Trang chủ

Thuyết trình khoa học "Thay đổi mô hình quản lý và sự bền vững của các công ty"

Đăng ngày: 23-11-2017, 04:51 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 22 tháng 11 năm 2017, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề "Thay đổi mô hình quản lý và sự bền vững của các công ty". Tham dự buổi thuyết trình có ngài Im Hong-jae, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, ban lãnh đạo và các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và một số đại biểu đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngài Im Hong-jae hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Học viện Ngoại giao Hàn Quốc và Đại học Quốc gia Incheon. Đồng thời, ông cũng là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Quốc tế, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc. Trước khi trở thành đại sứ tại Iraq, Iran, Việt Nam, ngài Im Hong -jae từng giữ nhiều trọng trách như: Tổng giám đốc Văn phòng Kinh tế Quốc tế tại Bộ Ngoại giao (MOFAT), cố vấn phụ trách nhân quyền Phái đoàn Chính phủ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc ở New York và Phái đoàn Hàn Quốc tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Từ tháng 3 năm 2013 đến tháng 4 năm 2017, ông giữ chức Tổng thư ký Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC) tại Hàn Quốc.

Tại buổi thuyết trình, ngài cựu đại sứ đã dành thời gian chia sẻ với tập thể cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á và các đại biểu 4 vấn đề chính liên quan đến chủ đề "Thay đổi mô hình quản lý và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp", cụ thể: (i) Những thách thức trước sự thay đổi môi trường toàn cầu và các doanh nghiệp; (ii) Trách nhiệm xã hội (CSR); (iii) Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp Quốc (UN Global Compact-UNGC); (iv) Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).

Thuyết trình khoa học "Thay đổi mô hình quản lý và sự bền vững của các công ty"

Toàn cảnh buổi thuyết trình

Theo ngài Im Hong-jae, sự thay đổi của môi trường toàn cầu, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hóa có tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế tất yếu và các nền kinh tế đang phát triển theo xu hướng toàn cầu. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng thông tin, truyền thông tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các thông tin của doanh nghiệp một cách dễ dàng, nâng tầm quan trọng của các giá trị và đạo đức trong kinh doanh của doanh nghiệp… Những thay đổi của môi trường kinh tế toàn cầu đặt ra cho doanh nghiệp những cơ hội thuận lợi song hành với những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt.

Bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng doanh nghiệp phù hợp với pháp luật hiện hành thì đều phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội, đó là việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội (CSR) là tạo ra các giá trị bền vững cho các bên liên quan bao gồm nhà đầu tư, người tiêu dùng, người lao động, môi trường và cộng đồng nhằm mục đích đạt được sự bền vững của công ty. Các lý do cần phải đẩy mạnh trách nhiệm xã hội là sự thay đổi của môi trường kinh doanh (ý nghĩa của việc quản lý uy tín của doanh nghiệp, quan tâm tới biến đổi khí hậu, phát triển internet và truyền thông xã hội, dân số bạc…)  và nhu cầu từ các bên liên quan (nhà đầu tư, người tiêu dùng, chính phủ, người lao động…). Thực tiễn cho thấy, những doanh nghiệp thực hiện tốt CSR không bị thua thiệt, mà thường đạt được những lợi ích đáng kể, bao gồm tăng giá trị thương hiệu, thêm cơ hội tiếp cận những thị trường mới, giảm chi phí, tăng doanh thu, giảm tỷ lệ nhân viên thôi việc, tăng năng suất.

Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UNGC) là một sáng kiến tự nguyện của Liên Hợp Quốc được hình thành và đưa ra bởi cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan vào năm 1999. UNGC được thành lập ngày 26/07/2000 nhằm gắn kết khối doanh nghiệp tư nhân trong việc chỉ ra những thách thức trong tiến trình phát triển với sự tham gia của trên 12.000 thành viên, gồm hơn 8.000 doanh nghiệp đến từ 165 quốc gia trên thế giới. UNGC là mạng lưới lớn nhất hoạt động dựa trên các tiêu chí về tính bền vững cho doanh nghiệp, đi đầu trong những sáng kiến được các giám đốc điều hành doanh nghiệp thông qua. UNGC đề cập đến trách nhiệm xã hội của công ty (CSR-corporate social responsibility), bao gồm bốn giá trị về quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng. Hiệp ước khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các chính sách bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Hiệp ước lồng ghép 4 phạm trù giá trị về quyền con người, quyền lao động, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng với 10 nguyên tắc và có nhiệm vụ hỗ trợ và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Những vấn đề ngài Im Hong-jae đề cập rất được các đại biểu quan tâm. Theo PGS.TS Phạm Quý Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, vấn đề trách nhiệm xã hội trước đây đã được các nhà kinh tế, xã hội, văn hóa quan tâm, thí dụ học giả Philip Kotler đề cập tới trách nhiệm xã hội trong nghiên cứu marketing, nhưng trong bối cảnh mới nó lại được chú trọng hơn bao giờ hết bởi các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các chính phủ... và trở thành vấn đề cấp thiết. Trách nhiệm xã hội đã trở thành nguyên tắc, mục tiêu hoạt động sống còn của doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt có ý nghĩa với thực tiễn tại Việt Nam. Các đại biểu của đặt nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, liên quan đến CRS của Hàn Quốc và sự chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam – vốn có tới 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ý kiến trao đổi và câu hỏi nêu ra được ngài cựu đại sứ nhiệt tình giải đáp và chia sẻ.

 

Phan Thị Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc

0thảo luận