Trang chủ

KHÁM PHÁ THIẾT KẾ ĐÔ THỊ HÀN QUỐC: ĐI TÌM BẢN SẮC CỦA 6 THÀNH PHỐ LỚN BUSAN - DAEGU - DAEJEON - GWANGJU - ULSAN - INCHEON

Đăng ngày: 22-02-2018, 01:56 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Kim Min-soo

Dịch giả: Phạm Quỳnh Giang

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2017, 575 trang

Kí hiệu: Vt535

Gần đây ở Hàn Quốc dấy lên một vấn nạn xã hội về các căn bệnh tâm lý như chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ hay trầm cảm. Hội chứng ham mặt chuẩn, dáng chuẩn có thể nói là kết quả của sự lan tràn các phong trào xã hội xem trọng ngoại hình và gắn điều đó với năng lực của con người. Hiện tượng cạnh tranh trên cơ sở của tư tưởng trọng ngoại hình giờ đây đã vượt qua những phức cảm cá nhân để gây tác động đến cả chính sách nhà nước và thiết kế đô thị. Chẳng hạn như hội chứng “xây dựng đô thị hạng sang”, khẩu hiệu mà các địa phương đưa ra. Xuất phát điểm ban đầu là nhằm tạo một thành phố đáng sống cho cư dân. Nhưng trên thực tế hiện nay, dự án xây dựng căn hộ hạng sang chẳng qua là xây dựng thật nhiều chung cư cao cấp rồi bán đi để kiếm thật nhiều tiền lợi nhuận đầu tư và phát triển. Cứ như thế đô thị đang dần trở thành đối tượng của sự cám dỗ và trào lưu, giống ý như thời trang vậy. Tất cả những điều này đều được tác giả Kim Min-soo khéo léo thể hiện trong cuốn sách “Khám phá thiết kế đô thị Hàn Quốc: đi tìm bản sắc của 6 thành phố lớn Busan - Deagu - Daejeon - Gwangju - Ulsan - Incheon”.

Trong phần nói về “cụm rạp” Busan, tác giả đưa ra cấu trúc đa lõi trên địa hình đa dạng của thành phố này; những kí ức về Busan thời cận đại và việc tìm lại kí ức trong mỗi địa danh của thành phố này. Với người đẹp lai - Daegu, tác giả nói đến bản sắc nét đẹp, địa hình lòng chảo khô hạn, việc xây dựng đô thị thực dân trên nền tảng thành ấp Deagu và một Deagu đa sắc màu. Về Deajeon - vị của tô canh sườn bò hầm, tác giả đề cập đến một thành phố phiêu bạt, thành phố đáng sống đời đời kiếp kiếp cũng như hình ảnh mùa xuân bị đánh cắp trên hồ Soje và những hướng chăm chút các lợi thế riêng của Deajeon. Nhắc đến Gwangju - tinh thần “vô đẳng”, tác giả nhắc đến đời sống khốc liệt theo tinh thần vô đẳng nơi đây, hình ảnh thành ấp Gwangju tan biến như sương và lời kêu gọi hãy thiết kế Gwangju bằng cái tâm. Còn về Ulsan - khoảng cách giữa thời tiền sử và hiện đại, tác giả lại đề cập đến vấn đề hiện đại hóa ven sông Taehwa, vấn đề đô thị bị tẩy màu, chỉ còn lại “những mảnh vụn của lịch sử” và việc thiết kế độ thị dành cho Ulsan. Nói đến Incheon - khu “mở cửa cảng” thế kỉ 21, tác giả nhắc đến bước nhảy vọt của thành phố đa lõi, vùng đất được Ju Mong chúc phúc, vấn đề mở cửa cảng và đô thị hóa thực dân, khu tự do thương mại mới IFEZ và sự hồi sinh của khu trung tâm. Bên cạnh đó, tác giả cũng phân tích vấn đề bản sắc đô thị và các thiết kế biểu tượng; không gian lịch sử và sự hồi sinh của khu trung tâm cũng như những thiết kế đô thị khiêm nhường trước đời sống.

Có thể nói rằng vấn đề của bản sắc đô thị Hàn Quốc nảy sinh từ chính sự thiếu nhận thức về bản thân chứ không phải từ điều gì khác. Điều này một phần cũng do những sai lầm lịch sử lâu dài bắt đầu từ thời Nhật Bản đô hộ khi người Hàn Quốc dần quen nhìn nhận cuộc sống và không gian sống của bản thân bằng cái nhìn của người khác. Thông qua việc đi sâu vào bối cảnh lịch sử và bản sắc văn hóa của sáu thành phố lớn trực thuộc trung ương của Hàn Quốc theo ba trục quá khứ - hiện tại và tương lai được thể hiện trong cuốn sách, tác giả đã giúp bạn đọc khám phá toàn cảnh mặt sáng và góc khuất của thiết kế cảnh quan đô thị, kiến trúc, thiết kế công và thiết kế biểu tượng từ góc độ thiết kế đô thị ở các thành phố này.

Xin giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: HH, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận