Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á NĂM 2015 TẬP 2: VĂN HÓA – XÃ HỘI – MÔI TRƯỜNG

Đăng ngày: 16-06-2017, 08:36 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Trần Quang Minh – Ngô Hương Lan (chủ biên)

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, 472 trang

Ký hiệu: Vv 2784

 

Tiếp nối thành công của cuốn sách Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2013 Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2014, năm nay Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tiếp tục lựa chọn những đề tài cấp cơ sở có chất lượng tốt nhất để biên tập thành cuốn sách Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2015. Tập 2 của cuốn sách tập trung vào ba phần đó là Văn hóa, Xã hội và Môi trường.

Phần I: Văn hóa. Trong phần này tác giả Ngô Hương Lan có bài Lỗi trong giao tiếp từ chối lời cầu khiến bằng tiếng Nhật của sinh viên Việt Nam. Bài viết giúp bạn đọc có thể tìm hiểu những điều cần lưu ý về mặt ngôn ngữ cũng như văn hóa khi thực hiện giao tiếp từ chối với người Nhật.

Tác giả Hạ Thị Lan Phi có bài viết Vấn đề Manga độc hại ở Nhật Bản. Bài viết tập trung tìm hiểu về Manga - truyện tranh Nhật Bản, văn hóa đọc Manga cũng như cách thức người Nhật Bản quản lý văn hóa phẩm Manga độc hại đối với thiếu niên, nhi đồng.

Bài viết Sự tiếp nhận sản phẩm văn hóa Hàn lưu trong giới trẻ Việt Nam của tác giả Phan Thị Oanh lại ngược dòng thời gian về những năm cuối thập niên 1990 để tìm hiểu quá trình du nhập và ảnh hương của văn hóa Hàn lưu vào Việt Nam như điện ảnh âm nhạc (K-pop), ẩm thực, thời trang….và những băn khoăn về cách thức tiếp nhận những ảnh hưởng tích cực, phòng ngừa và loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực đối với giới trẻ Việt Nam.

Phần II: Xã hội. Tác giả Phan Cao Nhật Anh có bài viết Vấn đề hội nhập xã hội của người lao động nước ngoài ở Nhật Bản. Bài viết đề cập đến những người lao động nước ngoài ở Nhật Bản, bao gồm người nước ngoài gốc Nhật, lưu học sinh, thực tập sinh, hộ lý, điều dưỡng viên, những người cư trú bất hợp pháp và những khó khăn của họ khi hòa nhập vào một nền văn hóa khác, một xã hội với những đặc trưng khác biệt như Nhật Bản.

Bài viết Kết hôn muộn và không kết hôn ở Nhật Bản hiện nay: Thực trạng và giải pháp của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân với những phân tích sâu sắc và số liệu minh chứng cụ thể giúp người đọc có thể hiểu được phần nào mặt tối của xã hội Nhật Bản - một xã hội già hóa, ít trẻ em với sự thay đổi quan niệm về hôn nhân, gia đình của người Nhật Bản hiện nay.

Bài viết Tôn giáo trong lĩnh vực giáo dục ở Nhật Bản từ sau chiến tranh thế giới II đến nay của tác giả Nguyễn Ngọc Phương Trang cho thấy những ảnh hưởng tích cực của các tôn giáo ở Nhật Bản như Thần đạo, Phật giáo, Kito giáo và các tôn giáo mới trong lĩnh vực giáo dục, cũng như học hỏi được cách thức mà Chính phủ Nhật Bản tận dụng và thu hút các tổ chức tôn giáo tham gia vào giáo dục.

Phần III: Môi trường. Trong phần này tác giả Lương Hồng Hạnh có bài viết Công nghệ xanh ở Hàn Quốc: Thực trạng và vận dụng. Đây là những phân tích, đánh giá sắc xảo về sự cần thiết của công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ thân thiết với môi trường và các chính sách khai thác, ứng dụng có hiệu quả của Hàn Quốc trong lĩnh vực này trên con đường trở thành một cường quốc về công nghệ xanh trên thế giới.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận