Trang chủ

SỰ ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH – TIỀN TỆ: TÁC ĐỘNG VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Đăng ngày: 16-10-2017, 04:18 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: TS. Tô Thị Ánh Dương

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 231 trang

Kí hiệu: Vv2838

Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang ở giai đoạn có tính bước ngoặt, những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh đang suy giảm đến mức nếu không tạo được động lực mới thì nền kinh tế sẽ rơi vào trì trệ, không thể phát triển một cách bền vững. Kinh tế vĩ mô của Trung Quốc những năm gần đây này sinh nhiều vấn đề như tăng trưởng kinh tế chậm lại, tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng và đầu tư tạo ra những bất ổn; tín dụng tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là tăng mạnh nguồn vốn của các ngân hàng ngầm trong tổng tài chính xã hội; chính sách tài khóa tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng chủ yếu thông qua các khoản chi ngoài ngân sách, đặc biệt là ở cấp chính quyền địa phương… Những rủi ro trong các khu vực then chốt của nền kinh tế Trung Quốc có xu hướng tăng. Bên cạnh đó là các vấn đề của chính quyền địa phương và những khó khăn của hệ thống ngân hàng cũng ngày càng tăng. Với những thách thức cả về kinh tế, xã hội và môi trường ngày càng lớn, sự cần thiết phải có các cuộc cải cách khác đã trở nên cấp bách đối với Trung Quốc. Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc  đã đề ra chủ trương “đi sâu cải cách toàn diện”, coi “cải cách kinh tế là trọng điểm của đi sâu cải cách toàn diện”. Một trong những trọng điểm cải cách kinh tế chính là cải cách hệ thống tài chính – tiền tệ.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, do đó, những điều chỉnh chiến lược, những phương thức phát triển mới của Trung Quốc sẽ tác động tới khu vực và thế giới. Đối với việt nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Bởi vậy, những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc nói chung, điều chỉnh chiến lược trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ nói riêng có những tác động không nhỏ tới nước ta. Trước yêu cầu đó, TS. Tô Thị Ánh Dương đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ: tác động và hàm ý chính sách”. Nội dung cuốn sách gồm 4 chương như sau:

Chương 1: Tổng quan những cải cách của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Trong chương này, tác giả đi sâu phân tích những cải cách trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ của Trung Quốc qua 4 giai đoạn cụ thể. Giai đoạn 1 (1978-1997) là giai đoạn đầu của cải cách. Giai đoạn 2 (1997-2005) là giai đoạn cải cách tài chính sâu hơn. Giai đoạn 3 (2005- cuối năm 2012) là giai đoạn cải cách tài chính bị trì hoãn. Giai đoạn 4 (cuối năm 2012 đến nay) là giai đoạn đẩy mạnh cải cách tài chính. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đưa ra định hướng phát triển cho ngành tài chính của Trung Quốc.

Chương 2: Những trọng tâm cải cách trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ của Trung Quốc. Ở đây, tác giả đã phân tích mục tiêu, bối cảnh điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ từ Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc, kỷ nguyên “bình thường mới” và vai trò của cuộc cải cách này. Đồng thời, tác giả cũng phân tích những đặc trưng của hệ thống tài chính Trung Quốc và quá trình tự do hóa lãi suất; cú sốc thị trường liên ngân hàng Trung Quốc vào tháng 6/2013; thị trường hóa chính sách tỷ giá (1/1994-8/2015); phá giá đồng Nhân dân tệ và sự điều chỉnh cơ chế điều hành chính sách tỷ giá hối đoái; những điều chỉnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc và nguyên ngân bất ổn; sự đổ vỡ thị trường chứng khoán Trung Quốc tháng 7/2015 và những phản ứng chính sách.

Chương 3: Chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và các sáng kiến tài chính của Trung Quốc. Chương này, tác giả tập trung làm rõ mục tiêu, lộ trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc; thực tiến quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ; các biện pháp quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ; vấn đề thành lập Ngân hàng Phát triển mới và Quỹ Dự trữ khẩn cấp; Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và Quỹ “Con đường tơ lụa”; việc thành lập Ngân hàng Đàu tư cơ sở hạ tầng Châu Á.

Chương 4: Tác động của sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính  - tiền tệ : giải pháp và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam. Trong chương này, tác giả đi sâu phân tích tác động của chiến lược quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, giải pháp và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam; tác động của việc đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế và kiến nghị chính sách; tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái và phản ứng chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; kiến nghị chính sách đối với Việt Nam trước việc Trung Quốc thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được sự hiểu biết toàn diện và sâu sắc về những điều chỉnh mang tính chiến lược của Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ, để từ đó rút ra được những hàm ý chính sách cho nước ta. Cuốn sách là tài liệu rất hữu ích cho bạn đọc khi tìm hiểu về vấn đề này. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận