Trang chủ

Lao động di cư ở Trung Quốc giai đoạn 2000-2020

Đăng ngày: 20-10-2023, 08:47 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Nguyễn Thu Trang1, Nguyễn Xuân Trung,2 Nguyễn Thị Ràng3


Tóm tắt: Di cư là một hiện tượng kinh tế – xã hội khách quan, là kết quả của quá trình phát triển trình độ của một quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho quốc gia đông dân nhất thế giới, việc lao động Trung Quốc di chuyển từ nông thôn ra thành thị hay từ trong nước ra nước ngoài làm việc đã diễn ra từ khá lâu. Bài viết* tập trung phân tích bối cảnh lao động thị trường Trung Quốc hiện nay; di cư lao động của Trung Quốc trong giai đoạn 2000-2020; đánh giá chính sách quản lý di cư lao động ở Trung Quốc.

Từ khóa: Di cư lao động, Trung Quốc, Việt Nam

 

T

rung Quốc là quốc gia có diện tích rộng lớn, đồng thời có dân cư đông nhất thế giới. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng các lao động di cư từ nông thôn ra thành thị rất đông hoặc di cư ra nước ngoài lao động nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên,[1]bên cạnh[2]những hiệu quả đem lại do xu hướng di chuyển lao động trong từng thời kỳ thì Chính phủ Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết:[3](1) Di cư lao động làm giảm bất bình đẳng trong khu vực, tuy nhiên sẽ gây ra rủi ro khi ở thành thị quá đông dân số trong khi khu vực nông thôn thì thiếu thốn cơ sở vật chất; (2) Kinh nghiệm của Trung Quốc chỉ ra rằng, công nghiệp hóa nông thôn là giải pháp đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý nhất; (3) Các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng do sự phức tạp trong quá trình cải cách.

1. Một số khái niệm về “di cư lao động”

Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2015, di cư lao động là tất cả những người di cư quốc tế hiện đang có việc làm hoặc thất nghiệp và đang tìm kiếm việc làm tại quốc gia cư trú hiện tại của họ. Quyển Thuật ngữ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) về di cư (lần 2, năm 2011) và Thuật ngữ Mạng lưới di cư châu Âu (EMN) cũng đồng ý rằng di cư lao động là “sự di chuyển của con người từ quốc gia này sang quốc gia khác, hoặc trong quốc gia của họ, với mục đích làm việc”[4].

Di cư lao động có thể được chia làm hai loại:

Di cư lao động dài hạn, loại hình này dành cho những lao động di cư tiếp tục ở lại tại quốc gia họ đến làm việc, thường dẫn đến việc di cư dài hạn ở lại. Yếu tố quyết định thường là mức thu nhập, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến các liên kết văn hóa và xã hội vốn có của người di cư. Sự khác biệt về tiền lương thực tế giữa nước xuất và nhận lao động di cư là rất khác biệt, theo đó, mức lương tại nước nhận người di cư ít nhất gấp đôi mức lương thực tế của nước xuất cư.

Di cư lao động ngắn hạn: nơi cư trú và nơi sinh sống của người di cư đều ở quê nhà. Người di cư đi lại đều đặn giữa hai địa điểm hoặc ở nước ngoài trong một khoảng thời gian ngắn (có thể là theo tuần, theo tháng) và sau đó là về nhà (có thể là cuối tuần). Điều này thường diễn ra ở các quốc gia láng giềng với đất nước sở tại của người di cư. Bài báo này nghiên cứu tình trạng di cư lao động ngắn hạn của người dân sống ở Trung Quốc nhưng làm việc tại nước ngoài.

2. Bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc

Trong hầu hết hai thập kỷ qua, thị trường lao động của Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng và sức mạnh kinh tế của đất nước. Từ đầu những năm 2000, thị trường lao động của Trung Quốc có đặc điểm là lao động rẻ, cần cù, giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, những năm gần đây, lao động của Trung Quốc chuyển từ giá rẻ sang có kỹ năng và chuyên môn hóa cao. Điều này được phản ánh trong chất lượng các sản phẩm và dịch vụ được sản xuất tại Trung Quốc.

Mặt khác, ngành sản xuất truyền thống ở Trung Quốc đang chứng kiến sự tấn công của tự động hóa khiến ngày càng nhiều lao động dư thừa. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với lao động có trình độ cao, được đào tạo và xu hướng di cư lao động đến các thành phố lớn với mức lương cao hơn và lối sống tốt hơn. Theo dữ liệu của Statistics, khoảng 288,4 triệu lao động nhập cư đã chuyển đến các thành phố lớn của Trung Quốc trong năm 2018. Tuy nhiên, theo khảo sát từ CNN, gần 80 triệu lao động Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp do Covid-19, đạt tỷ lệ cao nhất mọi thời đại là 6,2% vào tháng 2 năm 2022. Đây được coi là “cú sốc của Covid-19 đối với thị trường việc làm là chưa từng có về quy mô, độ dài và tính chất”.

GDP của Trung Quốc đã giảm 9% trong quý 3 năm 2020 - mức giảm lớn nhất trong nhiều thập kỷ - khi chính phủ đóng cửa các bộ phận lớn trong nền kinh tế nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Đến tháng 2/2020, việc làm ở thành thị (bao gồm cả lao động nhập cư) đã giảm khoảng 16% (70 triệu lao động) so với mức trước Covid-19. Ngoài ra, số giờ làm việc trung bình của người lao động giảm đáng kể.

Trong giai đoạn từ năm 2002 đến nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu được thúc đẩy bởi 2 “động cơ” là đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, từ 39,09% năm 2000 lên 60% năm 2020, thể hiện bước vào giai đoạn đô thị hóa ở mức độ cao. Năm 2013, lần đầu tiên số lượng người lao động ở thành thị vượt qua số lao động ở nông thôn, điều này cho thấy Trung Quốc đã tiến từ một nước nông nghiệp điển hình (dân số nông thôn chiếm 82,1% tổng dân số vào năm 1978) thành một nước hiện đại.

3. Di cư lao động của Trung Quốc trong giai đoạn 2000 - 2020

3.1. Di cư lao động trong nước

Di cư lao động là cốt lõi hiện tượng đô thị và là nguyên nhân chính của việc thiếu hụt lao động ở nông thôn và dư thừa lao động tại các thành phố[5]. Dù Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện rất nhiều chính sách hiện đại hóa nông thôn nhưng vẫn không ngăn được dòng di cư lao động lên thành thị, bởi vậy Trung Quốc buộc phải tìm kiếm những giải pháp cho vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động di cư, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị.

Trong giai đoạn từ năm 2000-2015, tổng số lao động của Trung Quốc tăng đều hàng năm (từ 720 triệu lao động năm 2000 tăng lên 774 triệu lao động vào năm 2015). Tuy nhiên, từ năm 2015 đến 2020 thì tổng số lao động lại giảm đều qua các năm (từ 774 triệu lao động xuống còn 750 triệu lao động), tương đương với giảm 24 triệu lao động, một xu hướng được cho là sẽ tiếp tục trong các năm tiếp theo. Nguyên nhân là do “chính sách một con” của Trung Quốc nhằm hạn chế số lượng con, không có gì ngạc nhiên khi chính sách làm giảm đáng kể tỷ lệ sinh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lực lượng lao động trong tương lai[6].

Từ năm 2000 đến năm 2013, tỷ lệ lao động ở thành thị luôn có tỷ trọng thấp hơn lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, từ năm 2014, số lượng lao động ở nông thôn lại có xu hướng giảm, ngược lại ở thành thị lại gia tăng. Trong vòng 13 năm (2000-2013), số lượng lao động ở thành thị đã tăng lên 150 triệu người từ 231 triệu lao động (chiếm 32,1% dân số) lên đến 382 triệu lao động (chiếm 49,6% dân số). Đối với lao động ở nông thôn, số lượng lao động giảm từ 489 triệu lao động năm 2000 (chiếm 67,8% dân số) xuống còn 387 triệu lao động năm 2013 (chiếm 50,3% dân số). Đặc biệt trong năm 2013, tỷ lệ người lao động ở thành thị (chiếm 49,6%) xấp xỉ với tỷ lệ lao động ở nông thôn (chiếm 50,4%).

Quy mô di cư lao động từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là: (1) mức tiền lương ở các khu vực thành thị, khu công nghiệp lớn đã tăng từ năm 2013. Theo ILO, thu nhập hàng tháng của một nhân viên trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc năm 2013 là 740 USD, so với mức lương ở Brazil chỉ với 581 USD, ở Indonesia là 138 USD, còn ở Thái Lan là 312 USD, ở Việt Nam chỉ ở mức 210 USD[7]; (2) từ năm 2000, chính sách di cư lao động nông nghiệp của Trung Quốc bắt đầu thay đổi: xóa bỏ phí di cư lao động (phí định cư tạm thời, phí hành chính, phí dịch vụ) đối với lao động di cư. Chính những điều này đã khiến cho dòng di cư trong nước diễn ra mạnh mẽ.

Trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, trong các năm 2019-2020, số lượng người lao động ở thành thị tăng cao, tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp được khảo sát ở các đô thị Trung Quốc tăng từ 5,2% vào tháng 12 năm 2019 lên mức cao 6,2% vào tháng 2 năm 2020[8]. Đặc biệt, lao động di cư chiếm phần lớn tỷ lệ giảm trong lực lượng lao động thành thị. Điều này là do lao động di cư tập trung vào các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như các ngành dịch vụ, bán lẻ, khách sạn[9].


Bảng 1: Lao động theo vùng ở Trung Quốc từ năm 2000 – 2020

Năm

Tổng số lao động

(triệu người)

Thành thị

Nông thôn

Lao động (triệu người)

Tỷ lệ (%)

Lao động (triệu người)

Tỷ lệ (%)

2000

720,9

231,5

32,12

489,3

67,88

2001

728

241,2

33,14

486,7

66,86

2002

732,8

251,6

34,33

481,2

65,67

2003

737,4

262,3

35,57

475,1

64,43

2004

742,6

272,9

36,75

469,7

63,25

2005

746,5

283,9

38,03

462,6

61,97

2006

749,8

296,3

39,52

453,5

60,48

2007

753,2

309,5

41,09

443,7

58,91

2008

755,6

321

42,48

434,6

57,52

2009

758,3

333,2

43,94

425,1

56,06

2010

761

346,9

45,58

414,2

54,42

2011

764,2

359,1

47,00

405,1

53,00

2012

767

371

48,37

396

51,63

2013

769,8

382,4

49,68

387,4

50,32

2014

772,5

393,1

50,88

379,4

49,12

2015

774,5

404,1

52,17

370,4

47,83

2016

762,4

420,5

55,1

341,9

44,8

2017

760,6

432

56,8

328,5

43,1

2018

757,8

442,9

58,4

314,9

41,5

2019

754,5

452,5

60

302

40

2020

750,6

462,7

61,6

287,9

38,3

Nguồn: https://www.statista.com/statistics/282134/china-labor-force/, https://www.statista.com/statistics/ 1102407/china-number-of-employed-persons-in-urban-rural-areas/#:~:text=In%202020%2C%20around% 20463%20million,until%202017%20und%20decreased%20thereafter.

 

Đến năm 2020, dòng di cư ngược trong nước đang có dấu hiệu tăng tốc trong mấy năm tới, người lao động dường như không muốn sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Nguyên nhân đóng góp vào xu hướng di cư ngược của lao động từ nông thôn là do: (1) một phần người lao động không thể tiếp cận với chi phí đắt đỏ của nhà cửa ở thành phố; (2) lão hóa dân số - tỷ lệ lao động di cư trên 50 tuổi đã tăng gấp đôi trong 12 năm qua, lên mức 26%; (3) nhiều chính sách mới của Trung Quốc đã áp dụng trong đó có đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút lao động có học vấn.

3.2. Di cư lao động ra nước ngoài

Từ khi bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978, lao động của Trung Quốc bắt đầu di cư ra nước ngoài gia tăng nhanh. Nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn đang tiếp tục nhận vốn và viện trợ của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, cảng và mạng lưới viễn thông. Chính sự tiếp cận ngày càng rộng của Trung Quốc với các dự án nước ngoài càng thúc đẩy dòng lao động Trung Quốc di cư. Chính sách di cư lao động của Trung Quốc ra nước ngoài tập trung vào ba mục tiêu chính: (1) chuyển dần các công nghệ cần nhiều năng lượng ra nước ngoài, trong đó gồm cả những xưởng sản xuất bên ngoài để thu lợi và kích cầu trong nước; (2) giải quyết nhu cầu dư thừa lao động và thất nghiệp trong nước mà nền kinh tế nước nhà không gánh nổi; (3) nguồn lao động được đưa ra nước ngoài như một sự can thiệp quyền lực “cứng” và “mềm” của Chính phủ Trung Quốc đối với các nước đang phát triển.

Có thể chia làn sóng di cư lao động của Trung Quốc làm hai phía với quy mô tương đối lớn:

Thứ nhất, làn sóng di cư lao động ra ngoài khu vực tới các nước phát triển

Xu hướng thứ nhất là di cư lao động tới các nước phát triển giàu có ở châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Trong quá trình phát triển, nhiều quốc gia phát triển phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Mỹ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ và trở thành điểm đến hàng đầu cho người lao động di cư của Trung Quốc, chiếm gần 27% trong tổng số 12 triệu người Trung Quốc đang tìm kiếm việc làm bên ngoài (theo ước tính năm 2019 của Bộ Dân số Liên Hợp Quốc, 2019). Di cư lao động Trung Quốc đến Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada) chiếm tỷ lệ cao với số lượng từ 1.760.799 lao động (năm 2000) lên đến 2.883.000 lao động (năm 2020), trong vòng 20 năm đã tăng 1.112.000 lao động (bảng 1).

Trình độ học vấn cũng là một trong những kênh cụ thể mà lao động Trung Quốc di cư đến Mỹ. Trong năm tài chính 2018, lao động Trung Quốc đại diện 12% trong số 332.000 đơn yêu cầu H-1B (hợp đồng lao động đầu tiên và lâu dài) được Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) chấp nhận, chiếm 73% đơn yêu cầu[10]. Lao động có trình độ cao ở Trung Quốc di cư nhiều đến Mỹ bởi các ngành nghề như kiến trúc, kỹ sư, giám sát... ở các nước lớn đều cần đến trình độ cao, các viện nghiên cứu khoa học cũng có nhu cầu cao về nhân lực trí thức, ngoài ra sự tiếp nhận loại visa H1B (dành cho lao động trình độ cao, có thể làm việc tối đa ở Mỹ 6 năm) cũng là yếu tố thu hút số lượng lao động di cư trình độ cao tới làm việc.

Thứ hai, làn sóng di chuyển lao động đến các nước Đông Nam Á

Đông Nam Á là khu vực thu hút lượng lao động Trung Quốc cao nhất, đây là khu vực kinh tế mới, năng động, đang mở cửa, thu hút nhiều các dự án lớn đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc. Đa phần các nước trong khu vực này đều thực hiện chính sách mở cửa đối với lao động di cư từ các nước khác trên thế giới. Singapore, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia có lượng người lao động Trung Quốc di chuyển đến nhiều nhất khu vực.

Di cư lao động Trung Quốc chủ yếu đến Thái Lan, với hơn 20.000 lao động năm 2000, đến năm 2020 con số là là 77.000 người do chính sách visa của Thái Lan được mở rộng (bảng 2). Di cư lao động Trung Quốc sang các nước đang phát triển tăng nhanh cùng với mức tăng của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trung Quốc được xếp là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại một số quốc gia, trong đó có Thái Lan bởi vậy “di dân Trung Quốc” cũng sẽ tăng theo.


Bảng 2: Di cư lao động Trung Quốc phân theo khu vực trên thế giới giai đoạn 2000-2020

Khu vực

2000

2005

2010

2015

2020

Thế giới

5.786.954

7.242.306

8.648.885

9.675.209

10.461.000

Châu Á

3.238.437

3.973.557

4.551.662

4.869.076

5.022.200

Bắc Mỹ (Mỹ và Canada)

1.760.799

2.116.912

2.535.294

3.029.970

2.883.000

Châu Âu

486.073

719.510

957.429

1.045.782

1.237.000

Châu Đại Dương (Australia, New Zealand

202.941

318.115

464.907

552.397

797.000

Châu Mỹ Latinh và Caribe

66.830

82.072

99.448

118.956

160.000

Châu Phi

31.874

32.140

40.105

59.028

34.000

Nguồn: United Nations (Population Division, Department of Economic and Social Affairs), https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/11/ISEAS_Perspective_2021_168.pdf

Bảng 3: Di cư lao động Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á giai đoạn 2000 – 2020

Quốc gia / Năm

2000

2005

2010

2015

2020

Tổng

526.422

552.553

595.897

696.732

688.000

Singapore

250.198

299.651

365.797

448.566

426.000

Thái Lan

20.304

33.311

68.811

74.411

77.000

Indonesia

83.502

72.094

65.307

72.302

76.000

Philippines

88.418

71.566

35.398

35.952

38.000

Myanmar

44.999

38.118

35.082

33.656

35.000

Lào

3.005

2.820

8.110

13.400

14.000

Malaysia

54.430

29.909

9.306

11.347

12.000

Việt Nam

2.573

2.661

2.440

3.005

3.000

Brunei

1.926

1.969

2.012

2.055

2.000

Campuchia

2.998

2.340

1.682

1.518

2.000

Đông Timor

1.104

1.172

1.196

953

1.000

Nguồn: United Nations (Population Division, Department of Economic and Social Affairs), https://www.iseas.edu.sg/wp-content/uploads/2021/11/ISEAS_Perspective_2021_168.pdf

 

Myanmar là láng giềng phía Tây Nam của Trung Quốc có vị trí địa chiến lược, tiếp giáp với Nam Á và Ấn Độ Dương. Bởi vậy, để kết nối với khu vực này, Myanmar chính là con đường lý tưởng để Trung Quốc tiến ra Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã chi 10 tỉ USD cho quỹ đầu tư vào hạ tầng cơ sở tại các nước Đông Nam Á, cùng 15 tỉ USD cho vay tín dụng nhằm thiết lập ảnh hưởng lớn hơn tại Đông Nam Á. Lao động Trung Quốc sang các nước đang phát triển Đông Nam Á không chỉ qua các dự án đầu tư mà còn theo các hợp đồng thi công công trình. Năm 2000, số lao động Trung Quốc làm việc tại Myanmar là 45.000 lao động và 20 năm sau lực lượng này đã giảm còn 35.000 người. Tuy nhiên, số lao động Trung Quốc ở Lào lại tăng vọt, năm 2000 với 3.000 lao động nhưng đến năm 2020 lực lượng này đã đạt 14.000 lao động do các dự án đầu tư mà Trung Quốc triển khai (bảng 2).

Một trong những điểm được lao động Trung Quốc di cư đến vài năm gần đây là châu Phi tăng nhanh, chủ yếu là nông dân, công nhân xây dựng, công nhân hầm mỏ, lao động tiểu thương... Tuy nhiên, đây là các nước đang phát triển, các nước này có thời hạn tiếp nhận lao động không dài (khoảng thời gian 3 đến 5 năm) nhằm mục đích tránh những hậu quả xã hội xấu do nhóm lao động di cư Trung Quốc không nghề hoặc bán chuyên nghiệp để lại.

4. Đánh giá chính sách quản lý di cư lao động của Trung Quốc

Tăng mạnh di cư lao động trong nước

Di cư trong nước đã giúp cho tái cấu trúc xã hội, giảm tỷ lệ nghèo chung và giảm chênh lệch giàu nghèo giữa khu vực nông thôn - thành thị ở Trung Quốc. Cụ thể, 36,7% công nhân làm việc trong ngành nông nghiệp vào năm 2010 đã giảm xuống còn 23,6% vào năm 2020, trong khi cùng kỳ, tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành dịch vụ tăng từ 34,6% lên đến 47,7%[11]. Tỷ lệ cư dân sống dưới mức nghèo khổ cũng đã giảm từ 49,8% năm 2000 xuống 0% năm 2020, với tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 49,8% năm 2000 xuống còn 5,7% năm 2002[12]. Bên cạnh đó, di cư trong nước đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc khiến cho tổng dân số khu vực đô thị ở quốc gia này đã tăng từ 699 triệu dân vào năm 2011 lên 902 triệu dân vào năm 2020 và hiện nay có hơn 70% người dân sống ở khu vực đô thị[13]. Do đó, tăng mạnh di cư trong nước bằng cách tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là mở rộng khu vực đô thị có thể sử dụng được tối đa nguồn lực lao động để phát triển kinh tế trong nước.

Cải cách nhân khẩu học

Hộ khẩu được coi là công cụ hành chính quan trọng để Chính phủ Trung Quốc kiểm soát dòng người di cư trong nước, trong đó chủ yếu ảnh hưởng đến dòng người lao động di cư. Tuy nhiên, hộ khẩu lại hạn chế dòng chảy lao động, mà đây là nguồn lực chính cung cấp sức sống cho một nền kinh tế. Trong bối cảnh số người lao động 15 - 59 tuổi bắt đầu suy giảm mạnh từ năm 2015, lao  động từ nông thôn ra thành thị bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ công cộng và phúc lợi xã hội, đây là động lực để Chính phủ Trung Quốc tiến hành kế hoạch đô thị hóa 2019, cam kết xóa rào cản cấp hộ khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu của dòng chảy lao động trong các cụm thành phố cũng như điều tiết phát triển công nghiệp.

Kết luận

Vấn đề di cư lao động của Trung Quốc với mục tiêu phát triển nền kinh tế sản xuất theo định hướng xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, người lao động Trung Quốc đang có xu hướng chuyển dịch từ vùng nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp, đồng thời di cư từ vùng nông thôn ra thành thị. Đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ những kinh nghiệm về di cư nói chung và dịch chuyển lao động nói riêng ở Trung Quốc, bài học được rút ra là cần tăng mạnh di chuyển lao động trong nước và mở rộng quá trình đô thị hóa theo chiều rộng và chiều sâu trên toàn quốc, đặc biệt là các khu vực nghèo khó ở miền trung Việt Nam. Có thể thời gian tới, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những cuộc di chuyển ngược, có nghĩa là lao động sẽ đổ dồn về các vùng nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Thị Thanh Bình (2014), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ASEAN: Thực trạng và nhân tố tác động”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (tháng 9/2014).
  2. Perruchoud, R., Redpath-Cross, J. (2011), Glossary on Migration, Tổ chức Di cư Quốc tế, Thụy Sĩ.
  3. Zhang, J. (2017), “The evolution of China’s one-child policy and its effects on family outcomes”, Journal of Economic Perspectives 31:1 (2017): 141-160.
  4. Iunsen Zhang và Jia Wu (2018), “The Chinese labor market, 2000-2016”, https://wol.iza.org/articles/the-chinese-labor-market/long.
  5. Jonathan Kemp và Morgan Spearritt (2021), “China’s Labour market: Covid-19 and Beyond”, https://www.rba.gov.au/publications/ bulletin/2021/sep/chinas-labour-market-covid-19-and-beyond.html.
  6. Wang Y (2020), “China – Rapid Assessment of the Impact of COVID-19 on Employment”, International Labour Organization Policy Brief, July, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_emp/documents/publication/wcms_752056.pdf.
  7. ISEAS Perspective (2021), The Nature of Recent Chinese Migration to Thailand, ISEAS - Yusof Ishak Institute, Issue: 2021. No.168. ISSN 2335-6677.
  8. Migration Information Source (2020), “Chinese Immigrants in the United States”, https://www.migrationpolicy.org/article/chinese-immigrants-united-states-2018#Age.
  9. Statistics (2020), “Distribution of the workforce across economic sectors in China from 2010 to 2020”, https://www.statista.com/ statistics/270327/distribution-of-the-workforce-across-economic-sectors-in-china/#:~:text= The%20statistic%20shows%20the%20distribution,percent%20in%20the%20service%20sector.
  10. “The experience of poverty reduction in rural China”, https://journals.sagepub.com/doi/ 10.1177/2158244020982288.
  11. “Urban and rural population of China from 2011 to 2021”, https://www.statista.com/ statistics/278566/urban-and-rural-population-of-china/.
  12. Knapp, Anthony (2019), Net International Migration Projected to Fall to Lowest Levels This Decade, United States Census Bureau, December 20, 2019.
  13. Chiang Mai Immigration Office (2019), Nonimmigrant Visa Statistics classified by Countries and Territories 2019, Thailand: Immigration Bureau.
  14. Wang Yujiao (2019), “Confucius Institutes in Thailand: Revealing the Multi-dimensionality of China’s Public Diplomacy”, Journal of the Graduate School of Asia-Pacific Studies, 37 (3), 99– 113, 2019. 11 More detail.
  15. Cheuk, Ka-Kin (2019), Transient Migrants at the Crossroads of China’s Global Future. Transitions: Journal of Transient Migration 3 (1): 3-14.
  16. Liu, Jiaqi M (2021), “From “Sea Turtles” to “Grassroots Ambassadors”: The Chinese Politics of Outbound Student Migration”,  International Migration Review: 0197918321 1046572.

 


[1] ThS, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] PGS. TS., Viện Nghiên cứu châu Mỹ

[3] ThS., Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long

* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ “Lao động qua biên giới ở vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Vấn đề, ảnh hưởng và giải pháp” do PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung làm chủ nhiệm.

[4] Perruchoud, R., Redpath-Cross, J (2011), Glossary on Migration, Tổ chức Di cư Quốc tế, Thụy Sĩ.

[5] Phạm Thị Thanh Bình (2014), “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ASEAN: Thực trạng và nhân tố tác động”. Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (tháng 9/2014).

[7] Iunsen Zhang và Jia Wu (2018), “The Chinese labor market, 2000 – 2016”, https://wol.iza.org/ articles/the-chinese-labor-market/long.

[8] Jonathan Kemp và Morgan Spearritt (2021), “China’s Labour market: Covid – 19 and Beyond”, https://www.rba.gov.au/publications/bulletin/2021/sep/chinas-labour-market-covid-19-and-beyond.html.

[9] Wang Y (2020), “China – Rapid Assessment of the Impact of COVID-19 on Employment”, International Labour Organization Policy Brief, July, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_emp/documents/publication/wcms_752056.pdf.

[10] Migration Information Source (2020), “Chinese Immigrants in the United States”, https://www. migrationpolicy.org/article/chinese-immigrants-united-states-2018#Age.

[11] Statistics (2021), “Urban and rural population of China from 2011 to 2021”, https://www.statista.com/statistics/ 278566/urban-and-rural-population-of-china/.

[12] Sage Journals (2020), “The experience of poverty reduction in rural China”. https://journals.sagepub.com/ doi/10.1177/2158244020982288.https://doi.org/10.1177 % 2F2158244020982288.

[13] Statistics (2021), “Urban and rural population of China from 2011 to 2021”, Tlđd.

 

0thảo luận