Trang chủ

Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”

Đăng ngày: 4-01-2023, 03:02 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 29/12/2022, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tổ chức hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan” do các cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và Vùng lãnh thổ Đài Loan trình bày. Chủ trì hội thảo là TS. Trần Hoàng Long, Phó Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cùng với sự tham gia của toàn thể cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”

Hội thảo khoa học: "Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan

Mở đầu hội thảo TS. Võ Hải Thanh trình bày báo cáo: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan”. Báo cáo gồm các phần: Bối cảnh thiết lập quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan; Quan hệ hợp tác giữa hai bên trên một số lĩnh vực chủ yếu; Bối cảnh mới tác động tới quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan; Một số thách thức, triển vọng và hàm ý chính sách.

Tiếp theo, TS. Phí Hồng Minh trình bày báo cáo: “Một số điểm nổi bật trong quan hệ đầu tư Việt Nam-Đài Loan sau chính sách hướng Nam mới”. Báo cáo gồm các phần: Chính sách Hướng Nam mới (NSB) của Đài Loan; Vai trò của Đài Loan trong cấu trúc kinh tế khu vực Đông Á; Điều chỉnh xu hướng đầu tư và thương mại của Đài Loan sau NSB; Một số đặc điểm trong quan hệ đầu tư Việt Nam-Đài Loan; Triển vọng quan hệ đầu tư Việt Nam-Đài Loan trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.

Sau đó, Th.S Trương Phan Thanh Thủy trình bày báo cáo: “Hợp tác Việt Nam-Đài Loan trong lĩnh vực văn hóa, du lịch”. Báo cáo gồm hai phần: Hợp tác Việt Nam-Đài Loan trong lĩnh vực văn hóa; Hợp tác du lịch Việt Nam-Đài Loan.

 

Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”
Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”
Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”

Các báo cáo viên trình bày tham luận

Sau khi nghe các báo cáo viên trình bày, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi nhiều vấn đề liên quan. PGS.TS Phạm Hồng Thái cho rằng, Đài Loan rất “nhanh nhạy” trong quan hệ hợp tác với Việt Nam, đây là một trong những đối tác đến đầu tư sớm tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư của Đài Loan tại Việt Nam chưa dài hạn, chưa bền vững. Bên cạnh các dự án hợp tác kinh tế, hai bên cũng phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững;TS. Hoàng Minh Lợi có ý kiến nhận định quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Đài Loan có nhiều phát triển trong thời gian qua. Đài Loan trở thành một đối tác kinh tế quan trọng, có ảnh hưởng tới quá trình phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên các sản phẩm thương mại của Đài Loan còn chưa để lại dấu ấn sâu đậm đối với người dân Việt Nam. Ngoài thời kỳ bùng nổ của các bộ phim Đài Loan vào thập niên 1990 thì“Làn sóng văn hóa Đài Loan” cũng chưa có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. Giữa Việt Nam và Đài Loan còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết trong tương lai như vấn đề môi trường, vấn đề hợp tác về chính trị, an ninh…đặc biệt trong bối cảnh khu vực đang có nhiều vấn đề nhạy cảm hiện nay. TS. Trần Hoàng Long cũng đóng góp thêm ý kiến rằng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Đài Loan chủ yếu hợp tác trên lĩnh vực văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân. Hiện nay, tuy Đài Loan không có các tập đoàn lớn đầu tư tại Việt Nam như: Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng tại các khu công nghiệp (Nội Bài,Thăng Long), có nhiều doanh nghiệp liên quan tới mảng công nghiệp phụ trợ vừa và nhỏ của Đài Loan.

Hội thảo khoa học: “Nhìn lại 30 năm hợp tác phát triển Việt Nam-Đài Loan*”

Các nhà khoa học thảo luận quanh chủ đề hội thảo

Phản hồi ý kiến của các nhà khoa học, TS. Võ Hải Thanh cho rằng, trong nhiều năm vừa qua, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam luôn ổn định, đứng trong số top 5 các nước đầu tư nhiều vào Việt Nam, cho nên không thể nói Đài Loan chỉ đầu tư ngắn hạn, “lướt sóng”. Bên cạnh đó, tuy không có nhiều sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam nhưng Đài Loan cung cấp rất nhiều linh kiện cho thế giới, vì vậy các sản phẩm như ô tô, điện thoại, máy tính, xe máy… của các thương hiệu nổi tiếng mà chúng ta dùng hàng ngày đều có nhiều linh kiện của Đài Loan. Hiện nay, Đài Loan chủ trương chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi thuế đất. Tại các khu công nghiệp có các doanh nghiệp Đài Loan đã và đang tồn tại nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường cần giải quyết.

 

*Ghi chú: “Đài Loan” trong bài viết là gọi tắt của“Vùng lãnh thổ Đài Loan”

 

Kiều Dung

0thảo luận