Trang chủ

CẢI CÁCH ABENOMICS Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 13-12-2017, 04:59 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: PGS. TS. Phạm Quý Long chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 207 trang

Kí hiệu: Vv 2842

Với quan điểm lạc quan vào đầu năm 2013, phần đông người Nhật nhận định cải cách Abenomics là một phương thuốc đặc trị và có sứ mênh lịch sử nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải của thực tế xã hội nước Nhật. Về khía cạnh điều hành quản trị nền kinh tế vĩ mô, thách thức đối với Thủ tướng Shinzo Abe khi lên cầm quyền là làm sao giúp cho Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát, từng bước giảm nợ công, ứng phó với sự già hóa dân số và giảm lực lượng lao động, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững, trong khi vẫn phải cố gắng duy trì một hệ thống an sinh xã hội chắc chắn và ngày càng phồng to nhằm tạo nền tảng cho sự ổn định xã hội trong điều kiện gánh nặng của một xã hội già hóa ở tỷ lệ khá cao tiếp tục gia tăng.

Việt Nam và Nhật Bản đang xây dựng các nội dung cụ thể và phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ chính trị được thiết lập tốt đẹp như vậy là cơ sở để hai nền kinh tế nâng cao hơn nữa sự gắn kết và sự phụ thuộc lẫn nhau cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Hiện tại, kinh tế Nhật Bản đang trong quá trình cải cách sâu rộng và toàn diện thông qua việc triển khai chương trình cải cách Abenomics đầy tham vọng. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cải cách có tác dụng rất tích cực, tạo khả năng vực dậy nền kinh tế Nhật Bản sau thời gian dài trì trệ. Tuy nhiên, các mặt trái của những tác động cũng như các hệ quả của chương trình cải cách vẫn còn là một ẩn số ở phía trước. Sự thành hay bại của chương trình cải cách này vẫn tiếp tục là câu hỏi để ngỏ cho giới nghiên cứu. Do vậy, việc khảo sát và tổng kết thực tiễn từ đánh giá kết quả thực hiện chương trình cải cách Abenomics ở Nhật Bản cũng như việc thực hiện công tác nghiên cứu dự báo về những tác động của chương trình cải cách này tới quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản là một nhu cầu cấp thiết. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết nêu trên, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời cuốn sách “Cải cách Abenomics ở Nhật Bản” với những nội dung chính như sau:

Chương 1: Bối cảnh ra đời của cải cách Abenomics. Trong chương này, các tác giả đi sâu phân tích thách thức phát triển và kỳ vọng phục hưng vị thế Nhật Bản; sứ mệnh lịch sử của Thủ tướng Shinzo Abe trong tiến trình ra đời chính sách Abenomics đó là tiếp nối, bổ sung và hoàn thiện các cuộc cải cách lớn, diễn ra dang dở trước đây (từ những năm 1990 đến tháng 12/2012) và đôi nét về đặc điểm người khởi xướng Abenomics.

Chương 2: Nội dung và tác động của việc triển khai cải cách Abenomics tới nền kinh tế Nhật Bản. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích kế hoạch, mục tiêu, nội dung và lộ trình triển khai cải cách Abenomics trong giai đoạn 1 (phiên bản 1.0) từ tháng 12/2012 đến tháng 10/2015 và giai đoạn 2 (phiên bản 2.0) từ tháng 10/2015. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đánh giá tác động ban đầu của Abenomics phiên bản 1.0 và 2.0 tới nền kinh tế Nhật Bản và một số nhận xét rút ra từ thực tiễn Nhật Bản.

Chương 3: Triển vọng của Abenomics và hàm ý cho Việt Nam. Các tác giả đưa ra những đánh giá về triển vọng của cải cách Abenomics, trong đó đưa ra quan điểm lạc quan về triển vọng phục hưng vị thế Nhật Bản, niềm tin đang mất dần đối với Abenomics từ đánh giá dự báo ngắn hạn và một số vấn đề đặt ra của Abenomics trong trung hạn. Đồng thời, nhóm tác giả cũng đưa ra một số hàm ý chính sách cho Việt Nam, cụ thể như khi Việt Nam xây dựng chính sách cần lưu ý các đánh giá tác động lan tỏa từ sự tương tác giữa cải cách Abenomics ở Nhật Bản đối với môi trường phát triển kinh tế ở Châu Á; đặc điểm thực tế trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn ở Nhật Bản hiện nay trong xử lý vấn đề vốn vay ODA của Nhật Bản.

Trên thực tế, cải cách Abenomics vẫn tiếp tục được triển khai thực hiện ở Nhật Bản. Các đánh giá kết quả, đúc rút kinh nghiệm sẽ giúp cho những bước triển khai cải cách tiếp theo đạt hiệu quả hơn, đồng thời sẽ hữu ích đối với quá trình xây dựng thêm các luận cứ khoa học trong định hình các chính sách phát triển cho Việt Nam, đặc biệt trên khía cạnh khai thác tốt nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận