Trang chủ

KHÁI LƯỢC VĂN MINH LUẬN

Đăng ngày: 22-02-2018, 02:02 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Fukuzawa Yukichi

Dịch giả: Nguyễn Đỗ An Nhiên

Nhà xuất bản Thế giới, 2018, 417 trang

Kí hiệu: Vv 2864

Trong thế kỷ 19, từ một quốc gia lạc hậu, Nhật Bản đã chuyển mình vươn lên thành một quốc gia hiện đại nhờ cuộc duy tân Minh Trị Nhật Bản. Nhà tư tưởng chính trong công cuộc canh tân này là Fukuzawa Yukichi và bạn đọc Việt Nam đã biết đến ông qua tác phẩm Khuyến họcPhúc ông tự truyện. Nhưng vẫn còn có một tác phẩm hết sức quan trọng khác, mà nhiều người coi là tác phẩm quan trọng nhất của ông, đó là Khái lược văn minh luận. Tác phẩm này được Fukuzawa Yukichi viết và xuất bản năm 1875, trong đó trình bày những đặc điểm và sự phát triển của văn minh các quốc gia Châu Âu, nêu những điểm khác biệt và những sự lạc hậu của người Nhật. Cuốn sách này được ông viết dựa theo cuốn Lịch sử văn minh Châu ÂuLịch sử văn minh Anh quốc. Thời điểm ông viết tác phẩm này là gần 10 năm sau khi công cuộc Minh Trị duy tân bắt đầu ở Nhật Bản. Đó là giai đoạn người Nhật vẫn phải đương đầu với những chống đối trong nước, với nhiều người thuộc phe có tinh thần bảo thủ muốn duy trì thể chế và nhất là văn hóa truyền thống lâu đời. Nhận thức được những khó khăn đó, Fukuzawa Yukichi tin rằng, cần phải lí giải rõ hành trình mà Nhật Bản phải đi để tạo dựng nền văn minh mới, văn minh hiện đại của một quốc gia hiện đại. Cả cuốn sách đề cập đến tiến trình này dưới nhiều yếu tố như thiết chế, việc học tập, thương mại, ông mô tả văn minh như một dòng chảy tất yếu của loài người. Xuyên suốt cuốn sách, ông đề cập đến những yếu tố cơ bản của nền văn minh, đó là khai sáng, tự do, công bằng và những điều tốt đẹp cho xã hội. Cụ thể, nội dung cuốn sách gồm 10 chương như sau:

Chương I: Thiết lập cơ sở lý luận

Chương II: Lấy văn minh phương Tây làm mục tiêu

Chương III: Bàn về bản chất của văn minh

Chương IV và V: Tri thức và đạo đức của người dân một nước

Chương VI: Bàn về tri thức và đạo đức

Chương VII: Bàn về thời gian và địa điểm phải thực hiện tri thức và đạo đức

Chương VIII: Nguồn gốc của văn minh phương Tây

Chương IX: Nguồn gốc của văn minh Nhật Bản

Chương X: Luận về độc lập của nước ta.

Khái lược văn minh luận của Fukuzawa Yukichi là một tác phẩm làm thay đổi thế giới quan của người Nhật lúc đó vốn vẫn còn tư duy theo lối thủ cựu Nho giáo. Vì vậy, với ông, văn minh hiện đại hầu như đối lập với Nho giáo. Điểm cốt lõi của tác phẩm mà Fukuzawa Yukichi hướng tới là những gì mà nước Nhật cần làm để trở thành một quốc gia văn minh, những thay đổi thể chế, chính sách quốc gia, ước muốn độc lập thực sự cả về thương mại, kinh tế và tư tưởng là mục tiêu cao cả nhất. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo vô cùng hữu ích cho bạn đọc.

Thực hiện: HH, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận