Trang chủ

KIM TÍCH VẬT NGỮ TẬP

Đăng ngày: 13-12-2017, 05:00 | Danh mục: Giới thiệu sách

(Tập truyện kể xưa nay của Nhật Bản, tập thượng, quyển 11-19)

Dịch giả: Nguyễn Thị Oanh, Trần Thị Chung Toàn, Đào Phương Chi

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2016, 799 trang

Kí hiệu: Vt 518

Việt Nam nằm trong cùng khu vực các nước Đông Á sử dụng chữ Hán và Hán văn, người Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm giống với chữ Katakana của Nhật Bản và thành tạo trong việc dùng chữ Nôm hoặc lối văn hòa trộn giữa chữ Hán và chữ Nôm để sáng tác văn chương. Sau thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam vào thế kỷ XIX, chữ Hán và chữ Nôm được thay thế bằng chữ La tinh, hiện tại chữ quốc ngữ đã được sử dụng chính thức nên chữ Hán hầu như đã bị lãng quên. Tương tự như vậy, ở Hàn Quốc vào thế kỷ thứ XV sau khi chữ Haguru được sáng tạo thì chữ Hán dần dần cũng không được sử dụng. Tuy nhiên, về mặt ngữ vựng, trong tiếng Việt có rất nhiều từ Hán Việt, vì thế cho dù văn tự Hán đã mất đi nhưng từ Hán Việt vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Tức là, gốc của văn hóa chữ Hán và Hán văn vẫn được tiếp tục duy trì, cho nên hiện nay ở các chùa chiền, đền miếu Việt Nam vẫn còn chữ Hán, điều đó có ý nghĩa to lớn đối với các nước thuộc khu vực Hán văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Bán đảo Triều Tiên. Việc nghiên cứu so sánh văn học cổ điển của Việt Nam với Nhật Bản và các nước Đông Á hết sức có ý nghĩa. Từ đó cũng thấy việc dịch và xuất bản Kim tích vật ngữ tập là thành quả quan trọng.

Kim tích vật ngữ tập được biên soạn vào nửa đầu thế kỷ thứ XII, là tập đại thành truyện kể và truyền thuyết dân gian vẫn chưa hoàn thành. Tác phẩm là bộ sưu tập khổng lồ tổng cộng 31 quyển với hơn 1000 truyện, trong nó còn mang nhiều nghi vấn chưa được giải đáp về thời điểm biên soạn, người biên soạn, địa điểm biên soạn và mục đích sáng tác. Kim tích vật ngữ tập được chia làm ba phần. Phần thứ nhất là Thiên Trúc, từ quyển 1 đến quyển 5, tập hợp các truyện kể kỳ lạ về Phật giáo. Phần thứ hai là Chấn Đán, từ quyển 6 đến quyển 10, gồm các truyện lạ, truyện kỳ được trích từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Phần thứ ba là Bản Triều, từ quyển 11 đến quyển 31, tập hợp các truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian của Nhật Bản, đa phần các truyện đều mang yếu tố linh thiêng, hoang đường, kỳ ảo. Trọng tâm là truyện kể Phật giáo, nhưng 1/3 trong số đó là truyện Thế tục, mô tả một cách sinh động về đời sống, văn hóa tín ngưỡng của các tầng lớp người dân trong xã hội Nhật Bản thời cổ đại.

Ở phần thứ ba này, Kim tích vật ngữ tập đề cập đến nhiều nhân vật, từ đức Phật Thích ca, Quan âm Bồ tát; Địa tạng Bồ tát đến các nhà sư, đạo sĩ, người tu hành; đến các tầng lớp quý tộc như Quốc vương, Hoàng đế, Thiên hoàng, các tầng lớp khác trong xã hội như quý tộc, bề tôi, võ sĩ, lực sĩ Sumo, thầy thuốc, thầy âm dương, kẻ cắp, phụ nữ và trẻ em… đến các thần linh, quỷ dữ, ma ác, các vật kì dị và động đất.

Không gian của Kim tích vật ngữ tập rộng lớn, từ Thiên Trúc, Thiên Giới, Núi Tu Di, Trung Quốc, Triều Tiên… đến các cung điện, chùa chiền, đền miếu của Nhật Bản, tiếp đó đến thế giới bên kia như minh giới, địa ngục. Truyện sử dụng nhiều mô típ được định hình trong truyện kể của khu vực và thế giới như mô típ cây thiêng, gò đống, đồi núi, mây mù, sông nước, đến các  mô típ sinh nở kỳ lạ, thai sinh, thác sinh, vãng sinh, sống lại, chuyển kiếp, hóa thân, giấc mơ…

Tác phẩm không chỉ là tư liệu quý cho việc nghiên cứu văn học cổ điển Nhật Bản, mà còn là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử văn học so sánh ở Đông Á. Việc nghiên cứu tác phẩm ở nước ngoài, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Nhật Bản là góp phần giới thiệu những tinh hoa của văn học cổ điển Nhật Bản ra thế giới, là nhịp cầu giao lưu nối các nền văn hóa mang bản sắc riêng xích lại gần nhau hơn.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận