Trang chủ

CƠ CHẾ HỢP TÁC BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN VIỆT - TRUNG

Đăng ngày: 6-07-2018, 10:37 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Đình Liêm chủ biên

Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2018, 223 trang

Kí hiệu: Vv2884

Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra theo chiều sâu gắn với những cam kết từ phạm vi rộng tiến dần đến các cơ chế hợp tác tiểu vùng, khu vực và hợp tác biên giới đất liền. Những điều kiện phát triển mới đòi hỏi cơ chế hợp tác mới theo hướng vừa tận dụng các lợi thế sẵn có vừa khai thác các lợi thế mới xuất hiện. Các lợi thế mới xuất hiện gắn với các khu vực và vai trò đang tăng lên đáng kể của Trung Quốc trong khu vực và toàn thế giới. Trong bối cảnh Trung Quốc đóng vai trò chủ yếu trong nhiều hoạt động hợp tác trong khu vực như hợp tác trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng; hợp tác Vịnh Bắc Bộ mở rộng; việc hình thành con đường tơ lụa, việc khai thác ảnh hưởng của các hành lang, vành đai kinh tế, cơ chế một trục hai cánh, việc thành lập Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á…, cần có sự nhìn nhận mới về cơ chế hợp tác biên giới đất liền Việt - Trung. Đáp ứng nhu cầu đó, cuốn sách “Cơ chế hợp tác biên giới đất liền Việt - Trung” do TS Nguyễn Đình Liêm chủ biên đi sâu phân tích những đặc điểm cơ bản của tuyến biên giới đất liền Việt - Trung trên cơ sở nghiên cứu bảy tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh biên giới phía Trung Quốc. Với kết cấu 3 chương, cuốn sách tập trung đánh giá thực trạng cơ chế hợp tác biên giới Việt - Trung thời gian qua từ các khía cạnh: cơ chế hợp tác phát triển kinh tế; cơ chế hợp tác về phát triển hạ tầng; cơ chế hợp tác về bảo đảm quốc phòng, an ninh; đồng thời đi sâu phân tích bối cảnh mới tác động đến cơ chế hợp tác biên giới Việt - Trung và đề xuất kiến nghị về cơ chế hợp tác biên giới giữa hai nước.

Cuốn sách thực sự là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách cũng như các bạn đọc nghiên cứu về vấn đề hợp tác biên giới đất liền Việt - Trung.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận