Trang chủ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG Ở KHU VỰC BIÊN GIỚI VIỆT - TRUNG

Đăng ngày: 25-06-2018, 02:28 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Phương Hoa chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2018, 275 trang

Kí hiệu: Vv2873

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển những đồng thời cũng là môi trường làm nảy sinh nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống. An ninh phi truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc thường được nói đến gồm an ninh phi truyền thống trên đất liền và an ninh phi truyền thống trên biển. Trong khuôn khổ cuốn sách “Một số vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung”, các tác giả chỉ lựa chọn và đưa vào một số vấn đề an ninh phi truyền thống trên đất liền. Cuốn sách gồm  5 chương cụ thể như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung. Về cơ sở lý luận, các tác giả trình bày sự ra đời của khái niệm an ninh phi truyền thống, khái niệm an ninh phi truyền thống, sự khác biệt giữa an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, các vấn đề an ninh phi truyền thống chủ yếu hiện nay. Về cơ sở thực tiễn, các tác giả phân tích mối quan hệ địa lý gần kề giữa Việt Nam và Trung Quốc; sự chênh lệch về kinh tế - xã hội giữa hai nước và giữa các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam với các tỉnh thành khác trong cả nước; mối quan hệ gần gũi giữa các dân tộc ở khu vực biên giới; sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ Việt - Trung từ sau khi được bình thường hóa.

Chương 2: Thực trạng một số vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung từ năm 2008 đến nay. Ở đây, các tác giả phân tích thực trạng, nguyên nhân và tác động của 6 vấn đề chính là buôn lậu hàng hóa, buôn bán ma túy, buôn bán tiền giả, mua bán người, tộc người xuyên biên giới, và an toàn thực phẩm và dịch bệnh.

Chương 3: Đặc điểm của vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung và dự báo. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích một số đặc điểm cụ thể của các vấn đề an ninh phi truyền thống được đề cập. Có vấn đề đã xuất hiện và tồn tại từ lâu, có vấn đề mới phát sinh; diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng; có vấn đề mang tính hai chiều, có vấn đề chủ yếu mang tính một chiều; mức độ nghiêm trọng, tình hình phát triển của vấn đề tỷ lệ thuận với mức độ phát triển giao lưu, trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa địa phương biên giới hai nước; các vấn đề có tác động tiêu cực và tác động lẫn nhau. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra những dự báo về an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới Việt - Trung.

Chương 4: Ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc. Hai khía cạnh ứng phó được các tác giả đề cập trong chương này là ứng phó từ phía Việt Nam và từ phía Trung Quốc đối với các vấn đề an ninh phi truyền thống nói chung và qua biên giới Việt - Trung nói riêng.

Chương 5: Hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống. Các tác giả đã dẫn chứng các văn bản đã ký kết giữa hai nước liên quan đến vấn đề biên giới, trong đó có đối phó với vấn đề an ninh phi truyền thống; các cơ chế trao đổi, hợp tác; khó khăn chủ yếu trong đấu tranh ngăn chặn các vấn đề an ninh phi truyền ở khu vực biên giới Việt - Trung hiện nay. Đồng thời các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị đối với chính phủ, với lực lượng chức năng và với từng lĩnh vực cụ thể.

Vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực biên giới trên đất liền Việt - Trung được đặt ra trong bối cảnh sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống quốc tế, khu vực cũng như của hai nước và trong quá trình phát triển của quan hệ Việt - Trung từ khi hai nước bình thường hóa đến nay. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận