Trang chủ

TẬN DỤNG ƯU ĐÃI TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN – NHẬT BẢN VÀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – NHẬT BẢN ĐỂ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM

Đăng ngày: 7-06-2017, 08:50 | Danh mục: Giới thiệu sách

TẬN DỤNG ƯU ĐÃI TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ TOÀN DIỆN ASEAN – NHẬT BẢN VÀ HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC KINH TẾ VIỆT NAM – NHẬT BẢN ĐỂ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA VIỆT NAM

Tác giả: Bộ Công thương

Nhà xuất bản Công thương, Hà Nội, 2016, 279 trang

Kí hiệu: Vv2814

Việt Nam và Nhật Bản cùng nằm trong khu vực châu Á, gần gũi về địa lý, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ ngày 21/9/1973. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản duy trì được đà phát triển trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng… theo tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao về việc xây dựng quan hệ đối tác tin cậy ổn định lâu dài. Qua chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào trung tuần tháng 10/2006, Việt Nam và Nhật Bản đã quyết tâm đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới “quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phát triển”. Hai nước cùng tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEPA) ký tháng 4/2008. Sau ba năm đàm phán xây dựng đối tác kinh tế, ngày 25/12/2008 hai nước đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA). AJCEPA và VJEPA có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2008 và ngày 01/10/2009, mở ra triển vọng phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước.

AJCEPA và VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Hai Hiệp định cùng với các thỏa thuận kinh tế đã ký trước đó giữa Việt Nam và Nhật Bản tạo nên một khung khổ pháp lý toàn diện, ổn định và thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước. Thực thi AJCEPA và VJEPA mở ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu nước ta thâm nhập vào thị trường Nhật Bản. Do đó, để được hưởng lợi ích từ hai Hiệp định này và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, chúng ta cần tìm kiếm những giải pháp để tận dụng và khai thác có hiệu quả những ưu đãi trong hai Hiệp định này để đẩy mạnh xuất mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản.

Nhằm cung cấp những luận cứu khoa học và thực tiễn để tận dụng ưu đãi trong AJCEPA và VJEPA, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, Nhà xuất bản Công thương đã xuất bản cuốn sách “Tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam”. Cuốn sách gồm 4 chương:

Chương 1: Ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: trình bày tổng quan về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, những ưu đãi Việt Nam được hưởng trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và so sánh những ưu đãi Việt Nam được hưởng trong AJCEPA và VJEPA.

Chương 2: Thực trạng tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: trình bày về thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2015 về các phương diện như quy mô và kim ngạch xuất khẩu, cơ cấu và các mặt hàng xuất chủ yếu, đánh giá thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2015; Phân tích tình hình thực hiện AJCEPA và VJEPA và thực trạng tận dụng ưu đãi trong AJCEPA và VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2015; Đánh giá thực trạng tận dụng ưu đãi trong AJCEPA và VJEPA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản giai đoạn 2009 – 2015, đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Chương 3: Giải pháp tận dụng ưu đãi trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản và Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2025: trình bày bối cảnh quốc tế, Nhật Bản và trong nước ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2025; phân tích một số giải pháp chủ yếu tận dụng ưu đãi trong AJCEPA và VJEPA về phía Nhà nước và về phía doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Nhật Bản giai đoạn 2016 – 2025.

Chương 4: Một số thông tin cần biết khi kinh doanh với thị trường Nhật Bản: trình bày điều kiện tự nhiên, xã hội, thể chế và cơ cấu hành chính, hệ thống pháp luật và ngày nghỉ lễ của Nhật Bản; hệ thống thuế quan và phi thuế quan của Nhật Bản; vấn đề thành lập doanh nghiệp như văn phòng đại diện, văn phòng chi nhánh, công ty liên doanh, thủ tục thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh ở Nhật Bản, văn hóa kinh doanh Nhật Bản như giờ làm việc, một số nguyên tắc kinh doanh, tập quán tiêu thụ; kinh nghiệm xuất khẩu một số mặt hàng sang thị trường Nhật Bản như nội thất, rau quả, thủy sản, may mặc; và một số địa chỉ của các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản và Việt Nam.

Thông qua 279 trang, cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội những thông tin hữu ích để tận dụng tốt hơn những ưu đãi trong AJCEPA và VJEPA trong tương lai. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận