Trang chủ

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Đăng ngày: 20-07-2023, 13:24 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện, Hội nghị - Hội thảo

Trong ngày 14 và 15 tháng 7 năm 2023, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á kết hợp cùng Trường Đại học Sư phạm và Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”.

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; T.S Nguyễn Xuân Huy, Phó Trưởng Ban Khoa học công nghệ và Quan hệ Quốc tế ĐH Huế; TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; TS. Hồ Viết Hoàng, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế; PGS.TS Hoàng Văn Hiển, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế; TS. Phan Tuấn Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế; TS. Nguyễn Việt Phương, Phó Trưởng Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế; PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, cùng đông đảo các thầy giáo, cô giáo thuộc ĐH Huế và các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đến tham dự hội thảo. PGS.TS Nguyễn Thành Nhân cho rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, là đối tác thương mại lớn thứ 4 tại Việt Nam…Nhân dịp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế kết hợp cùng Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”.

Thay mặt Ban tổ chức, PGS.TS Hoàng Chí Hiếu, Phó Trưởng Khoa Lịch sử đọc bản báo cáo đề dẫn hội thảo. Báo cáo khẳng định: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang tiến tới thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới và khu vực đang bước vào thời kỳ nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường với những cơ hội và thách thức đan xen, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng đứng trước những vận hội và thách thức mới. Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới” là dịp để nhìn lại những kết quả hợp tác đạt được, hiểu biết hiện trạng mối quan hệ và có kế hoạch vận dụng phù hợp vào công tác học tập, nghiên cứu, giảng dạy; cũng như nhận diện được những vấn đề cấp bách đặt ra đối với quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, nhằm kiến nghị các giải pháp khoa học cho công tác tư vấn chính sách.

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Quang cảnh hội thảo

 

Hội thảo đã nhận được sự tham gia đóng góp quý báu của các học giả đến từ nhiều cơ quan, đơn vị nghiên cứu trong và ngoài nước. Ban tổ chức đã chọn ra 51 bài báo đáp ứng tốt các tiêu chí của hội thảo. Nội dung tập trung vào 4 chủ đề chính:

Chủ đề 1: Quá trình hình thành và phát triển quan hệ song phương Việt Nam - Nhật Bản: Thông qua các tham luận trong chủ đề này, tiến trình bang giao Việt Nam - Nhật Bản đã được phác họa sinh động, đồng thời phản chiếu những chuyển biến to lớn của thời đại qua mỗi chặng đường lịch sử. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt - Nhật cùng những nhân tố tác động đến mối quan hệ này trong bối cảnh mới cũng được giới thiệu và phân tích.

Chủ đề 2: quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 1973-2023: Các tham luận trong chủ đề này phản ánh sự phát triển sâu rộng của mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, đào tạo lao động, hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Chủ đề 3: Những khó khăn, thách thức và triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới: Các tham luận đề cập đến những chuyển biến quan trọng, phức tạp của bối cảnh khu vực và thế giới trong thế kỷ XXI, đặc biệt là từ đầu thập niên thứ hai đến nay. Các tác giả đã nhận diện những vấn đề đặt ra cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời khuyến nghị chính sách để nâng tầm mối quan hệ, đáp ứng lợi ích cho hai nước và góp phần vào an ninh, hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực Đông Nam Á, Đông Á - Thái Bình Dương.

Chủ đề 4: Nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử, văn hóa Nhật Bản, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông và những nội dung khác có liên quan đến chủ đề của hội thảo: Các tham luận gợi ra một số vấn đề đáng quan tâm hiện nay trong việc nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử, văn hóa và các thành tựu hợp tác của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong 50 năm qua.

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo khoa học quốc gia: “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời đại mới”

Các đại biểu viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Hội thảo cũng được nghe các ý kiến thảo luận sôi nổi đến từ các đại biểu tham dự: PGS.TS Hoàng Văn Hiển, PGS.TS Bùi Thị Thảo, TS. Hoàng Minh Lợi…

Tổng kết hội thảo, TS. Trần Hoàng Long cho rằng, trong 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản với những thăng trầm trong lịch sử, quan hệ giữa hai quốc gia không ngừng phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục, trao đổi nguồn nhân lực. Hiện nay quan hệ giữa hai quốc gia là “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản đang đứng trước vận hội mới. Trên cơ sở lòng tin nhất trí cao, sự hiểu biết lẫn nhau, sự tương đồng về lợi ích chiến lược, sự tương hỗ của hai nền kinh tế là động lực thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia phát triển thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

 

Kiều Dung

0thảo luận