Trang chủ

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Đăng ngày: 23-10-2023, 08:53 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Trần Hoàng Long1, Trần Thị Hải Yến2

 

 

Tóm tắt: Trải qua tròn 30 năm từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992), quan hệ “Đối tác chiến lược” Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng phát triển nhanh chóng và toàn diện. Từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, cả hai nước đối mặt với nhiều khó khăn, quan hệ trên nhiều lĩnh vực giữa hai bên chịu ảnh hưởng không nhỏ. Hai bên phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ hầu như bị ngưng trệ. Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn duy trì trao đổi các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt, quan hệ chính trị- ngoại giao, kinh tế giữa hai nước vẫn được củng cố và tăng cường. Trên cơ sở những tác động của đại dịch COVID-19 và lợi ích chiến lược của hai bên, bài viết phân tích thực trạng quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc trên một số lĩnh vực chính, đưa ra một số đánh giá về mối quan hệ này.

Từ khóa: Quan hệ ngoại giao, Việt Nam, Hàn Quốc, Đại dịch COVID-19

 

 

Đ

ại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cục diện khu vực và thế giới, khiến tất cả các quốc gia đều chịu những tác động mạnh mẽ. Trong bối cảnh khó khăn đó,[1]việc các[2]quốc gia tăng cường quan hệ với nhau nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực là điều vô cùng cần thiết. Với nền tảng là hợp tác kinh tế, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch đã được lãnh đạo hai bên nỗ lực duy trì và thúc đẩy. Việc đặt Việt Nam ở vị trí quan trọng trong “Chính sách hướng Nam mới” của Chính phủ Hàn Quốc đã cho thấy kì vọng của quốc gia này trong việc khẳng định vai trò của Hàn Quốc và Việt Nam ở khu vực Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, chính sách đối ngoại đa phương, mà trong đó Hàn Quốc là một đối tác quan trọng đã thể hiện rõ niềm tin của Chính phủ Việt Nam vào quan hệ Việt - Hàn cũng như sự tích cực của Chính phủ Hàn Quốc. Đây là những cơ sở quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển trong bối cảnh cả hai quốc gia gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19.

1. Những nhân tố tác động tới quan hệ Việt - Hàn trong bối cảnh COVID-19

Thứ nhất, đại dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu về sự liên kết chặt chẽ giữa các quốc gia. Điều này không chỉ thể hiện trong lĩnh vực y tế, mà còn trong cả lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. Đối với y tế, đại dịch đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về hành động tương trợ giữa các quốc gia để có thể giải quyết một cách hiệu quả. Bởi trên thực tế, các quốc gia không thể tự mình giải quyết một cách đơn lẻ. Việc tích cực viện trợ các thiết bị y tế lẫn nhau tại những thời điểm khó khăn đã cho thấy tính ràng buộc của toàn cầu hóa ngày một chặt chẽ. Đối với lĩnh vực kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự lan rộng của đại dịch, cũng như căng thẳng đến từ quan hệ Mỹ - Trung. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến các quốc gia bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam và Hàn Quốc, cần thắt chặt hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư, nhằm giảm thiểu tổn thất đến từ “Chiến lược Zero COVID” của Trung Quốc. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, việc củng cố mối quan hệ chính thức giữa các quốc gia cũng là điều vô cùng cần thiết, nhằm thúc đẩy sự hợp tác, chia sẻ kiến thức và nguồn lực vật chất để chống lại thảm họa toàn cầu. Trong bối cảnh như vậy, Hàn Quốc và Việt Nam tích cực gia tăng quan hệ song phương cũng thể hiện xu hướng chung trong quan hệ quốc tế của thế giới.

Thứ hai, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh “Chính sách hướng Nam mới” và Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng. Khi cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng, Hàn Quốc bị đặt vào một vị trí khó khăn giữa đồng minh thân cận nhất và đối tác thương mại lớn nhất của mình. Hàn Quốc cần duy trì sự cân bằng để đảm bảo sự hợp tác từ Trung Quốc trong các mối quan hệ liên Triều và các hoạt động kinh tế, đồng thời duy trì một liên minh an ninh mạnh mẽ với đồng minh hiệp ước là Mỹ. Đại dịch COVID-19 đã làm phức tạp thêm những bất ổn địa chính trị xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Có thể thấy, thách thức chính sách cấp bách nhất của Hàn Quốc là đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược để phòng ngừa những bất ổn này. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhận thức sâu sắc về tình trạng tiến thoái lưỡng nan này. Trong nỗ lực mới nhất của Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã theo đuổi hai chính sách nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng của Hàn Quốc ở phía bắc và phía nam. “Chính sách phương Bắc mới” đã tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á và Đông Âu, trong khi Chính sách hướng Nam mới (NSP) hướng vào Đông Nam Á và Ấn Độ. NSP đã nổi lên như một sáng kiến chính sách đối ngoại đặc trưng của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, dựa trên 3 trụ cột chính: Nhân dân (hợp tác văn hóa - xã hội), Thịnh vượng (hợp tác kinh tế) và Hòa bình (hợp tác chính trị và an ninh)[3]. Đây là sáng kiến ngoại giao thống nhất đầu tiên của Hàn Quốc đặc biệt nhằm thúc đẩy quan hệ với Nam Á và Đông Nam Á, là sáng kiến chính sách đối ngoại nhất quán nhất của Chính phủ Hàn Quốc được duy trì động lực bất chấp đại dịch. NSP tận dụng thế mạnh quyền lực mềm của Hàn Quốc để đạt được các lợi ích chung như hợp tác phát triển, đổi mới kỹ thuật số, biến đổi khí hậu và sức khỏe toàn cầu. Đây là những lĩnh vực mà Hàn Quốc đã trở thành một bên liên quan quốc tế có thẩm quyền và có trách nhiệm (đặc biệt là trong đại dịch) và chúng mang lại nhiều cơ hội chia sẻ kiến thức và hợp tác với các nước ASEAN và Ấn Độ[4]. Với vai trò là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, Việt Nam hiển nhiên sẽ đóng một vai trò quan trọng trong NSP của nước này. Sự chia sẻ, gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực đã nêu trên, đặt trong bối cảnh đại dịch sẽ là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, những điểm gặp gỡ chung trong lợi ích địa chính trị và vai trò của Việt Nam và Hàn Quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hàn Quốc và Việt Nam dường như đều phải đối mặt với những thách thức địa chính trị tương tự, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện nay, cả Việt Nam và Hàn Quốc đều được coi là những ứng cử viên tiềm năng cho cơ chế Quad Plus. Điều này cho thấy những điểm chung về vị thế địa chiến lược của Việt Nam và Hàn Quốc. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam và Hàn Quốc thắt chặt quan hệ nhằm ứng phó với một môi trường đang thay đổi. Hàn Quốc và Việt Nam đều là những quốc gia quan trọng trong khu vực, dễ rơi vào vòng cạnh tranh chiến lược của các siêu cường. Do vậy, ngoài việc thận trọng trong chính sách với các nước lớn, Việt Nam và Hàn Quốc có thể thực hiện một bước trung gian bằng cách tăng cường quan hệ song phương của họ để hỗ trợ cho trật tự khu vực. Trên thực tế, mối quan hệ kinh tế của hai nước đã vô cùng chặt chẽ, Việt Nam còn được coi là một sự thay thế sản xuất tiềm năng cho Trung Quốc. Chính vì vậy, khi Mỹ và Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác ở Đông Nam Á để hỗ trợ thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở vào ngày 13/5/2021[5], quan hệ Việt - Hàn sẽ càng được thắt chặt hơn nữa bởi tầm quan trọng của nó.

Thứ tư, sự hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế đóng vai trò là nền tảng cho quan hệ “Đối tác chiến lược” Hàn Quốc - Việt Nam. Hàn Quốc có lợi thế về vốn, trình độ quản lý tiên tiến, nền khoa học - công nghệ hiện đại… Việt Nam là một đối tác đặc biệt hấp dẫn đối với Hàn Quốc vì sự ổn định chính trị cũng như tiềm năng phát triển kinh tế, với nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công rẻ.  Luật Đầu tư 2020 của Việt Nam có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021 được coi là chào đón, tạo nhiều điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn các quy định trước đây. Với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế  ổn định hàng năm là 7%, sở hữu nguồn lao động chất lượng, dồi dào và giá nhân công rẻ, Việt Nam chính là cơ sở sản xuất lý tưởng ở nước ngoài cho các doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như LG, Samsung, là một đối tác kinh tế quan trọng số 1 của Hàn Quốc tại Đông Nam Á.

2. Thực trạng quan hệ Việt - Hàn trong bối cảnh COVID-19

2.1. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Trong 30 năm qua, quan hệ “Đối tác chiến lược” Việt Nam - Hàn Quốc luôn không ngừng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Trong những năm qua, quan hệ chính trị giữa hai bên luôn được củng cố và mở rộng, ngày càng đi vào thực chất, hiện đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao và có sự tin cậy cao thông qua các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao thường xuyên cũng như các cơ chế đối thoại giữa các bộ, ngành. Hai bên còn phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên Hợp Quốc… Các cuộc thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia vẫn được Hàn Quốc và Việt Nam tiến hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug tới Việt Nam từ ngày 31 tháng 10 đến ngày 4 tháng 11 năm 2020, là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức[6]. Điều này thể hiện tầm quan trọng của quan hệ giữa hai Quốc hội và việc xây dựng lòng tin chính trị giữa hai quốc gia. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã thảo luận sâu rộng về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa các cơ quan xây dựng pháp luật của hai nước, thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước đã được ký kết năm 2013, nhằm mở rộng giao lưu nhân dân, giúp doanh nghiệp hai nước khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra để khôi phục sản xuất kinh doanh. Hai bên cũng duy trì các hoạt động tích cực của Quốc hội hai nước, thường xuyên trao đổi và cùng tổ chức các sự kiện nhân các dịp quan trọng. Quốc hội Việt Nam và Hàn Quốc cũng tích cực hợp tác trong nhiều khuôn khổ như APPF, ASEP, APA, WCSP, IPU... Đặc biệt, Quốc hội Hàn Quốc đã phối hợp và hỗ trợ Việt Nam đăng cai thành công AIPA-42 vào tháng 9 năm 2020, trong khi Quốc hội Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ Hàn Quốc tổ chức thành công APPF-29. Việc hợp tác tại các diễn đàn đa phương không chỉ giúp tăng cường quan hệ hữu nghị mà còn nâng cao vị thế của Quốc hội hai nước trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, xây dựng và bảo đảm thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế.

Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Hàn Quốc từ ngày 12 đến ngày 15/12/2021 cũng đã tạo động lực mới cho quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc”, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, trong đó có phát triển xanh, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, phía Việt Nam hy vọng quan hệ thương mại giữa hai nước có thể tạo điều kiện cho hàng nông, thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, nhất là vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, phát triển đô thị thông minh và các ngành công nghiệp tương lai, nông nghiệp và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội hai nước đánh giá cao việc duy trì thường xuyên các cơ chế đối thoại trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị y tế phục vụ trực tiếp công tác phòng, chống dịch, nâng cao năng lực y tế; hỗ trợ Việt Nam dự án xây dựng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Việt Nam bằng nguồn vốn của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF). Phía Hàn Quốc đã nhất trí hỗ trợ Việt Nam thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Hàn Quốc cũng sẽ hỗ trợ triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tiếp tục tài trợ và hỗ trợ triển khai một số dự án kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025[7]. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thể hiện nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh doanh và tìm kiếm các lĩnh vực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt - Hàn. Bản thân Việt Nam cũng đang tìm kiếm sự tham gia chủ động hơn với các quốc gia với thị trường và nền công nghệ phát triển. Đã có 9 thỏa thuận hợp tác được kí kết trong chuyến thăm.

Một hoạt động khác cũng đánh dấu sự phát triển trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước là chuyến thăm Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, đồng thời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Chương trình khu vực Đông Nam Á (SEARP) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ ngày 9 đến 11/2/2022. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở cả hai nước, chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp tục thể hiện quyết tâm gìn giữ và tăng cường quan hệ song phương Việt- Hàn. Hai bên tập trung thảo luận về các chương trình hành động cho năm kỷ niệm cũng như làm rõ các định hướng cho quan hệ song phương. Các lĩnh vực hợp tác ưu tiên bao gồm ngoại giao chính trị, quốc phòng và an ninh, hợp tác kinh tế - xã hội vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của hai nước và hai khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á cũng như các khu vực khác[8]. Hai bên đã nỗ lực làm việc để tăng cường các lĩnh vực hợp tác hiện có và mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, khôi phục các lĩnh vực hợp tác bị gián đoạn trong đại dịch. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ song phương, phù hợp với định hướng chung giữa hai nước là nâng khuôn khổ quan hệ lên đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Chuyến đi được đánh giá là mang lại những cơ hội và lĩnh vực hợp tác mới giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và tăng cường các cơ chế hợp tác đa phương, bao gồm ASEAN và Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Trong bối cảnh Việt Nam và Hàn Quốc đang chuẩn bị các hoạt động hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 - 22/12/2022), lãnh đạo hai bên đã nhất trí sẽ nâng cấp quan hệ hai quốc gia thành quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, các hoạt động ngoại giao giữa hai nước trong suốt khoảng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 đã minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ và sâu sắc của quan hệ Việt - Hàn, bất chấp những khó khăn do đại dịch.

2.2. Trong lĩnh vực kinh tế

Hợp tác kinh tế luôn là điểm sáng và là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ khi đặt quan hệ ngoại giao đến nay. Hai bên đã thiết lập và tham gia nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 đã tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn rất nhiều.

Về thương mại song phương, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 65 tỷ USD. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 19,6 tỷ USD. Các sản phẩm chính xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc là điện thoại (3,4 tỷ USD), thiết bị phát sóng (1,43 tỷ USD) và máy tính (757 triệu USD). Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu 48 tỷ USD hàng hóa từ Hàn Quốc, trong đó các sản phẩm chính là mạch tích hợp (10,5 tỷ USD), điện thoại (9,13 tỷ USD) và phụ kiện phát sóng (2,38 tỷ USD)[9]. Mặc dù đại dịch COVID-19 gây tổn hại đến các hoạt động kinh tế, nhưng thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 17,9 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 45,5 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt tới 77 tỷ USD. Hiện thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang đạt mức cao nhất trong lịch sử. Hàn Quốc là nhà xuất khẩu lớn thứ ba và nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam[10]. Hai bên đã cùng đặt mục tiêu phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD năm 2023 và 150 tỷ USD năm 2030 theo hướng cân bằng cán cân thương mại hơn và khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trong khi đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên mức cao hơn trong các chuỗi cung ứng và giá trị[11].

Điểm đáng chú ý là, mặc dù đại dịch COVID-19 làm gián đoạn rất nhiều hoạt động thương mại song phương của hai nước song cả hai bên đều rất nỗ lực trong việc thúc đẩy liên kết thương mại giữa các doanh nghiệp. Tháng 3/2022, tại một sự kiện do Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội tổ chức, 58 công ty Hàn Quốc đã quảng bá các sản phẩm địa phương cho 76 công ty Việt Nam, bao gồm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm, thiết bị làm đẹp và thiết bị gia dụng[12]. Hai bên cũng thảo luận về các tiêu chuẩn của Hàn Quốc và quốc tế áp dụng cho các sản phẩm, việc vận chuyển các mẫu sản phẩm đến Việt Nam để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và các yêu cầu để trở thành nhà phân phối được ủy quyền. Các công ty Hàn Quốc đã đồng ý cung cấp hỗ trợ để giúp các công ty Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. Sự hỗ trợ sẽ đến dưới hình thức giá ưu đãi và chi phí vận chuyển thấp hơn. Năm 2021, khoảng 900 doanh nghiệp Hàn Quốc đã liên kết với hơn 1.000 doanh nghiệp Việt Nam thông qua 1.910 cuộc họp trực tuyến, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được đối tác Hàn Quốc và bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm của Hàn Quốc[13]. Các thỏa thuận thương mại thành công không giảm về số lượng ngay cả trong đại dịch. Có thể thấy, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam, sự ổn định của hệ thống chính trị và khả năng kiểm soát đại dịch của chính phủ là những yếu tố thuận lợi thu hút nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam. Bên cạnh đó, là việc Chính phủ Việt Nam thực hiện giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Hàn Quốc theo các hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Về đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với hơn 9.100 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 72,3 tỷ USD[14]. Tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 481,2 triệu USD khiến quốc gia này trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai tại Việt Nam, sau Singapore (665,75 triệu USD). Tháng 11/2021, lãnh đạo 5 tỉnh phía Bắc Việt Nam là Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình và Hải Dương đã trao 15 giấy chứng nhận đầu tư và thỏa thuận hợp tác cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, trị giá hàng tỷ USD. Cụ thể, Tập đoàn Daewoo đã được cấp phép thực hiện một dự án mới trị giá 2 tỷ USD tại Việt Nam, trong khi Amkor Technology, Inc. được Bắc Ninh cấp phép triển khai dự án sản xuất chất bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD. Điều này cho thấy sự tập trung của đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong lĩnh vực chất bán dẫn - sản phẩm hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng trên toàn thế giới. Trong bối cảnh Liên minh châu Âu đã đưa ra một kế hoạch huy động hàng chục tỷ euro để thúc đẩy quá trình sản xuất chất bán dẫn ở châu Âu và giảm sự phụ thuộc vào châu Á và các khu vực khác, dự án sản xuất chất bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD của Hàn Quốc tại Việt Nam sẽ giúp Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Samsung cũng đang đầu tư hơn 17,5 tỷ USD vào Việt Nam trong nhiều dự án. Trong khi đó, vào cuối tháng 8 năm 2021, LG Display Việt Nam đã được ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh tăng thêm 1,4 tỷ USD. Khoản đầu tư mới này đã nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 4,65 tỷ USD. Cả Samsung và LG Display đều đang dẫn đầu trong xuất khẩu các mặt hàng điện tử của Việt Nam, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay và các mặt hàng khác. Họ đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành điện tử Việt Nam hơn 51,01 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước[15]. Nhiều tập đoàn Hàn Quốc như Hyosung, GS Engineering & Construction, Kyobo Life Insurance, Amore Pacific và Dongwon cũng đã tiết lộ kế hoạch tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam.

Có thể thấy, hợp tác kinh tế là điểm mạnh trong quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc. Bên cạnh các cơ chế song phương, cả hai nước đều đang thể hiện sự tích cực trong việc tham gia các hiệp định kinh tế đa phương như RCEP (chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022). Hiện tại, Hàn Quốc cũng đang thể hiện mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là một thành viên sáng lập[16]. Đặc biệt, bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế trong khu vực, các xu hướng công nghệ mới, năng lượng mới và quản lý mới trong thời kỳ hậu COVID-19, cùng nguồn lực và vị thế quốc tế mới của hai nước đều là những điều kiện tiềm năng giúp mở ra những hướng hợp tác mới giữa hai nước, thể hiện tầm chiến lược trong quan hệ song phương cũng như trong các khuôn khổ liên kết mới đang hình thành trong khu vực.

2.3. Trong lĩnh vực viện trợ y tế

Sự tương trợ lẫn nhau trong lĩnh vực y tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc thời gian qua đã cho thấy mức độ phát triển cũng như sự gắn kết trong quan hệ song phương giữa hai nước. Ở cấp chính phủ, tháng 10 năm 2021, Hàn Quốc đã cung cấp cho Việt Nam 1 triệu liều vắc-xin COVID-19[17]. Quyết định này được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae-in bên lề phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây cũng là những liều vắc-xin COVID-19 đầu tiên mà Hàn Quốc cung cấp cho nước ngoài, bên cạnh những đóng góp tài chính theo cơ chế COVAX. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc dự định sẽ trao tặng 42,5 triệu ống tiêm trị giá 2,5 triệu USD cho Việt Nam thông qua KOICA trong năm 2022, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng chống COVID-19 tại Việt Nam. Cuối năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp 1,39 triệu liều vắc-xin cho Việt Nam và KOICA đã bàn giao 300.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 cho nước này[18]. KOICA cũng đang tích cực hỗ trợ chính quyền Việt Nam và những người dễ bị tổn thương bằng cách cung cấp vật liệu kiểm dịch, thực phẩm và vật tư y tế. Sự tích cực trong công tác viện trợ y tế của Hàn Quốc đối với Việt Nam, bên cạnh việc minh chứng cho quan hệ song phương tốt đẹp, còn thể hiện sự quan tâm và hỗ trợ bền vững từ hai quốc gia đối với các công ty của Hàn Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm sinh học, cơ sở hạ tầng và ngân hàng đã và đang tìm kiếm sự phát triển tại thị trường Việt Nam[19].

Ở cấp doanh nghiệp, các công ty Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đã đóng góp viện trợ khoảng 7,8 triệu USD trong việc giúp Việt Nam bảo đảm vắc-xin COVID-19. Trong đó, khoản đóng góp lớn nhất là từ Samsung Electronics, công ty đã cung cấp 3,3 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương công ty đang kinh doanh. SK Group, tập đoàn lớn thứ ba của Hàn Quốc, đã chi 1 triệu USD. Các công ty Hàn Quốc khác đã tham gia chiến dịch quyên góp bao gồm LG Group, Lotte Group, Hyosung Group và CJ. Các chi nhánh của Tập đoàn LG, bao gồm LG Electronics, LG Display và LG Innotek, đã quyên góp tổng cộng khoảng 1 triệu USD cho Hải Phòng, nơi Tập đoàn LG điều hành các cơ sở sản xuất. Các khoản viện trợ được các công ty Hàn Quốc thúc đẩy sau khi Chính phủ Việt Nam tuyên bố ra mắt quỹ vắc-xin vào tháng 5/2021[20].

3. Kết luận

Có thể nhận thấy, Việt Nam và Hàn Quốc là “đối tác tự nhiên” chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược, lâu dài ở khu vực và trên trường quốc tế, sự đan xen lợi ích được tăng cường kể cả chiều rộng và chiều sâu, tính bổ sung giữa hai nền kinh tế không ngừng được nâng cao là “lực đẩy” khiến cho quan hệ hai quốc gia không ngừng phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Chính những cơ sở này đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để Việt Nam và Hàn Quốc thúc đẩy và phát triển mối quan hệ song phương, ngay cả khi đại dịch COVID-19 diễn ra vô cùng phức tạp tác động tiêu cực đến nền kinh tế của cả hai nước. Những điều này đủ cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam và Hàn Quốc trong chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của nhau. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đang đứng trước những vận hội phát triển mới đầy triển vọng. Những nền tảng tốt đẹp của sự hợp tác 30 năm qua và tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là “chất keo” để quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới tươi sáng hơn nữa, tạo ra sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai đất nước ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới”, https://baochinhphu.vn/quan-he-viet-nam-han-quoc-se-tiep-tuc-phat-trien-manh-me-hieu-qua-va-dat-nhieu-thanh-tuu-noi-bat-trong-thoi-gian-toi-102305405.htm.
  2. Bộ Y tế (2021), “Bộ Y tế tiếp nhận gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ và Nhân dân Ba Lan và Chính phủ và Nhân dân Hàn Quốc tài trợ”, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-tiep-nhan-gan-2-trieu-lieu-vaccine-astrazeneca-do-chinh-phu-va-nhan-dan-ba-lan-va-chinh-phu-va-nhan-dan-han-quoc-tai-tro.
  3. “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/ guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/824533/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-dan-dau-doan-dai-bieu-cap-cao-quoc-hoi-viet-nam-tham-chinh-thuc-han-quoc.aspx.
  4. “KOICA gifts 9.45 million syringes to Vietnam for Covid-19 prevention”, https:// hanoitimes.vn/koica-gifts-945-million-syringes-to-vietnam-for-covid-19-prevention-320177. html.
  5. Kathryn Botto, “The Coronavirus Pandemic and South Korea’s Global Leadership Potential,” in The Case for South Korean Soft Power, ed. Chung Min Lee and Kathryn Botto, Carnegie Endowment for International Peace, December 15, 2020, https://carnegieendowment. org/2020/12/15/coronavirus-pandemic-and-south-korea-s-global-leadership-potential-pub-83408.
  6. “Vietnam and RoK to beef up trade and investment ties, Vietnam and RoK to beef up trade and investment ties”, Nhan Dan Online, https://en.nhandan.vn/business/item/11152402-vietnam-and-rok-to-beef-up-trade-and-investment-ties.html.
  7. Shim Woo-hyun (2021), “S. Korean firms’ donations to Vietnam vaccine fund surpass W9b”, The Korea Herald, https://ncov.vnanet.vn/en/news/korean-firm-contributes-10-billion-vnd-to-covid-19-vaccine-fund/dca3f3b4-7637-4a6b-8cf0-9c4e42824c1b.
  8. Sungil Kwak (2020), “Planning the future of Korea’s new southern policy”, Asia Pacific Bulletin, No. 516.
  9. US Department of State (2021), “U.S.-ROK Pledge to Increase Cooperation on ASEAN and Southeast Asia”, https://www. state.gov/u-s-rok-pledge-to-increase-cooperation-on-asean-and-southeast-asia/.
  10. “Vietnam-South Korea bilateral trade to hit $70 billion this year”,  https://vir.com.vn/ vietnam-south-korea-bilateral-trade-to-hit-70-billion-this-year-89202.html#:~:text=The%2 0bilateral%20trade%20turnover%20between,the%20end%20of%20the%20year.
  11. “Việt Nam, South Korea wants trade to reach $100bln by 2023, flights to resume soon: leaders”, https://vietnamnews.vn/politics-laws/ 1106484/viet-nam-south-korea-wants-trade-to-reach-100bln-by-2023-flights-to-resume-soon-leaders.html.
  12. “South Korea to send over one million COVID-19 vaccine doses to Vietnam in October”, Vietnam Investment Review, https://vir.com.vn/ south-korea-to-send-over-one-million-covid-19-vaccine-doses-to-vietnam-in-october-87870.html.

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[3] Sungil Kwak (2020), “Planning the future of Korea’s new southern policy”, Asia Pacific Bulletin, No. 516

[4] Kathryn Botto, “The Coronavirus Pandemic and South Korea’s Global Leadership Potential,” in “The Case for South Korean Soft Power,” ed. Chung Min Lee and Kathryn Botto, Carnegie Endowment for International Peace, December 15, 2020, https://carnegieendowment. org/2020/12/15/coronavirus-pandemic-and-south-korea-s-global-leadership-potential-pub-83408., truy cập ngày 08/06/2022.

[5] US Department of State (2021), “U.S.-ROK Pledge to Increase Cooperation on ASEAN and Southeast Asia”, https://www.state.gov/u-s-rok-pledge-to-increase-coopera tion-on-asean-and-southeast-asia/, truy cập ngày 06/06/2022.

[6] “Thủ tướng: Việt Nam-Hàn Quốc phấn đấu sớm đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD”, http://soytethainguyen. gov.vn/tin-trong-nganh/-/asset_publisher/XQT17zvLF 0Iw/content/thu-tuong-viet-nam-han-quoc-phan-au-som-at-kim-ngach-thuong-mai-100-ty-usd/20181, truy cập ngày 08/06/2022.

[7] “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan. org.vn/web/guest/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/824533/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-dan-dau-doan-dai-bieu-cap-cao-quoc-hoi-viet-nam-tham-chinh-thuc-han-quoc.aspx, truy cập ngày 10/06/2022.

[8] “Việt Nam, RoK target comprehensive strategic cooperative partnership”, Vietnam News https://vietnam news.vn/opinion/1153321/viet-nam-rok-target-comprehen sive-strategic-cooperative-partnership.html, truy cập ngày 14/07/2022.

[9]Vietnam (VNM) and South Korea (KOR) Trade | OEC - The Observatory of Economic Complexity”, https://oec. world/en/profile/bilateral-country/kor/partner/vnm, truy cập ngày 09/07/2022.

[10] “Vietnam-South Korea bilateral trade to hit $70 billion this year”, https://vietnamnet.vn/en/vietnam-south-korea-bilateral-trade-to-hit-70-billion-this-year-792738.html, truy cập ngày 10/06/2022.

[11] “Việt Nam, South Korea wants trade to reach $100bln by 2023, flights to resume soon: leaders”, Vietnam News, https://vietnamnews.vn/politics-laws/1106484/viet-nam-south-korea-wants-trade-to-reach-100bln-by-2023-flights-to-resume-soon-leaders.html, truy cập ngày 05/06/2022.

[14] “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới”, https://baochinhphu.vn/quan-he-viet-nam-han-quoc-se-tiep-tuc-phat-trien-manh-me-hieu-qua-va-dat-nhieu-thanh-tuu-noi-bat-trong-thoi-gian-toi-102305405.htm.

[16] “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong thời gian tới”, https://baochinhphu.vn/quan-he-viet-nam-han-quoc-se-, trutiep-tuc-phat-trien-manh-me-hieu-qua-va-dat-nhieu-thanh-tuu-noi-bat-trong-thoi-gian-toi-102305405.htm, truy cập ngày 08/07/2022.

[17] Bộ Y tế (2021), “Bộ Y tế tiếp nhận gần 2 triệu liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ và Nhân dân Ba Lan và Chính phủ và Nhân dân Hàn Quốc tài trợ”, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-tiep-nhan-gan-2-trieu-lieu-vaccine-astrazeneca-do-chinh-phu-va-nhan-dan-ba-lan-va-chinh-phu-va-nhan-dan-han-quoc-tai-tro, truy cập ngày 08/06/2022.

[18] Hanoi Times (2022), “KOICA gifts 9.45 million syringes to Vietnam for Covid-19prevention”,  https:// hanoitimes.vn/koica-gifts-945-million-syringes-to-vietnam-for-covid-19-prevention-320177.html, truy cập ngày 10/07/2022.

[20] Shim Woo-hyun (2021), “S. Korean firms’ donations to Vietnam vaccine fund surpass W9b”, The Korea Herald, http://www.koreaherald.com/view.php?ud=20210817000950.

0thảo luận