Trang chủ

Những đóng góp nổi bật của Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam

Đăng ngày: 7-07-2023, 14:14 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 4

Đoàn Thị Trà Thu1

 

Tóm tắt: Samsung là một tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc, hoạt động ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam là một địa bàn trọng điểm. Từ năm 2008 đến nay, Samsung đã mở nhiều nhà máy lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất điện thoại, máy vi tính cũng như nhiều thiết bị điện tử khác. Là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, với số vốn lên tới hàng chục tỷ USD, thu hút hàng chục nghìn lao động, Samsung đã góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên nói riêng, trên phạm vi toàn quốc nói chung.

Từ khóa: Samsung, Bắc Ninh, Thái Nguyên, công nghiệp điện tử


1. Quá trình đầu tư và phát triển của tập đoàn Samsung tại Việt Nam[1]

Samsung được thành lập vào năm 1938 tại Hàn Quốc, khởi đầu là một công ty buôn bán nhỏ, nhưng đã từng bước dạng hóa các ngành nghề, bắt đầu tham gia vào lĩnh vực công nghiệp điện tử từ cuối những năm 1960. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Samsung mở rộng hoạt động trên quy mô toàn cầu, tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao và điện tử tiêu dùng. Các sản phẩm tiêu biểu của Samsung gồm: điện thoại thông minh, máy tính bảng, sản phẩm ti vi thông minh, thiết bị nghe nhìn, tủ lạnh, máy giặt... Sự phát triển của Samsung dựa trên ba thế mạnh chính là “công nghệ mới”, “sản phẩm mới” và “giải pháp sáng tạo mới”. Trên cơ sở đó, Samsung đã trở thành tập đoàn công nghệ lớn (Big tech) hàng đầu thế giới (từ năm 2020 đến nay là thương hiệu lớn thứ 5 thế giới, sau Apple, Amazon, Google, Microsoft).

Samsung có nhiều chi nhánh, trong đó những chi nhánh quan trọng nhất là Samsung Electronics (công ty điện tử), Samsung Heavy Industries (công ty đóng tàu), Samsung Enginering và Samsung C&T (công ty xây dựng). Samsung có nhiều công ty con ở Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ...

Vào những năm 1990, Samsung bắt đầu tìm hiểu, đầu tư và hiện diện tại Việt Nam. Năm 1995, Công ty Điện tử Samsung Vina (SAVINA) được cấp giấy phép thành lập, khánh thành tháng 9/1996 tại Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh, với sản phẩm đầu tiên là chiếc ti vi màu màn hình CRT. Thời gian đầu, do quy định của pháp luật Việt Nam, Samsung phải liên doanh với Công ty cổ phần TIE để triển khai dự án này[2]. Tuy nhiên, từ khi SAVINA được thành lập đến năm 2008, ảnh hưởng, đóng góp của Samsung đối với tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam chưa rõ nét. Đó được xem là giai đoạn đầu Samsung hoạt động ở Việt Nam trước khi chuyển sang giai đoạn mới sôi động hơn.

Ngày 25/3/2008, Công ty Điện tử Samsung Việt Nam (Samsung Electronics Vietnam - SEV) được cấp phép thành lập tại Bắc Ninh, với số vốn ban đầu là 670 triệu USD, chính thức đi vào hoạt động tháng 4/2009. Sau đó không lâu, ngày 14/12/2009, cũng tại Bắc Ninh, Công ty Samsung SDI Việt Nam (Samsung SDI Vietnam - SDIV) được cấp phép hoạt động (ngành kinh doanh chính là sản xuất pin và ắc quy). Năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển điện thoại di động (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC) được thành lập tại Cầu Giấy, Hà Nội. Năm 2013, Samsung tăng vốn đầu tư vào SEV (Bắc Ninh) lên 2,5 tỷ USD; thành lập Công ty Samsung Điện tử Việt Nam Thái Nguyên (Samsung Electronics Vietnam Thai Nguyen - SEVT), chuyên sản xuất các linh kiện điện tử với số vốn lên tới 5 tỷ USD, đồng thời thành lập Công ty Samsung Điện cơ Việt Nam (Samsung Electro-Mechanics Việt Nam - SEMV) với số vốn 1,23 tỷ USD tại Thái Nguyên. Ngày 01/7/2014, tại Bắc Ninh có thêm một công ty nữa của Samsung là Samsung Display Việt Nam (SDV) được cấp phép, với tổng số vốn đầu tư lên tới 6,5 tỷ USD. Cuối năm 2014, Công ty Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Samsung Electronics HCMC CE Complex - SEHC), còn được gọi là Tổ hợp hay Khu phức hợp Samsung tại Thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép thành lập, đi vào hoạt động từ tháng 4/2016, với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD. Năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu phát triển (Samsung Ho Chi Minh City Research & Development Center - SHRD) tại Tổ hợp SEHC được khánh thành. Đây là trung tâm R&D thứ hai của Samsung tại Việt Nam, sau Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (SVMC) tại Hà Nội. Ngày 02/3/2020, Samsung cho xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển mới (Samsung R&D Center) tại Tây Hồ, Hà Nội, với số vốn 220 triệu USD, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022 để thay thế cho SVMC tại Cầu Giấy, Hà Nội[3].

Các sự kiện nêu trên phản ánh những cột mốc chính quá trình hoạt động của Samsung tại Việt Nam với nhiều dự án lớn có quy mô hàng tỷ đô la. Ngoài việc giải ngân số vốn đầu tư đã được phê duyệt, hàng năm Samsung duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, đến hết năm 2021, tổng vốn đầu tư lũy kế của Samsung vào Việt Nam là 18 tỷ USD[4]. Như vậy, Samsung trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lớn nhất ở Việt Nam. Hiện nay, Samsung có 6 nhà máy sản xuất (gắn với 6 công ty) và 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. 6 nhà máy đó là:  SEV, SDIV, SDV (tại Bắc Ninh), SEVT, SEMV (tại Thái Nguyên); SEHC (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong số 6 nhà máy trên thì 4 thành viên (SEV, SDV, SEVT, SEHC) là những nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử quy mô lớn; SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, còn SEHC tại Thành phố Hồ Chí Minh là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất Đông Nam Á. Hai trung tâm nghiên cứu và phát triển là SVMC ở Hà Nội và SHRD trong tổ hợp SEHC tại Thành phố Hồ Chí Minh, và đều là những trung tâm nghiên cứu lớn. Như vậy, Samsung đã biến Việt Nam thành “cứ điểm sản xuất toàn cầu”, đồng thời là “cứ điểm chiến lược” trong nghiên cứu và phát triển quan trọng hàng đầu của tập đoàn.

Với vị thế là một tập đoàn kinh tế lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, với nhiều dự án lớn, đặc biệt từ năm 2008 đến nay, Samsung đã có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở một số địa phương nói riêng, cả nước nói chung.


Bảng tổng hợp những thông tin cơ bản về các cơ sở của Samsung tại Việt Nam

Công ty

Địa điểm

Năm thành lập

Vốn đầu tư (triệu USD)

Nhân lực

SEV

Bắc Ninh

2008

2.500

2.500

SEVT

Thái Nguyên

2013

5.000

65.000

SDIV

Bắc Ninh

2009

133

3.000

SDV

Bắc Ninh

2014

6.500

43.000

SEMV

Thái Nguyên

2014

1.230

6.500

SEHC

Tp.HCM

2014

2.000

7.000

Tổng

17.363

17.363

Trung tâm R&D

1500

(năm 2015)

SVMC

Cầu Giấy, Hà Nội

2012

1500

(năm 2015)

SHRD

Tp. Hồ Chí Minh

2017

500

Samsung R&D Center

Tây Hồ, Hà Nội

2020

220

Dự kiến 3.000

Nguồn: Trung Hiền, “Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng 26 lần trong 10 năm”, https://www.vietnamplus.vn/tong-dau-tu-cua-samsung-tai-viet-nam-tang-26-lan-trong-10-nam/498389.vnp và tổng hợp của tác giả

 

2. Những đóng góp của tập đoàn Samsung đối với địa phương cấp tỉnh

2.1. Đối với tỉnh Bắc Ninh

Bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh chính là sự xuất hiện của tập đoàn Samsung tại khu công nghiệp Yên Phong của tỉnh: SEV được cấp phép năm 2008, chính thức hoạt động tháng 4/2009, số vốn ban đầu là 670 triệu USD, năm 2013 nâng lên 2,5 tỷ USD; SDIV thành lập năm 2009; SDV thành lập tháng 7/2014, hoạt động từ tháng 3/2015, với số vốn 6,5 tỷ USD). Là dự những dự án có quy mô lớn nhất tỉnh, với số vốn lên tới gần chục tỷ USD (chiếm 50% số vốn FDI của tỉnh), Samsung có đóng góp rất quan trọng đối với kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh. Điều đó được phản ánh ở những khía cạnh chính sau:

Một là, Samsung đã góp phần quan trọng đến việc hình thành, phát triển ngành công nghiệp điện tử tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Sự hoạt động hiệu quả của tổ hợp các nhà máy tại khu công nghiệp Yên Phong đã tạo ra “kỳ tích” cho tỉnh, đưa Bắc Ninh có tên trên bản đồ thế giới về sản xuất hàng điện tử. Năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ trên 110 tỷ đồng, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, đến năm 2021 đã tăng lên 1.500 nghìn tỷ đồng, gấp 13,5 lần năm 2010 và vươn lên vị trí thứ nhất cả nước. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử đã tăng từ 48% năm 2010 lên 76% năm 2021[5]. Như vậy, có thể khẳng định, hoạt động của Samsung đã góp phần quan trọng hình thành nên ngành công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh, đưa Bắc Ninh trở thành “thủ đô” của ngành điện tử.

Hai là, Samsung đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường vị thế của tỉnh. Với sự tham gia của Samsung, Bắc Ninh đã có những bước tiến vượt bậc. Năm 2011, kinh tế Bắc Ninh tăng 16,2%, cao nhất cả nước, đưa Bắc Ninh lần đầu tiên có khả năng tự cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Năm 2012, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng đã chiếm tới 77,8%, Bắc Ninh dần trở thành một tỉnh công nghiệp[6]. Đến năm 2017, Samsung chiếm 72% giá trị sản xuất công nghiệp, 91% giá trị xuất khẩu (39,9 tỷ USD), 18% thu ngân sách nội địa của tỉnh[7]. Với sự hiện diện của tập đoàn Samsung, Bắc Ninh mặc dù có diện tích nhỏ nhất nước nhưng đã nhanh chóng trở thành tỉnh có quy mô kinh tế hàng đầu cả nước. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh đứng đầu cả nước (trên 19%), quy mô kinh tế đứng thứ 4; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 12%; giá trị xuất khẩu chiếm 15% cả nước, đứng thứ 2, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2021, Bắc Ninh không chỉ đứng đầu cả nước về sản xuất công nghiệp mà còn dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu hàng hoá với 153,14 tỷ USD[8] (đứng thứ hai là Thành phố Hồ Chí Minh), trong đó xuất khẩu đạt 84 tỷ USD.

Ba là, hoạt động của Samsung đã tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, kinh tế khác ở địa phương. Với số lượng công nhân lên tới vài chục nghìn người (năm 2018 là khoảng 91.000 công nhân viên), Samsung đã tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực khác như nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn... ở xung quanh các khu công nghiệp nơi Samsung hoạt động. Hơn 2000 khách sạn và nhà hàng mới được mở ra từ năm 2011 đến 2015[9]. Sự hiện diện của Samsung còn thúc đẩy các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch của tỉnh phát triển. Thậm chí, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng có bước phát triển nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào cho công nhân công nghiệp tỉnh nói chung, người lao động trong tập đoàn của Samsung nói riêng. Bắc Ninh cũng là địa phương có thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và thuộc nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước.

Bốn là, sự hiện diện của Samsung không chỉ trực tiếp đóng góp cho kinh tế - xã hội tỉnh mà còn kéo theo “hệ sinh thái” đồ sộ vào địa bàn tỉnh. Các nhà cung cấp cho Samsung tìm đến Việt Nam mở nhà máy nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà chính phủ đem lại. Phần lớn trong số đó là các doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản là những đối tác lâu dài với Samsung, đi theo Samsung vào Việt Nam, trong đó nổi bật là các doanh nghiệp Hàn Quốc (đáng chú ý có dự án đầu tư của công ty TNHH Dong Yeon Industrial Hàn Quốc với vốn đăng ký lên tới 267 triệu USD). Samsung vào thị trường Việt Nam kéo theo sự di chuyển của chuỗi các nhà cung ứng Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài. Với sự hiện diện của Samsung cùng nhiều yếu tố khác, Bắc Ninh là điểm sáng về thu hút FDI, tính đến cuối tháng 12/2021, tỉnh Bắc Ninh có 1.717 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21 tỷ USD.

2.2. Đối với tỉnh Thái Nguyên

Samsung chính thức đầu tư vào Thái Nguyên năm 2013, sau gần một năm, vào tháng 3/2014, SEVT bắt đầu đi vào hoạt động, khi đó tổng vốn đăng ký là 2 tỷ USD. Nhưng chưa đầy một năm sau, Samsung đã quyết định đầu tư thêm 3 tỷ USD, nâng tổng mức đầu tư lên 5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Samsung còn đầu tư 1,23 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện cơ SEMV tại địa phương này. Với quy mô đầu tư như vậy, Samsung trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Thái Nguyên và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những đóng góp của Samsung đối với Thái Nguyên có nhiều điểm tương đồng như đối với Bắc Ninh và được thể hiện ở những khía cạnh nổi bật sau.

Thứ nhất, sự hiện diện của Samsung ở Thái Nguyên kéo theo nhiều nhà cung ứng, đặc biệt là các nhà đầu tư phụ trợ khác đến từ Hàn Quốc. Theo thống kê, giai đoạn 2013-2020, có tổng số 92 doanh nghiệp FDI Hàn Quốc là nhà cung ứng của Samsung đến với Thái Nguyên, tạo ra một dòng vốn FDI chưa từng có cho tỉnh[10]. Sự hiện diện của Samsung với những đóng góp trực tiếp và gián tiếp đã làm hình thành ngành công nghiệp điện tử trên địa bàn tỉnh. Samsung và các công ty phụ trợ với một lượng lớn các chuyên gia và lao động được sử dụng đã giúp cho hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình, thành phố Sông Công và thành phố Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ.

Thứ hai, kể từ khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) chính thức đi vào vận hành đầu năm 2014, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng trưởng ngoạn mục lọt vào danh sách các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước. Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư vào Thái Nguyên tạo ra mức tăng trưởng vượt bậc trong hai năm 2014-2015, lần lượt là 29,6% và 33,2%, sau đó các năm đều tăng trưởng trên 10%. Nếu như năm 2013 giá trị xuất khẩu hàng hoá của tỉnh Thái Nguyên rất khiêm tốn, chỉ đạt 245 triệu USD thì đến năm 2016 lên tới 19 tỷ USD và năm 2021 đạt 28,85 tỷ USD (đứng thứ 4 cả nước). Từ năm 2016 đến nay, Thái Nguyên được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu. Samsung đã nộp ngân sách tỉnh từ năm 2013 đến tháng 5/2015 là 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu ngân sách toàn tỉnh[11].

Thứ ba, Samsung Thái Nguyên đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và các tỉnh lân cận. Năm 2014: 38.565 người; năm 2015 là 73.078 người; năm 2016 là 71.102 người; năm 2017 là 79.722 người; năm 2018 là 77.052 người; năm 2019 là 70.048 người; năm 2020 là trên 65.491 người; trong đó khoảng hơn 1/3 là lao động người Thái Nguyên, với thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng[12]. Nhờ tạo ra nhiều việc làm với mới thu nhập khá và ổn định, Samsung đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân địa phương.

3. Những đóng góp của Samsung đối với Việt Nam nói chung

Đóng góp của Samsung không chỉ được thể hiện ở những địa phương mà Samsung có mặt[13] (rõ nét nhất là ở Bắc Ninh, Thái Nguyên) mà còn lan tỏa trên phạm vi toàn quốc. Điều đó bắt nguồn từ chính quá trình kinh doanh của Samsung tại Việt Nam cũng như những việc làm mang tính hỗ trợ, hợp tác khác của Samsung. Đóng góp của Samsung đối với toàn quốc nói chung được phản ánh ở những nội dung chủ yếu sau.

Một là, hoạt động của Samsung đã góp phần làm chuyển biến cơ cấu kinh tế ở Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ thực tiễn, hoạt động của Samsung ở Việt Nam thuộc về ngành công nghệ cao, công nghệ điện tử với quy mô lớn. Từ khi Samsung đầu tư vào Việt Nam với những dự án lớn ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam có bước phát triển quan trọng, dần có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp máy tính, điện tử của Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, ti vi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học[14]. Sự hiện diện của Samsung còn thúc đẩy sự ra đời, phát triển hệ thống các nhà kinh doanh, các cửa hàng điện tử, tạo cơ sở hạ tầng, điều kiện cho các ngành kinh tế số ở Việt Nam phát triển.

Hai là, sự hiện diện của Samsung tạo ra các nhà cung ứng nội địa Việt Nam. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ là một trong lĩnh vực được Việt Nam rất quan tâm, chú trọng phát triển. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, Samsung thực hiện phát triển nhà cung ứng nội địa. Đó vừa là một nhu cầu vừa là một cam kết đối với Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này Samsung đã và đang liên tục triển khai các hoạt động thiết thực bao gồm: Hội thảo triển lãm công nghiệp phụ trợ được tổ chức hàng năm vùng với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương để tìm kiếm và kết nối các doanh nghiệp nội địa vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung. Sự hiện diện và hỗ trợ từ Samsung đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu do Samsung dẫn dắt, qua đó Việt Nam từng bước tham gia vào phân công lao động quốc tế và hệ thống sản xuất thế giới. Theo Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho, năm 2014, Samsung chỉ có 4 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (giao dịch trực tiếp với Samsung), nhưng đến năm 2019 là 42 doanh nghiệp, trong năm 2020 là 50 doanh nghiệp[15]. Tính đến tháng 7/2020, hệ thống nhà cung ứng của Samsung tại Việt Nam đã có hơn 200 doanh nghiệp, bao gồm cả cấp 1 và cấp 2[16]. Công ty trách nhiệm hữu hạn nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung, cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Khi các doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng Samsung, tập đoàn này bước đầu đã có những chương trình bồi dưỡng những doanh nghiệp phụ trợ trong nước để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. Mặc dù các doanh nghiệp cung ứng nội địa của Việt Nam còn ít, năng lực sản xuất còn hạn chế, vị trí còn thấp… nhưng tiềm năng hợp tác của cá doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn nếu như nỗ lực khắc phục những hạn chế và được Samsung tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tới. Mặt khác, Samsung đã tạo ra các liên kết với các công ty trong nước và quốc tế, qua đó thúc đẩy đầu tư trong nước phát triển, gắn kết các công ty trong nước với thị trường thế giới. Nhờ vậy, các tiềm năng trong nước được khai thác với hiệu quả cao.

Ba là, trong quá trình hoạt động, Samsung có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Từ năm 2015, Chương trình tư vấn và cải tiến doanh nghiệp Việt Nam được Samsung tổ chức, thực hiện. Đây cũng là một chương trình hành động nổi bật của Samsung nhằm đồng hành với các doanh nghiệp nội địa. Năm 2018-2020, Samsung Việt Nam cùng với Bộ Công Thương triển khai dự án hợp tác đào tạo tư vấn viên và tổ chức cải tiến sản xuất chất lượng cho doanh nghiệp chế biến chế tạo, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với sự tham gia của 140 doanh nghiệp trên cả nước (62 doanh nghiệp năn 2019 và 78 doanh nghiệp năm 2020). Ngày 21/9/2020, Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ký Biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh (lần đầu tiên Samsung thực hiện chương trình phát triển nhà cung ứng tại một địa phương). Dự án được thực hiện trong 6 năm từ 2020 đến 2025, gồm 2 nội dung chính: chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp và chương trình phát triển nhà cung ứng[17]. Các chương trình đã đạt được những kết quả tích cực như: tăng năng suất, thay đổi và nâng cao nhận thức về cải tiến sản xuất và chất lượng, tạo tiền đề cho sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp. Thông qua chương trình tư vấn nâng cao năng suất doanh nghiệp cùng chuyên gia Hàn Quốc, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được tư vấn và đạt được những cải tiến vượt bậc về việc tối ưu hóa tỷ lệ vận hành thiết bị, giảm tỷ lệ hàng lỗi, hàng tồn kho trong quá trình sản xuất, xuất khẩu.

Bốn là, Samsung đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Năm 2008-2009, Samsung phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đào tạo 207 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Sau khi hoàn thành khóa học, đội ngũ chuyên gia này đã được Bộ Công Thương Việt Nam bố trí sử dụng. Trong cam kết giai đoạn 2020-2023, Samsung tiếp tục đào tạo 200 kỹ sư Việt Nam trong lĩnh vực khuôn mẫu. Đây là công nghệ gốc rễ chủ chốt quyết định chất lượng thiết kế sản phẩm trong giai đoạn tới.

Năm là, Samsung đã đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đóng góp của Samsung vào kim ngạch xuất của Việt Nam được thể hiện rõ ngay sau khi Samsung mở nhà máy SEV tại Bắc Ninh. Đến tháng 9/2010, xuất khẩu của Samsung ở Việt Nam đã đạt giá trị 1 tỷ USD. Sau 3 năm hoạt động, năm 2011, kinh ngạch xuất khẩu của SEV đạt gần 6 tỷ USD, đóng góp khoảng 6% tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam. Với kết quả này, SEV từng bước thực hiện sứ mệnh của mình là góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị Việt - Hàn. Sau đó, với sự hoạt động của các nhà máy lớn ở Thái Nguyên (2014), Thành phố Hồ Chí Minh (2016), tổng giá trị xuất khẩu của Samsung đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2016 xuất khẩu của Samsung là 39,9 tỷ USD; năm 2017 là 54,4 tỷ USD, đóng góp 25,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (213,8 tỷ USD); năm 2019, xuất khẩu của Samsung đạt gần 59 tỷ USD, chiếm hơn 22% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2021, bất chấp khó khăn từ đại dịch, Samsung Việt Nam cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu đạt 65,5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020, chiếm gần 19,5% kinh ngạch xuất khẩu cả nước. Như vậy, trong nhiều năm trở lại đây, Samsung ở Việt Nam luôn xuất khẩu hàng chục tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều đáng nói nữa là, sản phẩm xuất khẩu của Samsung chủ yếu là điện thoại di động, máy tính bảng và nhiều loại sản phẩm điện tử cao cấp khác vì vậy đã góp phần thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, theo hướng tăng tỷ trọng hàng công nghệ điện tử, hàng công nghệ có giá trị tăng cao; giảm tỷ lệ các loại hàng hóa có giá trị tăng thấp.

Tóm lại, sự hiện diện của Samsung ở Việt Nam với sự đầu tư lớn, kinh doanh hiệu quả đã làm cho tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh thay da đổi thịt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, từ những tỉnh kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo đã chuyển sang nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ, hình thành nên ngành công nghiệp điện tử. Đời sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Trước khi có sự xuất hiện của Samsung, Bắc Ninh và Thái Nguyên là những địa phương chưa có tên tuổi trên bản đồ xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng từ khi Samsung đặt nhà máy và đi vào sản xuất, hai địa phương này luôn ở nhóm dẫn đầu về xuất nhập khẩu, vượt qua nhiều tỉnh thành phố lớn khác. Trên phạm vi toàn quốc, Samsung đã góp phần quan trọng trong chuyển biến cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam. Về mặt xã hội, Samsung đã góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của hàng trăm nghìn lao động ở nhiều địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”, Báo điện tử Bắc Ninh, http://www.baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/bac-ninh-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-ien-tu-cua-ca-nuoc.

2. An Bình, “Điện tử - điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam”, https://moit .gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/dien-tu-diem-sang-trong-san-xuat-cong-nghiep-cua-viet-nam.html.

3. Nguyễn Chi, “Những ảnh hưởng của Samsung đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên”, https://vannghethainguyen.vn/2018/ 05/09/nhung-anh-huong-cua-samsung-doi-voi-su-phat-trien-cua-tinh-thai-nguyen/.

4. Hà Duy, “Hiệu ứng tỷ USD: Cú xoay chuyển ở Bắc Ninh, Thái Nguyên”, https:// vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bac-ninh-thai-nguyen-doi-doi-tu-hieu-ung-ty-do-samsung-445545.html.

5. Trung Hiền, “Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng 26 lần trong 10 năm”, https://www.vietnamplus.vn/tong-dau-tu-cua-samsung-tai-viet-nam-tang-26-lan-trong-10-nam/498389.vnp.

6. IGENK, “Samsung ở tỉnh nào, ngôi vương sản xuất công nghiệp ở tỉnh đó; nhưng đó chưa hẳn là tin mừng”, https://genk.vn/samsung-o-tinh-nao-ngoi-vuong-san-xuat-cong-nghiep-o-tinh-do-nhung-do-chua-han-la-tin-mung-20160627224046498.chn.

7. Hoàng Nam, “Samsung Việt Nam: Cùng Việt Nam phát triển thịnh vượng”, https://baoquocte.vn/samsung-viet-nam-cung-viet-nam-phat-trien-thinh-vuong-135855.html.

8. Văn Phúc, “Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu”, https://www.sggp.org.vn/bac-ninh-dan-dau-ca-nuoc-ve-xuat-nhap-khau-784802.html.

9. Samsung Newsroom Việt Nam,  “Samsung chính thức ra mắt Trung tâm Trải nghiệm giải pháp doanh nghiệp Samsung lớn nhất Đông Nam Á và Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại TP Hồ Chí Minh”, https://news.samsung.com/vn/samsung-chinh-thuc-ra-mat-trung-tam-trai-nghiem-giai-phap-doanh-nghiep-samsung-lon-nhat-dong-nam-a-va-trung-tam-nghien-cuu-phat-trien-tai-tp-hcm.

10. Samsung Newsroom Việt Nam, “Samsung bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam”, https://news.samsung. com/vn/samsung-bat-dau-xay-dung-trung-tam-nghien-cuu-va-phat-trien-moi-tai-viet-nam.

11. Samsung Newsroom Việt Nam, “Samsung Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh”, https://news.samsung.com/vn/ samsung-viet-nam-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-du-an-ho-tro-doanh-nghiep-viet-nam-tai-tinh-bac-ninh.

12. Samsung Newsroom Việt Nam, “Samsung Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2021”, https://news.samsung.com/ vn/samsung-viet-nam-cong-bo-ket-qua-kinh-doanh-nam-2021#:~:text=Doanh%20thu%20c% E1%BB%A7a%20Samsung%20Vi%E1%BB%87t,qu%E1%BA%A3%20kinh%20doanh%20n%C4%83m%202021.

13. SPUTNIK Việt Nam, “Việt Nam vẫn là “át chủ bài” quan trọng của Samsung”, https://vn.sputniknews.com/20210301/viet-nam-van-la-at-chu-bai-quan-trong-cua-samsung-10150470.html.

14. VN Review, “Công ty Samsung Vina đóng cửa nhà máy cũ tại Thủ Đức”, https://vnreview.vn/thread-old/cong-ty-sam sung-vina-dong-cua-nha-may-cu-tai-thu-duc.1799894.

15. Tân Xuân (15/10/2021), “Samsung và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, https://thainguyen.gov.vn/ vi_VN/thoi-su/-/asset_publisher/L0n17VJXU 23O/content/samsung-va-nhung-tac-ong-tich-cuc-en-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-thai-nguyen-/20181.




[1] Học viên cao học K27 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

[2] VN Review, “Công ty Samsung Vina đóng cửa nhà máy cũ tại Thủ Đức”, https://vnreview.vn/thread-old/cong-ty-samsung-vina-dong-cua-nha-may-cu-tai-thu-duc.1799894.

[3] Tổng hợp từ: Trung Hiền, “Tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam tăng 26 lần trong 10 năm”, https://www.vietnamplus.vn/tong-dau-tu-cua-samsung-tai-viet-nam-tang-26-lan-trong-10-nam/498389.vnp; Hà Duy, “Hiệu ứng tỷ USD: Cú xoay chuyển ở Bắc Ninh, Thái Nguyên”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bac-ninh-thai-nguyen-doi-doi-tu-hieu-ung-ty-do-samsung-445545.html; Tân Xuân, “Samsung và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, https://thainguyen.gov.vn/vi_VN/thoi-su/-/asset_ publisher/L0n17VJXU23O/content/samsung-va-nhung-tac-ong-tich-cuc-en-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-thai-nguyen-/20181; Samsung Newsroom Việt Nam, “Samsung chính thức ra mắt Trung tâm trải nghiệm giải pháp doanh nghiệp Samsung lớn nhất Đông Nam Á và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại TP.HCM”, https://news. samsung.com/ vn/samsung-chinh-thuc-ra-mat-trung-tam-trai-nghiem-giai-phap-doanh-nghiep-samsung-lon-nhat-dong-nam-a-va-trung-tam-nghien-cuu-phat-trien-tai-tp-hcm; Samsung Newsroom Việt Nam , “Samsung bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới tại Việt Nam”, https://news.samsung.com/vn/samsung-bat-dau-xay-dung-trung-tam-nghien-cuu-va-phat-trien-moi-tai-viet-nam.

[4]Samsung Newsroom Việt Nam, “Samsung Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2021”, https:// news.samsung. com/vn/samsung-viet-nam-cong-bo-ket-qua-kinh-doanh-nam-2021#:~:text=Doanh%20thu%20c% E1%BB%A7a%20Samsung%20Vi%E1%BB%87t,qu%E1%BA%A3%20kinh%20doanh%20n%C4%83m%202021.

[5] Báo điện tử Bắc Ninh, “Bắc Ninh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước”, http://www. baobacninh.com.vn/web/bbn/news/-/details/20182/bac-ninh-tro-thanh-trung-tam-cong-nghiep-ien-tu-cua-ca-nuoc.

[6] IGENK, “Samsung ở tỉnh nào, ngôi vương sản xuất công nghiệp ở tỉnh đó; nhưng đó chưa hẳn là tin mừng”, https://genk.vn/samsung-o-tinh-nao-ngoi-vuong-san-xuat-cong-nghiep-o-tinh-do-nhung-do-chua-han-la-tin-mung-20160627224046498.chn.

[7] Hà Duy, “Hiệu ứng tỷ USD: Cú xoay chuyển ở Bắc Ninh, Thái Nguyên”, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bac-ninh-thai-nguyen-doi-doi-tu-hieu-ung-ty-do-samsung-445545.html.

[8] Văn Phúc, “Bắc Ninh dẫn đầu cả nước về xuất nhập khẩu”, https://www.sggp.org.vn/bac-ninh-dan-dau-ca-nuoc-ve-xuat-nhap-khau-784802.html.

[9] “Công ty tnhh Samsung Sdi là gì, Samsung Sdiv”, https://sentory.vn/samsung-sdi-la-gi/.

[10] Tân Xuân, “Samsung và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, https://thainguyen.gov.vn/vi_VN/thoi-su/-/asset_publ isher/L0n17VJXU23O/content/samsung-va-nhung-tac-ong-tich-cuc-en-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-thai-nguyen-/2018 .

[11] Nguyễn Chi, “Những ảnh hưởng của Samsung đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên”, https://vannghe thainguyen.vn/2018/05/09/nhung-anh-huong-cua-samsung-doi-voi-su-phat-trien-cua-tinh-thai-nguyen/.

[12] Tân Xuân, “Samsung và những tác động tích cực đến kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên”, https://thain guyen.gov.vn/vi_VN/thoi-su/-/asset_ publisher/L0n17V JXU23O/content/samsung-va-nhung-tac-ong-tich-cuc-en-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-thai-nguyen-/2018 .

[13] Trên thực tế, Samsung còn có Tổ hợp SEHC tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây không phải là địa bàn trọng tâm mà Samsung đầu tư; quy mô của Tổ hợp SEHC mặc dù khá lớn nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với Bắc Ninh và Thái Nguyên; hơn nữa Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương lớn, do vậy ảnh hưởng của Samsung đến sự phát triển của Thành phố không thực sự nổi bật. Đó cũng là lý do trong bài viết này, tác giả không trình bày cụ thể những đóng góp của Samsung đối với Thành phố Hồ Chí Minh.

[14] An Bình, “Điện tử - điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của Việt Nam”, https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/dien-tu-diem-sang-trong-san-xuat-cong-nghiep-cua-viet-nam.html.

[15]SPUTNIK Việt Nam, “Việt Nam vẫn là “át chủ bài” quan trọng của Samsung”, https://vn.sputniknews.com/ 20210301/viet-nam-van-la-at-chu-bai-quan-trong-cua-samsung-10150470.html.

[16] Hoàng Nam, “Samsung Việt Nam: Cùng Việt Nam phát triển thịnh vượng”, https://baoquocte.vn/samsung-viet-nam-cung-viet-nam-phat-trien-thinh-vuong-135855.html.

[17] Samsung Newsroom Việt Nam,  “Samsung Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh”, https://news.samsung.com/ vn/samsung-viet-nam-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-du-an-ho-tro-doanh-nghiep-viet-nam-tai-tinh-bac-ninh.

 

0thảo luận