Trang chủ

THOÁT BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP CỦA HÀN QUỐC VÀ GỢI Ý CHO VIỆT NAM

Đăng ngày: 28-07-2017, 08:10 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả:  Võ Hải Thanh

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, 231 trang

Kí hiệu: Vv2821

“Bẫy thu nhập trung bình” (Middle Income Trap- MIT) có thể hiểu là một tình trạng trong phát triển kinh tế khi mà một quốc gia đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định và giậm chân tại mức thu nhập ấy trong một thời gian dài mà không thể vượt qua ngưỡng đó để trở nên giàu có hơn, trở thành nước có thu nhập cao. Ngân hàng Thế giới (2012) ước tính trong 101 nền kinh tế thu nhập trung bình vào năm 1960, chỉ có 13 nền kinh tế đã trở thành các nền kinh tế có thu nhập cao vào khoảng 2008. Các nền kinh tế đó là Guinea, Hy Lạp, Hồng Kông (Trung Quốc), Ai-len, Israel, Nhật Bản, Mauritius, Bồ Đào Nha, Puerto Rico, Hàn Quốc, Singapore, Tây Ban nha và Đài Loan. Các nước Mỹ La tinh và ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philipines không vượt qua được “bẫy” thu nhập trung bình sau những bước phát triển nhảy vọt đáng ngạc nhiên trong suốt 2 thập niên 1970- 1980. Trái lại các nền kinh tế khác thuộc khu vực Đông Bắc á như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông và đặc biệt là Hàn Quốc đã vượt qua và gia nhập vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao một cách nhanh chóng chỉ trong vòng hơn hai thập niên.

Vào năm 1960, Hàn Quốc vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD. Trình độ phát triển của Hàn Quốc lúc bấy giờ cũng tương tự như các nước đang phát triển khác ở châu Á. Tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì đáng kể, cơ sở hạ tầng thì bị tàn phá sau chiến tranh và dường như mọi điều kiện đều không có nhiều triển vọng cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 30 năm, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã tăng từ dưới 100 USD lên gần 10.000 USD, Đưa Hàn Quốc trở thành nước có thu nhập cao, gia nhập nhóm các nước OECD vào năm 1996, và thu nhập đầu người đã tiếp tục tăng lên không ngừng đến hơn 20.000 USD kể từ năm 2007 và đến nay đã đạt ngưỡng 30.000 USD. Thực tế cho thấy, Hàn Quốc đã phát triển bằng con đường hướng tới các ngành công nghiệp chủ chốt định hướng xuất khẩu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệ cao, thúc đảy khu vực tư nhân (Chaebols), thiết lập một nền kinh tế thị trường và dân chủ, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, khai phá các ngành công nghiệp mới, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế sâu rộng…, Hiện nay, Hàn Quốc đã từ một quốc gia nhận viện trợ trở thành một quốc gia hỗ trợ viện trợ cho các nước khác ( Thành viên của Ủy ban hỗ trợ phát triển OECD năm 2009).

Cuốn sách thoát bẫy thu nhập trung bình: nghiên cứu trường hợp của Hàn Quốc có ý nghĩa về mặt lý luận và thực tiễn. Từ đó có thể đưa ra những gợi ý hữu ích cho các nước đang phát triển đi sau và có nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình trong đó có Việt Nam. Sách gồm 4 chương

Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn về bẫy thu nhập trung bình.  Ở chương này có những khái niệm về mức thu nhập trung bình, khái niệm về bẫy thu nhập trung  bình và lý do mắc bẫy. Thuật ngữ  “bẫy thu nhập trung  bình” – “middle income trap” lần đầu tiên xuất hiện trong một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là “Sự phục hồi Đông Á: ý tưởng cho tăng trưởng kinh tế” đã chỉ ra rằng “các nước thu nhập trung bình … tăng trưởng châm hơn các nước giàu hay các nước nghèo”. Từ đó, khái niệm bẫy thu nhập trung bình bắt đầu được tranh luận nhiều hơn và phổ biến hơn, mặc dù cho đến nay sự đồng thuận hay thống nhất của khái niệm này vẫn chưa xuất hiện. Có nhiều Nghiên cứu về “bẫy thu nhập trung bình” của các học giả trên thế giới… Trong chương này tác giả cũng đưa ra lý do mắc bẫy thu nhập trung bình và thực tiễn thoát bẫy (hay tránh được bẫy) thu nhập trung bình của một số nước Đông Á.

Chương 2. Một số mô hình phát triển tiêu biểu trên thế giới và mô hình phát triển của Hàn Quốc. Với mục một số mô hình phát triển tiêu biểu trên thế giới tác giả nghiên cứu mô hình Anglo-Saxon > < Mô hình châu Âu lục địa và mô hình phát triển châu Á. Đi sâu hơn tác giả nghiên cứu định vị mô hình phát triển của Hàn Quốc, Mô hình nhà nước phát triển của Hàn Quốc. Đây là mô hình kinh tế nhà nước chỉ đạo ở Hàn Quốc đã từng rất được ngưỡng mộ bởi những kỳ tích phát triển dài hạn mà nó đạt được và nó đã được coi là mô hình lý tưởng cho nhiều nước học tập cho đến tại thời gian gần đây. Ngoài những kỳ tích kinh tế của nó, mô hình này còn có nhiều ưu điểm hấp dẫn xét từ góc độ xã hội ví dụ như: giảm nghèo, việc làm suốt đời trong các công ty lớn và phân phối thu nhập tương đối bình đẳng. Cùng với đó tác giả đưa ra cơ sở lý luận về mô hình dân chủ và nền kinh tế thị trường, và vai trò của Chính phủ ở Hàn Quốc (giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế 1997) .

Chương 3 Nghiên cứu trường hợp thoát bẫy (hay tránh được bẫy) thu nhập trung bình của Hàn Quốc.  Trong chương này tác giả nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn về  quá trình tăng trưởng kinh tế thần kỳ và tránh được bẫy thu nhập trung bình của Hàn Quốc. Nền kinh tế Hàn Quốc giai đoạn thu nhập thấp và những đặc trưng chủ yếu đó chính là chính sách thay thế nhập khẩu ( 1953-1960)  và kế hoạch kinh tế 5 năm, Công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu và Chính phủ chỉ đạo (1960-1970). Kinh tế Hàn Quốc giai đoạn thu nhập trung bình, thoát bẫy thu nhập trung bình và những chính sách phát triển kinh tế chủ yếu. Hàn Quốc đã thúc đẩy các ngành công nghiệp nặng và hóa chất (HCI), ổn định vĩ mô và tự do hóa (1980-1990), khủng hoảng kinh tế năm 1997-1998 và tái cơ cấu vượt qua khủng hoảng. Cuối cùng là giai đoạn kinh tế Hàn Quốc thu nhập cao và những chính sách phát triển kinh tế - xã hội.  Trong giai đoạn này có giai đoạn tăng trưởng ổn đinh (2001-2007) , khủng hoảng kinh tài chính toàn cầu 2008 và các chính sách ứng phó vượt qua khủng hoảng và điểu chỉnh chính sách nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Cuối chương là một số những nét đặc trưng của sự phát triển kinh tế thần kỳ giúp Hàn Quốc thoát bẫy (tránh bẫy) thu nhập trung bình và một số hạn chế, thách thức đặt ra đối với nền kinh tế Hàn Quốc.

Chương 4 Một số liên hệ, so sánh và gợi ý cho Việt Nam. Ở chương cuối này tác giả nghiên cứu về sự chuyển đổi mô hình phát triển, liên hệ mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay có nhiều nét tương đồng với mô hình phát triển của Hàn Quốc thời kỳ tăng trưởng cao. Đưa ra sự khác biệt của mô hình phát triển định hướng xuất khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc.  Cuối cùng là một số kiến nghị cho sự cải cách đổi mới và chuyển đổi mô hình phát triển Việt Nam.  Đưa ra giải pháp cho một số vấn đề kinh tế cụ thể hiện nay. Những hạn chế, yếu kém của mô hình tăng trưởng kinh tế và nguy cơ rời vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam. Một số kiến nghị dự báo đối với Việt Nam nhằm tránh bẫy thu nhập trung bình để trở thành một số nước thu nhập trung bình cao trong 20 năm tới.

Phát triển hướng ngoại, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập khu vực và quốc tế sâu rộng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc thoát bẫy thành công. Với những nghiên cứu kinh nghiệm phát triển thoát bẫy của Hàn Quốc  cuốn sách có ý nghĩa tham khảo rất lớn cho các nước đang phát triển đi sau trong đó có Việt Nam.

Phương Thảo

0thảo luận