Trang chủ

KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM 2016-2017: THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH CÓ NHIỀU THAY ĐỔI

Đăng ngày: 19-06-2018, 02:49 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 351 trang

Kí hiệu: Vt543

Kinh tế thế giới năm 2016 tiếp tục tăng trưởng trì trệ với các dấu hiệu rủi ro ngày càng đáng lo ngại. Ngoại từ kinh tế Mỹ, các nền kinh tế chủ chốt đều có sự phục hồi yếu hoặc tiếp tục suy thoái, sản xuất và tiêu dùng đình trệ, thương mại và đầu tư bị thu hẹp hoặc tăng trưởng kém. Thương mại toàn cầu tăng trưởng kém nhất trong vòng 15 năm qua, dòng vốn đầu tư rút khỏi các nền kinh tế mới nổi nhanh hơn, tỷ lệ nợ công các quốc gia lên cao mức kỷ lục. Thêm vào đó, kinh tế thế giới còn chịu tác động từ những sự kiện bất ổn khác như Brexit tại Châu Âu, khủng hoảng di cư từ Trung Đông hay làn sóng bảo hộ thương mại lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, với hàng hoạt chính sách có vẻ như đi ngược lại xu hướng tự do hóa thương mại như từ bỏ TPP, xem xét lại NAFTA hay tăng thuế nhập khẩu càng thêm đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu. Triển vọng kinh tế thế giới năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, đặc biệt khi các sự kiện địa chính trị có nguy cơ gây bất ổn ngày càng cao như khủng bố tại Châu Âu, xung đột tại Syria hay cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất ổn, năm 2016 kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phục hồi ấn tượng. Đây là kết quả đáng khích lệ, tạo động lực quan trọng để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trên cơ sở nhìn lại năm 2016, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã cho ra đời cuốn sách “Kinh tế thế giới và Việt Nam 2016-2017: thúc đẩy tăng trưởng và phát triển trong bối cảnh có nhiều thay đổi”. Cuốn sách gồm 3 phần được kết cấu thành 7 chương như sau:

Phần I: Kinh tế thế giới và một số nước, khu vực 2016-2017

Chương 1: Tổng quan kinh tế thế giới đề cập tổng quan về tốc độ tăng trưởng, thương mại toàn cầu, đầu tư toàn cầu, tỷ giá giữa các đồng tiền chủ chốt, tỷ lệ nợ công toàn cầu, lạm phát toàn cầu, thị trường ngoại hối và triển vọng kinh tế thế giới năm 2017.

Chương 2: Kinh tế một số nước và khu vực. Các tác giả đi sâu vào các vấn đề của nền kinh tế Mỹ như tăng trưởng và việc làm, giá cả và lạm phát, các yếu tố khác đóng góp vào tăng trưởng, chính sách tiền tệ và triển vọng kinh tế Mỹ 2017. Đồng thời cũng nêu rõ tình hình kinh tế EU, Liên bang Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á năm 2016 và dự báo năm 2017.

Phần 2: Kinh tế Việt Nam

Chương 3: Tổng quan kinh tế vĩ mô của Việt Nam trình bày vấn đề chất lượng tăng trưởng, so sánh với quốc tế và khả năng tiếp tục xu hướng phục hồi; vấn đề lạm phát; thu chi ngân sách và cán cân tài khóa, xuất nhập khẩu và cán cân thương mại trong nền kinh tế Việt Nam.

Chương 4: Khu vực doanh nghiệp đi sâu vào một số vấn đề nổi bật trong phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam như gia tăng số lượng doanh nghiệp, cơ cấu ngành hoạt động, quy mô doanh nghiệp, liên kết doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng; một số vấn đề chính sách nổi bật trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương 5: Lao động, việc làm và an sinh xã hội. Trong chương này, các tác giả trình bày tổng quan thị trường lao động và một số vấn đề về chính sách phát triển.

Chương 6: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đến Việt Nam. Các tác giả trình bày đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiềm năng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến Việt Nam thể hiện ở nhóm ngành năng lượng, nhóm ngành công nghiệp chế tạo, nhóm ngành dịch vụ, ngành nông nghiệp, quản lý môi trường và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Chương 7: Phát triển bền vững về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu: một số vấn đề nổi bật. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích các áp lực từ hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường trong giai đoạn tới, thảm họa môi trường biển miền Trung sau một năm nhìn lại; các chính sách quốc gia về tăng trưởng xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Phần III: Kết luận và khuyến nghị chính sách. Trong chương này, các tác giả phân tích bối cảnh toàn cầu và bối cảnh trong nước, từ đó đưa ra một số kết luận và khuyến nghị chính sách như ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh cải cách và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực quản lý môi trường và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách giúp bạn đọc có được những hiểu biết toàn diện hơn về nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng trong năm 2016-2017. Cuốn sách là tài liệu tham khảo rất hữu ích không chỉ đối với những nhà hoạch định chính sách mà đối với cả những nhà nghiên cứu khi tìm hiểu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận