Trang chủ

Hợp tác chiến lược Nhật Bản - Ấn Độ

Đăng ngày: 14-08-2023, 09:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 5

Phan Cao Nhật Anh1

 

Tóm tắt: Quan hệ Nhật Bản và Ấn Độ từ khi được khôi phục vào năm 1952 đã trải qua những giai đoạn khác nhau. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dù hai nước duy trì mối quan hệ hữu nghị nhưng hợp tác giữa hai bên còn nhiều hạn chế. Bước sang thế kỷ XXI, cùng với sự phát triển kinh tế, tình hình quốc tế có nhiều thay đổi, quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ được tăng cường đáng kể. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị an ninh, hai bên đã có những bước tiến phù hợp với bối cảnh mới của khu vực.

Từ khóa: Nhật Bản, Ấn Độ, Quan hệ, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, an ninh

 

 

1. Quan hệ Nhật - Ấn hạn chế trong lịch sử [1]

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản chịu sự kiểm soát của lực lượng đồng minh, Ấn Độ giành được độc lập vào ngày 15 tháng 8 năm 1947. Thực tế, Ấn Độ vốn nằm dưới sự kiểm soát của Anh, có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Năm 1951, Hội nghị hòa bình San Francisco được tổ chức, song Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru từ chối tham dự hội nghị, vì ông coi các điều khoản của Hiệp ước hòa bình San Francisco hạn chế chủ quyền của Nhật Bản. Tháng 6 năm 1952, Nhật Bản và Ấn Độ ký hiệp ước hòa bình với nội dung hào phóng và trả lại tài sản của Nhật Bản ở Ấn Độ, khôi phục quan hệ giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ song phương hữu nghị và thân ái được duy trì trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng quan hệ bị hạn chế ở cấp chính thức và lĩnh vực hợp tác còn hẹp, chủ yếu thông qua hợp tác kinh tế. Những nước nhận viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là Indonesia và các nước khác ở Đông Nam Á, sau đó là Trung Quốc. Ấn Độ là nước nhận ODA lớn từ Nhật Bản, tuy nhiên hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác như an ninh là rất hiếm, và quan hệ giữa các khu vực tư nhân chưa sôi động. Ví dụ trong quan hệ thương mại, đối tác thương mại lớn của Nhật Bản là Hoa Kỳ, song thương mại không phải là lĩnh vực chính sách ưu tiên của Ấn Độ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và các hoạt động thương mại của Ấn Độ nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Có ba lý do chính dẫn đến mối quan hệ song phương bị hạn chế và thu hẹp giữa hai nước trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Thứ nhất, về mặt địa lý, trong khi Nhật Bản nằm ở Viễn Đông thì Ấn Độ lại nằm ở Nam Á. Vì vậy, khả năng tiếp xúc thực tế giữa hai quốc gia khó hơn nhiều so với các quốc gia trong cùng khu vực. Thực tế cho thấy dù Nhật Bản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo song Phật giáo không được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ, mà thông qua Trung Quốc. Do đó, khoảng cách địa lý góp phần không nhỏ vào việc hạn chế giao lưu văn hóa và kết nối lịch sử giữa hai nước. Ngoài ra, sau khi Nhật Bản mở cửa vào giữa thế kỷ XIX, sự quan tâm của Nhật Bản không phải ở châu Á mà hướng tới phương Tây.

Thứ hai, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lợi ích của các nước ở châu Á là phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ hoặc Liên Xô và các nước láng giềng của họ. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu của Ấn Độ là mối quan hệ với Pakistan và các nước ở Nam Á, Trung Quốc, sau đó mối quan hệ với Liên Xô. Mặt khác, mối quan tâm chính của Nhật Bản là ở Hoa Kỳ và Đông Bắc Á. Do đó, lợi ích an ninh chính của Nhật Bản và Ấn Độ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh là khác nhau.

Thứ ba, cho đến cuối những năm 1980 hai nước có lợi ích kinh tế rất khác nhau. Sau sự phân chia biên giới từ thuộc địa của Anh năm 1947, Ấn Độ theo đuổi mô hình phát triển xã hội chủ nghĩa dựa trên chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Điều này có nghĩa là thương mại không phải là ưu tiên trong lợi ích kinh tế của Ấn Độ. Mặt khác, mối quan tâm kinh tế chính của Nhật Bản là Hoa Kỳ, vì đây là thị trường thương mại lớn nhất của nước này, là nguồn cung cấp công nghệ nhập khẩu không thể thiếu cho sự phát triển công nghiệp và tài chính quốc tế. Các thị trường châu Á bao gồm Ấn Độ không phải là lợi ích chính của Nhật Bản cho đến khi có thỏa thuận Plaza vào năm 1985, khi đồng yên bắt đầu tăng giá nhanh đáng kể.

Như vậy, do sự xa cách về địa lý, nền tảng hệ thống quốc tế thời kỳ Chiến tranh Lạnh và lợi ích kinh tế khác nhau của hai nước, Nhật Bản và Ấn Độ không dễ thiết lập mối quan hệ thân thiết cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ngoài ra, hợp tác song phương trước đây chủ yếu ở cấp chính thức, hợp tác ở cấp tư nhân còn hạn chế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

2. Bối cảnh thúc đẩy tăng cường quan hệ

Quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ mặc dù đã được cải thiện đều đặn sau Chiến tranh Lạnh, song đã có bước thụt lùi đột ngột khi Ấn Độ tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân vào năm 1998. Là một quốc gia tập trung vào chính sách đối ngoại của mình về việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân, Nhật Bản không chấp nhận những vụ thử hạt nhân mới này. Giai đoạn này có thể được coi là một bước chuẩn bị để hai nước tìm cách thiết lập lại mối quan hệ song phương.

2.1. Sự phát triển của quan hệ kinh tế giữa hai nước

Có thể nói quan hệ kinh tế song phương là động lực đầu tiên cho việc cải thiện quan hệ của hai nước được thể hiện rõ từ những năm 2000. Nền kinh tế Ấn Độ đạt được những thành tựu ổn định nhờ được hỗ trợ bởi các chính sách tự do hóa được thực hiện từ năm 1991 và cuối cùng đạt được mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,4%[2] trong suốt thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI. Năm 1993, Ấn Độ công bố chính sách hướng Đông và trên cơ sở đó bắt đầu nỗ lực để vun đắp mối quan hệ kinh tế bền chặt hơn với các nước Đông Á và Đông Nam Á[3].

Ngược lại, Nhật Bản vào đầu những năm 2000 nhận thấy sự cần thiết của việc kiềm chế “nguy cơ Trung Quốc”. Cụ thể hơn, đến năm 2004, quy mô thương mại song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt 22 nghìn tỷ yên, vượt qua 20 nghìn tỷ yên trong thương mại giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, do đó Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, hàng loạt cuộc biểu tình và bạo loạn chống Nhật quy mô lớn đã nổ ra trên khắp Trung Quốc. Hệ quả là Ấn Độ bắt đầu là một thị trường lý tưởng mới cho Nhật Bản. Năm 2003, Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc để trở thành nước nhận các khoản vay bằng đồng yên lớn nhất từ Nhật Bản. Viện trợ phát triển chính thức (ODA) đóng vai trò như một kênh để tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ[4].

2.2. Sự cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ

Yếu tố thứ hai thúc đẩy quan hệ Nhật - Ấn tốt đẹp hơn là sự cải thiện trong quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ. Trong khoảng bảy thập kỷ sau khi giành được độc lập vào năm 1947, chính sách đối ngoại của Ấn Độ được đặc trưng bởi một lịch sử thử nghiệm cách định vị Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại và làm thế nào để vun đắp mối quan hệ hai nước trên cơ sở đó[5]. Xét về lịch sử, có thể cho rằng chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời kỳ này là mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Mặc dù mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ bắt đầu được cải thiện từ những năm 1990, nhưng nó đã chịu tác động bởi các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1998. Sau đó, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đến Ấn Độ vào tháng 3 năm 2000, chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hoa Kỳ kể từ thời Jimmy Carter 22 năm trước đó, là động lực để cải thiện các mối quan hệ đã xuất hiện và tiếp tục phát triển sau khi chính quyền George W. Bush lên nắm quyền vào năm 2001.

Là một quốc gia đã lấy liên minh với Hoa Kỳ trở thành xương sống trong chính sách đối ngoại của mình, Nhật Bản coi sự phát triển của mối quan hệ giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ là một cơ hội để cải thiện quan hệ với Ấn Độ. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ theo đuổi lập trường chính sách đối ngoại tập trung vào phi liên kết cùng với việc tiếp tục thân Liên Xô, do đó việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ là rất ít. Vào thời điểm đó, mối quan hệ hạn chế của Delhi với Washington đã gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ của nước này với Tokyo. Không thể phủ nhận một thực tế rằng quan hệ Nhật - Ấn đã phát triển song song với sự cải thiện trong quan hệ Ấn Độ - Hoa Kỳ.

Cho đến những năm 1990, chính sách đối ngoại của Ấn Độ vốn thường phản ánh lập trường thân Liên Xô, sau đó là Nga, đã có những thay đổi khiến nước này theo thời gian ngày càng thân Hoa Kỳ. Có lẽ việc thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ hiện là lựa chọn chiến lược hiệu quả duy nhất giúp Ấn Độ bảo vệ lợi ích và đảm bảo an ninh của mình.

2.3. Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Trung Quốc được coi là nhân tố thứ ba thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Cụ thể, từ những năm 2000 Trung Quốc đã phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự lớn và theo đuổi một chính sách đối ngoại quyết đoán. Những xu hướng này đã có tác dụng thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và Ấn Độ, dẫn đến việc Ấn Độ - Thái Bình Dương được xem như một khu vực địa chính trị.

Châu Á - Thái Bình Dương hay nói chung là châu Á trong một thời gian khá dài là khu vực quan tâm chính của chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Tuy nhiên, vào giữa những năm 2000, Trung Quốc bắt đầu thực hiện chiến lược đường biển Ấn Độ Dương mà các nước gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai trên biển”[6]. Hơn nữa, vào năm 2010, nước này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và theo đuổi các chính sách quân sự trên biển ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Không chỉ vậy, bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). BRI bao gồm một loạt các dự án cơ sở hạ tầng bến cảng và bến cảng trên vành đai Ấn Độ Dương, bao gồm cả dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).

Do đó, Ấn Độ không thể coi các hoạt động của Trung Quốc trên trường quốc tế là vấn đề của quốc gia khác. Ấn Độ thực hiện các biện pháp phù hợp với chính sách hành động hướng Đông, chuyển từ chỉ đơn thuần “nhìn” sang “hành động”. Sau khi chính phủ Modi lên nắm quyền, Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng được sử dụng thường xuyên như một khái niệm chính sách khu vực, và mang những hàm ý chiến lược nhất định.

3. Tăng cường hợp tác chiến lược

Nhật Bản nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ để kết nối hai vùng biển Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, hình thành nên một châu Á rộng lớn qua bài phát biểu của Thủ tướng Abe Shinzo trong giai đoạn cầm quyền lần thứ nhất tại Quốc hội Ấn Độ năm 2007. Chính quyền Abe Shinzo lần thứ hai tiếp tục khẳng định việc kết nối hai vùng biển khi cho rằng “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trải dài từ châu Á - Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương kéo đến Trung Đông và châu Phi là trung tâm tăng trưởng của thế giới nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới. Tăng cường duy trì trật tự trên vùng biển mở và tự do là điều quan trọng mang tính sống còn đối với hòa bình và phồn vinh của khu vực”[7].

Ấn Độ đã thể hiện nhận thức phù hợp với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Nhật Bản xây dựng và bắt đầu tham gia vào các hành động bên ngoài trên cơ sở đó. Vì lý do đó, có thể cho rằng Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng theo đuổi các hành động chung liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên thực tế, kể từ đầu những năm 2000, quan hệ giữa hai nước đã được đánh dấu bằng việc khởi động nhiều cuộc họp thường kỳ và ký kết nhiều thỏa thuận khác nhau. Sau khi Thủ tướng Junichiro Koizumi thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ năm 2005, hai nước bắt đầu tổ chức các chuyến thăm cấp nhà nước qua lại của thủ tướng hai năm một lần. Ngoài ra, vào năm 2006, mối quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ đã được nâng lên thành “Đối tác chiến lược và toàn cầu”. Mặc dù các bước này có một số mục tiêu liên quan đến kinh doanh và thương mại, trong số đó có việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) vào năm 2011[8] và tổ chức đối thoại kinh doanh cấp nội các đầu tiên vào năm sau, song chúng chủ yếu quan tâm đến chiến lược và định hướng an ninh[9]. Tóm lại, ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy là mục tiêu chính của Ấn Độ.

Trong nhiệm kỳ thứ hai của chính phủ Đại hội Quốc gia Ấn Độ (INC) do Thủ tướng Singh lãnh đạo (2009 đến 2014), thành tựu ngoại giao chính là quan hệ song phương chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và Nhật Bản[10]. Những thành tựu đó trùng với giai đoạn cầm quyền lần thứ hai của Abe Shinzo (từ cuối năm 2012), người đã từng coi Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là một khu vực địa chính trị hợp nhất.

Quan hệ đối tác chiến lược Nhật - Ấn ngày càng sâu sắc trên cơ sở lợi ích chung là duy trì trật tự trên biển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương. Với việc ông Narendra Modi chính thức trở thành thủ tướng vào năm 2014, Ấn Độ bước vào một giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh quốc tế mới. Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ quyết tâm tạo ra tương lai huy hoàng cho Ấn Độ bằng việc phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, xử lý tốt các vấn đề xã hội, tăng cường công tác ngoại giao. Ông Modi từng nhiều lần đến thăm Nhật Bản, có quan hệ tốt với cá nhân Thủ tướng Abe Shinzo, thậm chí có quan điểm cho rằng họ có vẻ giống nhau về tính cách, chí hướng và ủng hộ lẫn nhau. Từ cuộc gặp đầu tiên năm 2014, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng thành “Đối tác chiến lược đặc biệt toàn cầu”. Lãnh đạo hai bên liên tục có cuộc gặp thượng đỉnh thường niên khẳng định quan hệ song phương hai nước.

Ấn Độ và Nhật Bản không có tranh chấp, bất đồng lớn về lợi ích, do đó cơ sở hợp tác khá tốt. Bởi vậy, để thực hiện chính sách tăng trưởng vượt trội, Thủ tướng Modi quyết định Ấn Độ phải tập trung tăng cường phát triển quan hệ với Nhật Bản[11]. Ngoài ra, cả Ấn Độ và Nhật Bản hiện đều có những mối quan ngại chung về an ninh, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông do các hành động quyết đoán của Trung Quốc làm phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải và việc khai thác các nguồn tài nguyên phù hợp với luật quốc tế. Cả New Delhi và Tokyo đều nhận thấy Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành cái “hồ của Bắc Kinh” là một bước để tiến tới mục tiêu thiết lập vai trò bá chủ của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do đó, Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí tăng cường quan hệ song phương để duy trì tính nguyên trạng của khu vực[12]. Năm 2017, diễn ra sự đối đầu quân sự căng thẳng trên cao nguyên Doklam giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Butan. Mặc dù hai nước Trung - Ấn đã giải quyết theo hướng cùng rút quân khỏi khu vực tranh chấp song người ta lo ngại căng thẳng có thể sẽ lại diễn ra vào bất cứ lúc nào. Thêm vào đó, Ấn Độ cảm thấy bất an khi Trung Quốc đầu tư 960 triệu euro mua cảng biển Hambantonam của Srilanka.

Về hợp tác quốc phòng an ninh, hai bên cam kết tăng cường hơn nữa, nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược song phương để thảo luận các biện pháp duy trì hòa bình và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Song song với trao đổi cấp cao, hai bên tổ chức các cuộc tham vấn cấp quan chức quốc phòng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác cũng như phối hợp hành động nhằm đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu đang nổi lên, tăng cường các cuộc tập trận song phương và đa phương, trao đổi thông tin và dữ liệu liên quan đến hoạt động di chuyển trên biển và hợp tác chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ thông tin mật. Hoan nghênh việc tham gia cuộc tập trận chung ba bên thường niên Malabar với Hoa Kỳ, hai bên đã nhất trí thúc đẩy cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước[13]. Cụ thể, trong những năm qua hợp tác quốc phòng an ninh Nhật Bản và Ấn Độ đã có những bước đi quan trọng. Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng và trao đổi năm 2014, cũng như thỏa thuận khung trong lĩnh vực quốc phòng vào năm 2015, tiền đề cho thỏa thuận về chuyển giao trang thiết bị công nghệ quốc phòng, các biện pháp an ninh để đảm bảo thông tin quân sự mật. Đầu tháng 9 năm 2017, ngay trước chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Abe, hai nước đã tiến hành đối thoại quốc phòng. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã hoạt động tác chiến cùng với hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ trong cuộc tập trận hải quân Malabar thường niên. Năm 2017, cuộc tập trận Malabar diễn ra tại vịnh Bengal với hơn 20 tàu, gần 100 máy bay từ ba nước[14]. Năm 2020, hai nước ký hiệp định trao đổi hậu cần quốc phòng song phương. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thiết lập một khuôn khổ hợp tác sâu rộng hơn giữa quân đội Ấn Độ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đặc biệt trong việc trao đổi quân nhu và dịch vụ hậu cần quốc phòng, đồng thời đóng góp vào hòa bình và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tóm lại, trong xu hướng biến động khu vực hiện nay, hợp tác Nhật Bản - Ấn Độ đã có thay đổi mang tính chiến lược phù hợp với bối cảnh khu vực. Thực tế, Nhật Bản và Ấn Độ nằm ở vị trí then chốt của khu vực, cùng hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trên khía cạnh địa chính trị, nhờ vị trí quyết định của mình với chuỗi đảo ở phía Tây, Nhật Bản là một nhân tố quan trọng ở Đông Á. Ấn Độ là cường quốc lục địa rộng lớn ở châu Á, có khả năng thể hiện sức mạnh trên Ấn Độ Dương khi cần thiết. Đáng chú ý là các nguồn lực từ châu Phi và Trung Đông sang châu Á phải đi qua Ấn Độ Dương trước khi tới vùng Biển Đông và Hoa Đông. Hơn nữa, Ấn Độ Dương là nơi sản xuất lượng dầu mỏ lớn ngoài khơi của thế giới. Ấn Độ có vai trò trung tâm trong khu vực Ấn Độ Dương rộng lớn và vùng Nam Á. Nếu Nhật Bản và Ấn Độ giữ vững hợp tác về an ninh, hai nước có thể giữ vững cán cân quyền lực không bị ngả nghiêng, bảo đảm sự cân bằng tại khu vực châu Á.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. “Trung - Nhật - Ấn với “giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donal Trump”, Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 22/11/2017.
  2. “Ấn Độ - Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng song phương”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, ngày 18/07/2016.
  3. “Những mục tiêu chính trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới ngày 30/08-2014.
  4. “Về chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Modi”, Tạp chí Hòa bình và phát triển, Trung Quốc, số 3/2014, bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 29/08/2014.
  5. Chí Thành (2021), “Đông Nam Á trong chiến lược của Ấn Độ”, https://www. tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/dong-nam-a-trong-chien-luoc-cua-an-do#.
  6. Makoto Kojima (2017), “Emergence of Indian Economy and New Phase of Japan-India Relations”, Chapter 9 in Takenori Horimoto editor, Introduction to Contemporary Japan-India Relations (in Japanese), University of Tokyo Press, 2017.
  7. “China builds up strategic sea lanes”, The Washington Times, January 17, 2005, https://www.washingtontimes.com/news/2005/jan/17/20050117-115550-1929r/.
  8. Etsuro Ishigami and Takahiro Satou ed (2011), Economic of Contemporary India and South Asia (in Japanese), Minerva Shobo, 2011.
  9. Purnendra Jain (2017), “Twin Peaks: Japanʼs Economic Aid to India in the 1950s and 2010s,” JICA-R1 Working Paper, No. 139 (February 2017), p. 21, JICA Research Institute, https://www.jica.go.jp/jica-ri/ja/publication/ workingpaper/l75nbg0000054l3s-att/JICA-RI_WP_No.139.pdf#search=%27Purnendra+Jain+JICA%27.
  10. Takenori Horimoto (2015), India in transition to the third Major power (in Japanese), Iwanami Shoten, 2015.
  11. Sanjaya Baru (2014), The Accidental Prime Minister: The Making and Unmaking of Manmohan Singh, Viking, 2014, p. 170.
  12. 日米共同記者会見 (Họp báo chung Nhật Bản - Hoa Kỳ) (2017), https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement/2017/1106usa.html.

 


 

 

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

[2] Etsuro Ishigami and Takahiro Satou ed (2011), Economic of Contemporary India and South Asia (in Japanese), Minerva Shobo, 2011, p. 23.

[4] Purnendra Jain (2017), “Twin Peaks: Japanʼs Economic Aid to India in the 1950s and 2010s”, JICA-R1 Working Paper, No. 139(February 2017), p. 21, JICA Research Institute, https://www.jica.go.jp/jica-ri/ja/publication/ workingpaper/l75nbg0000054l3s-att/JICA-RI_WP_No. 139.pdf#search=%27Purnendra+Jain+JICA%27.

[5] Takenori Horimoto (2015), India in transition to the third Major power (in Japanese), Iwanami Shoten, p. 36.

[6] “China builds up strategic sea lanes”, The Washington Times, January 17, 2005,  https://www.washin gtontimes.com/news/2005/jan/17/20050117-115550-1929r/.

[7] 日米共同記者会見 (Họp báo chung Nhật Bản - Hoa Kỳ) (2017), https://www.kantei.go.jp/jp/98_abe/statement/ 2017/1106usa.html.

[8] Makoto Kojima (2017), “Emergence of Indian Economy and New Phase of Japan-India Relations”, Chapter 9 in Takenori Horimoto editor, Introduction to Contemporary Japan-India Relations (in Japanese), University of Tokyo Press, 2017.

[9] Takenori Horimoto (2015), India in transition to the third major power (in Japanese), Iwanami Shoten, 2015, p. 109.

[10] Sanjaya Baru (2014), The Accidental Prime Minister: The Making and Unmaking of Manmohan Singh, Viking, 2014, p. 170.

[11] Về chính sách đối nội và đối ngoại của chính quyền Modi, Tạp chí Hòa bình và phát triển, Trung Quốc, số 3/2014, bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 29/08/2014, tr. 16.

[12] “Những mục tiêu chính trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ” (Thời báo Ấn Độ), Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới ngày 30/08/2014, tr. 10.

[13] “Ấn Độ - Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng song phương”, Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới ngày 18/07/2016, tr. 11, 12.

[14] Trung - Nhật - Ấn với “giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump, Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 22/11/2017, tr. 17.

 

0thảo luận