Trang chủ

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Đăng ngày: 14-05-2018, 14:43 | Danh mục: Tin tức - Sự kiện

Ngày 10/5/2018 tại khách sạn Lotte Hà Nội, Hội đồng Tây Đông Nam Á - Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong năm 2018.

Tham dự Diễn đàn có Ngài Kim Do-hyon, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam; ông Hwang In Seong, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ; ông Kim Jung In, Chủ tịch Hội đồng Tây Đông Nam Á, Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ; GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; các đại biểu nguyên là đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, Hàn Quốc, các đại biểu là các học giả, những người làm công tác thực tiễn của Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Toàn cảnh diễn đàn

Sau diễn văn khai mạc và diễn văn chúc mừng của đại diện lãnh đạo của các bên chủ trì diễn đàn, Ngài Đại sứ nước Đại Hàn Dân Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun đã có bài phát biểu chào mừng, trong đó khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Hàn - Việt cũng như vai trò và vị trí quan trọng của Việt Nam ở khu vực sông Mekong. Ngài Đại sứ khẳng định sẽ nỗ lực hết sức trong thời gian tới để thúc đẩy hợp tác hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quốc phòng... đồng thời mở rộng những cố gắng ra các nước thuộc khu vực Mekong. Ngài Đại sứ cũng khẳng định Bán đảo Triều Tiên đang trải qua những biến đổi to lớn, sự hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc phải đạt được qua ước vọng của nhân dân hai miền, hy vọng với sự tư vấn và đóng góp của các đại biểu và học giả tham dự, diễn đàn sẽ thành công tốt đẹp.

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Ngài  Kim Do-hyon, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu chào mừng

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đọc diễn văn chúc mừng

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Bà Lee Sook-jin, Phó chủ tịch Hội đồng ASEAN, Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ đọc diễn văn chúc mừng

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Ông Kim Jung-in, Chủ tịch Hội đồng Tây Đông Nam Á, Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc đọc diễn văn khai mạc

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

PGS.TS. Phạm Hồng Thái, Phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xhã hội Việt Nam đọc diễn văn khai mạc.

Với chủ đề “Hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và Hợp tác Hàn Quốc – Mekong”, diễn đàn được tổ chức dưới hình thức hội nghị bàn tròn, chia thành hai phiên. Phiên thứ nhất của có chủ đề “Đánh giá tình hình Bán đảo Triều Tiên và triển vọng”. Các ý kiến thảo luận đều xoay quanh những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên, đánh giá cao kết quả và ý nghĩa của Hội nghị thượng đỉnh hai miền Triều Tiên ngày 27/4 vừa qua – cuộc gặp thể hiện sự nỗ lực lớn lao của các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên trong việc làm dịu bầu không khí căng thẳng, hướng tới các cuộc đàm phán hòa bình nhằm phi hạt nhân hóa và thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Về kinh nghiệm thống nhất của Việt Nam, GS.TS. Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lịch sử chia sẻ, việc thống nhất hai miền Triều Tiên phải đảm bảo 5 mục tiêu quan trọng: (1) phải xác định việc đạt tới mục tiêu thống nhất hai miền là quan trọng và lâu dài; (2) thực tiễn Việt Nam thống nhất đất nước bằng đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao kết hợp đấu tranh quân sự và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới, song với Bán đảo Triều Tiên, quá trình thống nhất phải dựa trên đấu tranh ngoại giao và hòa bình; (3) phải đoàn kết hai miền Nam – Bắc; (4) xác định hai miền là cùng một dân tộc; và (5) quá trình thống nhất phải xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của nhân dân hai miền.

Với chủ đề “Phương án hợp tác phát triển phồn vinh giữa Hàn Quốc và tiểu vùng sông Mekong”, các ý kiến trong phiên thứ hai của hội thảo tập trung vào chính sách phương Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae In, các đề xuất hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc và hợp tác Hàn Quốc – Tiểu vùng sông Mekong. Chính sách phương Nam mới của chính quyền Moon Jae In nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của khu vực ASEAN và nguyên tắc 3P (People, Prosperity, Peace – Con người, Thịnh vượng, Hòa bình) chú trọng sự hợp tác kinh tế mang tính tương hỗ giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN, đồng thời hướng về sự hòa bình tích cực trong các vấn đề an ninh. Với chính sách phương Nam mới, quan hệ Việt – Hàn giờ đây không đơn thuần là quan hệ giữa hai quốc gia mà đã được nâng lên tầm khu vực. Theo các học giả Hàn Quốc, với Tuyên bố Bàn Môn Điếm, bầu không khí hợp tác và đối thoại giữa hai miền Triều Tiên bước đầu đã được thiết lập, đây là thời điểm cần sự can thiệp tích cực và chủ động của Việt Nam – Hàn Quốc, Hàn Quốc – tiểu vùng sông Mekong. Điều này cũng đặt ra cho Hàn Quốc những thách thức trong việc quan tâm và hỗ trợ nhất định đối với các vấn đề an ninh của ASEAN.

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc - Mekong 2018: hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn – Mekong

Các đại biểu VIP chụp ảnh kỷ niệm tại diễn đàn

Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc – Mekong 2018 chính là sự tiếp nối những thành quả đã đạt được của Diễn đàn vì hòa bình Hàn Quốc – Việt Nam được tổ chức 2 lần vào các năm 2015 và 2016 tại Hà Nội, đồng thời mở rộng phạm vi thảo luận nhằm kết nối sự tham gia của các đại biểu đến từ các nước khu vực Tiểu vùng sông Mekong với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam cũng như với các quốc gia trong Tiểu vùng sông Mekong vì sự phát triển hòa bình và thịnh vượng chung.

 

Bảo Bình

0thảo luận