Trang chủ

NHỮNG ĐIỂM NÓNG LÝ LUẬN TẠI TRUNG QUỐC

Đăng ngày: 9-02-2018, 02:16 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Hà Bỉnh Mạnh chủ biên

Dịch giả: PGS. TS. Lê Văn Toan

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017, 291 trang

Kí hiệu: Vv 2860

Trải qua hơn 30 năm tiến hành đổi mới, Việt Nam đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, có những chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt. Cùng với những thành tựu đó, các cơ quan nghiên cứu đã và đang tiến hành tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn quá trình đổi mới này. Cũng thông qua tổng kết kinh nghiệm cải cách mở cửa ở Trung Quốc, tập thể tác giả Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã tập trung làm nổi bật một số vấn đề nóng đang diễn ra trong đời sống tư tưởng lý luận, kinh tế, xã hội, chính trị Trung Quốc… qua cuốn sách “Những điểm nóng lý luận tại Trung Quốc”. Để cung cấp thông tin và tình hình tranh luận xung quanh những điểm lý luận mới này của Trung Quốc làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu lý luận, hoạch định chính sách Việt Nam trong tình hình mới của quá trình đổi mới, nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức dịch và xuất bản cuốn sách này. Nội dung của cuốn sách gồm 8 chuyên đề cụ thể như sau:

Chuyên đề 1: Tổng thuật quan điểm nghiên cứu chủ nghĩa  tự do mới. Chương này, các tác giả trình bày khái quát về định nghĩa và bản chất của chủ nghĩa tự do mới; về sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tự do mới; các trường phái chủ yếu và nhân vật đại biểu của chủ nghĩa tự do mới; về việc áp dụng chủ nghĩa tự do mới trên thế giới và hậu quả của nó; thái độ khoa học cần có đối với chủ nghĩa tự do mới; về những điều xem xét lại và phê phán chủ nghĩa tự do mới của giới lý luận và khoa học Trung Quốc.

Chuyên đề 2: Quan điểm và ý kiến của giới lý luận tư tưởng hiện nay đối với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác. Trong phần này, các tác giả trình bày quan điểm chung đối với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác; những nhận thức mơ hồ và quan điểm sai lầm hiện nay đối với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác; những ý kiến và kiến nghị đối với việc kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác.

Chuyên đề 3: Một số vấn đề về quan điểm duy vật lịch sử. Các tác giả đi sâu vào mấy vấn đề về quan điểm duy vật  lịch sử và nghiên cứu lịch sử cũng như về vấn đề vận dụng quan điểm duy vật lịch sử để đánh giá nhân vật lịch sử.

Chuyên đề 4: Tranh luận lý luận về quan hệ giữa chủ nghĩa Mác với “chủ nghĩa Mác phương Tây”. Ở đây, các tác giả phân tích những quan điểm khác nhau về tính chất của “chủ nghĩa Mác phương Tây”; nêu bật hai vấn đề quan trọng trong việc đánh giá tính chất của “chủ nghĩa Mác phương Tây” và quan điểm cho rằng “chủ nghĩa Mác phương Tây” có tính chất mác xít thì có thể dẫn đến đa nguyên hóa tư tưởng chỉ đạo?

Chuyên đề 5: Làm thế nào để chế độ cổ phần trở thành hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu. Trong chương này, các tác giả tập trung phân tích chế độ sở hữu và hình thức thực hiện chế độ sở hữu; các quan điểm lý luận khác nhau về cải cách xí nghiệp quốc hữu; nhận thức về chế độ cổ phần và cải cách quyền tài sản xí nghiệp quốc hữu; ý nghĩa của việc tìm tòi và áp dụng nhiều hình thức hữu hiệu thực hiện chế độ công hữu; việc làm cho chế độ cổ phần trở thành hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu.

Chuyên đề 6: Những cách nhìn khác nhau về cơ cấu giai cấp, giai tầng xã hội Trung Quốc hiện nay. Ở đây, các tác giả phân tích vấn đề xoay quanh câu hỏi “phải chăng hiện nay Trung Quốc có “giai cấp tư sản mới”?”, đồng thời phân tích hiện trạng và cơ chế hình thành cơ cấu giai cấp, giai tầng xã hội Trung Quốc hiện nay; phân tích những nhóm tiêu điểm trong quan hệ lợi ích xã hội Trung Quốc từ sau cải cách mở cửa.

Chuyên đề 7: Vấn đề đảm bảo quyền lợi cho nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đề cập đối tượng thuộc “nhóm dễ bị tổn thương” của xã hội Trung Quốc; phân tích nguyên nhân xuất hiện nhóm dễ bị tổn thương; vấn đề và kiến nghị cơ chế cứu trợ xã hội đối với nhóm này.

Chuyên đề 8: Vấn đề văn hóa và nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong chương này, các tác giả tập trung vào vấn đề hiểu thế nào là “toàn cầu hóa”; phân tích sự tấn công của văn hóa, lý luận văn học phương Tây đối với văn hóa, lý luận văn học Trung Quốc; tác động của toàn cầu hóa kinh tế đối với sáng tác văn học.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho bạn đọc Việt Nam, nhất là những nhà lý luận và hoạch định chính sách trong việc tìm ra những bài học phù hợp đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện: HH, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận