Trang chủ

CHIẾN LƯỢC RTA CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG Á VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 6-07-2018, 10:41 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Lê Thị Ái Lâm, Nguyễn Thị Hồng Nga đồng chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 195 trang

Kí hiệu: Vv2885

Trong xu hướng hình thành và phát triển mạng lưới hiệp định thương mại tự do khu vực (RTA) trên thế giới, Đông Á được đánh giá là khu vực tham gia và ủng hộ các hiệp định khu vực tích cực nhất. Mặc dù khởi động chậm hơn so với làn sóng RTA ở các quốc gia Châu Mỹ, Châu Âu và Châu Phi, song Đông Á lại thể hiện sự bứt phá ngoạn mục của mình trong nỗ lực tham gia RTA. Nếu như trước năm 2000, khu vực chỉ có 3 RTA được ký kết thì tới cuối năm 2016, Đông Á đã chứng kiến sự nở rộn nhanh chóng cỉa các RTA, cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù cùng hòa chung vào làn sóng RTA ở khu vực nhưng các quốc gia Đông Á lại triển khai những chiến lược RTA khách nhau, từ sự lựa chọn đối tác đến mục tiêu tham gia RTA. Phản ứng của các quốc gia Đông Á đối với các RTA, luận điểm làm nền tảng cho các chiến lược này và vấn đề kết nối các chiến lược hội nhập với cải cách trong nước khi theo đuổi những hiệp ước này là những nội dung rất cần được làm sáng tỏ để rút ra cho Việt Nam những bài học khi tham gia vào các RTA. Trước yêu cầu đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Chiến lược RTA của các nước Đông Á và kinh nghiệm cho Việt Nam”. Cuốn sách có kết cấu 7 chương.

Trong chương 1 (Khái niệm, chiến lược và xu thế phát triển RTA ở Đông Á), các tác giả đưa ra quan niệm truyền thống cũng như quan niệm mới về RTA, phân biệt RTA với hiệp định thương mại đa phương quy mô toàn cầu; khái niệm và khuôn khổ phân tích chiến lược RTA, nhân tố tác động và khuôn khổ đánh giá chiến lược RTA/FTA của một quốc gia; tiến trình phát triển, đặc trưng và mục tiêu, xu hướng phát triển RTA ở Đông Á.

Trong 4 chương tiếp theo (Chiến lược tham gia các hiệp định thương mại khu vực của Nhật Bản/Trung Quốc/Hàn Quốc/Indonesia), các tác giả đi sâu phân tích mục tiêu của các RTA/FTA, lộ trình tham gia FTA, nội dung các RTA/FTA; nhận định và đánh giá chiến lược RTA/FTA của bốn quốc gia này trên phương diện kinh tế, an ninh, chính trị, xã hội.

Từ đó các tác giả đi đến so sánh chiến lược tham gia RTA của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Indonesia trong chương 6. Công bố một chiến lược rõ ràng; đưa ra các mục tiêu chiến lược RTA/FTA phù hợp với bối cảnh đất nước; gắn kết mục tiêu với công cụ thực hiện trong chiến lược - thu hút mọi thành phần trong xã hội tham gia, lựa chọn phương thức và quy trình đàm phán phù hợp; hài hòa lợi ích các nhóm riêng lẻ với lợi ích quốc gia thông qua đền bù, hỗ trợ cho các nhóm bị thua thiệt; kết hợp các mục tiêu chính trị đối ngoại phù hợp… là một số bài học được rút ra từ việc nghiên cứu các trường hợp này.

Trong chương 7 (Thách thức đối với Việt Nam khi tham gia RTA và một số gợi ý từ bài học của các nước Đông Á), các tác giả phân tích tình hình tham gia FTA của Việt Nam giai đoạn 2000-2016; những thành tựu đã đạt được khi tham gia RTA/FTA; các thách thức và tồn tại; và đưa ra một số gợi mở từ bài học của các nước Đông Á khi tham gia RTA/FTA.

Cuốn sách đã giúp bạn đọc có được những hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về chiến lược RTA của các nước Đông Á mà cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Indonesia, đồng thời đưa ra những bài học quý báu cho Việt Nam từ kinh nghiệm của các nước này. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận