Trang chủ

Tọa đàm khoa học “Địa chính trị Đông Bắc Á sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tương lai bán đảo Hàn”

Đăng ngày: 19-12-2016, 02:54 | Danh mục: Hoạt động khoa học, Hội nghị - Hội thảo

Sáng ngày 15/12/2016, tại hội trường tầng 12, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra chương trình tọa đàm khoa học “Địa chính trị Đông Bắc Á sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tương lai bán đảo Hàn” do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức.

Tham dự Tọa đàm, về phía Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam có ông Lee Chul, Tham tán Công sứ; ông Jang Won, Tham tán Chính trị và các cán bộ Đại sứ quán. Về phía Việt Nam, có TS. Trần Quang Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á; PGS.TS. Lê Văn Sang, Giám đốc Trung tâm Châu Á – Thái Bình Dương Hà Nội; GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc; PGS.TSKH. Trần Khánh, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, cùng sự tham gia của các cán bộ chủ chốt Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. TS. Trần Quang Minh và ông Lee Chul đồng chủ trì Tọa đàm.

Tọa đàm khoa học “Địa chính trị Đông Bắc Á sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tương lai bán đảo Hàn”

TS. Trần Quang Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Lee Chul nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các đại biểu và đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm của Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á. Ông Lee Chul cũng nêu rõ lý do, mục đích và nội dung của Tọa đàm, trong đó nhấn mạnh: Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về xã hội, lịch sử và địa chính trị trong khu vực. Thời gian qua giữa Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có sự hợp tác nhiều mặt trong đó đã cùng nhau tổ chức nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi thông tin liên quan đến tình hình chính trị, an ninh khu vực Đông Bắc Á. Thông qua buổi Tọa đàm này, Đại sứ quán Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á sẽ tiếp tục chia sẻ những thông tin, đánh giá về tình hình khu vực Đông Bắc Á và vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên. Qua đó cùng tìm ra tiếng nói chung cũng như những giải pháp để đối phó, hợp tác trong tình hình hiện nay.

Tọa đàm được chia làm 2 phiên. Phiên 1: Tình hình địa chính trị khu vực Đông Bắc Á dưới chính sách mới của Mỹ sau bầu cử. Trong phiên này, các đại biểu đã được nghe PGS.TS. Lê Văn Sang, GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, PGS.TSKH. Trần Khánh phân tích, đánh giá cục diện địa chính trị khu vực Đông Bắc Á thời gian tới trong đó tập trung dự đoán, đánh giá quan hệ của Mỹ đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử và tác động của cục diện này tới Việt Nam trong thời gian tới. Phần trình bày của các diễn giả nhận được nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu Việt Nam và Hàn Quốc tham dự Tọa đàm, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông dưới tác động từ chính sách mới của chính phủ Mỹ sau bầu cử; định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Quốc; cá tính và ảnh hưởng chính sách cứng rắn và quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump.…

Tọa đàm khoa học “Địa chính trị Đông Bắc Á sau bầu cử Tổng thống ở Mỹ và tương lai bán đảo Hàn”

Toàn cảnh Tọa đàm

Phiên 2: Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và tương lai bán đảo Hàn. Trong phiên này, các đại biểu đã được nghe hai phần trình bày của TS. Trần Quang Minh (về diễn biến của khủng hoảng hạt nhân, nguyên nhân sâu xa vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và đánh giá về triển vọng giải quyết vấn đề trên) và ông Jang Won (khái quát về tiến trình đàm phán hạt nhân Triều Tiên; hành động đe dọa hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và phản ứng của cộng đồng quốc tế; đánh giá nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc). Phần trình bày của các diễn giả trong phiên 2 tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của các đại biểu tham dự xoay quanh các vấn đề liên quan đến hiệu quả thực chất của các nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc, biện pháp giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên…

Tọa đàm là diễn đàn trao đổi mở rộng, hữu ích giữa các chuyên gia, nhà khoa học xoay quanh các vấn đề liên quan đến cục diện địa chính trị Đông Bắc Á sau bầu cử Tổng thống Mỹ và tương lai bán đảo Hàn. Những ý kiến thảo luận của các đại biểu là nguồn tư liệu quí giá đối với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á trong quá trình nghiên cứu, nhận diện về nền chính trị, an ninh khu vực Đông Bắc Á đặt trong bối cảnh thế giới và khu vực đầy biến động thời gian tới.

Phương Hoa

0thảo luận