Trang chủ

LÝ THUYẾT QUÂN SỰ TRUNG HOA XƯA VÀ NAY

Đăng ngày: 21-12-2017, 02:04 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Chen-Ya Tien

Dịch giả: Nguyễn Duy Chính

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ, 2017, 426 trang

Kí hiệu: Vv 2847

Trong lịch sử, không thể phủ nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với Việt Nam. Có thể nói, các mô hình xã hội, chính trị, văn hóa, thi cử, quan trường… kể cả văn tự trong mấy nghìn năm ông cha ta đều ít nhiều vay mượn của họ. Tuy nhiên, vẫn có những lĩnh vực hiểu biết của chúng ta còn bị giới hạn. Một trong số đó là lĩnh vực phát triển quân sự, đặc biệt là những suy nghĩ triết học của người Trung Hoa về chiến tranh. Chúng ta có thể tìm hiểu cách tổ chức quân đội hay bố phòng nhưng rất khó nắm bắt được những động lực vận hành bộ máy ở đằng sau. Chúng ta ít nhiều biết mưu lược của họ qua Tam Quốc chí, Thủy hử, Đông Chu liệt quốc… nhưng không biết đến một cách cặn kẽ. Trong tài liệu nước ta, trước tác về quân sự hầu như rất ít. Chỉ đến gần đây, chúng ta mới biết đến Binh thư yếu lược của Trần Quốc Tuấn và Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ mà thực chất cũng chỉ là những loại sổ tay bao gồm một số kiến thực cơ bản dành cho võ quan, dạy cách thức hành quân cấp nhỏ chứ không phải bàn về chiến lược quốc gia. Ngược lại, Trung Hoa đã hình thành những tác phẩm quân sự từ lâu, nhiều công trình nghiên cứu quy mô đã xuất hiện từ cổ đại nhưng đến nay vẫn còn giá trị. Những tác phẩm đó không chỉ bàn về chiến thuật, chiến lược mà còn hình thành một triết học quân sự gắn liền với văn hóa Trung Hoa, là những đóng góp đáng kể cho văn minh nhân loại. Để tìm hiểu cũng như đánh giá động thái của một quốc gia lớn ngay sát cạnh chúng ta, dịch giả Nguyễn Duy Chính đã cho ra đời bản dịch cuốn sách “Lý thuyết quân sự Trung Hoa xưa và nay” của tác giả Chen-Ya Tien. Nội dung cuốn sách gồm 7 chương như sau:

Chương 1: Dẫn nhập, phân tích 5 vấn đề chính. Thứ nhất là quyền lực chính trị và sức mạnh quân sự. Thứ hai là kỹ thuật tân tiến và tư tưởng quân sự hiện đại. Thứ ba là công cuộc canh tân quân sự cận đại và ảnh hưởng trên chiến tranh nhân dân. Thứ tư là những yếu tố ảnh hưởng tới sự thay đổi trong tư tưởng quân sự của Trung Quốc. Và thứ năm là phương hướng và bố cục.

Chương 2: Nghiên cứu về các lý thuyết quân sự cổ điển. Ở đây, tác giả đi sâu nghiên cứu nguồn gốc và đặc tính của triết học quân sự cổ điển Trung Hoa; bối cảnh xã hội - chính trị và hậu quả của nó trên triết học quân sự đời Tiên Tần; ý niệm quốc phòng và đại chiến lược thời Tiên Tần; các nguyên tắc chiến lược và chiến thuật chính yếu thời Tiên Tần; việc phát triển của lý thuyết quân sự Trung Hoa sau đời Tần.

Chương 3: Cuộc chiến tranh Nha phiến và sự chuyển hóa của hệ thống quân sự Trung Hoa. Trong chương này, tác giả đi sâu phân tích hệ thống quân sự Trung Hoa trước cuộc chiến tranh Nha phiến; ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nha phiến và phản ứng của Trung Hoa; sự trỗi dậy của các lực lượng địa phương và công cuộc canh tân quân sự của Trung Hoa; Viên Thế Khải và hệ thống quân sự mới của Trung Hoa.

Chương 4: Sự phát triển của tư tưởng quân sự trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa. Tác giả tập trung phân tích tình trạng quân phiệt và sự thoái bộ của hiện đại hóa quân sự; các đòi hỏi phải cải cách quân sự trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa; sái ngạc và quân sự hóa Trung Hoa; bác sĩ Tôn Dật Tiên và quân đội cách mạng; Tưởng Bách Lý và tư tưởng quân sự.

Chương 5: Tư tưởng quân sự của Tưởng Giới Thạch. Ở đây, tác giả trình bày bối cảnh lịch sử của tư tưởng Tưởng Giới Thạch; quan điểm về xây dựng quân đội; quan niệm về chiến tranh của Tưởng Giới Thạch; nghệ thuật điều binh; tư tưởng về chiến tranh chính trị; ảnh hưởng của Tưởng Giới Thạch trong canh tân hóa quân sự.

Chương 6: Tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông. Trong chương này, tác giả tập trung trình bày bối cảnh xã hội - chính trị của tư tưởng quân sự Mai Trạch Đông; nhận thức luận của Mao Trạch Đông về chiến tranh; xây dựng quân đội và các quan niệm chủ yếu của chiến tranh nhân dân; các chiến lược và chiến thuật của chiến tranh nhân dân; hệ thống chính trị viên và chính trị nắm quyền.

Chương 7: Những đường hướng của tư tưởng quân sự. Tác giả đi sâu phân tích tư tưởng cải cách quân sự của Đặng Tiểu Bình; chuẩn bị chiến lược của Trung Quốc trong thập niên 1980; phương hướng phát triển chiến lược của Trung Quốc trong tương lai gần.

Khoa học quân sự của Trung Hoa có một quy mô rất đồ sộ không thể chỉ qua vài trăm trang giấy mà có thể biết được hết. Tuy nhiên, cuốn sách đã tóm tắt và cô đọng được hầu hết những điều căn bản, vừa có vai trò như một tài liệu tổng kết về lĩnh vực này, vừa giúp chúng ta tìm hiểu những bước đầu tiên cho những ai muốn đi sâu hơn.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận