Trang chủ

Mục tiêu “cùng giàu có” của Trung Quốc – Quan điểm và các biện pháp thúc đẩy

Đăng ngày: 3-04-2023, 09:58 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Trần Thu Minh1, Nguyễn Mai Phương2

 

Tóm tắt: Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương Trung Quốc (ngày 17/8/2021) đã chính thức đưa mục tiêu “cùng giàu có” trở thành ưu tiên chính của Bắc Kinh trong giai đoạn hiện nay. Việc xác định ưu tiên chính sách này của Bắc Kinh ngay lập tức đã tác động thay đổi nhận thức và hành động của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp và thương nhân. Bài viết* sẽ phân tích quan điểm của Trung Quốc về “cùng giàu có”, lý giải nguyên nhân chính quyền Bắc Kinh đẩy mạnh mục tiêu này từ năm 2021; phân tích một số biện pháp Trung Quốc đang triển khai nhằm thúc đẩy mục tiêu chiến lược này; qua đó đưa ra một số nhận định bước đầu về động thái chính sách mới này của Bắc Kinh.

Từ khóa: Trung Quốc, cùng giàu có, phân phối lần ba, công ty công nghệ lớn

 

T

rung Quốc với nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao liên tục trong một thời gian dài đã tạo ra nhiều của cải xã hội, đời sống vật chất của người dân trở nên sung túc. Song mặt trái của sự tăng trưởng “nóng” của[1]nền kinh tế đã tạo ra[2]nhiều vấn đề xã hội mà đến nay chưa được giải quyết triệt để. Những vấn đề như mất cân bằng trong phát triển dẫn tới phân hóa giàu nghèo, phân hóa giai tầng xã hội, môi trường ô nhiễm và tài nguyên cạn kiệt, nhiều mâu thuẫn, đối lập xã hội tiềm ẩn… là nguyên nhân gây bất ổn chính trị xã hội. Nhiệm vụ cấp bách của Trung Quốc là giải quyết tốt mâu thuẫn xã hội chủ yếu hiện nay, đi sâu cải cách toàn diện, tập trung giải quyết ổn thỏa vấn đề mất cân đối trong phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phát triển, nhằm thực hiện phát triển toàn diện con người và tiến bộ của toàn xã hội, kỳ vọng trở thành quốc gia hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỉ XXI.

“Cùng giàu có” là một trong những mục tiêu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng tới trong giai đoạn mới khi Bắc Kinh đã tuyên bố hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả. Mục tiêu này đã chính thức trở thành ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc tại Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương (ngày 17/8/2021): “cùng giàu có là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội và là một đặc điểm quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.

1. Quan điểm của Trung Quốc về “cùng giàu có”

Thứ nhất, “cùng giàu có” không phải là một khái niệm mới, được đặc biệt nhấn mạnh vào năm 2021.

Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng theo đuổi mục tiêu “cùng giàu có”, tư tưởng “Đại đồng” biểu hiện cho một xã hội lý tưởng ở Trung Quốc cổ đại là một minh chứng rõ ràng. Khái niệm “cùng giàu có” lần đầu tiên được đề cập đến vào những năm 1950 bởi Mao Trạch Đông – nhà lãnh đạo đầu tiên khi Trung Quốc còn nghèo khó: “từng bước thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trong khi tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, từng bước thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với cả nền nông nghiệp,… khiến toàn thể nhân dân nông thôn cùng giàu có lên”[3]; “chuyển trọng tâm công tác sang phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng kinh tế, thực hiện cùng giàu có”[4]. Khái niệm này được lặp lại vào những năm 1980 bởi Đặng Tiểu Bình, khi ông đưa ra chính sách cho phép một số người “giàu lên trước” nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế và giúp đạt mục tiêu cuối cùng là “cùng giàu có”[5].

Dưới thời kỳ Tập Cận Bình, mục tiêu “cùng giàu có” tiếp tục được đưa ra. Ngay từ tháng 11/2012, trong cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cần “kiên định không dao động đi con đường cùng giàu có”[6]. Tháng 10/2017, Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra hai chiến lược 15 năm nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai, hai giai đoạn 15 năm này đều đưa ra yêu cầu cụ thể đối với việc thúc đẩy cùng giàu có[7]. Tháng 10/2020, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIX đã xác định rõ: “đến năm 2035 “sự nghiệp toàn thể nhân dân cùng giàu có sẽ đạt được những tiến triển rõ rệt và thực chất hơn”[8].

Năm 2021, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua “Cương yếu Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và kế hoạch đến năm 2035”, trong đó đưa việc “đi những bước vững chắc trong việc toàn thể nhân dân cùng giàu có” vào mục tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 5 năm lần thứ 14[9]. Tháng 6/2021, “Ý kiến của Trung ương Đảng Cộng sản Trung quốc và Quốc vụ viện về việc khuyến khích Khu thí điểm xây dựng cùng giàu có phát triển chất lượng cao Chiết Giang” chính thức được ban hành, chọn tỉnh Chiết Giang là khu vực đi đầu tiến hành thí điểm, tìm tòi con đường, tích lũy kinh nghiệm, đưa ra mô hình mẫu cho các địa phương khác trong cả nước thúc đẩy cùng giàu có[10]. Ngày 1/7/2021, tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã tuyên bố “xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả”, nhấn mạnh trên hành trình mới, “thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, công cuộc cùng giàu có của toàn thể nhân dân đạt những tiến triển rõ rệt và thực chất hơn”[11]. Ngày 17/8/2021, Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương, nghiên cứu để thúc đẩy vấn đề cùng giàu có[12]. Trong bài phát biểu, Tập Cận Bình đã sử dụng cụm từ “cùng giàu có” tất cả 15 lần, và đó đã trở thành ưu tiên chính của Bắc Kinh trong giai đoạn này.

Thứ hai, mục tiêu “cùng giàu có” dưới thời kỳ Tập Cận Bình có những điểm khác với các thời kỳ trước về nội hàm và cách thức thực hiện.

Quan niệm “cùng giàu có” của Tập Cận Bình có góc nhìn hoàn toàn khác so với Đặng Tiểu Bình. Coi “thoát nghèo chuẩn xác” là tư tưởng quan trọng của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, Tập Cận Bình cho rằng “tuy những người có khả năng và điều kiện phát triển kinh tế có thể thoát nghèo và trở nên giàu có nhưng họ cũng phải làm cho kết quả phát triển ngày càng công bằng để mang lại lợi ích cho đa số người nghèo, giúp đỡ những người không có khả năng và điều kiện hoặc những người tạm thời không có khả năng phát triển đạt được sự phát triển, đạt được sự thịnh vượng chung”. Có thể nhận thấy, nếu hơn 40 năm trước, để phát triển kinh tế, Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ “để một số người làm giàu trước”, còn giờ đây, Tập Cận Bình đã cho những người giàu có nhất ở nước này biết rằng đã đến lúc họ phải chia sẻ nhiều của cải hơn với những người khác. Điều này dường như nhằm vào nhóm thu nhập cao và các doanh nghiệp tư nhân lớn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Nếu Đặng coi “người giàu trước kéo người giàu sau cùng giàu” là biện pháp tối ưu thúc đẩy thịnh vượng chung, thì Tập lại cho rằng cần phải tái phân bổ của cải người giàu cho người nghèo để “thoát nghèo chuẩn xác”, rõ ràng nhận thức này đi ngược lại với tư tưởng của Đặng và có hơi hướng của tư tưởng Mao Trạch Đông[13].

“Cùng giàu có” dưới thời Tập Cận Bình cùng theo đuổi mục tiêu giá trị như thời kỳ Mao Trạch Đông, đều nhằm mục tiêu giúp tất cả người dân cùng giàu có, xóa bỏ nghèo đói. Tuy nhiên, những đặc điểm khác biệt về thời đại khiến nội hàm và cách thức thực hiện mục tiêu này dưới thời Tập Cận Bình khác với thời Mao Trạch Đông. Trong bài phát biểu tại Hội nghị ngày 17/8, Tập Cận Bình đã luận giải các đặc điểm của “cùng giàu có” là “đặc trưng quan trọng của hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, “thúc đẩy cùng giàu có trong phát triển chất lượng cao”, thể hiện đặc trưng thời đại của việc thúc đẩy cùng giàu có, đồng thời nhấn mạnh cơ sở tiền đề và con đường tất yếu để thực hiện cùng giàu có: phát triển chất lượng cao. Quan niệm về “cùng giàu có” cũng được gói gọn trong luận giải của Tập Cận Bình: “cùng giàu có là sự giàu có của toàn thể nhân dân, là sự giàu có của quần chúng nhân dân ở cả đời sống vật chất và tinh thần, không phải là sự giàu có của số ít người, cũng không phải là chủ nghĩa bình quân cào bằng, mà cần phải chia giai đoạn thúc đẩy cùng giàu có”[14]. Khái niệm trên đã chỉ rõ độ bao phủ, nội hàm, con đường thực hiện và tính giai đoạn của công cuộc cùng giàu có. Khái niệm “cùng giàu có” này cũng đã chỉ ra những khác biệt về bản chất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, khi sự giàu có là của “toàn thể nhân dân”, cũng khác biệt với chủ nghĩa cào bằng đã từng là chủ lưu trong giai đoạn đầu phát triển lý luận của chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, việc phân chia giai đoạn cũng chỉ ra tính khoa học, khả thi trong cách thức thực hiện mục tiêu này.

Thứ ba, đây là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu “cùng giàu có”.

Từ khi thế hệ lãnh đạo thứ năm lên nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã nhắc đến mục tiêu “cùng giàu có”, tuy nhiên, thông điệp này chỉ thực sự phát huy hiệu quả vào năm 2021[15]. Theo thống kê của trang Bloomberg, mục tiêu “cùng giàu có” đã được nhắc tới trong các bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ năm 2012, tuy nhiên từ năm 2020, tần suất nhắc tới cụm từ này tăng cao rõ rệt.

 

Sở dĩ đây là thời điểm thích hợp đưa ra mục tiêu “cùng giàu có” bởi lẽ Một là, sau một thời gian đối mặt với những thách thức mới từ cả bên trong và bên ngoài, hiện nay Trung Quốc đã tìm được cách khắc phục và thích nghi với bối cảnh mới. Mục tiêu này được đề ra từ đầu nhiệm kỳ thứ nhất của Tập Cận Bình, tuy nhiên đã bị những yếu tố khác cản trở. Sau tuyên bố về mục tiêu cùng giàu có tại Đại hội XIX năm 2017, Trung Quốc đã bị cuốn vào chiến tranh thương mại và cạnh tranh chiến lược trên nhiều khía cạnh với Mỹ, cùng việc đối mặt với dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. Năm 2020 là mốc Trung Quốc cam kết “xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả” đẩy mạnh từ năm 2020, Bắc Kinh đã tuyên bố hoàn thành mục tiêu này vào Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7/2021. “Cùng giàu có” là sự tiếp tục hợp lý của nhiệm vụ xây dựng xã hội khá giả[16]. Tập Cận Bình cũng đã khẳng định rằng, Trung Quốc hiện đã sung túc đủ để tiến gần hơn tới lý tưởng chia sẻ tài sản lâu đời của Đảng Cộng sản[17].

Hai là, việc xác định mục tiêu “cùng giàu có” là một giải pháp đáng tin cậy cho các vấn đề mà phát triển kinh tế và sự gắn kết xã hội của Trung Quốc đang phải đối mặt; đồng thời là một biện pháp khéo léo nhằm chống lại bất bình đẳng thu nhập. Vấn đề bất bình đẳng ở Trung Quốc hiện nay khá nghiêm trọng. 20% người giàu nhất Trung Quốc kiếm được nhiều gấp 10 lần 20% nhóm nghèo nhất, một khoảng cách lớn hơn ở Mỹ hay ở các nước châu Âu như Đức và Pháp, và tỷ lệ này không hề thay đổi kể từ năm 2015[18]. Hay theo một thống kê khác, 1% người giàu nhất Trung Quốc sở hữu gần 31% tài sản của đất nước, tăng từ mức 21% vào năm 2000 [19]. Dù số lượng người nghèo đã được thu hẹp đáng kể nhưng đến đầu năm 2020 vẫn còn hơn 600 triệu người sống với mức thu nhập hàng năm dưới 12.000 nhân dân tệ[20]. Chính quyền Trung Quốc cho rằng sự giàu có đồng đều hơn sẽ giúp nhiều người Trung Quốc có khả năng chi tiêu để thúc đẩy nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào bên ngoài, tạo nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng mới[21]. Ngoài ra, việc dân số già hóa kéo theo nội nhu bị suy yếu, nền kinh tế thiếu đi động lực tiêu dùng. Khi đó, phân chia một cách công bằng là một chìa khóa để tăng mức độ đóng góp của tiêu dùng hộ gia đình vào tăng trưởng kinh tế.

Ba là, đây là thời điểm thích hợp để nâng cao vị thế và uy tín của Tập Cận Bình nhằm tạo cơ sở vững chắc cho ông nếu tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Chủ tịch nước, khi mọi rào cản về giới hạn nhiệm kỳ đã bị xóa bỏ từ năm 2018. Kể từ sau khi lên nắm chính quyền, Tập Cận Bình đã từng bước trở thành hạt nhân lãnh đạo trên khuôn khổ chính trị do ông xây dựng nên với việc đưa ra “Giấc mộng Trung Quốc” là “phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” với khẩu hiệu chính trị “Bốn toàn diện”. Việc tiếp tục đưa ra một mục tiêu phát triển phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân, “không quên tâm nguyện ban đầu” khi Đảng Cộng sản bắt đầu cầm quyền là chiến lược phù hợp để củng cố vai trò cầm quyền của Đảng, cũng như vị trí hạt nhân lãnh đạo của Tập Cận Bình.

2. Các biện pháp thúc đẩy cùng giàu có

2.1. Nhóm giải pháp thúc đẩy cùng giàu có

Nhiều giải pháp trong số các giải pháp đã được đề xuất để đưa Trung Quốc tới đích “cùng giàu có” đã được triển khai trong nhiều năm nay và vẫn tiếp tục được thực hiện bởi tính cấp thiết và cũng bởi những chính sách đó chưa phát huy hết tác dụng. Các giải pháp được chính quyền Trung Quốc đưa ra bao gồm: thuế và các đòn bẩy để phân phối lại thu nhập khác nhằm mở rộng tỷ lệ người dân có thu nhập trung bình, nâng cao thu nhập của người nghèo, điều chỉnh hợp lý thu nhập quá mức và cấm thu nhập bất hợp pháp. Để hiện thực hóa tư tưởng “cùng giàu có” trong thời đại mới, ông Tập Cận Bình đề xuất xây dựng một sự sắp xếp thể chế cơ bản để điều phối phân phối lần đầu, phân phối lại và phân phối lần ba, với tư duy “hình thành cấu trúc phân phối hình quả ô liu với hai đầu nhỏ và ở giữa lớn” nhằm thúc đẩy công bằng xã hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mọi người, hướng tới mục tiêu thịnh vượng chung. Tư duy này đã hình thành khá lâu nhưng hiệu quả thực tế chưa nhiều khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc còn chiếm tỉ lệ thấp (400 triệu/1,4 tỷ dân), chênh lệch giàu nghèo lớn (hệ số GINI dao động 0,46- 0,47)[22].

Đáng chú ý, Bắc Kinh khuyến khích các công ty và cá nhân có thu nhập cao đóng góp nhiều hơn cho xã hội thông qua “phân phối lần ba”, tức là các hoạt động từ thiện và quyên góp[23]. Khái niệm “phân phối lần ba” lần đầu tiên được đưa ra vào năm 1994 bởi học giả Lợi Dĩ Ninh (Li Yining), theo đó, đạo đức nên được công nhận như một động lực để phân phối thu nhập, bên cạnh yếu tố thị trường và chính phủ[24]. Nếu như “phân phối lần đầu” là phân phối thu nhập giữa chủ sở hữu vốn, người lao động và chính phủ, được thực hiện dựa trên nguyên tắc thị trường; “tái phân phối” là sự phân phối lại do chính phủ điều tiết, chủ yếu thông qua các biện pháp tài khóa như thuế và thanh toán chuyển nhượng[25]; thì “phân phối lần ba” để chỉ việc các doanh nghiệp hoặc cá nhân tự nguyện cho đi một phần tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện. Bắc Kinh hy vọng rằng, sự kết hợp của các động thái chính sách, lực lượng thị trường và hoạt động từ thiện sẽ giải quyết khoảng cách giàu nghèo vốn có thể trở thành mối đe dọa chính trị đối với sự cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát một số doanh nghiệp tư nhân thành công của Trung Quốc, Tencent (tập đoàn internet), Meituan (giao đồ ăn), các công ty dạy kèm riêng trực tuyến như New Oriental Education và TAL Education… Ngoài các nguyên nhân như bảo mật dữ liệu, kiềm chế độc quyền, việc tăng cường kiểm soát và ban hành nhiều quy định, chính sách mới còn nhằm xoa dịu những bất ổn trong xã hội. Việc siết chặt quy định đối với Ant Group sẽ giúp dung hòa mối quan hệ giữa ngân hàng truyền thống với các công ty công nghệ tài chính trên cơ sở xác định rõ phạm vi hoạt động, các quyền và lợi ích tương ứng khi các công ty công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ mà không chịu sự ràng buộc của các quy chế giám sát ngân hàng. Việc chính quyền Bắc Kinh tuyên bố cấm hoạt động dạy thêm vì lợi nhuận đối với các môn học chính là nỗ lực giúp giảm chi tiêu cho giáo dục hộ gia đình, nhằm xoa dịu bất bình đẳng trong giáo dục, khi các gia đình giàu có không ngừng đầu tư tiền vào việc cho con học thêm để đạt được kết quả cao trong các kỳ thi[26]. Quy định giới hạn thời gian chơi điện tử đối với trẻ em được đông đảo phụ huynh ủng hộ, vì trò chơi điện tử hiện bị ví như “thuốc phiện tinh thần”, đang “phá hủy cả một thế hệ” [27]. Ngoài ra, quyền lợi của người lao động trong nền kinh tế Gig (nền kinh tế sử dụng lao động tạm thời) cũng trở thành một trọng tâm trong việc thúc đẩy bình đẳng xã hội, các nền tảng bán hàng ăn trực tuyến cần đảm bảo người lao động kiếm được ít nhất bằng mức thu nhập tối thiểu tại địa phương[28], tổ chức công đoàn được thành lập tại một số công ty[29]. Ngoài ra, chính quyền tuyên bố tăng cường điều tra hành vi trốn thuế của những người có thu nhập cao như diễn viên Trịnh Sảng, Triệu Vy… Có thể thấy những động thái chính sách gần đây của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty và cá nhân giàu có là nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của công chúng, nhằm xoa dịu những bất ổn tiềm ẩn trong xã hội thông qua việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, quyền lợi của người lao động, bảo vệ cuộc sống lành mạnh của trẻ em (phản đối văn hóa thi cử và nạn nghiện trò chơi trực tuyến), nhằm hướng tới một xã hội với thu nhập và dịch vụ công cân bằng hơn.

2.2. Phản ứng của xã hội

Về phía các doanh nghiệp và cá nhân giàu có, sau khi một loạt công ty lớn bị chính quyền “sờ gáy”, khẩu hiệu “cùng giàu có” của Tập Cận Bình đã được nhiều cơ quan nhà nước và công ty tư nhân và cá nhân hưởng ứng như một cách thể hiện lòng trung thành với ưu tiên chính sách này của Đảng Cộng sản[30]. Các tập đoàn Tencent Holdings, Alibaba, Pinduoduo lần lượt tuyên bố sẽ góp 15 tỷ USD, 15,5 tỷ USD và 1,55 tỷ USD cho sự cùng giàu có. Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, bảy tỷ phú Trung Quốc đã đóng góp tổng cộng 5 tỷ USD để làm từ thiện, vượt tất cả các khoản đóng góp trên toàn Trung Quốc năm 2020[31]. Các đóng góp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực được nhà nước ưu tiên phát triển, như thúc đẩy đổi mới khoa học và công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp ở các vùng nông thôn kém phát triển, tăng việc làm cho thanh niên, cung cấp an ninh cho người lao động, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương và phát triển phúc lợi xã hội tốt hơn cho người lao động có thu nhập thấp. Tính đến cuối tháng 8/2021, ít nhất 73 công ty Trung Quốc đã đưa cụm từ “cùng giàu có” vào thư gửi cổ đông về thu nhập quý 2 của họ[32]. Điều này cho thấy sự ủng hộ bước đầu của các cá nhân và doanh nghiệp giàu có đối với mục tiêu chính sách “cùng giàu có”, dù cho sự tự nguyện này có thể là do sức ép xã hội.

Về phía học giả, chủ yếu phân chia thành hai luồng quan điểm: ủng hộ và lo ngại về mục tiêu chính sách này. Các học giả ủng hộ chính sách cho rằng mục tiêu này vừa phù hợp với yêu cầu bản chất của chủ nghĩa xã hội, cũng là nguyện vọng chung của đông đảo quần chúng nhân dân; đồng tình với cách làm thí điểm tại một số khu vực đặc thù trước, bởi với thực tế phát triển của Trung Quốc hiện nay, việc xây dựng cùng giàu có trong một thời gian ngắn là điều khó có thể thực hiện toàn diện[33]. Một số học giả cho rằng mục tiêu cùng giàu có của Trung Quốc hoàn toàn khác với kiểu phúc lợi như mô hình các nước Bắc Âu, cho rằng mô hình đó có thể triệt tiêu động lực phát triển của đất nước; tuy nhiên, có thể tham khảo việc xây dựng một số phúc lợi xã hội ở các quốc gia này để hoàn thiện hơn quản trị xã hội ở Trung Quốc.[34] Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, với việc đưa ra mục tiêu cùng giàu có, Tập Cận Bình đã làm sống lại “lý tưởng không tưởng” của các nhà lãnh đạo cộng sản thời kỳ đầu, tuy nhiên, điều này sẽ làm tổn hại đến các yếu tố sáng tạo và sinh lợi nhất của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, đặc biệt khi khu vực tư nhân vốn là động lực tăng trưởng và việc làm quan trọng. Đồng thời, một số học giả lo ngại với việc chính phủ đưa ra và đề xướng hình thức “phân phối lần ba”, cho rằng đây là “cùng giàu có” theo kiểu kiềm chế người giàu để giúp đỡ người nghèo, yêu cầu người giàu “làm từ thiện bắt buộc”. Việc kiềm chế các doanh nhân của đất nước có thể không phải cách tiếp cận đúng đắn vì có thể sẽ vô tình dẫn đến kiểu bất bình đẳng khác, khiến người dân Trung Quốc “cùng nghèo” [35].

3. Kết luận

Mục tiêu “cùng giàu có” được chính quyền Bắc Kinh đưa ra và đẩy mạnh vào thời điểm Trung Quốc về cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng thành công toàn diện xã hội khá giả vào dịp Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mục tiêu được đưa ra vào thời điểm thích hợp này có thể đẩy nhanh quá trình tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc theo hướng tiêu dùng thúc đẩy tăng trưởng để giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, nhằm “tự lực cánh sinh” trong chiến lược phát triển của đất nước. Nỗ lực này là một biện pháp hỗ trợ chiến lược “tuần hoàn kép” của chính quyền trong phát triển kinh tế trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ ngày càng gia tăng[36].

Mặc dù một số quan điểm cho rằng các chính sách mới và hình thức “phân phối lần ba” có thể gây tổn hại, kìm hãm tăng trưởng được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô “phân phối lần ba” của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ so với quy mô này ở Hoa Kỳ và các nước châu Âu, một phần do Trung Quốc vẫn chưa có thuế thừa kế hoặc thuế cho quà tặng, những người giàu thường chuyển tài sản trực tiếp cho con cháu mà không nghĩ đến việc quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Để thúc đẩy “phân phối lần ba”, Trung Quốc có thể xây dựng các chính sách khuyến khích người giàu góp một phần tài sản thừa kế vào các quỹ từ thiện, đồng thời, cần công khai minh bạch hoạt động của các tổ chức từ thiện, để số tiền từ thiện thực sự phát huy tác dụng thực hiện mục tiêu cùng giàu có.

Tóm lại, dù có nhiều quan điểm khác nhau về mục tiêu cùng giàu có của Trung Quốc hiện nay, với đặc thù kinh tế và chính trị của một nước xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, với nền văn hóa coi trọng chủ nghĩa tập thể, chính sách này có thể sẽ phát huy được tác dụng nhất định trong giai đoạn đầu. Để các chính sách được thực hiện triệt để và đi vào chiều sâu thực chất, còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp phối hợp, nhằm tránh việc xóa bỏ bất bình đẳng bằng những chính sách bất bình đẳng khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Barney Tan (2021), “China is cracking down hard on Big Tech - here’s why”, The Next Web, 14 Jul, https://thenextweb.com/news/ china-crackdown-big-tech-syndication.
  2. Cai Fang (2021), “Right time for China’s ‘comon prosperity’ drive”, East Asia Forum, Sep 19, https://www.eastasiaforum.org/2021/ 09/19/right-time-for-chinas-common-prosperity-drive/.
  3. Charlie Campbell (2021), “Why 'Common Prosperity’ Has China’s Billionaires Running for Cover”, Time, Sep 10, https://time.com/ 6095560/china-common-prosperity/.
  4. Janet Paskit (2021), “What ‘common prosperity’ means and why Xi wants it quiktake”, Bloomberg, Sep 3, https://www. bloomberg.com/news/articles/2021-09-03/what-common-prosperity-means-and-why-xi-wants-it-quicktake.
  5. Kevin Yao (2021), “Explainer: What is China’s ‘common prosperity’ drive and why does it matter?”, Reuters, Sep 2,  https://www. reuters.com/world/china/what-is-chinas-common-prosperity-drive-why-does-it-matter-2021-09-02/.
  6. 新浪 (2021), “实现共同富裕,浙江的时间表是什么?啥是橄榄型社会结构?你关心的问题,权威解答来了” (Sina (2021), “Thực hiện Cùng giàu có, thời gian biểu của Chiết Giang là gì? Thế nào là kết cấu xã hội hình quả ô liu? Những vấn đề bạn quan tâm đều được giải đáp theo quan điểm chính thức tại đây”), ngày 23/9, https://news.sina.com.cn/c/2021-09-23/ doc-iktzscyx5914345.shtml.
  7. 新华网 (2021b), “习近平主持召开中央财经委员会第十次会议强调 在高质量发展中促进共同富裕 统筹做好重大金融风险防范化解工作 ” (Mạng Tân Hoa (2021b), “Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh việc thúc đẩy thịnh vượng chung trong phát triển chất lượng cao và lập kế hoạch tổng thể về phòng ngừa hóa giải các rủi ro tài chính lớn”), ngày 17/8, http://www.xinhuanet.com/politics/ leaders/2021-08/17/c_1127770343.htm.
  8. 朱睿, 赵冠军, 李梦军 (2021), “促进中国第三次分配的背景分析与发展思考”, 公益时报 (Chu Duệ, Triệu Quán Quân, Lý Mộng Quân (2021), “Phân tích bối cảnh và tư duy phát triển của việc thúc đẩy phân phối lần thứ ba của Trung Quốc”, Thời báo Công ích), ngày 9/7, http://www.gongyishibao.com/html/redian/2021/07/17957.html.




[1] TS., Trường Đại học Ngoại thương

[2] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

* Bài viết được trích từ Hội thảo quốc tế “Lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và Trung Quốc trong thập niên thứ ba thế kỉ XXI" do Viện Nghiên cứu Trung Quốc tổ chức ngày 25/11/2021.

[3] 中共中央党史研究室 (1953), 中共中央党史研究室 (1953), “中央关于农业生产互助合作的决议”, 中国共产党历史网 (Văn phòng Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (1953), “Quyết định của Trung ương về hợp tác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp”, Mạng Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc) http://www.dswxyjy.org.cn/n1/2015/1231/c244520-28000929.html.

[4] 中国共产党历史网 (2012), “党的八大二次会议”, ngày 23/11, (Mạng Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (2012), “Hội nghị lần thứ hai khóa VIII của Đảng”), http://www. dswxyjy.org.cn/n/2012/1123/c244520-19678727.html.

[5] 中国科学院 (2006), “1985 改革科技体制”, 科技日报, ngày 9/1, (Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (2006), “Cải cách thể chế khoa học kĩ thuật năm 1985”, Nhật báo KHKT), http://www.cas.cn/zt/jzt/kxhyzt/qgkjdhztbd/lszl/ 200601/t20060109_2664493.shtml.

[6] 新华网 (2012), “习近平:坚定不移走共同富裕道路” (Mạng Tân Hoa (2012), “Tập Cận Bình: Kiên định đi theo con đường cùng giàu có”), ngày 15/11, http://news. sina.com.cn/c/2012-11-15/12102558 7422.shtml.

[7] 新华网 (2017) , “习近平:决胜全面建成小康社会 夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利——在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告” (Tập Cận  Bình: Kiên quyết giành thắng lợi trong xây dựng xã hội khá giả toàn diện,  giành thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc), ngày 27/10, http://www.xinhuanet.com//politics/19cpcnc/ 2017-10/27/c_1121867529.htm.

[8] 新华网 (2020a), “习近平关于’中共中央关于制定国民经济和社会发展第十四个五年规划和二〇三五年远景目标的建议’的说明”, (Mạng Tân Hoa (2020), “Thuyết minh của Tập Cận Bình đối với Kiến nghị của Trung ương Đảng về xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 phát triển kinh tế xã hội quốc dân và mục tiêu dài hạn 2035”), ngày 3/11,  http://www.xinhuanet.com/politics/2020-11/03/c_ 1126693341.htm.

[9] 新华社 (2021a), “中华人民共和国国民经济和社会发展第十四个五年规划和2035年远景目标纲要” (Tân Hoa xã (2021a), “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 phát triển kinh tế xã hội quốc dân và mục tiêu dài hạn 2035 nước CHND Trung Hoa”), ngày 13/3, http://www.gov.cn/ xinwen/2021-03/13/content_5592681.htm.

[10] 新华网 (2021a), “(受权发布)中共中央 国务院关于支持浙江高质量发展建设共同富裕示范区的意见” (Mạng Tân Hoa (2021a), “Ý kiến của Trung ương Đảng, Chính phủ về việc ủng hộ Chiết Giang phát triển chất lượng cao, xây dựng khu kiểu mẫu về cùng giàu có”), ngày 10/6, http://www.xinhuanet.com/politics/zywj/2021-06/10/c_1127551386.htm.

[11] 习近平 (2021), “在庆祝中国共产党成立100周年大会上的讲话”,  求是 (Tập Cận Bình (2021), “Bài phát biểu nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Cầu thị), ngày 15/7, http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2021-07/15/c_1127658385.htm.

[12] 新华网 (2021b), “习近平主持召开中央财经委员会第十次会议强调 在高质量发展中促进共同富裕 统筹做好重大金融风险防范化解工作” (Mạng Tân Hoa (2021b), “Tập Cận Bình chủ trì cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh việc thúc đẩy thịnh vượng chung trong phát triển chất lượng cao và lập kế hoạch tổng thể về phòng ngừa hóa giải các rủi ro tài chính lớn”), ngày 17/8, http://www.xinhuanet.com/ politics/leaders/2021-08/17/c_1127770343.htm.

[13] Tháng 12/1953, Mao Trạch Đông lần đầu tiên đưa ra khái niệm “cùng giàu có” trong "Nghị quyết về phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp", nội dung thực hiện hợp tác hóa, xóa bỏ chế độ kinh tế nông dân giàu có và kinh tế cá thể ở nông thôn, để mọi người dân ở nông thôn sẽ cùng nhau trở nên giàu có. Nhưng sau đó Mao Trạch Đông mắc sai lầm khi đơn thuần cho rằng đạt được thịnh vượng chung bằng cách thay đổi quan hệ sản xuất, mà bỏ qua việc xây dựng năng suất, nên không thực hiện được lý tưởng này.

[14] 新华网 (2021b) (Mạng Tân Hoa (2021b)), Tldd.

[15] Kevin Yao (2021), “Explainer: What is China’s ‘common prosperity’ drive and why does it matter?”, Reuters, Sep 2,  https://www.reuters.com/world/ china/what-is-chinas-common-prosperity-drive-why-does-it-matter-2021-09-02/.

[16] Cai Fang (2021), “Right time for China’s ‘comon prosperity’ drive”, East Asia Forum, Sep 19, https://www.eastasiaforum.org/2021/09/19/right-time-for-chinas-common-prosperity-drive/.

[17]新华网 (2021b) (Mạng Tân Hoa (2021b)), Tldd.

[18] Janet Paskit (2021), “What ‘common prosperity’ means and why Xi wants it quiktake”, Bloomberg, Sep 3, https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-09-03/what-common-prosperity-means-and-why-xi-wants-it-quicktake.

[19] Chris Buckley, Alexandra Stevenson, Cao Li (2021), “Warning of Income Gap, Xi Tells China’s Tycoons to Share Wealth”, The New York Times, Sep 7, https://www.nytimes.com/2021/09/07/world/asia/china-xi-common-prosperity.html.

[20]新华网 (2020b), “国务院总理李克强回答中外记者提问 (实录全文)” (Mạng Tân Hoa (2020), “Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường trả lời họp báo (toàn văn)”, ngày 28/5/2020, http://www.xinhuanet.com/politics/ 2020lh/2020-05/28/c_1210637126.htm.

[21] Chris Buckley, Alexandra Stevenson, Cao Li (2021), Tldd.

[22]国家统计局 (2021), “ ‘中国的全面小康’白皮书新闻发布会答记者问” (Cục Thống kê Quốc gia (2021), Họp báo công bố Sách trắng về “Khá giả toàn diện ở Trung Quốc”), ngày 29/9, http://www.stats.gov.cn/tjsj/zxfb/202109/t202 10929_1822623.html.

[23] Kevin Yao (2021), Tldd.

[24] 朱睿, 赵冠军, 李梦军 (2021), “促进中国第三次分配的背景分析与发展思考”, 公益时报 (Chu Duệ, Triệu Quán Quân, Lý Mộng Quân (2021), “Phân tích bối cảnh và tư duy phát triển của việc thúc đẩy phân phối lần thứ ba của Trung Quốc”, Thời báo Công ích), ngày 9/7, http://www.gongyishibao.com/html/redian/2021/07/17957.html.

[25] Yu Hairong, Cheng Siwei, Thomas Zhang (2021), “In Depth: What’s Standing in the Way of ‘Common Prosperity’?”, Caixin Global, Sep 9, https://www. caixinglobal.com/2021-09-09/in-depth-whats-standing-in-the-way-of-common-prosperity-101771234.html#:~:text =It's%20commonly%20agreed%20among%20academics,the%20goal%20of%20common% 20prosperity.

[26] 新华社 (2021b), “中共中央 国务院关于优化生育政策促进人口长期均衡发展的决定”, (Tân Hoa xã (2021b), “Quyết định của ĐCS Trung Quốc và Quốc vụ viện về việc nâng cao chính sách kế hoạch hóa gia đình, thúc đẩy phát triển cân bằng lâu dài về nhân khẩu”), ngày 20-7, http://www.gov.cn/zhengce/2021-07/20/content_5626190. htm.

[27] Barney Tan (2021), “China is cracking down hard on Big Tech - here’s why”, The Next Web, 14 Jul, https://thenextweb.com/news/china-crackdown-big-tech-syndication.

[28] 陆涵之 (2021), “七部门出台指导意见维护外卖员权益,美团股价大跌超13%”, 第一财经 (Lục Hàm Chi (2021), “Bảy bộ ngành đưa ra ý kiến chỉ đạo việc bảo vệ quyền lợi cho người giao hàng, cổ phiếu Meituan tụt giá 13%”, Tài chính Kinh tế số 1), ngày 26/7, https://www. yicai.com/news/101121541.html .

[29] Charlie Campbell (2021), “Why 'Common Prosperity’ Has China’s Billionaires Running for Cover”, Time, Sep 10, https://time.com/6095560/china-common-prosperity/.

[30] Janet Paskit (2021), Tldd.

[31] Janet Paskit (2021), Tldd.

[32] Saranya (2021), “Alibaba to Tencent, Why China’s Big Tech is Waking up to ‘Common Prosperity’”, News 18, Sep 18, https://www.news18.com/news/opinion/alibaba-to-tencent-why-chinas-big-tech-is-waking-up-to-common-prosperity-4217447.html .

[33]金观平 (2021), “共同富裕先要共同奋斗”,  经济日报 (Kim Quan Bình (2021), “Cùng giàu có trước tiên cần cùng phấn đấu”, Nhật báo kinh tế),  ngày 5/8, http://www.ce.cn/xwzx/gnsz/gdxw/202108/05/t20210805_36778565.shtml

[34]授狐网 (2021), “对话李实:如何理解、实现共同富裕?目标之下,改革如何推进?” (Sohu (2021), “Đối thoại với Lý Thực: lý giải như thế nào, thực hiện cùng giàu có? Cải cách thúc đẩy như thế nào mục tiêu này?”) , ngày 1/9,https://www.sohu.com/a/487064264_114988.

[35] Chris Buckley, Alexandra Stevenson, Cao Li (2021), Tldd.

[36] Kevin Yao (2021), Tldd.

0thảo luận