Trang chủ

VẠC DẦU CHÂU Á: BIỂN ĐÔNG VÀ HỒI KẾT CỦA MỘT THÁI BÌNH DƯƠNG ỔN ĐỊNH

Đăng ngày: 19-04-2018, 02:12 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Robert Kaplan

Nhà xuất bản:  Chính trị Quốc gia - Sự thật

Ký hiệu: Vv2845

Biển Đông luôn là một điểm nóng về an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Do đó, tìm hiểu những thông tin về lịch sử, xã hội, con người, chính trị … của các nước xung quanh Biển Đông sẽ giúp chung ta có cách tiếp cận, cách ứng xử khác trong vấn đề hoạch định chính sách an ninh của Việt Nam và các bên liên quan. Để giúp độc giả có thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách Vạc dầu Châu Á: Biển Đông và hồi kết của một Thái Bình Dương ổn định. Ngoài phần mở đầu và lời bạt, cuốn sách gồm 8 chương. Chương I: Thế lưỡng nan của chủ nghĩa nhân văn. Chương II: Biển Caribe của Trung Quốc. Chương III: Số phận của Việt Nam. Chương IV: Sự hòa hợp của các nền văn minh. Chương V: Nhà độc tài tử tế. Chương VI: Gánh nặng từ thuộc địa của Hoa Kỳ. Chương VII: Trạng thái tự nhiên.

Trong phần mở đầu của cuốn sách, tác giả dùng hình tượng những tàn tích của vương quốc Champa để truyền tải hàm ý rằng không có cường quốc nào là bất biến, luôn có sự vận động hình thành một lực lượng mới song song với lực lượng đang tồn tại. Do đó, tương lai luôn khó đoán định và luôn tồn tại nhiều khả năng khác nhau. Trong phần mở đầu, Robert D.Kaplan viết rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể suy yếu hoặc sụp đổ xuất phát từ những áp lực kinh tế và xã hội ngay bên trong đất nước là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Trong cuốn sách này, Robert D. Kaplan đã đặt ra nhiều câu hỏi: Tương lai của Biển Đông sẽ ra sao, yên bình hơn hay bất ổn hơn? Vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trong khu vực và trên thế giới? Liệu Trung Quốc có thể trở thành bá chủ khu vực? Liệu các nước xung quanh Biển Đông có bị chi phối không và vai trò của Mỹ đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tác giả cho rằng, Biển Đông chính là “cuống họng” nối Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với các tuyến đường thương mại và tuyến thông tin liên lạc then chốt. Hơn hết, Biển Đông còn là mấu chốt quan trọng của chính trị nước lớn trên thế giới. Tình hình hiện nay ở Biển Đông rất giống với Biển Caribe trước đây và yêu sách chủ quyền hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông thực chất cũng không khác nhiều so với lập trường của Mỹ đối với Caribe vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Caribe là biển kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, do đó độc chiếm được Caribe cũng đồng nghĩa với việc Mỹ kiểm soát được Tây bán cầu. Tương tự, Biển Đông kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, do đó nếu kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ có khả năng tác động đến cân bằng quyền lực ở Đông bán cầu.

Sau khi khái quát về bức tranh toàn cảnh, Kaplan bắt đầu đi sâu phân tích về từng nước xung quanh Biển Đông. Ông đã đi, tìm hiểu và rồi viết nên các chương sách sinh động về các nước và vùng lãnh thổ, lần lượt là Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines và Đài Loan. Trong mỗi chương, ông khái quát lại về lịch sử đất nước, cá nhân lãnh đạo nổi bật, mối quan hệ với Trung Quốc và đặc điểm chính trị nội bộ, kinh tế, quân sự hiện tại của các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

Tác giả cũng đã đưa ra một vài gợi ý cho Mỹ. Đó là nên chấp nhận vị trí của hải quân Trung Quốc, tìm cách chung sống với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và quan trọng nhất là vẫn phải đảm bảo được các chuẩn mực toàn cầu về tự do hàng hải, tự do thương mại và duy trì được cân bằng quyền lực ở khu vực.

Về tương lai, mặc dù nhận định rằng tình hình sẽ ngày một bất ổn hơn nhưng tác giả dự đoán chiến tranh nóng sẽ không xảy ra ở khu vực. Tình hình bất ổn hơn bắt nguồn từ việc tăng ngân sách quốc phòng, nâng cấp hải quân và mua sắm vũ khí của Trung Quốc cũng như của các nước khác trong khu vực. Bên cạnh các nguy cơ truyền thống, tình hình bất ổn hơn có thể do các mối đe dọa phi truyền thống như cướp biển hay an ninh năng lượng. Ngoài ra, xung đột có vũ trang là điều khó xảy ra vì việc phát động chiến tranh trên biển khó khăn rất nhiều lần so với trên đất liền mà tiêu biểu là vấn đề khoảng cách, huy động quân đội và tàu chiến hay vấn đề hậu cần. Tuy nhiên, do dự báo về tương lai là một điều hết sức khó khăn, nên có thể có nhiều khả năng khác và tác giả bỏ ngỏ rằng không nên chỉ nghĩ theo một hướng.

Cuốn sách Vạc dầu Châu Á: Biển Đông và hồi kết của một Thái Bình Dương ổn định cung cấp nhiều thông tin về lịch sử, con người, chính trị, xã hội của các nước xung quanh Biển Đông chắc chắn sẽ là tài liệu hữu ích cho bạn đọc.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận