Trang chủ

Sinh hoạt Chi bộ chuyên đề “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại”

Đăng ngày: 30-09-2023, 12:23 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Ngày 27/9/2023, Chi bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại”. Đ/c Bí thư Chi bộ Trần Hoàng Long chủ trì buổi sinh hoạt với khách mời là PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an, cùng toàn thể đảng viên trong Chi bộ.

Sinh hoạt Chi bộ chuyên đề “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại”

Hình ảnh buổi sinh hoạt Chi bộ chuyên đề

Trong suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển mối quan hệ đối ngoại. Chính sự tinh tế, tầm nhìn và sự khéo léo trong việc đối phó với thế giới bên ngoài của Bác đã đưa Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc ta bước sang thời kỳ mới, khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Trong buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề, các đảng viên được nghe PGS.TS Lê Văn Cương trình bày báo cáo “Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại” nhằm tìm hiểu về một phần hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác ngoại giao, một khía cạnh quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của Đảng và đất nước mà còn đối với cuộc đời của Người.

Sinh hoạt Chi bộ chuyên đề “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh trong chính sách đối ngoại”

PGS.TS Lê Văn Cương trình bày báo cáo

Trong báo cáo, PGS.TS Lê Văn Cương đã đề cập đến khoảng thời gian từ năm 1911 đến năm 1913. Hồ Chí Minh sang Washington sau đó chuyển về làm việc trong một tiệm bánh tại Boston, Mỹ trong 2 năm. Lý do Bác chọn Boston vì nơi đây có tới 60 trường Đại học. Đây là trung tâm tinh hoa, trung tâm cách mạng giải phóng của Mỹ, là nơi mở đầu cho cuộc cách mạng chống thực dân Anh hay cuộc chiến với Mexico. Nơi đây thường xuyên diễn ra các cuộc tọa đàm về những vấn đề kinh tế, chính trị của thế giới. Bác thường xuyên làm việc 14h/ngày để bù vào thời gian những khi tham gia các buổi nghị luận tọa đàm.

Ngày 28/1/1941, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại Pác Bó, Cao Bằng. Ngày 2/11/1944, Trung úy phi công William Shaw – thuộc Không đoàn số 14 của Mỹ đóng tại Hoa Nam (Trung Quốc) - đang bay làm nhiệm vụ thì máy bay gặp nạn, buộc phải nhảy dù xuống Cao Bằng. Trong hoàn cảnh khó khăn, trước sự truy lùng ráo riết của quân Nhật, Pháp nhưng Trung úy William Shaw vẫn được ta bảo vệ chu đáo. Sau đó Hồ Chí Minh trực tiếp đưa Trung úy William Shaw sang Côn Minh, Trung Quốc.

Đầu năm 1945, Hồ Chí Minh tới Côn Minh (Trung Quốc) - nơi có căn cứ các nước đồng minh và trụ sở Không đoàn 14 của Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng L.Chennault. Chủ trương của Người là chủ động đặt quan hệ với Mỹ, làm cho người Mỹ hiểu rõ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống phát xít Nhật và tranh thủ sự giúp đỡ từ phía Mỹ. Đây có thể coi là thông điệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh báo cho thế giới biết rằng: Mặt trận Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo có tư cách là một bộ phận của Mặt trận Đồng Minh đang cùng thế giới, cùng Mỹ chống phát xít, và cánh cửa quan hệ Việt - Mỹ đã được mở ra.

Hồ Chí Minh tranh thủ mối quan hệ này để làm nhiều việc cho cách mạng. Thông qua cách ứng xử của Hồ Chí Minh mà người Mỹ hiểu cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Mỹ đã giúp Việt Minh về đào tạo cán bộ, cung cấp thuốc men, súng ống. Từ mối quan hệ đó, Mỹ lập được mạng lưới vô tuyến điện từ Hà Nội đến Sài Gòn. Qua các cơ quan của Mỹ, Hồ Chí Minh gửi nhiều thư, tài liệu cho Liên Hợp Quốc, các chính khách Mỹ và quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của họ cho cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác ngoại giao của Hồ Chí Minh và khi có lực lượng mạnh mẽ của toàn dân, thời cơ đến, Người quyết định tổng khởi nghĩa đúng lúc, đưa cách mạng đi đến thành công.

Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Văn Cương còn trình bày nhiều thông tin về tình hình chính trị nội bộ của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh mới.

Tổng kết buổi sinh hoạt Chi bộ, TS. Trần Hoàng Long phát biểu: trong lịch sử Việt Nam hiện đại, đấu tranh ngoại giao luôn là mặt trận quan trọng. Trên phương diện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ tài năng kiệt xuất, nhãn quan chiến thuật vượt không gian và thời gian. Người đã khéo vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm ngoại giao trong lịch sử với tinh thần độc lập, chủ động “dĩ bất biến, ứng vạn biến” giúp định hướng chính xác và thực hiện thành công công tác đối ngoại trong từng thời kỳ cách mạng.

 

Kiều Dung

 

 

 

0thảo luận