Trang chủ

QUAN HỆ GIỮA TRUNG QUỐC VỚI PAKISTAN, CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN, MÔNG CỔ TRONG BỐI CẢNH TRUNG QUỐC ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN

Đăng ngày: 13-10-2017, 09:03 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung chủ biên

Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2017, 295 trang

Kí hiệu: Vv2835

Bước sang thế kỷ XXI, sự trỗi dậy về kinh tế, quân sự và địa vị của Trung Quốc trên khu vực và thế giới đã được cộng đồng quốc tế quan tâm. Điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc gắn liền với phương thức phát triển mới mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định mạnh mẽ từ Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay. Một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc sẽ là những nước đầu tiên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển mới này. Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Mông Cổ là ba quốc gia láng giềng nhỏ cạnh một Trung Quốc khổng lồ chắc chắn sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ các chính sách của Trung Quốc. Trên cơ sở phân tích những bước phát triển trong quá trình thay đổi và điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc cũng như quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, PGS. TS. Nguyễn Xuân Trung đã cho ra đời cuốn sách “Quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh chiến lược phát triển”. Cuốn sách được kết cấu 3 chương với những nội dung cụ thể như sau:

Chương 1: Một số vấn đề về điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Trong chương này, các tác giả trình bày khái quát sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc sau Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm điều chỉnh chiến lược phát triển bên trong; điều chỉnh chiến lược ngoại giao; điều chỉnh chiến lược kinh tế đối ngoại; điều chỉnh chiến lược an ninh, quốc phòng; chiến lược phát triển cường quốc văn hóa. Bên cạnh đó, các tác giả cũng phân tích đặc điểm các nước láng giềng của Trung Quốc và điều chỉnh chiến lược cơ bản của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Chương 2: Thực trạng quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích sự điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc với Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ; phản ứng chính sách của Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ; quan hệ Trung Quốc – Pakistan, Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc – Mông Cổ trên các lĩnh vực chủ yếu.

Chương 3: Đánh giá quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ. Chương này, các tác giả đánh giá mức độ quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ; tính chất quan hệ của ba cặp quan hệ; những điểm nổi bật trong các lĩnh vực quan hệ, hợp tác chủ yếu; phản ứng trước các chính sách và sáng kiến của Trung Quốc; trọng tâm và công cụ chính sách của Trung Quốc với từng nước; mức độ tác động đối với ba nước; kết quả đạt được của ba nước trong quan hệ với Trung Quốc; các nhân tố bên ngoài tác động đến quan hệ của ba nước với Trung Quốc; khó khăn, thách thức với Trung Quốc. Đồng thời, các tác giả cũng đưa ra triển vọng quan hệ của Trung Quốc với Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Thông qua 295 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được những hiểu biết khá sâu sắc và toàn diện về quan hệ của Trung Quốc với ba nước Pakistan, CHDCND Triều Tiên, Mông Cổ. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về vấn đề này. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận