Trang chủ

NGƯỜI HÀN QUỐC LÀ AI? 38 MẬT MÃ LÀM NÊN BẢN SẮC NGƯỜI HÀN QUỐC

Đăng ngày: 13-10-2017, 09:01 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Kim Moon-jo chủ biên; Dịch giả: Phạm Quỳnh Giang

Nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật – Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2016, 600 trang

Kí hiệu: Vv 2827

Trong nửa thế kỷ qua, Hàn Quốc đã trải qua nhiều biến động xã hội. Cùng với thành tích tăng trưởng kinh tế mang tên “kỳ tích sông Hàn”, Hàn Quốc cũng đã lập nên một kỳ tích về chính trị là “dân chủ hóa”. Nhưng quá trình này đã sản sinh ra biết bao nhiêu vấn đề xã hội như nạn tự sát, bạo lực, hiếp dâm… Những vấn đề xã hội này đa phần có nguồn gốc từ sự hỗn loạn về giá trị quan, đúng hơn là sự thiếu vắng nền tảng của giá trị quan, hay còn gọi là tình trạng vô tổ chức. Gần đây, người ta đang cố gắng giải đáp những câu hỏi ở một cấp độ sâu xa hơn về bản chất của hạnh phúc “rốt cuộc giá trị mà chúng ta đang theo đuổi là gì?”, và về chủ thể làm ra giá trị ấy “bản thân chúng ta là ai?”. Phong cách “sống an lạc”, “sống trọn vẹn” cũng đã trở nên thịnh hành trong xã hội ngày nay. Trong bối cảnh ấy, Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tinh thần Xã hội Samsung dựa trên những nghiên cứu gần đây của mình để thu thập những ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực bước đầu tháo gỡ nút thắt cho việc giải đáp các câu hỏi về bản sắc của người Hàn Quốc. Cuốn sách “Người Hàn Quốc là ai? - 38 mật mã làm nên bản sắc người Hàn Quốc” được Viện này lên kế hoạch thực hiện trong vòng 8 năm nhằm mục đích đưa ra cái nhìn tổng thể đối với các nghiên cứu về bản sắc của người Hàn Quốc. Nội dung của cuốn sách được kết cấu thành 6 phần như sau:

Phần 1: Nhận thức của người Hàn Quốc về xã hội. Trong phần này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề chủ yếu như phải chăng mọi người Hàn đều hám quyền?; mẫu thuẫn về tư tưởng trong xã hội Hàn Quốc; cái nghèo truyền kiếp trong xã hội Hàn Quốc; người Hàn Quốc có bị nghiện công việc?; phong cách mua sắm và tiêu dùng của người Hàn Quốc; công – tư đối với người Hàn Quốc?; tư tưởng cầu phúc trong tín ngưỡng của người Hàn; tinh thần khiêu chiến của người Hàn; mức độ đồng cảm trong xã hội Hàn Quốc; cách nhìn nhận của người Hàn Quốc đối với truyền thống.

Phần 2: Tâm lí xã hội của Hàn Quốc. Ở đây, các tác giả đi sâu phân tích chủ nghĩa cộng đồng ở Hàn Quốc; đời sống tình cảm của người Hàn; người lưỡng tính có hạnh phúc hơn?; thế hệ trẻ ở Hàn Quốc có khác gì?; phong cách lãnh đạo của người Hàn Quốc; nạn phân biệt vùng miền ở Hàn Quốc.

Phần 3: Nhận thức về cuộc sống. Phần này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề cụ thể như hôn nhân là sự lựa chọn hay duyên phận?; con cái, niềm vui hay gánh nặng của đời sống hôn nhân?; bản sắc của tầng lớp trung niên?; thời đại thọ 100 tuổi, phúc hay họa?; quan điểm của người Hàn về cái chết; gia đình đối với người Hàn như nước đối với cá?; đàn ông chỉ thành người khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự?.

Phần 4: Nhận thức về pháp luật. Trong phần này, các tác giả đi sâu vào vấn đề người Hàn Quốc có ngại kiện tụng?; sự bất tín với với nền tư pháp và lương tâm của nhà luật pháp; chế độ gia trưởng có phải là “truyền thống” của Hàn Quốc?; nhận thức về nhân quyền của người Hàn Quốc; người Hàn Quốc có mong muốn đất nước thống nhất?.

Phần 5: Đời sống nội tâm của người Hàn Quốc. Ở đây, các tác giả phân tích vấn đề người Hàn ngày nay không còn biết thẹn?; xã hội Hàn Quốc có còn độc tài?; hạnh phúc là gì trong mắt người Hàn Quốc?; người Hàn Quốc có cởi mở với cái mới?.

Phần 6: Đời sống của thế hệ thanh thiếu niên Hàn Quốc. Phần này, các tác giả tập trung phân tích một số vấn đề cụ thể như hạnh phúc phụ thuộc vào thứ hạng thành tích học tập?; hiện tượng học thêm ở Hàn Quốc; hiện tượng thất nghiệp ở Hàn Quốc; cha mẹ chịu trách nhiệm với con cái đến đâu là đủ?; người Hàn Quốc theo đuổi công việc ổn định quá mức?; tư tưởng trọng hình thức và sức khỏe tinh thần của giới trẻ Hàn Quốc.

Với những nội dung nêu trên, cuốn sách đã giúp bạn đọc có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về bản sắc của người Hàn Quốc. Cuốn sách là tài liệu thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu về Hàn Quốc nói chung và về bản sắc của người Hàn Quốc nói riêng. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận