Trang chủ

Đoàn học giả thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Đăng ngày: 15-08-2018, 09:18 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sáng ngày 15 tháng 8 năm 2018, đoàn học giả thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên do ông Choe Kang-nam, Phó ban Ban Thư kí Hiệp hội dẫn đầu đã tới thăm Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và có buổi tọa đàm khoa học về tình hình Triều Tiên gần đây. Tham dự buổi tiếp có các lãnh đạo và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, một số nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ quan khác.

Đoàn học giả thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách đã thay mặt lãnh đạo Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á bày tỏ niềm hân hạnh được đón tiếp đoàn học giả thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên. Ông Choe Kang-nam, trưởng đoàn cũng bày tỏ niềm vinh dự và trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Trong bài thuyết trình, ông Choe Kang-nam đã đề cập đến những biến đổi thực tế trên Bán đảo Triều Tiên, đường lối chiến lược của Đảng Lao động Triều Tiên và công cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên hiện nay.

Ông Choe Kang-nam khẳng định nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do nhà lãnh đạo vĩ đại Kim Il-seong thành lập vào tháng 9 năm 1948, lấy tư tưởng chủ thể là tư tưởng chính, lấy người dân làm gốc, do vậy, tất cả các chính sách đều bắt nguồn từ dân, vì dân. Đất nước Triều Tiên có sự đoàn kết nhất trí giữa người dân và quân đội tạo nên một chế độ nhà nước vững mạnh. Tình hình an ninh nội bộ ổn định, luật pháp nghiêm minh, xã hội không có các tổ chức tội phạm, mại dâm, ma túy, khủng bố làm ảnh hưởng tới trị an, thể chế… Trong bối cảnh bị cấm vận, sự phát triển kinh tế của Triều Tiên chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù vậy, cuộc sống của người dân Triều Tiên vẫn được đảm bảo, nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về y tế, giáo dục; được bao cấp nhà ở và lương thực… Dưới sự lãnh đạo của nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un, Triều Tiên đã đạt được thành quả to lớn trong phát triển đất nước. Đặc biệt, tại Hội nghị  lần III Đảng Lao động Triều Tiên khóa VII vào tháng 4 năm 2018 vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên đã chủ trương "tập trung toàn lực phát triển kinh tế" với mục đích cuối cùng là phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo cuộc sống của người dân, theo phương án tự lập, tự chủ dựa trên tinh thần của tư tưởng chủ thể.

Về tình hình Bán đảo Triều Tiên, ông Choe Kang-nam nhấn mạnh, quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên là rất quan trọng, không chỉ có tác động lớn tới Bán đảo Triều Tiên mà còn ảnh hưởng tới khu vực và thế giới. Đường lối mới trong quan hệ hai miền Triều Tiên được chỉ rõ trong bài phát biểu chào mừng năm mới của Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-un là hướng tới mục tiêu hòa bình, phồn vinh, phát triển và điều đó đã được hiện thực hóa qua hoạt động thể thao chung của hai miền tại Thế vận hội Olympic mùa đông tại Pyeongchang vào tháng 2 và việc lãnh đạo tối cao Triều Tiên và Hàn Quốc hai lần gặp nhau trong tháng 4 năm 2018 vừa qua. Thực tế, nhân dân hai miền Nam Bắc Triều Tiên đều mong muốn thống nhất, hòa bình.Đoàn học giả thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm kết thúc buổi làm việc

Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đưa ra nhiều câu hỏi xoay quanh tình hình kinh tế, xã hội của đất nước Triều Tiên cũng như mối quan hệ giữa Triều Tiên với các nước có liên quan như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… và được ông Choe Kang-nam giải đáp với tinh thần cởi mở.

Kết thúc buổi làm việc, PGS.TS. Phạm Hồng Thái thay mặt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á cảm ơn ông Choe Kang-nam và các nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên đã đến thăm và có buổi báo cáo, tọa đàm khoa học bổ ích, đồng thời hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa Hiệp hội các nhà khoa học xã hội Triều Tiên với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nói riêng và với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung trong thời gian tới.

Phan Oanh

0thảo luận