Trang chủ

Bạo hành trong gia đình Nhật Bản hiện nay

Đăng ngày: 27-10-2023, 08:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Vũ Thị Phương Hoa1


Tóm tắt: Bạo hành gia đình đã trở thành vấn đề xã hội đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản trong khoảng ba mươi năm trở lại đây. Từ năm 2001, Nhật Bản đã ban hành đạo luật về phòng chống bạo hành gia đình và bảo vệ nạn nhân, song số lượng và mức độ các vụ bạo hành trong gia đình tại Nhật Bản không có dấu hiệu suy giảm. Bạo hành gia đình vẫn là loại tội phạm ít được trình báo nhất mặc dù nó chiếm tới 1/5 trong số các loại tội phạm. Bài viết phân tích thực trạng bạo hành trong gia đình Nhật Bản giữa vợ và chồng; tìm hiểu một số giải pháp phòng chống bạo hành gia đình của Chính phủ Nhật Bản. Từ đó đưa ra một vài nhận xét, lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên.

Từ khóa: Nhật Bản, bất bình đẳng giới, bạo hành trong gia đình

 

 

T

rong tiếng Nhật, bạo hành (bạo lực) gia đình là「家庭内の暴力」. Không có định nghĩa rõ ràng về bạo hành trong gia đình, nhưng ở Nhật Bản,[1]đó là những hành động gây nên tổn thương giữa những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi trong gia đình không chỉ về thể chất mà cả về mặt tinh thần. Bạo hành gia đình có thể xảy ra với mọi đối tượng bất kể tuổi tác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập…

Điều 1 "Luật phòng chống bạo lực gia đình”[2] của Nhật Bản có quy định bạo lực gia đình giữa vợ chồng bao gồm các hành vi sau:

- Bạo hành thể chất: gồm các hành vi đấm, đá, kéo, đẩy, bóp cổ, ném đồ vật vào người, gây thương tích cho đối phương bằng bất cứ vật gì, đổ nước sôi (làm cho bỏng)…

- Bạo hành tinh thần: gồm các hành vi chửi mắng, nguyền rủa, phỉ báng, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa, bỏ mặc đối phương trong thời gian dài, làm đối phương sợ hãi; kiểm soát, theo dõi các mối quan hệ xã hội, các cuộc gọi, tin nhắn; soi xét, ra lệnh về hành động, cách ăn mặc, mối quan hệ của đối phương…

- Bạo hành tài chính: không chi trả hoặc không đưa đủ chi phí sinh hoạt; ép đối phương chi trả một cách vô lý; ngăn cản đối phương làm việc và kiếm thêm thu nhập…

- Bạo hành tình dục: cưỡng bức quan hệ tình dục hoặc buộc phá thai; không hợp tác với các biện pháp tránh thai; ép đối phương xem các video, tạp chí hoặc nội dung khiêu dâm…

Ngoài ra có ý kiến cho rằng lợi dụng trẻ em cũng là một hình thức bạo hành gia đình thông qua việc sử dụng lời nói hoặc hành động khiến cho trẻ em nghĩ nạn nhân bạo hành là người tồi tệ. Bạo hành gia đình khác với các nhóm bạo lực khác trong xã hội ở một điểm rất dễ thấy, đó chính là nạn nhân không chỉ có một. Nạn nhân không chỉ là người bị hại -  tức người bị bạo hành, mà nạn nhân còn là những thành viên khác trong gia đình khi họ chứng kiến hành vi bạo hành.

Tuy nhiên, cụm từ 家庭内の 暴力 không được sử dụng phổ biến mà thuật ngữ chỉ bạo hành gia đình được các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng tại Nhật Bản hiện nay làドメスティック・バイオレンス (viết tắt là DV) được biến đổi từ “domestic violence” trong tiếng Anh. Thuật ngữ này hiểu theo nghĩa đen thì bao gồm hai thành tố domestic=家庭内の nghĩa là trong gia đình và violence=暴力 nghĩa là bạo hành. Thuật ngữ DV ban đầu là một khái niệm được tạo ra để chỉ bạo lực giữa các cặp vợ chồng trong một mối quan hệ hôn nhân thông thường, nhưng sau này khái niệm này được mở rộng cả giữa nam nữ đang hẹn hò, sống chung với nhau và vợ chồng đã ly hôn trên pháp luật. Ở Nhật Bản, hành vi bạo lực từ bạn tình (chưa phải vợ chồng) còn được gọi là「デートDV」nghĩa là “DV hẹn hò”[3]. Tùy thuộc vào từng đối tượng và từng trường hợp, DV cũng có thể được sử dụng để ám chỉ bạo lực giữa cha mẹ và con cái.

1. Thực trạng bạo hành gia đình ở Nhật Bản hiện nay

Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, những năm tháng kinh tế tăng trưởng cao đã đem lại cho người dân Nhật Bản cuộc sống sung túc và tinh thần phấn chấn, do đó tỉ lệ các vụ bạo hành gia đình được trình báo vẫn còn ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1990, mức tăng tỉ lệ các vụ bạo hành và tính chất nghiêm trọng được nhìn thấy rõ rệt hơn. Thời kỳ này, tỉ lệ ly hôn của Nhật Bản cũng đạt mức cao chưa từng có. Từ những năm 1980 đến những năm 1990, Nhật Bản vẫn được nhìn nhận là quốc gia có tỉ lệ ly hôn ở mức thấp trên thế giới với tỉ lệ từ 1,28 đến 1,6 thì từ cuối những năm 1990, tỉ lệ này bắt đầu tăng mạnh. Trong bốn năm liên tiếp (từ năm 2001 đến 2004), tỉ lệ ly hôn ở mức cao chưa từng có kể từ sau năm 1945 đến nay, và đạt đỉnh 2,3[4] vào năm 2002[5].

Năm 2011, 10 năm kể từ khi luật chống bạo lực gia đình đầu tiên ở Nhật Bản được ban hành, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã chọn ngẫu nhiên 5.000 người trên 20 tuổi và tiến hành cuộc khảo sát về “Bạo lực giữa nam giới và nữ giới". Theo khảo sát này, trong số những người đã từng là vợ chồng của nhau (2.598 người) bao gồm cả các cặp vợ chồng còn sống chung, các cặp vợ chồng đã ly thân, ly hôn, thì có tới 10,6% phụ nữ (tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 3,3%) cho biết họ đã từng bị bạo hành thể xác, tinh thần hoặc tình dục lặp đi lặp lại nhiều lần; 22,3% phụ nữ cho biết họ đã từng bị bạo hành một đến hai lần. Như vậy có tới 32,9% phụ nữ là đối tượng tham gia khảo sát từng bị chồng mình bạo hành ít nhất một lần[6].

 

Hình 1: Khảo sát bạo hành gia đình từ vợ hoặc chồng năm 2011 (đơn vị: %)

Bạo hành trong gia đình Nhật Bản hiện nay

Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản

 

Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, có 7.784 vụ giết người, gây thương tích và hành hung giữa vợ và chồng (bao gồm cả nam nữ sống chung nhưng không kết hôn) được trình báo cảnh sát trong năm 2019, trong đó có tới 6.986 vụ có nạn nhân là phụ nữ (chiếm tới 89,7%). Năm 2011, tổng số vụ án liên quan đến hôn nhân được giải quyết tại tòa án chuyên xét xử các vấn đề về gia đình là 67.779 vụ, trong đó tổng số đơn khiếu nại của người vợ là 49.138 và tổng số đơn khiếu nại của người chồng là 18.641 vụ. Nguyên nhân khiếu nại phổ biến của người vợ chủ yếu xuất phát từ các hành vi bạo hành từ người chồng (chiếm đến hơn 50%). Cụ thể là "tính cách không phù hợp" (43,6%), "bạo hành thể chất" (28,8%), "không đưa sinh hoạt phí" (25,3%) và "bạo hành tinh thần" (24,6%). Theo nghiên cứu thực chứng được tiến hành về bạo hành gia đình Nhật Bản được tiến hành tại ba đô thị lớn ở Nhật Bản là Aichi, Mie và Tokyo thì có tới hơn 80% người vợ không thể kiểm soát được cơn thịnh nộ của chồng, hơn 60% cho rằng nỗ lực của họ để ngăn chặn là vô ích. Hồi kết của tất cả những cuộc bạo hành gia đình trong khảo sát là người chồng thay đổi hoàn toàn, trở nên hiền lành và ăn năn về hành vi của mình. Tuy nhiên sau đó bạo lực vẫn tiếp diễn. Nhiều người vợ đều trải qua tình trạng ly thân rồi lại trở về nhà cho đến khi không thể chịu đựng được mới tính đến chuyện ly hôn.


Bảng 1: Số vụ bạo hành gia đình từ năm 2009 đến 2013

 

2009

2010

2011

2012

2013

Tổng số

28.158

33.852

34.329

43.950

49.533

Nạn nhân nữ

27.638

33.056

33.183

41.578

46.252

Trường hợp bị bắt giữ

1.658

2.346

2.424

4.103

4.300

Nguồn: Cơ quan Cảnh sát quốc gia. www.npa.go.jp


Kết quả từ bảng 1 cho thấy trong giai đoạn 5 năm từ năm 2009 đến 2013 số nạn nhân là nữ chiếm tới hơn 90% trong các vụ bạo hành gia đình Nhật Bản, trong khi đó số trường hợp bị bắt giữ trong các vụ bạo hành chiếm chưa tới 10%. Mặc dù Nhật Bản đã cải thiện hệ thống nhận trình báo và điều tra bạo hành gia đình từ năm 2011 song bạo hành gia đình vẫn là loại tội phạm ít được trình báo nhất mặc dù nó chiếm tới 1/5 trong số các loại tội phạm. Chỉ có dưới 10% tội phạm bị bắt giữ trong khi số phụ nữ tử vong do bạo hành gia đình ngày càng tăng.


Bảng 2: Số vụ bạo hành gia đình theo thống kê từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia và Trung tâm hỗ trợ tư vấn bạo hành gia đình

Năm

Thống kê của Cơ quan

Cảnh sát quốc gia

Thống kê của Trung tâm tư vấn bạo hành gia đình

2002

14.140

35.943

2003

12.568

43.225

2004

14.410

43.225

2005

16.888

49.329

2006

18.236

58.528

2007

20.992

62.078

2008

25.210

68.196

2009

28.158

72.792

2010

33.852

77.334

2011

34.329

82.099

2012

43.950

89.490

2013

49.533

99.961

2014

59.072

102.963

2015

63.141

111.172

2016

69.908

106.367

2017

72.455

106.110

2018

77.482

114.481

2019

82.207

119.276

2020

82.643

193.000

Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản


Qua bảng 2 có thể thấy số vụ bạo hành gia đình trong 18 năm từ năm 2002 đến 2020 đã tăng gấp hơn 5 lần. Tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn giữa số liệu các vụ bạo hành gia đình do Cơ quan Cảnh sát quốc gia cung cấp và số liệu các vụ bạo hành được thống kê bởi Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình. Số các vụ bạo hành do các trung tâm công bố trung bình cao gấp từ 1,5 đến 2,5 lần so với số liệu từ Cơ quan Cảnh sát. Điều này cho thấy có rất ít nạn nhân bị bạo hành chủ động trình báo cảnh sát vì sợ thủ phạm phát hiện và vì thanh danh gia đình và con cái. Nhiều phụ nữ lo sợ việc tố cáo chồng mình với cảnh sát cũng đồng nghĩa cha của các con mình sẽ trở thành tội phạm. Thay vào đó phần lớn họ tìm đến các trung tâm tư vấn hỗ trợ nơi họ có thể dễ dàng nhận được sự hỗ trợ để ổn định tâm lý và sức khỏe trong khi có thể giấu kín thông tin cá nhân theo nguyện vọng. Do đó, số liệu từ các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình là sát với thực tế hơn cả.

Đặc biệt kể từ năm 2020 đến nay, khi dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện và lây lan mạnh mẽ tại Nhật Bản, sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu...  những hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và bạo lực tình dục tăng lên về cả tần suất và mức độ khiến nạn nhân phải chịu hậu quả nặng nề hơn. Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, số vụ bạo hành gia đình được trình báo năm 2020 đã lên tới con số 82.643, con số cao nhất trong 17 năm gần đây. Trong số này có tới 76,4% nạn nhân là phụ nữ. Xét theo độ tuổi, có 23,4% nạn nhân trong độ tuổi 20; nạn nhân trong độ tuổi 30 chiếm 27% và độ tuổi 40 chiếm 22,9%. Nam giới chiếm 75,9% trong số thủ phạm hành hung, trong đó 26,3% trong độ tuổi 30 và 23,9% trong độ tuổi 40. Trong số các vụ bạo hành gia đình được trình báo thì có 76 vụ vi phạm trật tự Luật Phòng chống bạo lực gia đình (tăng 5 vụ so với năm trước), 8.702 vụ (giảm 388 vụ) mang tính hình sự, 5.183 vụ hành hung, 2.626 vụ gây thương tích, 110 vụ cố ý giết người và một vụ gây tử vong tại tỉnh Fukuoka. Về mối quan hệ giữa nạn nhân và thủ phạm, có 40,8% trường hợp là các cặp đôi từng hẹn hò hoặc đang hẹn hò, 7,4% là các cặp đôi từng là vợ chồng hoặc đang là vợ chồng, hoặc chung sống cùng nhau[1]. Độ tuổi của nạn nhân và người bạo hành chủ yếu là ở nhóm tuổi 30 và 40, cho thấy các cặp vợ chồng tuổi trung niên thường xảy ra bạo lực nhiều nhất.

2. Giải pháp của Chính phủ Nhật Bản

Trước tình hình bạo hành trong gia đình ngày càng gia tăng cũng như áp lực từ làn sóng phản đối dữ dội trong dư luận xã hội về những bất cập tồn tại trong việc giải quyết các vụ bạo hành gia đình, trong những năm 1990, Chính phủ Nhật Bản đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai việc nghiên cứu. Kết quả là tháng 4 năm 2001, “Đạo luật phòng chống bạo lực từ vợ/chồng và bảo vệ nạn nhân” (Luật Phòng chống bạo lực gia đình) đã ra đời và có hiệu lực kể từ ngày 13/10/2002. Đây chính là bộ luật về bạo hành gia đình đầu tiên ở Nhật Bản, theo đó bạo hành gia đình được đề cập đến ở góc độ là tội phạm, là sự “vi phạm nguyên tắc trong Hiến pháp về quyền bình đẳng giữa hai giới”. Để thực thi đạo luật này, các lệnh bảo vệ như lệnh sơ tán nạn nhân và lệnh cấm tiếp cận nạn nhân đối với thủ phạm bạo lực gia đình đã được ban hành. Luật cũng đưa ra các mức hình phạt như tội phạm bạo hành vi phạm lệnh bảo vệ có thể bị phạt lên tới 1 triệu yên hoặc 1 năm tù giam.

Đến năm 2004, luật tiếp tục được sửa đổi với hai mục đích chính. Thứ nhất là mở rộng đối tượng được hỗ trợ không chỉ có vợ, chồng trên pháp luật mà cả vợ, chồng đã ly hôn. Thứ hai là để bảo vệ nạn nhân bởi trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp bạo lực vẫn tiếp diễn, ngay cả khi đang chờ đợi thủ tục ly hôn cũng như vào thời gian sau ly hôn. Luật quy định tùy từng trường hợp, toà án cấp tỉnh, thành phố có thể ra các án lệnh Bảo vệ nạn nhân hoặc nạn nhân có thể viết đơn yêu cầu tòa án địa phương ra án lệnh bảo vệ mình. Án lệnh bảo vệ có thể bao gồm các nội dung: cấm tiếp xúc nạn nhân; cấm gọi điện thoại hoặc các hành vi khác; cấm tiếp xúc với con cái hoặc người thân của nạn nhân dưới 20 tuổi đang sống cùng nạn nhân; yêu cầu thủ phạm bạo hành phải chuyển khỏi nơi đang ở cùng nạn nhân và không xuất hiện trong khu vực sống của nạn nhân. Luật cũng đưa ra các mức hình phạt như tội phạm bạo hành vi phạm lệnh bảo vệ có thể bị phạt lên tới 1 triệu yên hoặc 1 năm tù giam. Bên cạnh đó, những người báo cáo gian dối về bạo hành gia đình sẽ bị phạt tới 100.000 yên[2].

Trong lần sửa đổi thứ hai của luật này vào năm 2007 và có hiệu lực vào tháng 1/2008, ngay cả đối với những nạn nhân chưa bị bạo hành thể chất nhưng bị đe dọa gây tổn hại tính mạng hoặc thân thể, lệnh bảo vệ cũng sẽ được đưa ra. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả của lệnh cấm tiếp cận đối với nạn nhân, lệnh cấm liên lạc với người thân nạn nhân, cấm các cuộc gọi điện thoại, yêu cầu gặp gỡ nạn nhân cũng đã được thiết lập. Luật này cũng được áp dụng cho những người nước ngoài đang cư trú tại Nhật Bản.

Trước tình hình có ngày càng nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành từ bạn tình mà pháp luật chưa có đầy đủ các điều khoản để buộc tội do luật cũ chỉ bảo vệ những trường hợp đã là vợ hợp pháp hay vợ cũ của thủ phạm bạo hành. Do đó cảnh sát không đủ thẩm quyền để ngăn chặn các vụ bạo lực nghiêm trọng ngày càng tăng. Vào tháng 7/2013, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi lần thứ ba và có hiệu lực từ tháng 1/2014. Theo đó, nam/nữ đang hẹn hò, sống chung có các hành vi bạo lực cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. "Đạo luật phòng chống bạo lực từ vợ /chồng và bảo vệ nạn nhân" cũng được đổi tên thành "Đạo luật phòng chống bạo lực và bảo vệ nạn nhân".

Từ năm 2011, sau khi thực hiện những cải cách hệ thống pháp lý và hệ thống nhận trình báo và điều tra bạo hành gia đình, số lượng các vụ bạo hành gia đình được tố giác đã tăng nhanh. Ngoài ra, các trang web tư vấn ở nhiều tỉnh, thành phố với mục đích chủ yếu là tăng cường hệ thống hỗ trợ, trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến quấy rối, bạo lực giới từ người chồng hoặc các đối tượng khác giới khác cũng được thiết lập. Cơ quan bảo vệ quyền con người thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản thường xuyên tiến hành tổ chức các đợt phát động thực hiện “Tuần quyền con người”, tổ chức các buổi thuyết trình, hội nghị chuyên đề, các hoạt động giáo dục, thông tin trên báo chí, phân phát áp phích, tờ rơi… nhằm lên án vấn đề bạo hành gia đình đến mọi tầng lớp cư dân trong xã hội. Website của Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng thường xuyên cung cấp thông tin hữu ích để giúp đỡ các nạn nhân của bạo hành gia đình.

Từ ngày 1/4/2002, Chính phủ Nhật Bản đã giao cho chính quyền địa phương các cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành các biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình như thành lập các Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình    (配偶者暴力相談支援センター) là các trung tâm cứu trợ có sự hỗ trợ tài chính của chính phủ và can thiệp bảo vệ của cảnh sát. Các trung tâm này thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ, giải cứu nạn nhân của bạo hành gia đình thông qua việc cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho nạn nhân; cung cấp nơi lánh nạn an toàn, bảo vệ tạm thời trong các tình huống khẩn cấp cho nạn nhân và các thành viên khác trong gia đình; cung cấp thông tin và các hình thức hỗ trợ khác để nạn nhân có thể tự chủ cuộc sống, hiểu biết về việc phòng tránh bạo lực cũng như cách thức xử lý trong các tình huống khẩn cấp; tư vấn và trợ giúp nạn nhân thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội hỗ trợ; cung cấp thông tin về mặt pháp lý giúp nạn nhân hoàn thành các thủ tục yêu cầu án lệnh bảo vệ, thủ tục ly hôn; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan khác để bảo vệ, trợ giúp nạn nhân; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc phù hợp...

Ngoài các trung tâm thuộc sở hữu của Nhà nước còn có cả những trung tâm cứu trợ tư nhân do các tổ chức tư nhân lập ra và điều hành. Tại các trung tâm này, nạn nhân có thể trú ẩn tạm thời cùng con cái hoặc người thân của mình. Bên cạnh việc cung cấp nơi ở, đồ ăn và hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân, nhiều trung tâm còn tư vấn và hỗ trợ tài chính để các nạn nhân có thể ổn định cuộc sống cũng như tìm được nơi định cư mới và việc làm sau khi rời khỏi nơi trú ẩn. Tính đến tháng 4/2012, có 49 Trung tâm tư vấn và hỗ trợ bạo hành gia đình trên toàn quốc (trong đó có 22 thuộc sở hữu nhà nước, 27 thuộc sở hữu tư nhân). Hiện trên toàn nước Nhật có tất cả 300 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau như Trung tâm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân; Trung tâm tư vấn phụ nữ; Văn phòng bình đẳng giới; Trung tâm y tế và phúc lợi; Văn phòng phúc lợi trẻ em… Trong đó Saitama là tỉnh có nhiều cơ sở nhất với 22 cơ sở; tiếp đó là Hokkaido với 21 cơ sở; tỉnh Chiba có 20 cơ sở và thủ đô Tokyo có 19 cơ sở. Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo hành cũng thường xuyên tăng cường số lượng nhân viên y tế, tư vấn và tăng cường tham vấn tại cộng đồng. Năm 2013, hơn 100.000 phụ nữ đã đến các trung tâm cứu trợ và trong số 10.000 người có lệnh bảo vệ thì gần một nửa là có trẻ em hoặc người thân đi cùng. Trong số các lý do của nạn nhân tìm đến nơi trú ẩn tạm thời (bao gồm cả các trường hợp được người thân ủy thác) trong năm 2011, tỷ lệ những người đến vì lý do “bị bạo hành từ chồng” thường là cao nhất với trên 70% [3].

Nguyên nhân sâu xa của bạo hành gia đình là do những ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố văn hóa Nho giáo truyền thống tác động đến tư tưởng, quan niệm xã hội của nhiều người dân Nhật Bản. Cùng với đó dịch bệnh, suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp gia tăng, sự phát triển của gia đình hạt nhân, sự thay đổi của lối sống, giá trị quan của người dân Nhật Bản đã tác động không nhỏ tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, khiến cho tình trạng bạo hành gia đình ở Nhật Bản ngày càng có xu hướng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp kể từ những năm 1990 đến nay. Hậu quả của bạo hành gia đình là một nỗi đau đặc biệt nghiêm trọng, nó không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Mặc dù những giải pháp của Chính phủ Nhật Bản đã khắc phục được phần nào những hệ lụy của bạo hành gia đình song việc triển khai thực hiện chưa được toàn diện và đồng bộ. Thực tế số lượng các vụ bạo hành gia đình và tính chất nghiêm trọng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây cho thấy các chính sách và giải pháp của Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Nguyên nhân là do chưa có sự thay đổi trong suy nghĩ, tư tưởng của nam giới Nhật Bản về bình đẳng giới giữa vợ - chồng trong gia đình. Bên cạnh đó, những lỗ hổng về mặt pháp lý và tuyên truyền hay việc áp dụng các biện pháp triển khai còn nhiều hạn chế khi các trung tâm cứu trợ và dịch vụ tư vấn vẫn còn thiếu; đội ngũ nhân viên y tế, tư vấn ở các trung tâm còn thiếu và cũng chưa được đào tạo chuyên sâu; các chính sách hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ xã hội cho các gia đình thu nhập thấp, gia đình cha/mẹ đơn thân vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng... Từ những bất cập trên, Nhật Bản vẫn còn nhiều việc phải làm để bạo lực không còn là nỗi ám ảnh triệt tiêu hạnh phúc gia đình, đẩy các cuộc hôn nhân đi vào tình cảnh không còn lối thoát, để nữ giới không vì hạn chế về điều kiện kinh tế xã hội của bản thân mà phải chấp nhận sống chung với bạo lực. Vai trò của các phương tiện truyền thông phải được nâng cao hơn nữa trong việc tuyên truyền về bình đẳng giới trong xã hội và đặc biệt phải có thông điệp rõ ràng về việc bạo hành gia đình là một tội ác cần được ngăn chặn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Hồng Vân (2016), Vấn đề ly hôn ở Nhật Bản hiện nay: Thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp cơ sở 2016, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

2. 内閣府 (2019),「共同参画」第128 号2019年11月号 (Văn phòng Nội các Nhật Bản, Tạp chí Kyoudou Sankaku số 128 tháng 11/2019), https://www.gender.go.jp/public/kyo dosankaku/2019/index.html.

3. 北仲千里 (2020),「女性に対する暴力 (とくにDV)コロナ禍での被害者支援日本と世界」, 広島大学 (Chisato Kitanaka (2020), Cẩm nang hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình trong đại dịch Covid 19 tại Nhật Bản và thế giới, Đại học Hiroshima), https://www.nichibenren. or.jp/ library/pdf/activity/international/library/ ihrstudy_themes/koza_210121_3.pdf.

4. 配偶者暴力防止法第1条の「配偶者 からの暴力」(Luật phòng chống hành vi bạo lực gia đình của Nhật Bản – Bạo lực từ vợ/chồng), https://elaws.e-gov.go.jp/document? lawid=413AC 0100000031.

5. 泉川孝子(2013), 「DV被害者支援機関 における支援の現状と課題」, Core Ethics Vol. 9(2013)(Takako Izumikawa (2013), Thực trạng và các vấn đề hỗ trợ tại các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình, Tạp chí Core Ethics số 9/2013), https://www.r-gscefs.jp/pdf/ ce09/it01.pdf.

6. 静岡市男女共同参画情報誌パ・ザ・ パ33号「DV特集」(Tạp chí Thông tin Bình đẳng giới TP Shizuoka (2012), số 33 “Chuyên san về DV”).

 

 

 



[1] “Báo động tình trạng bạo lực gia đình tại Nhật Bản trong đại dịch” https://www.vietnamplus.vn/bao-dong-tinh-trang-bao-luc-gia-dinh-tai-nhat-ban-trong-dai-dich/ 697928.vnp

[2] 静岡市男女共同参画情報誌パ・ザ・パ33号 「DV特 集」(Tạp chí Thông tin Bình đẳng giới TP Shizuoka (2012), số 33 “Chuyên san về DV”).

[3] 泉川孝子 (2013),「DV被害者支援機関における 支援 の現状と課題」, Core Ethics Vol. 9(2013)(Takako Izumikawa (2013), Thực trạng và các vấn đề hỗ trợ tại các tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo hành gia đình, tạp chí Core Ethics số 9/2013).

 


0thảo luận