Trang chủ

ĐÀI LOAN TIẾN TRÌNH HÓA RỒNG

Đăng ngày: 30-12-2016, 03:29 | Danh mục: Giới thiệu sách

Ký hiệu: Vt 498

Tác giả: Hoàng Gia Thụ

Nxb Thế giới, 775tr., 2014.

Với diện tích 36.008 km2, Đài Loan quá nhỏ so với Trung Quốc đại lục, nguy cơ bị “giải phóng” là nỗi quan ngại ám ảnh đối với chính thể đảo này suốt hơn nửa thế kỷ nay. Đó là một nhân tố chính trị khắc nghiệt quy định sự phát triển của Đài Loan. Tuy nhiên, sự “chống lưng” của Mỹ với hạm Đội 7 có mặt ngoài eo biển Đài Loan ngay từ sau chiến tranh Triều Tiên 1953 và đặc biệt, “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Đài Loan” 12/1954, chính là lý do cân não khiến mọi kế hoạch “thu hồi Đài Loan” của đại lục từ đó đến nay vẫn “chưa có cơ hội” để thực hiện. Có thể nói, việc đánh giá vị thế của Đài Loan trong sự phát triển thế giới sẽ còn là vấn đề gây tranh cãi. Cả Trung Quốc và Mỹ, trong thế kỷ XX, đã sử dụng Đài Loan như một “nước cờ” lợi hại. Mỹ đã dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc không thể nói là kém thành công. Ngược lại, sau những thất bại chiếm đóng lúc ban đầu, Trung Quốc cũng bắt đầu “thủ lợi” không ít trong vấn đề Đài Loan trong những thập niên gần đây. RiêngĐài Loan, ý thức được thế ngặt nghèo, đã biết làm thế nào để giữ được độc lập, làm nên một Đài Loan hiện đại, dân chủ và thịnh vượng, một “con rồng” châu Á.

Cuốn sách “ Đài Loan tiến trình hóa rồng” của Giáo sư Hoàng Gia Thụ đã tái hiện bức tranh toàn cảnh về tiến trình phát triển của một trong bốn con rồng châu Á này trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1988, dưới thời kỳ cầm quyền của “vương triều Tưởng”. Giáo sư Hoàng Gia Thụ là một chuyên gia về vấn đề Đài Loan, đã dành trọn năm năm biên soạn nên cuốn sách này.

Cuốn sách gồm 18 chương:

Chương 1: Trên nền máu. Chương 2: Chính quyền Tưởng trong bầu trời ảm đạm. Chương 3: Thể chế nước đôi. Chương 4: Hai chính sách lớn. Chương 5: Cuộc “cải tạo” của Quốc dân đảng. Chương 6: Hoàn thiện ba hệ thống lớn. Chương 7: Sự chống đối của phái “Tự do” trong Đảng. Chương 8: Trung Quốc tự do và phe chống đối. Chương 9: Chiến tranh giữa hai bờ eo biển và mâu thuẫn Mỹ - Tưởng. Chương 10: Bóng đen của “ hai nước Trung Quốc”. Chương 11: Vạn mã cùng hý thật đáng thương. Chương 12: Tăng cường gia đình trị. Chương 13: Phòng tuyến ngoại giao liên tiếp đổ vỡ. Chương 14: Chính sách mới của Tưởng Kinh Quốc. Chương 15: Ngoài Đảng vùng lên. Chương 16: Giữa “thống nhất” và “độc lập”. Chương 17: Đêm trước chuyển hướng. Chương 18: Hai năm cuối của “vương triều Tưởng”.

Qua mười tám chương sách, toàn bộ quá trình dân chủ của Đài Loan đã được tái hiện lên một cách rõ nét. Có thể nói, việc thực thi quyền lực dân chủ trong xã hội Đài Loan , về cơ bản, là do dân quyết định, đã vì quyền lợi của số đông, vì lợi ích của đất nước. Người dân Đài Loan ngày nay, hơn hẳn các nước châu Á khác, kể cả Hàn Quốc, Singapore về mức độ tự do -  tự do lập hội, tự do báo chí, ngôn luận, tự do ứng cử, bầu cử... không thua kém gì các nước phát triển khác. Đài Loan là một hiện tượng chuyển hóa ngoạn mục từ chế độ độc tài sang nền dân chủ non trẻ nhưng vững chắc. Bài học cất cánh của Đài Loan quả thực đáng để cho các nước đi sau suy ngẫm vận dụng.

Cuốn sách “Đài Loan tiến trình hóa rồng” sẽ hứa hẹn mang lại cho độc giả Việt Nam một góc nhìn chân thực về lịch sử hòn đảo xinh đẹp – một trong bốn con rồng của châu Á.

Nguyễn Thị Ngọc Anh

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận