Trang chủ

Sinh hoạt khoa học: Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2016 “Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và tác động đối với Nhật Bản và an ninh Đông Á”

Đăng ngày: 31-05-2017, 02:28 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Ngày 29/5/2017, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức sinh hoạt khoa học trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở nghiệm thu trong năm 2016 “Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và tác động đối với Nhật Bản và an ninh Đông Á” do ThS. Nguyễn Ngọc Nghiệp, cán bộ Phòng Nghiên cứu Chính trị và An ninh khu vực làm chủ nhiệm đề tài. Buổi sinh hoạt khoa học có sự tham gia của toàn thể các cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Chủ nghĩa hòa bình tích cực là một tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, được Thủ tướng Shinzo Abe  nêu ra và giải thích tại Quốc hội Nhật Bản vào cuối năm 2013, trong đó nêu rõ rằng: “vì hòa bình và ổn định của thế giới, Nhật Bản phải có đóng góp tích cực hơn so với trước”. Chủ nghĩa hòa bình tích cực dựa trên chủ nghĩa hợp tác quốc tế, thay cho chủ nghĩa hòa bình thụ động vẫn tồn tại từ trước đến nay.

Sinh hoạt khoa học: Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2016 “Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và tác động đối với Nhật Bản và an ninh Đông Á”

ThS. Nguyễn Ngọc Nghiệp trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài

Trong phần trình bày kết quả nghiên cứu đề tài của mình, ThS. Nguyễn Ngọc Nghiệp đã khái quát về khái niệm, nội dung, nguyên nhân ra đời và thực tiễn triển khai chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản. Trên cơ sở đó, đề tài đưa ra một vài đánh giá về tác động của chủ nghĩa hòa bình tích cực đối với Nhật Bản; đối với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Qua các phân tích nêu trên, đề tài rút ra 6 nhận xét về chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản: 1. Khái niệm chủ nghĩa ở Nhật Bản tuy đã từng xuất hiện từ trước đây nhưng mới được chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe chính thức sử dụng vào năm 2013; 2. Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản là tư tưởng cần đóng góp một cách chủ động, tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới trên cả hai phương diện quân sự và phi quân sự dựa trên nguyên tắc cơ bản của hợp tác quốc tế; 3. Thông qua chủ nghĩa hòa bình tích cực, Nhật Bản cũng muốn nâng cao vị thế và vai trò của mình trên trường quốc tế; 4. Quá trình triển khai các hoạt động đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới của Nhật Bản bên cạnh những nước ủng hộ cũng gặp phải sự hoài nghi từ một số nước trong khu vực; 5. Chủ nghĩa tích cực của Nhật Bản có tác động dưới cả góc độ tiêu cực và tích cực, không chỉ tác động đối với khu vực mà còn tác động ngay cả với Nhật Bản; 6. Việc thực hiện chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản vẫn đang được tiếp tục.

Các nội dung ThS. Nguyễn Ngọc Nghiệp trình bày đã nhận được nhiều sự quan tâm và ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Các ý kiến đều đánh giá cao sự công phu và ý nghĩa thực tiễn của đề tài, đồng thời có nhiều câu hỏi, chia sẻ thú vị với chủ nhiệm đề tài. Một số vấn đề liên quan đến nội hàm khái niệm, nguyên nhân ra đời, ảnh hưởng của chủ nghĩa hòa bình tích cực đến các tầng lớp xã hội, các đảng phái của Nhật Bản; phản ứng của quốc tế…. đã được chủ nhiệm đề tài nhiệt tình chia sẻ, giải đáp.

 

Phương Hoa

0thảo luận