Trang chủ

ĐỐI NGOẠI ĐA PHƯƠNG VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Đăng ngày: 9-02-2018, 02:14 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Lê Hoài Trung chủ biên

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2017, 247 trang

Kí hiệu: Vv 2859

Đối ngoại đa phương, xu thế nổi bật của quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, đang ngày càng khẳng định rõ nét vai trò trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới, trở thành một hình thức phổ biến, làm thay đổi chất lượng hoạt động ngoại giao. Đối với Việt Nam, đối ngoại đa phương đã có những đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn toàn xứng đáng có một vị trí cao hơn trong các ưu tiên đối ngoại trong thời gian tới. Sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của nước ta đã được nâng cao. Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 nước và có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là thanh viên tích cực của hầu hết các cơ chế đa phương quan trọng, có quan hệ đối tác và liên kết kinh tế sâu rộng với hầu hết các đối tác hàng đầu trên thế giới, đây cũng là thời điểm Việt Nam đảm nhận nhiều trọng trách và hoàn tất nhiều cam kết quốc tế. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần triển khai hoạt động đối ngoại với tư duy, cách tiếp cận và tư thế mới. Theo đó, việc xác định đúng và trúng những điểm đột phá của đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian tới sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển và vị thế đất nước; đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, với lực lượng lòng cốt là đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương có bản lĩnh, chuyên nghiệp, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về đối ngoại đa phương Việt Nam, TS. Lê Hoài Trung đã biên soạn cuốn “Đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Cuốn sách gồm 3 chương cụ thể như sau:

Chương 1: Đối ngoại đa phương Việt Nam trong 30 năm đổi mới. Trong phần này, các tác giả tập trung trình bày một số vấn đề về khái niệm như chủ nghĩa đa phương, ngoại giao đa phương, đối ngoại đa phương; cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của đối ngoại đa phương Việt Nam; một số bài học kinh nghiệm về mặt chủ trương cũng như thực tiễn triển khai đối ngoại đa phương Việt Nam.

Chương 2: Những cơ sở của đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2025. Trong chương này, các tác giả đi sâu phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước đến năm 2025; các xu thế lớn về đối ngoại đa phương đến năm 2025; cơ hội và thách thức đối với đối ngoại đa phương Việt Nam.

Chương 3: Định hướng đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2025. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích mục tiêu và nhiệm vụ của đối ngoại đa phương Việt Nam đến năm 2025; phương châm chỉ đạo; định hướng đối ngoại đa phương của Việt Nam đến năm 2025 và các biện pháp thực hiện.

Cuốn sách là một nguồn tư liệu khoa học có giá trị, nghiên cứu thực tiễn triển khai công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam hơn ba thập niên qua kể từ khi tiến hành đổi mới, nhận diện và dự báo những yêu cầu mới đặt ra đối với đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất các định hướng dài hạn và biện pháp triển khai nhằm tiếp tục đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện các mục tiêu đối ngoại của đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận