Trang chủ

ĐÀO TẠO QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO KIỂU NHẬT BẢN - VÒNG TUẦN HOÀN TÂM THẾ TỐT

Đăng ngày: 19-06-2018, 08:09 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Yumiko Kawanishi

Dịch giả: TS. Nguyễn Thị Bích Huệ

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2018, 274 trang

Kí hiệu: Vv 2878

Là một chuyên gia tư vấn về tâm lý cho các công ty, tác giả Yumiko Kawanishi đã thực hiện nhiều buổi tập huấn cho các nhân viên trong công ty tại hiện trường sản xuất hay tại các trung tâm nghiên cứu về chăm sóc sức khỏe tinh thần và phòng tránh những lỗi do nguyên nhân từ phía con người gây ra. Hơn nữa, để biết được những gì xảy ra tại hiện trường, tác giả đã nhiều lần đến hiện trường để xây dựng nội dung cho bài giảng. Đối với một tổ chức mà việc luân lý, đạo đức được thực hiện triệt để và được xem như một lẽ đương nhiên thì động lực học tập tăng cao và sức khỏe về thể chất và tinh thần được đảm bảo. Ngược lại, một tổ chức không thể thực hiện được những việc tưởng như là lẽ đương nhiên; hay nhân viên làm việc trong tình trạng không nhận thức được vấn đề, không suy nghĩ về những điểm bất ổn hoặc cải tiến mà chỉ đơn giản là thao tác chân tay, sẽ có động lực học hỏi thấp và khả năng tập trung, suy nghĩ của nhân viên sẽ kém. Trong môi trường như thế thì sức khỏe thể chất và tinh thần của nhiều nhân viên sẽ không được đảm bảo.

Với mục tiêu có thể giúp đỡ các tổ chức giải quyết những vấn đề của họ, tác giả đã tìm tòi, nghiên cứu, triển khai áp dụng và cho ra đời cuốn sách “Đào tạo quản lý chất lượng theo kiểu Nhật Bản - vòng tuần hoàn tâm thế tốt”. Xoay quanh vấn đề quản trị tâm thế - thúc đẩy hoạt động cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy sức mạnh cá nhân và tập thể, cuốn sách là tài liệu dành cho nhà lãnh đạo, nhà quản lý muốn thúc đẩy tinh thần cải tiến trong công ty. Cuốn sách gồm 8 chương như sau:

Chương 1: Những yếu tố cần thiết khi tiến hành hoạt động cải tiến. Trong chương này, tác giả đã chỉ ra những khả năng mới của hoạt động cải tiến như môi trường xã hội đa dạng và luôn biến đổi, đồng thời đề xuất hãy thêm chữ tâm và những công cụ đã có. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến những rủi ro do nguyên nhân từ phía con người, cơ chế gây sơ suất của não, rủi ro trong giao tiếp, ghi nhớ công việc, phương pháp làm tăng động lực của nhóm, làm tăng động lực - tự tin về năng lực bản thân, cách hiểu về cơ chế của động lực.

Chương 2: Đào tạo con người và sức mạnh nhóm. Ở đây, tác giả phân tích khả năng giải quyết vấn đề bắt nguồn từ chủ nghĩa tam hiện (hiện vật, hiện trường, hiện thực), tìm hiểu bản chất bằng chủ nghĩa tam hiện, nên thay đổi diều gì, cơ chế của ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao sức mạnh của nhóm thông qua hoạt động cải tiến, hiệu quả vô hình của hoạt động cải tiến và tác dụng của hiệu quả vô hình; sức mạnh nhóm làm tăng sinh khí của tổ chức.

Chương 3: Reteaming - phương pháp xây dựng nhóm mạnh có thể đương đầu với khó khăn. Tác giả trình bày khái quát về Reteaming - xây dựng lại nhóm từ nguồn nhân lực cũ. Bên cạnh đó tác giả cũng đề cập đến việc không giải quyết vấn đề bằng tư duy truy cứu nguyên nhân mà bằng cách hướng tới mong muốn của bản thân trong tương lai; những điểm lưu ý khi thực hiện chương trình Reteaming; quy trình của chương trình Reteaming; ví dụ về thực hành trải nghiệm công việc nhóm trong tập huấn Reteaming; ví dụ về tập huấn Reteaming.

Chương 4: Nâng cao hiệu quả của hoạt động cải tiến bằng “vòng tuần hoàn tâm thế tốt”. Trong chương này, tác giả đề cập đến một số vấn đề cụ thể như nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động cải tiến bằng “vòng tuần hoàn tâm thế tốt”; thiết lập đồng minh cải tiến; xây dựng cây cầu cải tiến; tái cấu trúc vai trò; ví dụ về việc xây dựng vòng tuần hoàn tâm thế tốt.

Chương 5: Giao tiếp trong nhóm để tạo dựng vòng tuần hoàn tâm thế tốt. Tác giả đi sâu vào tinh thần lãnh đạo kiểu mới như giao tiếp sau khi xây dựng cây cầu cải tiến, những bài học rút ra từ việc làm việc nhóm trong lĩnh vực y tế, nhà lãnh đạo dung hợp là gì? Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến phương thức quản trị giao tiếp trong công sở như giao tiếp và stress, ví dụ về đối sách đối với những stress không tự nhận ra, đối sách khi phát triện những tín hiệu nguy hiểm, chú ý khi dùng câu “Có sao không?” để hỏi thăm, bí quyết nói sao để cho người khác có thể mở lòng, bí quyết để nâng cao tính chủ động và sáng tạo, bí quyết truyền đạt ý kiến, làm cho đối phương hiểu vấn đề, 6S là gì.

Chương 6: Làm thế nào để cải thiện sức khỏe của bản thân? Tác giả nêu rõ tại sao phải quan tâm đến sức khỏe của bản thân, nguyên nhân và ảnh hưởng của stress, kiểm tra biểu hiện stress của bản thân, cơ chế biểu hiện của stress, những ảnh hưởng của stress trong giao tiếp và tính cần thiết của việc xử lý stress.

Chương 7: Phương pháp xử lý stress. Ở đây tác giả phân loại những phương pháp xử lý stress, tự kiểm tra tình trạng stress và lí giải cụ thể là xử lý stress do yếu tố thể chất, xử lý stress do yếu tố giao tiếp, xử lý stress do yếu tố tâm lý, xử lý stress do yếu tố môi trường và quản lý lượng cồn.

Chương 8: Kỹ năng giao tiếp khi xử lý vướng mắc. Tác giả đưa ra cách sắp xếp lại các vướng mắc, cải thiện hành động; trình bày sơ lược về “Phiếu thay đổi hành động KSK” trước khi hỏi chuyện và cách sử dụng; sơ lược về “Phiếu thiết lập đồng minh cải tiến KKK” để cải thiện trái tim; “Phiếu xây dựng cây cầu cải tiến” để bắc những nhịp cầu cải tiến; “Phiếu tái cấu trúc vai trò KY” để phân công lại công việc; phần Q&A cho những vấn đề lo lắng, khó khăn; lắng nghe tâm tư của các thành viên; đào tạo con người = xây dựng tổ chức.

Xoay quanh vấn đề quản trị tâm thế - thúc đẩy hoạt động cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy sức mạnh cá nhân và tập thể, cuốn sách là tài liệu dành cho nhà lãnh đạo, nhà quản lý muốn thúc đẩy tinh thần cải tiến trong công ty.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận