Trang chủ

TIẾP CẬN TÀI CHÍNH VI MÔ TẠI TRUNG QUỐC, BANGLADESH VÀ PHILIPPINES: BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 19-06-2018, 02:52 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Đặng Thu Thủy

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 250 trang

Kí hiệu: Vv2876

Trong thời gian qua, các quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Bangladesh, Philippines… đang tiến hành các hướng tiếp cận tài chính rõ rệt nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Tại Trung Quốc, cuộc cải cách tài chính đóng vai trò quan trọng trong thành công bước đầu của hoạt động tiếp cận tài chính nhưng đến năm 2005 hệ thống tài chính vi mô Trung Quốc mới có những bước chuyển mình sâu rộng, đúng hướng. Trong kế hoạch phát triển hàng năm của mình, Chính phủ Bangladesh luôn theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Những nỗ lực của Bangladesh trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính mặc dù gặp khá nhiều hạn chế về môi trường pháp lý và hiểu biết của người dân nhưng bước đầu đã đạt được thành công nhất định. Còn tại Philippines, chính phủ đã thiết lập môi trường chính sách tốt để hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô một cách có hiệu quả, cung cấp đến người dân các khoản vay nhỏ đồng thời phát triển nền kinh tế theo hướng tích cực. Lĩnh vực tài chính vi mô tại Philippines được đánh giá phát triển mạnh, hài hóa các mục tiêu, giúp người dân nghèo có thu nhập thấp ổn định kinh tế và dần phát triển kinh doanh nhỏ, giúp xã hội ngày một phát triển bền vững. Các nước Trung Quốc, Bangladesh và Philippines là những nước đang phát triển có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam trong phát triển tài chính vi mô, những kinh nghiệm thành công và những bài học chưa thành công của những nước này là hết sức cần thiết đối với việc xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô nói chung và tăng cường tiếp cận tài chính vi mô nói riêng ở nước ta. Tác giả đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách Tiếp cận tài chính vi mô tại Trung Quốc, Bangladesh và Philippines: bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Cuốn sách gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề cơ bản về tiếp cận tài chính vi mô. Trong chương này, tác giả trình bày một số vấn đề cơ bản về tài chính vi mô, tổ chức tài chính vi mô, khái niệm tiếp cận tài chính, khái niệm về tiếp cận tài chính vi mô, lợi ích của việc tiếp cận tài chính vi mô, các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tài chính vi mô, các chỉ tiêu đánh giá khả năng tiếp cận tài chính vi mô, cơ sở thực tiễn về tiếp cận tài chính vi mô.

Chương 2: Thực trạng và kinh nghiệm của Trung Quốc, Bangladesh, Philippines về tiếp cận tài chính vi mô. Tác giả trình bày tổng quan về hệ thống tổ chức tài chính vii mô tại Trung Quốc, Bangladesh, Philippines thông qua tình hình phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô, hệ thống khuôn khổ pháp lý và các quy định liên quan đến hoạt động tài chính vi mô tại ba nước này. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích thực trạng tiếp cận tài chính vi mô tại Trung Quốc, Bangladesh, Philippines; những kinh nghiệm thành công, những kinh nghiệm chưa thành công và nguyên nhân trong tiếp cận tài chính vi mô tại ba quốc gia trên.

Chương 3: Tiếp cận tài chính vi mô t ại Việt Nam và giải pháp tăng cường tiếp cận tài chính vi mô trên cở sở các bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, Bangladesh và Philippines. Ở đây, tác giả trình bày tổng quan về thị trường tài chính vi mô tại Việt Nam; hệ thống khuôn khổ pháp lý và các quy định liên quan đến hoạt động tài chính vi mô; thực trạng tiếp cận tài chính vi mô tại Việt Nam; phân tích hoạt động tiếp cận tài chính vi mô tại Việt Nam thông qua mô hình kinh tế lượng; đánh giá tình hình tiếp cận tài chính vi mô tại Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời tác giả cũng so sánh tiếp cận tài chính vi mô của Việt Nam với tiếp cận tài chính vi mô tại Trung Quốc, Bangladesh, Philippines; phân tích mục tiêu, quan điểm và yêu cầu phát triển tài chính vi mô ở Việt Nam; đưa ra định hướng, giải pháp, và kiến nghị nhằm tăng cường tiếp cận tài chính vi mô tại Việt Nam.

Với lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện và những hiểu biết sâu sắc hơn về tiếp cận tài chính vi mô nói chung và tiếp cận tài chính vi mô tại Trung Quốc, Bangladesh, Philippines và Việt Nam nói riêng. Đây sẽ là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận