Điều đáng sợ nhất là có mắt mà không nhìn thấy đẹp, có tai mà không nghe được nhạc, có óc mà không nhận ra sự thật, có tim mà chẳng bao giờ xúc động để bùng cháy”[20]. Nếu biết nghe, biết nhìn, biết xúc động, con người có thể sáng tạo những điều vĩ đại. Thầy lấy dẫn chứng rất thuyết phục rằng có biết bao nhiêu người nhìn thấy hình ảnh con ếch nhảy vào ao nước, ấy vậy mà chỉ có thi hào Matsuo Basho mới viết được bài haiku nổi tiếng ghi lại hình ảnh: “Ao cũ/con ếch nhảy vào/tiếng nước”. Cũng có biết bao người nhìn thấy hơi nước bốc lên hoặc quả táo rụng xuống, ấy vậy mà chỉ có Watt và Newton mới phát minh ra đầu máy chạy hơi nước và định luật vạn vật hấp dẫn.

Để khuyến khích học sinh đọc sách, thầy Kobayashi đã thành lập một thư viện ở trường Tomoe trên một toa tàu cũ được gọi là “Toa xe thư viện”. Thư viện đầy ắp những cuốn sách các loại, màu sắc rất đẹp, có cả bàn ghế cho học sinh ngồi đọc. Thầy động viên các em đọc càng nhiều sách càng tốt.

Thầy Kobayashi đặt ra nhiều nội quy nhà trường cho thấy thầy rất am hiểu trẻ thơ. Những quy định đó rất khác lạ so với nội quy của các trường tiểu học khác nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và được các em rất thích. Chẳng hạn, học sinh đến trường không mặc quần áo đẹp mà mặc quần áo tồi nhất vì mặc đồ xấu, các em không phải bận tâm lo giữ gìn quần áo để chúng không bị rách hoặc bẩn. Các em sẽ được thoải mái nô đùa, vui chơi. Nhờ lớn lên dưới mái trường Tomoe, các bạn học sinh đã trở thành người tốt, thành công trong cuộc sống và công việc. Tetsuko đã dành những trang cuối truyện để kể về cuộc sống sau này của những người bạn. Họ đều là nhà khoa học, chuyên gia về hoa lan, nhà giáo dục, nghệ sĩ… Đây chính là thành tựu của phương pháp giáo dục hiện đại, mang tính nhân văn mà thầy Kobayashi áp dụng ở trường Tomoe.

Cô học trò đặc biệt

Totto-chan, nhân vật chính của truyện, hiện lên là một cô bé hồn nhiên, nhanh nhẹn, hiếu động, chịu khó quan sát, hay tò mò và kiên quyết làm mọi thứ để thỏa mãn trí tò mò. Em thường có những hành động tinh nghịch ở trường, trên đường đi học. Trong lớp học, em không ngồi yên nghe cô giáo giảng bài mà làm đủ mọi trò khiến lớp học trở nên huyên náo, ồn ào. Trên đường đi học, cứ thấy có gì lạ là em lại nhảy vào. Có lần em nhảy cả vào một tờ báo mà bác bảo vệ che hố ga mất nắp, nhảy vào đống cát bên trong là vữa đã trộn để xây nhà, khiến mẹ em vất vả lắm mới kéo được em ra vì vữa ngập đến ngực em, đóng kết lại. Mỗi ngày đi học về, quần áo của em đều bị rách toạc vì em thường chui rào bọc quanh vườn của những gia đình khác, hoặc đào bới dưới đám dây kẽm gai ở những lô đất trống… Chính bởi những hành động kì quặc đó mà em bị gắn mác “học sinh hư” ở trường cũ. Song về bản chất, em là một học sinh ngoan với nhiều ưu điểm nổi trội. Em là cô bé giàu tưởng tượng và có tấm lòng nhân hậu. Em thường nhìn vạn vật xung quanh bằng cái nhìn “vật ngã đồng nhất” dễ thương của trẻ thơ. Em đứng trò chuyện với đôi chim nhạn như thể đó là những người bạn của em. Em coi con chó Rocky như một người thân trong gia đình. Với những người bạn cùng lớp, cùng trường, Totto-chan cũng đối xử rất tốt bụng. Em luôn bênh vực những người bạn yếu thế như bạn mới đến trường, bạn khuyết tật. Cũng giống như nhiều cô bé, cậu bé khác, Totto-chan có rất nhiều mơ ước về công việc sau này lớn lên em sẽ làm. Ước mơ của em thường xuyên thay đổi. Chính thầy Kobayashi đã nhìn thấy bản chất tốt đẹp của Totto-chan nên đã quyết định nhận em vào trường của thầy.

Thông qua câu chuyện của Totto-chan, một cô bé tiểu học Nhật Bản, nhà văn đã gửi đến người đọc một thông điệp đúng đắn: hãy trân trọng sự tự do, niềm đam mê và tưởng tượng của các em nhỏ; đừng áp đặt các em vào những khuôn khổ gò bó cũ kĩ. Mặc dù cho đến nay, cuốn sách đã tồn tại hơn 40 năm, nhiều mong ước của các em nhỏ đã thành hiện thực và cũng còn nhiều vấn đề giáo dục trẻ thơ đặt ra trong truyện vẫn chưa được giải quyết vì xã hội luôn có những quy ước không thể thay đổi được nhưng cuốn sách đã khơi gợi, đánh thức niềm khát khao làm những điều mình yêu thích của nhiều độc giả nhỏ tuổi cũng như nêu ra nhiều bài học sâu sắc cho các bậc phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục. Chính vì thế, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Viện đã nhận định về ý nghĩa của cuốn sách, bày tỏ mong ước của ông và cũng là của rất nhiều người về một nền giáo dục tự do, khai phóng: “Chắc rằng mỗi học sinh đều mơ ước như Totto-chan may mắn vào học ở một trường như trường Tomoe, với một thầy hiệu trưởng như ông Kobayashi. Riêng tôi, chỉ mong cho nhiều giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, các bậc cha mẹ đọc sách này, để giúp thoát khỏi khuôn nếp cũ, tự tạo ra tư duy mới trong việc dạy dỗ chăm sóc con em”[21].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Mạnh Hùng (chủ biên) (2022), Ngữ văn 7, Tập Một Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. N. Pospelop (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Tsubouchi Shoyo (2013), Chân tủy của tiểu thuyết, Nxb Thế giới, Hà Nội.

4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

 



[1] PGS. TS., Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[2] CH K30, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[3] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, trang bìa 4.

[4] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, trang bìa 4.

[5] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, trang bìa 4.

[6] Bùi Mạnh Hùng (chủ biên) (2022), Ngữ văn 7, Tập Một Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 33 – 37.

[7] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 385.

[8] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 221.

[9] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 222.

[10] Bùi Mạnh Hùng (chủ biên, 2022), Ngữ văn 7, SGV, Tập Một, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr. 54.

[11] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 98.

[12] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 101.

[13] N. Pospelop (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[14] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 161.

[15] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, tr. 62.

[16] Tsubouchi Shoyo (2013), Chân tủy của tiểu thuyết, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 92.

[17] Tsubouchi Shoyo (2013), Chân tủy của tiểu thuyết, Tlđd, tr. 94.

[18] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Tlđd, tr. 235.

[19] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, tr. 51.

[20] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, tr. 75.

[21] Tetsuko Kuroyanagi (2006), Totto-chan cô bé bên cửa sổ, Tlđd, trang bìa 4.

 

0thảo luận