Trang chủ

Sinh hoạt khoa học: Đề tài cấp Bộ “Chính sách phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản và Hàn Quốc: Phân tích so sánh, bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách cho Việt Nam”

Đăng ngày: 1-03-2017, 04:15 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Đề tài cấp Bộ

Ngày 27/02/2017, tại phòng họp tầng 12, trụ sở số 1A, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học trình bày kết quả nghiên cứu của  đề tài cấp Bộ “Chính sách phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản và Hàn Quốc: Phân tích so sánh, bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách cho Việt Nam” do TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á làm chủ nhiệm đề tài. Hội thảo có sự tham gia của toàn thể các cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á.

Tại buổi sinh hoạt khoa học, TS. Trần Quang Minh đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài được thực hiện trong hai năm (2015 – 2016). Nội dung chính của đề tài được chia làm 4 phần: 1. Tổng quan về năng lượng sạch; 2. Chính sách và thực trạng phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản; 3. Chính sách và thực trạng phát triển năng lượng sạch của Hàn Quốc; 4. Nhận định đánh giá, so sánh và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Sinh hoạt khoa học: Đề tài cấp Bộ “Chính sách phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản và Hàn Quốc: Phân tích so sánh, bài học kinh nghiệm và gợi ý chính sách cho Việt Nam”

TS. Trần Quang Minh trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

Trên cơ sở đánh giá, so sánh chính sách phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản, Hàn Quốc, đề tài đã đưa ra các nhận định chung về cơ sở thực tiễn của các chính sách phát triển năng lượng sạch; về chính sách phát triển năng lượng sạch; về thực trạng phát triển một số dạng năng lượng sạch chủ yếu; về những thành công và hạn chế của chính sách phát triển năng lượng sạch của Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, đề tài đã đưa ra bốn nhóm gợi ý chính sách nhằm phát triển năng lượng sạch cho Việt Nam, đó là: Cần thực hiện một số giải pháp có tính chiến lược để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; Cần có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo; Từng bước phát triển thị trường năng lượng tái tạo; Thực hiện các giải pháp khuyến khích người dân và các tổ chức kinh tế sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nội dung TS. Trần Quang Minh trình bày đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các cán bộ Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Nhiều câu hỏi, vấn đề được đặt ra liên quan đến chính sách phát triển năng lượng tổng thể dài hạn của Nhật Bản; thực trạng sử dụng năng lượng ở Hàn Quốc; xu hướng sử dụng năng lượng ở Việt Nam hay các vấn đề về năng lượng hạt nhân; giá thành, chi phí sản xuất năng lượng tái tạo… đã được TS. Trần Quang Minh nhiệt tình giải đáp, chia sẻ.

Phương Hoa

0thảo luận