Trang chủ

CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ CỦA TRUNG QUỐC TỪ SAU KHI GIA NHẬP WTO VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 19-06-2018, 08:06 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Đặng Thị Phương Hoa chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 307 trang

Kí hiệu: Vv 2877

Chính sách tỷ giá là một thành phần thuộc chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm một hệ thống các công cụ được ngân hàng trung ương sử dụng để tác động vào cung cầu ngoại tệ trên thị trường, từ đó giúp điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm đạt được những mục tiêu xác định. Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới hiện đại, vấn đề tỷ giá và chính sách tỷ giá của Trung Quốc là vấn đề rất nóng. Những điều chỉnh chính sách tỷ giá của Trung Quốc gây ảnh hưởng lớn đối với các nền kinh tế thế giới. Đối với Việt Nam, tác động này càng lớn. Căn cứ vào sức mạnh đang gia tăng  trên toàn cầu của cường quốc láng giềng, sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong các quan hệ kinh tế tương mại đầu tư với Việt Nam, căn cứ vào tác động đa chiều của bản thân chính sách tỷ giá, việc nghiên cứu chính sách tỷ giá của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO luôn cần được nghiên cứu sâu và cập nhật hơn. Vì vậy, nhóm tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Chính sách tỷ giá của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO và hàm ý chính sách cho Việt Nam”. Cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Sơ lược những nghiên cứu về chính sách tỷ giá của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Trong chương này, các tác giả trình bày những nghiên cứu về vấn đề chính sách tỷ giá của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO và những nghiên cứu về lựa chọn/gợi ý lựa chọn chế độ tỷ giá.

Chương 2: Tổng quan về chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc trước khi gia nhập WTO. Các tác giả tập trung phân tích bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước trước khi Trung Quốc gia nhập WTO; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc; chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc giai đoạn trước năm 2001.

Chương 3: Chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO. Với cấu trúc tương tự như ở chương trước, chương này các tác giả cũng đi sâu phân tích bối cảnh quốc tế, bối cảnh trong nước; chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc; chính sách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc giai đoạn sau năm 2001 với những diễn biến của chính sách tỷ giá Trung Quốc và các chính sách hỗ trợ.

Chương 4: Tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ở đây, các tác giả phân tích tác động của chính sách tỷ giá của Trung Quốc đến một số đối tác kinh tế lớn của nước này và đến các nước trong khu vực; tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đến kinh tế đối nội của Trung Quốc, cụ thể là tỷ giá hối đoái và thương mại, tỷ giá hối đoái và dòng đầu tư, tỷ giá hối đoái và lạm phát, tỷ giá hối đoái và nợ nước ngoại, tỷ giá hối đoái và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc; đánh giá tổng hợp các tác động đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc.

Chương 5: Bài học và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Trong phần này, các tác giả đã trình bày tổng quan về chính sách tỷ giá của Việt Nam và bối cảnh hiện nay; đưa ra bài học cho nước ta từ chính sách tỷ giá của Trung Quốc sau khi gia nhập WTO cụ thể là bài học từ quá trình điều hành chính sách tỷ giá của Trung Quốc, bài học từ tác động từ tỷ giá đồng nhân dân tệ, từ quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, bài học từ tác động của chính sách tỷ giá Trung Quốc đến các đối tác thương mại. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra một số gợi ý chính sách và gợi ý giải pháp cho Việt Nam.

Với cách tiếp cận từ góc độ kinh tế quốc tế, không đi sâu vào nghiệp vụ tài chính hay chính sách tiền tệ, cuốn sách đã khái quát chính sách tỷ giá Trung Quốc sau khi gia nhập WTO và đưa ra những gợi ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh những năm gần đây. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận