Trang chủ

THƯỢNG HẢI - TOKYO - HÀ NỘI - SEOUL TRONG VĂN CHƯƠNG ĐÔNG Á ĐẦU THẾ KỶ XX

Đăng ngày: 26-12-2017, 01:54 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả:  Phan Thị Thu Hiền chủ biên

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2017, 365 trang

Kí hiệu: Vv 2807

Quan hệ của văn chương với đô thị cổ xưa khá sâu sắc. Chỉ riêng thời hiện đại, phương Tây đã có không ít công trình nghiên cứu cũng như các hợp tuyển liên quan đến đề tài này. Không thể kể hết các nhà nhà văn lớn như Daniel Defoe, Charles Dickens, William Wordsworth, Thomas Stearns Eliot, Emile Zola, Bram Stoker, Rider Haggard, Joseph Conrad, James Joyce, Theodore Dreiser, Francis Scott Fitzgerald, Raymond Chandler… qua những sáng tác bất hủ, từng lưu dấu thành phố của họ, rực sáng hay tối tăm, ngọt ngào hay cay đắng, trong lòng bao thế hệ cư dân thành phố và cả bao thế hệ độc giả từ những xứ sở xa lạ chỉ sống với thành phố qua trang sách. Richard Lehan từng đưa ra nhận định rất chí lý: “Văn chương sáng tạo nên những thực tại tưởng tượng về đô thị và đến lượt mình, biến chuyển của đô thị lại đổi thay những văn bản văn chương… Chủ nghĩa hiện thực lãnh mạn và hài hước cho chúng ta nhìn sâu vào đô thị thương nghiệp, chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa hiện đại khám phá đô thị công nghiệp, trong khi chủ nghĩa hậu hiện đại biểu hiện đô thị hậu hiện đại. Đô thị và văn chương có những lịch sử không thể tách rời.”

Đó là văn chương với đô thị hiện đại phương Tây. Còn đô thị và văn chương phương Đông nói chung, các nước Đông Á nói riêng thì sao? Đây chính là nội dung mà cuốn sách “Thượng Hải - Tokyo - Hà Nội - Seoul trong văn chương Đông Á đầu thế kỷ XX”. Cuốn sách này giới thiệu bốn thành phố nổi tiếng ở bốn quốc gia là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Korea qua những sáng tác văn xuôi tiêu biểu đầu thế kỷ XX. Thượng Hải - Tokyo - Hàn Nội - Seoul, mỗi thành phố với cá tính riêng, độc đáo đồng thời lại chia sẻ những đặc điểm chung mang bản sắc của khu vực Đông Á đang chuyển mình sang hiện đại, có phần khác việt với phương Tây cùng thời.

Ở phương Tây, những đô thị cận đại ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản, được hậu thuẫn bởi cách mạng công nghiệp, đã hình thành, phát triển và thay chế chủ nghĩa phong kiến suy tàn. Trong khi đó, ở Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản đang cải cách mạnh mẽ, chủ động “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, tiến vượt phương Tây”, thì đối với ba nước còn lại, ảnh hưởng văn minh phương Tây và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đều theo bước những thế lực thực dân. Đó là Thượng Hải với những tô giới và khu định cư quốc tế. Đó là Hà Nội dưới ách thực dân Pháp và Seoul dưới ách thực dân Nhật. Ánh sáng “khai hóa” đổi đời diễn ra cùng với sự vong thân: Seoul lúc đó bị Nhật Bản đổi tên từ Hanseong thành Gyeongseong, Hà Nội trở thành “Tiểu Paris của phương Đông”, Thượng Hải trở nên nổi tiếng với những biệt danh “Nữ hoàng phương Đông” và “Gái điếm Châu Á”…

Dòng người từ nông thôn đổ về thành phố làm dân số đô thị tăng vọt. Và không chỉ dân nhập cư mà ngay cả những cư dân gốc của thành phố xưa cũng phải gấp rút tập tành để sống sót, thích ứng, hưởng thụ cuộc sống đô thị hiện đại, về cơ bản, vẫn còn xa lạ với họ. Sự phức tạp của thành phố hiện ra qua mức độ đa dạng càng lúc càng tăng trong đám đông đô thị ngày đêm lưu chuyển, tụ tập qua những nẻo phố phường. Rất nhiều gặp gỡ, tiếp xúc nhưng đôi khi tiền bạc và cạnh tranh vị kỷ có thể biến quan hệ nhân sinh thành những trao đổi giao dịch sòng phẳng, cấp thời, hoặc đơn giản chỉ là nhịp điệu gấp gáp của đô thị có thể khiến người ta dễ dàng trôi qua, vuột mất nhau. Thế nhưng sau tất cả, thành phố vẫn tiếp tục giữ vai trò trung tâm tri thức. Dòng người nơi đô thị có những khách bộ hành trở thành nhà văn của nền văn học mới. Họ trải nghiệm, cảm hứng, suy tư không chỉ khung cảnh mặt tiền của phồn hoa, không chỉ đầu não duy lý của văn minh đô thị mà lắng nhịp đập sâu thẳm trong trái tim nó, đồng cảm sẻ chia với những thân phận cùng lực lầm than, lặn vào những chiều kích ẩn giấu nơi “đáy phố”, nghe rì rầm dòng văn hóa - lịch sử thâm trầm vẫn trôi đi.

Cuốn sách đã gom giữ những bức chân dung thành phố mang sự nhạy cảm đô thị. Không chỉ là văn chương, cuốn sách thực sự là tài liệu tham khảo hữu ích cho những ai quan tâm đến ý nghĩa và bí ẩn của cuộc sống đô thị hiện đại phương Đông được thể hiện qua hình ảnh Thượng Hải, Tokyo, Hà Nội và Seoul trong những năm đầu thế kỷ XX.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới độc giả.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận