Trang chủ

TƯ BẢN THÂN HỮU TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 25-06-2018, 02:26 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Minxin Pei

Dịch giả: Nguyễn Đình Huỳnh

Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018, 390 trang

Kí hiệu: Vt 455

Tư bản thân hữu từng là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Ngày nay, cụm từ này được biết tới nhiều nhất tại những quốc gia đang phát triển, nhất là những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế chỉ huy, kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường. Không có gì phải tranh luận tiếp khi khẳng định tư bản thân hữu là nguồn gốc của tham nhũng và lũng đoạn quyền lực. Nó cũng là nguyên nhân của bất ổn chính trị, tạo ra bất công trong tiếp cận các cơ hội mưu sinh, thăng tiến cũng như phân bổ lợi ích và hơn thế, nó cổ vũ, đồng thời là chỗ dựa cho những thế lực muốn mafia hóa quyền lực nhà nước. Cuốn sách “Tư bản thân hữu Trung Quốc” sẽ cho bạn đọc hiểu rõ hơn về cách thức mà các nhóm lợi ích, trước hết là các nhóm thân hữu đã chi phối quyền lực, thao túng quyền lực để cuối cùng lấy cắp tài sản quốc gia rồi chia chác cho nhau và bị trừng phạt như đã, đang và sẽ còn diễn ra ở Trung Quốc như thế nào. Tất cả các tư liệu liên quan đến những vụ án lớn, đa phần là án tham nhũng - gồm tham nhũng tiền bạc và quyền lực - gắn với các nhóm tư bản thân hữu và phản ánh hiện tượng nêu trên, đều được tác giả khai thác từ nguồn chính thống, công khai của Chính phủ Trung Quốc. Vì thế, nó có giá trị tham khảo rất tốt cho những nước như Việt Nam, vốn có nhiều tương đồng trong mô hình và triết lý phát triển với Trung Quốc. Cuốn sách đề cập đến bảy vấn đề chính: (1) nguồn gốc của tư bản thân hữu: cách thức những thay đổi thể chế làm tăng tham nhũng; (2) mảnh đất tư bản thân hữu: nơi tham nhũng phát triển mạnh mẽ; (3) mua quan bán chức: chợ đen quyền lực chính trị; (4) tư bản thân hữu trong thực tế: cấu kết giữa quan chức và doanh nhân; (5) ăn cắp của nhà nước: tham nhũng cấu kết trong doanh nghiệp nhà nước; (6) chung giường với xã hội đen: cấu kết giữa lực lượng thực thi pháp luật với tội phạm có tổ chức; và (7) lan tràn cấu kết: nhà nước suy yếu.

Để hiểu được chủ nghĩa tư bản thân hữu ở Trung Quốc đã trở nên dã man, lan tràn và gốc sâu rễ bền tới mức nào, chúng ta chỉ cần nhìn những con hổ và đồng bọn của chúng đã bị hạ gục trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chắc chắn Trung Quốc không phải là nạn nhân duy nhất của tư bản thân hữu. Cấu kết giữa quyền và tiền là một hiện tượng phổ biến chỉ khác nhau về biểu hiện và mức độ. Dạng chủ nghĩa tư bản này đặc biệt phổ biến trong các xã hội hậu mô hình Xô Viết, nổi bật nhất là Nga, Ukraina và các nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Giống như trong trường hợp Trung Quốc, đặc trưng hết sức quan trọng của tư bản thân hữu ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ là cấu kết trong giới chóp bu với nhau và giữa giới chóp bu với tội phạm có tổ chức. Để tìm hiểu sự khác biệt chính giữa chủ nghĩa tư bản thân hữu Trung Quốc và biến thể của nó ở những nước khác, đặc biệt là ở các nước thuộc khối Liên Xô cũ, trong nội dung cuốn sách này, tác giả cũng đề xuất một khung lý thuyết để tìm hiểu nguồn gốc và động lực cấu kết trong giới chóp bu. Khung lý thuyết này tập trung vào những hậu quả của việc cải cách cục bộ quyền tài sản và phân cấp thẩm quyền hành chính, lấp đầy một khoảng trống quan trọng trong nghiên cứu tư bản thân hữu nói chung và sự xuất hiện của nó ở Trung Quốc nói riêng.

Trong bối cảnh Đảng ta đang mạnh mẽ phát động chiến dịch chống tham nhũng, kiên quyết loại trừ lợi ích nhóm dưới mọi hình thức, quy mô và sắc thái, thì những nội dung trong cuốn sách cung cấp cho chúng ta những thông tin rất bổ ích. Ngay chính nhan đề của cuốn sách “Tư bản thân hữu Trung Quốc” đã là lời nhắc nhở về một hiện tượng nguy hiểm tương tự mà chúng ta cũng đang đối mặt ngày nay và nhất định phải bị loại trừ.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận