Trang chủ

KYOJINKA: TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUỐC GIA ỨNG PHÓ THẢM HỌA Ở NHẬT BẢN, CHÂU Á VÀ THẾ GIỚI

Đăng ngày: 29-09-2017, 07:15 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: T. Nikai, T. Takebe, S. Fujii

Dịch giả: Nghiêm Vũ Khải, Đoàn Mạnh Cường

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2017, 326 trang

Kí hiệu: Vt 516

Nhật Bản là một trong những nước đã và đang chịu nhiều thảm họa nhất thế giới từ thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần cho đến những thảm họa do con người gây ra như sự cố nhà máy điện hạt nhân, chiến tranh… Việc bảo vệ tính mạng con người khỏi các thảm họa này là một nghĩa vụ chính trị lớn lao. Vì vậy, Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã đề xướng và thực hiện nỗ lực tăng cường năng lực quốc gia. Hội đồng điều tra tổng hợp về năng lực quốc gia thuộc Đảng này, mà đứng đầu là Toshihiro Nikai đã biên soạn cuốn sách “Kyojinka: tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa ở Nhật Bản, Châu Á và thế giới”. Đây là một tác phẩm - một quan điểm chính trị đã đúc rút ra những những điều cốt lõi của “Luật cơ bản về tăng cường năng lực quốc gia” của Nhật Bản. Năm 2014, cuốn sách đã được phát hành bản tiếng Anh. Đến năm 2015, ông Toshihiro Nikai đã kí trao bản quyền dịch, in ấn, xuất bản, sao chép và bày bán bản tiếng Việt của tác phẩm tại Việt Nam. Đây là tác phẩm gồm các bài viết và tư liệu quý giá của một số nhà chính trị lớn, học giả và tổ chức nghiên cứu chính sách nổi tiếng của Nhật Bản về ứng phó với thảm họa thiên tai. Nội dung cuốn sách được chia thành 5 phần như sau:

Phần 1: Tuyên ngôn số 1 về tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa (Kokudo Kyojinka). Phần này nói về triết lý phòng chống thiên tai; bài học từ lịch sử; ý nghĩa của Luật về áp dụng các biện pháp ứng phó với sóng thần; chuẩn bị sẵn sàng phòng chống thiên tai; hãy thảo luận công khai về “Kokudo Kyojinka”; chính trị phải mang lại hi vọng cho nhân dân; nền tảng của một xã hội Nhật Bản dẻo dai bắt nguồn từ mối liên kết mạnh mẽ trong cộng đồng cơ sở; phải ban hành Luật cơ bản về Kokudo Kyojinka nhằm bảo vệ sinh mạng con người khỏi thiên tai; khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân bằng trí tuệ, sự sáng tạo và tiến bộ kỹ thuật, để không lặp lại bi kịch lần thứ hai; kiến tạo sự đồng thuận toàn dân tộc. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đưa ra tuyên ngôn số 2 về tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa: nhiệm vụ cấp bách nhất của chúng ta; tuyên ngôn số 3 về tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa: hướng tới xây dựng đất nước kiên cường và dẻo dai trước thiên tai.

Phần 2: Bài học từ những trận động đất lớn. Ở đây, các tác giả tập trung phân tích những bài học đáng nhớ từ trận đại động đất Đông Nhật Bản trong đó đề cập đến định mệnh của nước Nhật; công khai và che giấu thông tin; những công trình nhân tạo mong manh và tạo vật tự nhiên vững chãi; sức mạnh của văn hóa; văn hóa Satoyama và Okuyama.

Phần 3: Lý thuyết cơ bản về tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa. Trong phần này, các tác giả bàn luận về khái niệm Kokudo Kyojinka – tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa là gì?; hướng tới một đất nước vững mạnh, dẻo dai; sức dẻo dai của Nhật Bản trong mạng lưới Đông Á.

Phần 4: Đoàn kết toàn dân để “tăng cường sức bền bỉ của đất nước”. Phần này phân tích vấn đề tạo dựng một quốc gia cứng rắn và dẻo dai, trong đó có nhắc đến sự cần thiết của kiểm soát lũ lụt; chuẩn bị cho thời tiết khắc nghiệt; nâng cấp và duy trì cơ sở hạ tầng thủy lợi; hiện hình hóa mạch nước ngầm không nhìn thấy; các quan chức và người dân cùng nhau cải thiện cơ sở hạ tầng; văn minh và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, các tác giả cũng đề cập đến con đường khôi phục là gì?, các biện pháp cho Kokudo Kyojinka – tăng cường năng lực quốc gia và hướng tới xã hội an toàn lấy lao động làm trọng tâm.

Phần 5: Kế hoạch hành động nhằm khôi phục đất nước Nhật Bản mạnh mẽ và dẻo dai. Trong đó nhấn mạnh đến một số kế hoạch cụ thể như 200 nghìn tỷ yên đầu tư công trong 10 năm nhằm thực hiện kế hoạch khôi phục đất nước mạnh mẽ, dẻo dai ứng phó với thảm họa ở quần đảo Nhật Bản; 30 nghìn tỷ yên trong 5 năm để đối phó với động đất lớn; tăng cường những nhóm cộng đồng phòng chống thiên tai; mạng lưới thông tin và viễn thông nhiều tầng; bảo vệ các cơ quan chức năng quốc gia; đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định; hiệu ứng sóng kinh tế và hiệu ứng tạo ra việc làm.

Bên cạnh 5 phần chính, trong phần cuối của cuốn sách, các tác giả đã giới thiệu Luật cơ bản Kokudo Kyojinka – tăng cường năng lực quốc gia góp phần phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai gồm nguyên tắc chung; những phương châm cơ bản; kế hoạch cơ bản Kokudo Kyojinka; Ban xúc tiến Kokudo Kyojinka; và các điều khoản.

Như vậy có thể thấy, cuốn sách là một công trình đúc kết từ những bài học lớn lao mà chính dân tộc Nhật Bản đã phải trả giá bằng tính mạng hàng trăm nghìn người dân của mình qua suốt lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Việt Nam và Nhật Bản là hai đối tác chiến lược sâu rộng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và điều kiện tự nhiên. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo quý để độc giả Việt Nam nghiên cứu, vận dụng trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý, tổ chức xã hội để phát triển bền vững; phòng ngừa, thích ứng, vượt qua những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, nhất là trong bối cảnh của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận