Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á NĂM 2015 TẬP 1: CHÍNH TRỊ - AN NINH – KINH TẾ

Đăng ngày: 16-06-2017, 08:35 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: Trần Quang Minh – Hoàng Minh Hằng (chủ biên)

Nhà xuất bản: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, 362 trang

Ký hiệu: Vv2777

 

Khu vực Đông Bắc Á từ lâu đã được coi là tâm điểm của sự chú ý bởi những diễn biến kinh tế, chính trị, an ninh phức tạp. Đây không chỉ là nơi tập trung nhiều cường quốc với những lợi ích chồng chéo mà còn tồn tại không ít những tranh chấp khó giải quyết. Được chọn lọc từ những đề tài nghiên cứu cấp cơ sở năm 2015 của các nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, cuốn sách Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2015 – tập 1: Chính trị - An ninh – Kinh tế sẽ cung cấp cho bạn đọc những nội dung kiến thức, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế của khu vực. Cuốn sách gồm 2 phần:

Phần 1: Chính trị - An ninh. Trong phần này, bài viết Cạnh tranh Trung - Nhật và những tác động đến chính trị và an ninh Đông Bắc Á giai đoạn 2010 – 2015 của tác giả Nguyễn Ngọc Nghiệp đã làm rõ những cạnh tranh về quân sự cũng như tầm ảnh hưởng quốc gia giữa hai cường quốc trong khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc. Theo tác giả, ở một chừng mực nào đó, tương lai chính trị và an ninh khu vực Đông Bắc Á phụ thuộc vào mức độ “gay gắt hay hòa dịu” của cạnh tranh Trung - Nhật.

Bài viết Chính sách hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc từ năm 1978 đến nay của tác giả Phan Thị Diễm Huyền lại đi sâu vào phân tích nội dung chính sách hiện đại hóa quân sự qua từng thời kỳ lãnh đạo của Trung Quốc. Tác giả đã chỉ ra những nhân tố bên trong cũng như bên ngoài thúc đẩy Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân sự và có những đánh giá về kết quả thực hiện chính sách này của Bắc Kinh.

Phần 2: Kinh tế. Tác giả Bùi Đông Hưng có bài Điều chỉnh chính sách công nghiệp của Nhật Bản trong những năm 90. Bài viết tập trung phân tích nguyên nhân và các nội dung điều chỉnh trong chính sách công nghiệp của Nhật Bản trong thập niên 90 của thế kỷ XX.

Tác giả Nguyễn Ngọc Mai có bài viết Trách nhiệm xã hội (CSR) của các doanh nghiệp tại Hàn Quốc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Bài viết đã làm rõ các khái niệm về trách nhiệm xã hội và quá trình nhận thức các khái niệm này ở Hàn Quốc cũng như tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại quốc gia này.

Bài Quản lý và sử dụng nguồn nhân lực nữ tại doanh nghiệp Hàn Quốc của tác giả Tống Thùy Linh đã nghiên cứu thực trạng, giải pháp quản lý và sử dụng nguồn nhân lực nữ tại các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tác giả Phí Hồng Minh với bài Các nhân tố chủ yếu chi phối quan hệ kinh tế giữa hai bờ eo biển Đài Loan từ năm 2000 đến nay chỉ ra các nhân tố nội tại cũng như các nhân tố hệ thống quốc tế tác động đến quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Cuốn sách đã đưa ra được một cách nhìn, cách tiếp cận của các nhà nghiên cứu trẻ về mối quan hệ hợp tác trong cộng đồng các nước khu vực Đông Bắc Á về phương diện chính trị - an ninh - kinh tế.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận