Trang chủ

QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ NHẬT BẢN VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG Ở VIỆT NAM

Đăng ngày: 29-09-2017, 07:11 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc

Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2016, 359 trang

Kí hiệu: Vv 2837

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa  đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới. Ở nước ta, quá trình này cũng đang diễn ra ngày một mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn, dẫn đến quá trình đô thị hóa cũng đang diễn ra hết sức nhanh chóng. Quá trình này đánh dấu một bước phát triển quan trọng của đất nước, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, mức độ đô thị hóa đang tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quy hoạch và quản lý đô thị liên quan đến các khía cạnh về kinh tế - xã hội và môi trường. Trong hoàn cảnh đó, việc quản lý môi trường nhằm giữ vững sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ hết sức cần thiết đặt ra với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ những bài học kinh nghiệm lớn của các quốc gia có nhiều thành công trong quản lý môi trường, đặc biệt là Nhật Bản, Việt Nam cần xây dựng những chính sách cụ thể, thiết thực và hiệu quả nhằm thực hiện tốt nhất công tác quản lý môi trường, mà cấp bách nhất hiện nay là môi trường đô thị. Trước nhu cầu đó, tác giả Nguyễn Thị Ngọc đã nghiên cứu và cho ra đời cuốn sách “Quản lý môi trường đô thị Nhật Bản và khả năng ứng dụng ở Việt Nam”. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương như sau:

Chương 1: Khái quát chung về quản lý môi trường. Trong chương này, tác giả trình bày về quản lý môi trường ở hai khía cạnh. Thứ nhất là khía cạnh lí luận và khoa học. Thứ hai là khía cạnh pháp lý.

Chương 2: Quản lý môi trường đô thị Nhật Bản. Ở chương này, tác giả giới thiệu khái quát về điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội và đô thị của Nhật Bản. Bên cạnh đó, tác giả cũng tập trung phân tích hiện trạng môi trường đô thị Nhật Bản và đưa ra các giải pháp quản lý môi trường đô thị của Nhật Bản.

Chương 3: Quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam. Phần này, tác giả trình bày khái quát về điều kiện địa lý tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội và đô thị của Việt Nam; phân tích hiện trạng môi trường đô thị Việt Nam; đưa ra các giải pháp quản lý môi trường đô thị Việt Nam. Đồng thời phân tích hiện trạng môi trường và công tác quản lý môi trường ở thành phố Hà Nội.

Chương 4: Đánh giá những tương đồng và khác biệt giữa đô thị Việt Nam và Nhật Bản ảnh hưởng đến công tác quản lý môi trường ở Việt Nam. Ở đây, tác giả đi sâu đánh giá hai mặt rõ rệt. Thứ nhất, đánh giá những điểm tương đồng giữa đô thị Việt Nam và Nhật Bản. Thứ hai, đánh giá những điểm khác biệt giữa đô thị Việt Nam và Nhật Bản ảnh hưởng đến công tác quản lý môi trường ở Việt Nam.

Chương 5: Đề xuất một số giải pháp quản lý môi trường đô thị cho Việt Nam từ kinh nghiệm quản lý môi trường đô thị ở Nhật Bản. Chương này, tác giả đề xuất 6 giải pháp quản lý môi trường đô thị Việt Nam cụ thể là: hoàn thiện và thực thi có hiệu quả luật pháp, chính sách; tăng cường chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, doanh nghiệp; sử dụng các giải pháp kinh tế một cách linh hoạt; thúc đẩy các hoạt động tự nguyện và tích cực của các thành phần xã hội trong bảo vệ môi trường; ưu tiên chương trình trọng điểm, phát triển công nghệ thân thiện với môi trường và chú trọng các giải pháp kỹ thuật quản lý khác; chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế về môi trường và một số giải pháp khác. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp quản lý môi trường đô thị cho Hà Nội.

Thông qua 359 trang, lối trình bày khoa học, dễ hiểu, cuốn sách đã mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề quản lý môi trường ở Nhật Bản cũng như ở Việt Nam và những bài học kinh nghiệm cho nước ta. Cuốn sách là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho bạn đọc.

Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận