Trang chủ

HÔN NHÂN XUYÊN BIÊN GIỚI VỚI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

Đăng ngày: 13-12-2017, 05:16 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Đặng Thị Hoa

Nhà xuất bản: Khoa học xã hội, 2016, 456 trang

Ký hiệu: Vt 524

 

Miền núi nước ta có vị trí hết sức quan trọng về an ninh, quốc phòng, có ý nghĩa to lớn trong phát triển đất nước và quá trình hội nhập, phát triển. Đây là địa bàn rất đa dạng về thành phần tộc người và văn hóa, là nơi cư trú của hơn 50 dân tộc thiểu số. Với sự di chuyển của nhiều dân tộc qua hai bên bên đường biên giới, có khá nhiều dân tộc ở các tỉnh miền núi có mối quan hệ đặc biệt và chặt chẽ với đồng tộc cư trú bên kia biên giới. Kể từ khi Việt Nam và các quốc gia láng giềng phân định đường biên giới trên đất liền, cắm mốc và việc qua lại đường biên giới phải được thực hiện theo quy định luật pháp của mỗi nước thì vấn đề hôn nhân xuyên biên giới đã và đang trở nên phức tạp trong quản lý và phát triển xã hội. Hôn nhân xuyên biên giới là một hiện tượng văn hóa vốn đã xảy ra trong lịch sử và mang đậm nét văn hóa của các dân tộc vùng biên giới. Đó có thể là hiện tượng trong đời sống cư dân cũng có thể là phương thức ngoại giao ứng phó của các triều đại phong kiến trước đây. Trong những năm gần đây, xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở nước ta hiện nay, hôn nhân xuyên biên giới đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý xã hội. Để giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách Hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội. Cuốn sách gồm 6 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội

Trong chương 1, tác giả khái quát tình hình hôn nhân xuyên biên giới trong bối cảnh xã hội ở Việt Nam và thế giới. Đồng thời đưa ra một số vấn đề lý luận trong nghiên cứu hôn nhân và kinh nghiệm quản lý hôn nhân xuyên biên giới của một số nước như Trung Quốc, Lào, Singapore…

Chương 2: Thực trạng hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi

Chương 2 nghiên cứu đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi, thực trạng về nhận thức và quan niệm về hôn nhân xuyên biên giới. Ngoài ra, chương 2 còn điều tra khảo sát thực trạng tình hình hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi, trong đó đặc biệt chú trọng đến khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

Chương 3: Đặc điểm và xu hướng của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới

Trong chương 3, tác giả tập trung nghiên cứu đặc điểm của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới như đặc điểm về giới tính, chiều kết hôn, hoàn cảnh gia đình, tuổi tác của người kết hôn, môi trường làm quen, lý do kết hôn, phong tục tập quán trong và sau hôn nhân… Bên cạnh đó, các yếu tố tác động đến hôn nhân xuyên biên giới cũng được đề cập đến trong chương này như: bối cảnh thế giới và khu vực, các yếu tố lịch sử và vùng cư trú, các yếu tố kinh tế - xã hội, các yếu tố văn hóa tộc người. Tác giả cũng tìm hiểu về xu hướng kết hôn xuyên biên giới ở vùng biên giới Việt Nam và một số nước láng giềng.

Chương 4: Hôn nhân xuyên biên giới và một số vấn đề xã hội ở các tỉnh miền núi

Vấn đề hôn nhân xuyên biên giới gây ra nhiều ảnh hưởng tới việc quản lý xã hội ở các tỉnh miền núi. Trong đó có vấn đề việc làm, di cư lao động, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an sinh xã hội, vấn đề buôn bán phụ nữ và trẻ em, đảm bảo an ninh và quản lý khu vực biên giới. Các vấn đề này được tác giả phân tích đầy đủ trong chương 4.

Chương 5: Thực trạng quản lý hôn nhân xuyên biên giới ở các tỉnh miền núi hiện nay

Chương 5 đề cập đến quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới, trong đó tác giả tập trung vào các quy định trong quản lý, đăng ký kết hôn, nhập quốc tịch và chính sách phòng chống nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Ngoài ra, chương 5 cũng tìm hiểu về thực trạng quản lý hôn nhân xuyên biên giới và các chính sách hỗ trợ pháp lý đối với người kết hôn xuyên biên giới.

Chương 6: Giải pháp quản lý hôn nhân xuyên biên giới với phát triển xã hội ở các tỉnh miền núi trong bối cảnh phát triển và hội nhập

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều trường hợp kết hôn xuyên biên giới dẫn đến những khó khăn trong quản lý xã hội, tác giả đã đưa ra một số vấn đề cấp bách cần giải quyết trong quản lý hôn nhân xuyên biên giới như: hỗ trợ pháp lý, đăng ký kết hôn, hỗ trợ cho các trường hợp ly hôn trở về Việt Nam, vấn đề chăm sóc trẻ em, vấn đề việc làm, quản lý ổn định dân cư….Tác giả cũng đưa ra một số giải pháp quản lý hôn  nhân xuyên biên giới trong bối cảnh phát triển và hội nhập.

Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận