Trang chủ

NGA, TRUNG QUỐC VÀ TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Đăng ngày: 29-03-2018, 02:04 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: M. L. Titarenko, V. E. Petrovski

Dịch giả: Lê Thanh Vạn, Nguyễn Trung

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, 558 trang

Kí hiệu: Vv 2866

Các sự kiện xảy ra trên thế giới sau Chiến tranh Lạnh cho thấy một trật tự thế giới mới đang hình thành. Một xu hướng phát triển mới đang ngày càng rõ nét, trong đó Trung Quốc có đầy đủ cơ hội để trở thành một siêu cường mới và là đối thủ cạnh tranh của Hoa Kỳ, đang ngày càng gia tăng đáng kể vai trò của mình trên trường quốc tế. Hệ thống chính trị cho phép sử dụng hiệu quả các nguồn lực để giải quyết những vấn đề quốc gia hơn là các nền dân chủ phương Tây đã nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, nước Nga cũng đang quyết tâm tăng cường vị thế của mình ở Châu Âu, Châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Lợi ích của Nga và Trung Quốc đang có sự giao nhau. Nếu ý tưởng kết nối “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” của Trung Quốc và Cộng đồng kinh tế Á - Âu trở thành hiện thực, thì liên minh chiến lược giữa Nga và Trung Quốc sẽ có tham vọng chiếm một cực trong trật tự thế giới mới, ở đó Bắc Kinh sẽ dựa vào sức mạnh kinh tế, còn Mátxcơva là tiềm lực ngoại giao và chính trị của mình. Cuốn sách “Nga, Trung Quốc và trật tự thế giới mới: lý luận và thực tiến” sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này. Cuốn sách gồm 3 chương cụ thể như sau:

Chương 1: Những cơ sở lý luận - triết học của cấu trúc thế giới mới. Trong chương này, các tác giả trình bày những cơ sở khái niệm và cơ sở triết học của cấu trúc thế giới hài hòa và công bằng; chủ nghĩa Á - Âu mới với tư cách là cốt lõi của việc tự nhận thức bản sắc Nga và sự đóng góp của nó vào việc thiết lập trật tự thế giới mới; những bài học lịch sử và thời đại ngày nay về sự hình thành trật tự thế giới hiện đại ở Châu Á; tiến hóa của trật tự quốc tế ở Đông Á trong bối cảnh “khủng hoảng Ucraina”; “quan hệ Nga - Trung Quốc” - mô hình mới của quan hệ quốc tế thế kỷ XXI.

Chương 2: Nga và Trung Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích so sánh về vai trò và sự tham gia của Nga và Trung Quốc vào quá trình cải tổ những cơ chế quản trị toàn cầu; Nga và Trung Quốc trong các hệ thống đối thoại RIC và BRICs; SCO: triển vọng an ninh và hợp tác trên lục địa Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương.

Chương 3: Nga, Trung Quốc với triển vọng an ninh và hợp tác khu vực. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích triển vọng kết nối những quá trình hội nhập tại Châu Âu, lục địa Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương; Nga, Trung Quốc và thế lưỡng nan của những cơ chế kinh tế - thương mại xuyên khu vực; mô hình an ninh khu vực mới trên lục địa Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương.

Với những dự báo khoa học về triển vọng hợp tác của nước Nga đối với các đối tác Châu Á và Á - Âu, phân tích những con đường mà nước Nga tự nhận thức, tự xác định về vai trò và tương lai của chính mình trong mối quan hệ qua lại với các viễn cảnh phát triển của chính phần Châu Á của Nga và vai trò của Liên bang Nga trong cộng đồng các nước Á - Âu và Châu Á - Thái Bình Dương, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận